5. Cộng Đồng

Các ý niệm có mùa của chúng, như thực vật có mùa sinh trưởng của chúng, ra hoa và chín mùi của quả. Hạt giống có khả năng lớn lên ngay từ đầu, nhưng không nảy mầm cho đến khi mùa xuân đến. Với các ý niệm cũng thế. Mọi ý niệm đều khả hữu về mặt trừu tượng ở bất cứ thời kỳ nào, nhưng về mặt cụ thể không thể trở thành sự phát triển sống động cả trong đời sống cá nhân lẫn trong đời sống xã hội ở bất cứ thời đại nào không phân biệt. Điều này chỉ khả hữu nếu tư tưởng được coi như một diễn trình máy móc, hoạt động của một lý trí cô lập. Ngược lại, nó là một diễn trình sinh tử của một con người sống động, và do đó chịu ảnh hưởng của các lực lượng và trạng thái của cả cá nhân lẫn cộng đồng mà họ thuộc về. Một ý niệm chỉ trở nên mạnh mẽ và phong phú trong con người khi mùa phải đến của nó đã đến; khi các ý niệm khác của họ được sắp xếp đến mức nó có thể có chỗ đứng giữa chúng; khi linh hồn họ mang lại cho nó một phản ứng quan trọng, và có những căng thẳng tâm lý được nó làm cho thư giãn hoặc tăng cường. Và trong xã hội, một ý niệm chỉ trở nên sinh hoa kết trái, bén rễ và phát triển các khả thể nội tại của nó khi đất được chuẩn bị kỹ càng cho nó.

Như thế, ý nghĩ - hay đúng hơn kinh nghiệm – của xã hội có những giờ phút chỉ định của nó. Chỉ cách đây không lâu, con người cảm thấy mình như một tiểu vũ trụ tự lập. Họ có xu hướng coi các dây nối kết họ với đồng loại của họ - như Nhà nước, gia đình có chung các ý nghĩ - hoặc như các ảo tưởng hoặc như các định chế thuần túy phục vụ các mục đích thực dụng hoặc bảo đảm an toàn cho chính họ. Điều duy nhất họ biết chắc chắn là chính bản thân họ, sự hiện hữu của họ trong và cho chính họ. Về những người khác, và về mối tương giao với những người này, họ chỉ ý thức được như một điều gì đó đáng hoài nghi và tối tăm.

Điều đó do một khiếm khuyết tâm lý. Họ thiếu nhận thức từ bản năng về thực tại bên ngoài, và đặc biệt là về những tâm trí khác. Họ không ý thức được cuộc sống bên trong của những người này như một dữ kiện cho kinh nghiệm của riêng họ, ít nhất không như một điều đang ảnh hưởng tích cực đến họ. Thái độ này có thể được phát biểu trong nhiều cách hoàn toàn khác nhau, từ thờ ơ lạnh lùng đến bạo lực tàn nhẫn. Đúng là lòng ước muốn đối với người khác quả có được cảm nhận, lòng khao khát muốn được bảo đảm rằng một đồng loại đang thực sự hiện hữu ở đó, lòng khao khát được thấu hiểu và thành đồng bạn. Nhưng nó luôn bị cắt ngắn bởi ý nghĩ tuyệt vọng này, "Điều đó bất khả. Tôi đang bị giam cầm trong sự cô lập của mình". Một tâm tư căn bản của chủ nghĩa cá nhân đã cắt đứt con người khỏi các bạn bè của họ.

Nếu con người muốn thoát khỏi sự tuyệt vọng hoặc sự nhẫn nhục đầy chán nản, họ không còn gì khác ngoài việc tạo ra một nhân đức do sự cần thiết khốc liệt của họ, và đây quả là một nhân đức rất nghiêm khắc và cay đắng. Họ hẳn biến đổi lòng khao khát của họ thành kiêu hãnh, và lòng mong muốn của họ thành bác bỏ; họ hẳn ráng tự thuyết phục bản thân rằng "cuộc sống chung làm cho con người trở thành tầm thường" và sự cô lập kiêu hãnh mới là thái độ cao quý duy nhất.



Nhưng khi con người mở mắt ra, họ sẽ thấy tất cả những điều trên là sai lầm biết bao! Con mắt được mở ra, không phải bằng lập luận - lập luận rất yếu trong những vấn đề có tính sinh tử - mà là bởi một sự biến đổi tâm lý. Con người được hoàn toàn thay đổi. Những sức mạnh mới đã hoạt động trong linh hồn họ, và họ đã vượt thoát chủ nghĩa cá nhân. Khả thể cộng đồng đã trở nên hiển nhiên đối với quan điểm mới của họ. Nó cũng không phát sinh từ sự tiếp hợp có chủ ý của các cá nhân tự lập. Đây là quan niệm sai lầm đang làm nghèo đi đời sống xã hội của chúng ta và chia rẽ các quốc gia. Không xã hội nào là một điều hiển nhiên không cần chứng minh. Nó cũng đệ nhất đẳng và cần thiết như cá tính. Và ngày nay, chúng ta tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng quá lâu sự cô lập tự áp đặt cho chính mình.

Sự khốn khổ hiện nay của châu Âu há không phải là cơn co giật cuối cùng và khủng khiếp nhất của căn bệnh cũ này sao? Khi đến thời điểm thích đáng, người ta chắc chắn sẽ tri nhận rằng quốc gia nào cũng phụ thuộc vào những quốc gia khác, cá nhân nào cũng phụ thuộc vào đồng loại của mình. Các học thuyết triết lý chủ trương cô lập sẽ không thành công trong việc giữ cho con người tách rời nhau. Họ sở hữu một hiện hữu đầy bóng tối bao lâu linh hồn họ xa lạ với nhau. Nhưng ngay khi cảm thức xã hội về cộng đồng bừng dậy, tất cả những lý thuyết như vậy sẽ bị quét sạch. Đối với các quốc gia, mùa xuân này cũng sẽ đến. Đôi mắt của họ sẽ được mở ra; và họ sẽ thấy rằng họ thuộc về nhau. Vào ngày đó, tất cả các học thuyết chủ trương vị kỷ quốc gia, tất cả các hệ thống kinh tế và chính trị dựa trên sự ngờ vực và cô lập lẫn nhau, sẽ tan biến trong mây khói.

Vâng, trải nghiệm này của cộng đồng con người đã đến với nhiều người, và những người còn lại ít nhất đã chịu ảnh hưởng của nó. Con đường dẫn đến linh hồn của người khác đã rộng mở. Các học thuyết của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa duy ngã có quan hệ gì đối với chúng ta? Rốt cuộc, con đường dẫn đến linh hồn của một người khác có xa xôi hơn con đường dẫn đến linh hồn tôi không? Bùa mê đang tan biến. Cuộc sống chung không làm con người ra tầm thường. Điều đó chỉ đúng với kiểu cộng đồng sai lầm. Một xã hội tốt là cội nguồn của hạnh phúc và sức mạnh. Nó thử nghiệm tính mềm dẻo và sức phản kháng của nhân cách chúng ta. Theo nghĩa cao nhất, nó là một nhiệm vụ, và là một công trình cao cả.

* * * * *

Ý chí muốn có cộng đồng đã trở nên mạnh mẽ đến mức đang thu hút con người gần như hết sức mạnh mẽ vào đồng loại của họ, tuy từ ngữ này, giống như mọi thứ có giá trị khác, đã trở thành một khẩu hiệu rẻ tiền. Chúng ta đã nhận thức được các khả thể độc hại của một hình thức sùng bái cộng đồng quá mức. Nó có khả năng hủy hoại nhân cách. Chúng ta bắt đầu hiểu yếu tố chân lý trong chủ nghĩa cá nhân cũ và nhận ra rằng xã hội cũng có các vấn đề của nó.

Vấn đề liệu chúng ta có thể tiếp cận với linh hồn của người khác hay không không phải là vấn đề duy nhất. Nó đã được trả lời một lần và mãi mãi khi bản chất về nền tảng vốn có tính xã hội của con người lần đầu tiên được trải nghiệm. Nhưng câu trả lời đã đặt ra một câu hỏi xa hơn: đâu là mối liên hệ giữa cá nhân tự do và xã hội? Loại xã hội nào có giá trị, loại xã hội nào ngược lại? Loại xã hội nào làm ta cao quý, loại xã hội nào làm ta giảm giá trị? Khi nhìn nhận nhân cách độc lập và cộng đồng chân thực với người khác là hai cực của cuộc sống con người, chúng ta tự hỏi, cực này nên được cấu thành như thế nào, nếu cực kia cùng hiện hữu với nó? Làm thế nào cực này được làm cho hoàn hảo bởi cực kia?

Tôi yêu cầu các bạn kiên nhẫn trong khi tôi trình bầy cho các bạn vài điều về cuộc họp cuối cùng của Hiệp hội Quickborn [1] tại Burg Rothenfels. Vào dịp đó, các đòi hỏi của cộng đồng đã được nhấn mạnh. Người ta nói với chúng ta rằng, cá nhân bị ràng buộc với các đồng loại của mình bằng một lòng trung thành tự nhiên, và cam kết với họ với tất cả những gì họ là và tất cả những gì họ có. Họ phải coi mình như một thành viên của cùng một cộng đồng với các tầng lớp và bộ phận khác của đồng bào mình, cống hiến cho họ tất cả và nhận lại từ họ tất cả.

Như thể do một kế hoạch có phối hợp, ở một số thời điểm khác nhau, giữa những cuộc thảo luận này bỗng xuất ý niệm nhân cách, và càng lúc càng trở nên mạnh mẽ. Cộng đồng phải được cấu thành ra sao để phẩm giá và sự tự do bên trong của nhân cách cá thể vẫn có thể khả hữu trong đó. Vì nhân cách tự do là giả thiết của mọi cộng đồng đích thực. Những người nắm vững những gì đang xảy ra đã rất kinh ngạc. Trước đây, chưa bao giờ tôi cảm nghiệm sâu sắc như thế sức mạnh của sự sống tự duy trì một cách tự nhiên, khi nó không bị kìm hãm bởi vũ lực.

Vấn đề tối cao thực sự là - làm thế nào để một xã hội có thể cường tráng và đâm rễ sâu, trong đó bản thân các thành viên của nó phó thác cho nhau, và cùng một lúc, nhân cách kế thừa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tự do?

Tôi phải nhắc lại một lần nữa, nó nằm ngoài phạm vi năng lực tự nhiên của con người. Một trong hai điều phải xảy ra. Hoặc quyền lực của cộng đồng sẽ phá vỡ mọi giới hạn, cuốn trôi nhân cách tự do của cá nhân, và tước bỏ phẩm giá tinh thần của họ, hoặc nếu không thì nhân cách cá nhân sẽ tự khẳng định mình một cách chiến thắng, và trong diễn trình này, cắt đứt mối liên kết hữu cơ của nó với cộng đồng. Tội lỗi nguyên tổ đã phá vỡ cơ cấu căn bản của đời sống con người một cách hết sức sâu xa.

Nhưng Giáo hội đứng trước chúng ta như Sức mạnh vĩ đại duy nhất có thể làm cho một cộng đồng hoàn hảo thành khả hữu khi các thành viên là những nhân cách chân chính.

* * * * *

Trước hết và trên hết, Giáo hội tạo ra một cộng đồng đích thực. Giáo hội thực hiện một cộng đồng chân lý, sở hữu chung những thực tại siêu nhiên tối cao mà đức tin làm cho chúng ta ý thức được. Chúng là các nền tảng của sự sống siêu nhiên, cho mọi người như nhau - Thiên Chúa, Chúa Kitô, ân sủng và công trình của Chúa Thánh Thần.



Điều trên có ý nghĩa gì đối với cộng đồng? Tất cả các thành viên của nó đứng trên cùng một nền tảng. Cùng các lực lượng như nhau đang hoạt động trong mọi người như nhau. Cùng các mục đích như nhau được mọi người nhìn nhận. Các phán đoán của họ dựa trên cùng các tiêu chuẩn định giá như nhau. Họ nhận ra cùng những lý tưởng về sự hoàn thiện luân lý của con người, và các thiên hướng căn bản của họ y hệt nhau. Bất chấp tất cả những khác biệt của họ, mối liên kết giữa những người coi trọng đức tin Công Giáo của họ hẳn phải khăng khít xiết bao. Nhận thức người ta có thể có về người khác hẳn phải sâu xa đến chừng nào! Vì họ biết các động cơ cuối cùng đã đưa đến các quyết định luân lý của họ và các niềm tin hướng dẫn tác phong sống của họ.

Người ta có thể có kiến thức trên về người khác vì các cuộc sống của cả hai đều bắt nguồn từ cùng những thực tại tối hậu. Người ta có thể giúp đỡ người khác, vì họ không cần tìm lý do mới có thể tin tưởng nơi người này. Cơ sở sâu sắc nhất của sự tin tưởng lẫn nhau là điều hiển nhiên đối với cả hai. Sự an ủi thực sự trở nên khả hữu, vì cơ sở của nó đã được cả hai bên thừa nhận. Có một sự nghiêm túc chung về mục đích, một việc thánh hiến chung, và một việc thờ phượng chung, vì cùng những sự kiện và mầu nhiệm cao siêu được mọi người tôn vinh như nhau. Có một nỗ lực chung và một cuộc đấu tranh chung, vì các mục tiêu cuối cùng của mọi người đều y như nhau. Có một niềm vui chung - niềm vui trong các lễ hội của Giáo hội - vì nguyên nhân của niềm vui không cần phải tìm kiếm xa xôi và sau một cuộc tìm kiếm lo lắng. Niềm vui ở khắp mọi nơi, và do đó có thể là một nhân tố và mối liên kết của cộng đồng.

Cũng có một cộng đồng hy sinh, một cộng đồng yêu thương lẫn nhau, một cộng đồng của mệnh lệnh và sự vâng lời. Không ai có thể thực sự chịu vâng lời từ nội tâm nếu người đó không nhận thức được mối ràng buộc tối hậu giữa mình và cấp trên của mình. Nhưng khi họ nhận thức được điều đó, sự tín thác sẽ đi vào sự vâng lời của họ, niềm tin tưởng sẽ đi vào mệnh lệnh. Hơn nữa, không thể có một cộng đồng yêu thương nếu không có dây ràng buộc, trên đó sự tự phó thác lẫn nhau đặt cơ sở. Vì vậy, cộng đồng sự thật trở thành một cộng đồng của tình yêu, của đức vâng lời và của mệnh lệnh. Tuy nhiên, đây là những sức mạnh cấu thành xã hội, cũng là những nẻo đường trên đó một cây cầu được xây dựng giữa con người và con người, bằng tính trổi vượt, sự phục tùng và sự hợp tác bình đẳng.

Và tất cả điều này được thực hiện, không phải một cách rụt rè và thiếu tin tưởng, mà do đã ý thức được sự phụ thuộc lẫn nhau, sự tin tưởng lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm. Nhưng điều này chỉ khả hữu khi cộng đồng chân lý căn bản phải hiện hữu trước, làm nền tảng cho mọi biểu hiện khác của cộng đồng.

* * * * *

Có một cộng đồng sự sống, và nó sâu xa vô cùng. Cùng một dòng ân sủng chảy qua tất cả mọi người như nhau, cùng một quyền năng hoạt động của Thiên Chúa. Cùng một Đức Kitô đích thực hiện diện trong tất cả mọi người, lý tưởng và gương mẫu chính yếu của sự hoàn thiện, động cơ thúc đẩy chúng ta theo đuổi sự hoàn thiện và sức mạnh sáng tạo khiến sự hoàn thiện trở nên khả hữu.

Bí tích cộng đoàn, Rước lễ, là điều không thể hiểu được. Trong đó, con người là một với Thiên Chúa; Thiên Chúa đích thân liên kết với họ, và được ban cho họ như của chính họ. Nhưng không chỉ một người được kết hợp với Đấng Thiên Chúa duy nhất này, nhưng là tất cả đồng loại của họ. Và mỗi người tiếp nhận Thiên Chúa vào hữu thể bản vị của mình; tuy nhiên, mỗi người tiếp nhận Người thay mặt cho những người khác, cũng như cho vợ hoặc chồng, con cái, cha mẹ, họ hàng và bạn bè - cho tất cả những người mà họ được gắn bó bằng ràng buộc yêu thương.

Có một cộng đồng của tinh thần và đời sống tâm linh – Nhiệm thể Chúa Kitô. Nhờ Bí tích Rửa tội, cá nhân được sinh ra trong đó, sinh vào sự sống mới, siêu nhiên chung cho tất cả những ai sống nhờ Bí tích này. Nhưng họ chỉ mới là một thành viên của cơ thể này. Phép Thêm sức làm cho họ trở thành một thành viên trưởng thành, và cho họ các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong đó. Nó mang lại cho họ ủy nhiệm và năng lực để theo đuổi ơn gọi của họ cũng như làm việc cho Nước Thiên Chúa, với và cho những người khác. Rước lễ làm sâu sắc việc họ đồng hợp [community] với Thiên Chúa, với những người khác trong Thiên Chúa. Bởi tội lỗi, điều này bị phá vỡ hoặc suy giảm; trong Bí tích Thống hối, con người thừa nhận lỗi của mình trước vị đại diện của cộng đồng Giáo hội được Thiên Chúa chỉ định, đền bù tội lỗi và được tiếp nhận trở lại. Phép Xức dầu Sau hết ban cho họ sức mạnh để trung thành với sự đồng hợp này trong bệnh tật và cái chết. Hôn nhân đan kết vào nhau các cội nguồn của cộng đồng tự nhiên của cá nhân và giống nòi với các cội nguồn của cộng đồng siêu nhiên. Cuối cùng, trong phép Truyền Chức Thánh, người nam đã được rửa tội và thêm sức sẽ nhận được quyền hoạt động như người đại diện, chỉ huy và dẫn dắt của Thiên Chúa. Do đó, các bí tích là những hình thức và diễn trình, trong đó cuộc sống của cộng đồng siêu nhiên bắt đầu, tiến triển, phục hồi cơ sở đã đánh mất, và được sinh sôi nẩy nở liên tục.

Thánh lễ xuyên suốt là một hành vi cộng đồng. Sự thật này đã bị lãng quên khá phổ biến. Nó thường bị biến thành lòng sùng kính tư riêng của cá nhân. Nhưng bằng chứng của những thế kỷ Kitô giáo đầu tiên đã chứng minh tính chất cộng đồng của nó một cách đầy đủ. Giám mục chủ sự, và các linh mục của ngài đồng tế với ngài, như ngày nay các linh mục mới được phong chức đồng tế trong dịp họ được thụ phong. Dân chúng mang lễ vật của họ đến bàn thờ, và giữa những lễ vật này, bánh và rượu được chọn để làm vật tế lễ dâng thay cho mọi người. Và bản thân những lễ vật này được nhìn nhận như biểu tượng của cộng đồng. Vì bánh gồm nhiều hạt lúa mì, và rượu được ép từ vô số trái nho, nên Nhiệm thể Chúa Kitô bao gồm nhiều cá nhân. Dân chúng đích thân mang lễ vật của họ lên bàn thờ, hầu cho mọi người được thu hút vào sự hiệp nhất huyền nhiệm sẽ thành hiện thực khi chất của bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Tất cả được tham dự bữa tiệc thần linh, sau khi họ đã xua đuổi khỏi trái tim họ bằng nụ hôn hòa bình mọi thứ thù nghịch đối với cuộc sống cộng đồng. Khi Bánh thánh được bẻ ra, từng phần được đem tới các tù nhân và người bệnh. Một giám mục sẽ gửi nhiều phần sang cho một giám mục khác, như một dấu hiệu cho thấy tất cả đều hợp nhất trong một cộng đồng vượt quá các giới hạn của không gian. Và sau mỗi lần cử hành, một chút Bánh thánh được bảo quản cho đến lần sau và được nhúng vào Chén thánh, để chứng tỏ rằng sự hiệp nhất này vượt quá thời gian. Muốn khám phá nguồn gốc của tâm tư này, chúng ta phải đọc bài diễn văn của Chúa chúng ta sau Bữa Tiệc Ly (Ga 13-17), và các Thư của Thánh Phaolô và Thánh Gioan. Những nguồn này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một cách hết sức mạnh mẽ sự kiện này là chính Chúa Kitô đã thiết lập Hy tế và Bí tích của Người như những hành vi cộng đồng, những biểu thức của việc đồng hợp giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người ở trong Thiên Chúa, tất cả "trong Chúa Kitô" Đấng "đã làm chúng ta trở thành những người dự phần vào bản tính Thiên Chúa". Đó là niềm tin và thực hành của các Tông đồ, và của Giáo hội sau họ. Hãy đọc những gì các Giáo phụ Tông đồ [Apostolic Fathers] đã viết về chủ đề này, chẳng hạn các thư của Thánh Inhaxiô, và trên hết là đọc chính phụng vụ. Và mặc dù ngày nay, đặc tính cộng đồng này của phụng vụ không được trình bầy rõ ràng trong các chi tiết của nó, Lễ Tế Thánh Thiêng, hay quả thực là phụng vụ như một toàn thể, chỉ có thể hiểu được bởi những người được thấm nhuần sâu sắc tinh thần cộng đồng và ý muốn tham gia vào cuộc sống cộng đồng.

Còn tiếp