Thực tại hay siêu hình học của Thánh Tôma



Câu hỏi siêu hình học chủ yếu mà ngày nay người ta thường gán cho Heidegger thực ra là câu hỏi đã được Thánh Tôma nêu ra: tại sao có một điều gì đó thay vì không có điều gì? Cả Platông, người cho rằng vật chất luôn hiện hữu, lẫn Aristốt, người cho rằng thế giới của biến chuyển (becoming) là vĩnh cửu đều không trả lời được câu hỏi này. Cung ứng hơn một trình thuật tạo dựng là hoán đổi thần thoại lấy siêu hình học. Thánh Tôma thực hiện điều này bằng cách đề xuất sự phân biệt giữa hiện hữu và yếu tính để giải thích sự khởi đầu tuyệt đối của hữu thể và để cho thấy cơ cấu vốn làm cho tính đa dạng của các vật thể hữu hạn thành khả hữu.



Thánh Tôma sử dụng các công thức cổ truyền của siêu hình học một cách mới mẻ đối với thời ngài. Khi một học giả gặp các thuật ngữ như hành động/tiềm lực [act/potentiality], hữu thể, id quod est (điều hiện hữu), quo est (điều nhờ đó có hiện hữu), và tham dự, ông đã thừa nhận cách chính xác ảnh hưởng của Aristốt, Platông, và thậm chí của Boethius và Plotinus. Nhưng ông sẽ lầm khi đồng nhất tư tưởng của Thánh Tôma với tư tưởng của những người đi trước, vì Thánh Tôma sử dụng các công thức một cách hoàn toàn độc đáo.

Hãy xem ý niệm tham dự trong các bản văn của trường phái Tôma. Thánh nhân xác tín hơn Platông về điều việc tham dự giúp chúng ta lượng giá được những gì đang diễn biến trong vũ trụ tạo vật; ngài hết sức đồng ý với Thánh Bonaventura về việc ất cứ ai bác bỏ “các ý niệm” cũng bác bỏ Lời Thiên Chúa. Nhưng đối với Thánh Tôma, tham dự không phải là tham dự vào các ý niệm hay mô thức như trong Platông. Nó gần hơn với ý niệm tham dự vào thể vô hạn của phái Tân Platông nhưng cả ở đây, vẫn có sự khác nhau sâu xa. Trong khi đối với Plotinus, có sự tham gia vào Đấng Duy Nhất [One], thì đối với Thánh Tôma, có sự tham gia vào esse hay hiện hữu. Đối với ngài, việc tham dự này không hề chỉ là một hiện hữu hình bóng hay không có thực chất; hành vi hiện hữu [actus essendi] thực sự thuộc sự vật hữu hạn. Trong việc nhấn mạnh tới “tính chặt chẽ hữu thể học” [ontological consistency] của hữu thể này, chúng ta cảm nghiệm được ảnh hưởng không phải của phái Tân Platông mà là của Aristốt; vì đối với ông này, sự vật thực sự sở đắc các nguyên tắc cấu thành và hành động riêng của chúng.

Tuy nhiên, một lần nữa, không nên đồng nhất ảnh hưởng và căn tính. Vì dù quả thực cơ cấu hành động/tiềm lực được Thánh Tôma sử dụng để so sánh và tương phản hiện hữu và yếu tính với việc kết hợp mô thức – chất thể, ngài vẫn nói lên sự phân biệt thực sự giữa hiện hữu và yếu tính, như các bản văn chứng tỏ, về phương diện tham dự. Mãi mãi vẫn là một thành tựu rõ ràng của Thánh Tôma khi ngài khám phá ra tính bổ túc cho nhau của hai bộ óc vĩ đại nhất trong nền triết học Hy Lạp đến nỗi đã giảng dạy rằng triết học tham dự của Platông trở nên có giá trị chỉ trong nền triết học của Aristốt về kinh nghiệm trở thành [becoming], trở thành khả hữu nhờ “tiềm lực”, căn bản của mọi thay đổi và liên tục. Tiềm lực thụ động của Aristốt, áp dụng rất thích đáng vào việc giải thích sự thay đổi vật lý, được Thánh Tôma biến đổi thành việc phức tạp hóa và nhân thừa. Như nguồn gốc của những loại [species] khác nhau, tiềm lực được gọi là “yếu tính”; như nguồn các hoạt động chuyên biệt của một sự vật, tiềm lực được gọi “bản chất”. Vì yếu tính, tức điều giới hạn sự phong phú vô hạn của hiện hữu vào việc là vật này chứ không phải vật kia, có ý nói đến thực tại cụ thể như nền tảng của nó, nên có nhiều phạm vi cho việc biến hóa của các yếu tính y như cho việc biến hóa của sự vật đã được khoa học chứng minh.

Đôi khi, các nhà nghiên cứu Thánh Tôma không nắm được tương quan làm việc hỗ tương trong tổng hợp hiện hữu/yếu tính. Thí dụ, mỗi điều đều có phần để đóng góp: hành vi hiện hữu [actus essendi] bị giới hạn bởi người tiếp nhận yếu tính [essence-recipient] trong khi yếu tính trở nên thực chất nhờ hành vi hiện hữu mà nó tiếp nhận. Giống như nguyên liệu (prime matter), yếu tính được gọi là tiềm lực. Nhưng vì cả nguyên liệu lẫn yếu tính đều không phải là vô hữu [non-being] tuyệt đối, nên có thể nói về chúng như “hành vi bất toàn” trong tinh thần, dù không trong chữ nghĩa, của nền siêu hình học Thánh Tôma. Ngay Aristốt cũng nói tới việc chất thể phần nào mong có mô thức bản thể để khi gọi tiềm lực là hành vi bất toàn, chúng ta chỉ có ý nói thực tại hay năng động tính đó có thể hoạt động trong bất cứ sự vật chất thể nào trong đó tiềm lực không bao giờ ở một mình. Quan điểm về chất thể này phần nào được Thánh Tôma chứng thực trên bình diện siêu hình học khi ngài nói đến các nguyên tắc của hữu thể tạo vật - chất thể, mô thức, yếu tính, hiện hữu - như tham dự vào hành vi “esse” (hiện hữu).Nhờ đào sâu như thế việc phân tích siêu hình để bao gồm hiện hữu, có lẽ Thánh Tôma làm cho điều các người đi trước ngài trong triết học từng thoáng thấy thành minh nhiên, tức các đóng góp có tính nguyên nhân do chất thể và mô thức thực hiện và lòng mong muốn hoàn hảo hay thực tại. Thực vậy, sự tiệm tiến của việc tham gia vào hiện hữu này, đối với Thánh Tôma, trở thành căn bản cho cơ cấu phẩm trật của thế giới cũng như điểm khởi hành cho một suy diễn tất yếu tới Hữu Thể Không Tham Gia [Unparticipated Being] hay Thiên Chúa. Như thế, lý thuyết loại suy và nguyên nhân tính nổi tiếng của trường phái Tôma giả thiết lý thuyết tham gia. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi ngữ nghĩa học [semantics] trong việc phân biệt siêu hình học về hiện hữu và yếu tính là “lý thuyết loại suy” [analogy doctrine], vì nhớ rằng việc phân biệt này sẽ vô nghĩa ở bên ngoài nguyên nhân tính của việc tham gia từng được phái Tân Platông tiếp nhận và thích ứng với tính nhị nguyên duy nhất được Thánh Tôma coi trọng: tính nhị nguyên Thiên Chúa/tạo vật, vốn không phải là một siêu cơ cấu ý niệm mà là một đòi hỏi hiện sinh cho bất cứ cuộc đối thoại yêu thương nào.

Khi nghiên cứu nền siêu hình của Thánh Tôma, điều quá dễ dàng là bị mắc kẹt vào cuộc tranh luận không cùng về sự phân biệt thực sự giữa yếu tính và hiện hữu. Tự nó, việc phân biệt này không làm bận tâm Thánh Tôma và ta không nên tách biết nó khỏi giáo huấn tổng thể của ngài. Giống cá đồng nghiệp thời Trung cổ, Thánh Tôma quan tâm chủ yếu đến việc phân biệt giữa Thiên Chúa và con người. Cấu trúc siêu hình gồm yếu tính/hiện hữu của con người phân biệt họ một cách triệt để với Thiên Chúa, Đấng mà tính đơn giản bắt nguồn từ hành vi hiện hữu vô hạn vốn cũng chính là yếu tính của Người.

Nhưng nếu hữu thể hữu hạn chỉ là hình ảnh bất toàn của Hữu Thể Vô Hạn, nó vẫn là một hình ảnh vì vẫn có sự loại suy nào đó giữa các tạo vật có hiện hữu và Đấng Tạo Dựng vốn là Yếu Tính. Mọi sự đều như nhau trong việc chia sẻ mối tương quan luôn thay đổi giữa yếu tính và hiện hữu của mỗi một, và tất cả đều lệ thuộc tương xứng vào Thiên Chúa, Đấng mà mối tương quan với yếu tính và hiện hữu của Người là mối tương quan đồng nhất [identity]: yếu tính của Người là để hiện hữu. Vì các hoàn hảo tinh ròng hiện diện nơi các tạo vật đều có thể gán một cách tột độ cho Thiên Chúa, loại suy đích thực đối với các bản văn của Thánh Tôma không phải là loại suy của một mình “tính tương xứng đích đáng” [proper proportionality], như Cha Klubertanz đã lập luận rất đúng, mà là một kết hợp phong phú tính tương xứng và việc gán cho. Điều này có nghĩa: sự vật không chỉ giống Thiên Chúa vì chúng có cơ cấu yếu tính/hiện hữu, mà chúng còn họa ảnh Thiên Chúa bằng cách tham dự vào sự hoàn hảo của hữu thể. Trong lý thuyết tham dự của Thánh Tôma, các tạo vật có một sự tham dự nội tại, hữu hạn vào “hữu thể” vốn xác định ra sự hoàn hảo chuyên biệt và các khả thể phát triển tới hoàn hảo của chúng. Trong loại suy gán cho này hay trong sự giống Thiên Chúa về hoàn hảo này, sự giống nhau có tính nội tại đối với tạo vật và vì loại suy bắt nguồn trong hành vi hiện hữu (actus essendi), việc họa ảnh Thiên Chúa là một diễn trình tích hoạt [active].

Nơi con người, diễn trình trên có tính bản vị. Hành động bản vị càng hoàn hảo, thì nhân tính càng được đổi mới, cải thiện và gia tăng về phẩm chất. Vì diễn trình này đụng đến điều nội tại nhất của con người và là nguồn thực tại của họ, tức việc họ tham gia vào hiện hữu, nên các khả thể của con người cũng vô hạn như Đấng vốn là Cơ Sở của việc họ hiện hữu.

Và như thế, nền siêu hình Tôma mang lại cho chúng ta những hiểu biết về điều mắt không thể quan sát, việc đặt cơ sở hiện hữu cho diễn trình nhận thức, yêu thương và quyết định mà chúng ta vốn quen biết. Trong quan điểm này, chúng ta tiến đến chỗ thấy rằng con người không trừu tượng, không quan niệm hóa, không sở hữu hay nắm được Tuyệt Đối hay Sự Thật, họ được Tuyệt Đối đánh thức, trở nên ý thức trong chân trời Tuyệt Đối, và đáp trả chân, thiện, mỹ, vốn là sự hiện diện chân thực của Tuyệt Đối. Tương ứng với ơn gọi của con người trong việc thông đạt với Tuyệt Đối trong và qua các hành vi nhân bản là một số “các điều kiện tâm lý học”. Mặc dù, ý hướng tính [intentionality] và xu hướng vốn chủ yếu có tính hữu thể học, trong trật tự tâm lý học, chúng phát biểu việc tham gia vào hiện hữu [esse]: hiện diện trong thực tại này hay thực tại kia của một sức mạnh hay sự hoàn hảo vượt quá nó và lôi cuốn nó vựợt ra ngoài nó. Ý hướng tính, một thuật ngữ được nhiều người gán cho Husserl, có nghĩa “hướng về một điều gì khác”. Đó chính là thân phận của nhận thức con người, thân phận của dục vọng con người. Mối tương quan của hữu thể hữu thức hữu hạn đối với Esse Tuyệt đối là mặc nhiên trong chính hành vi nhận thức, trong chính hành vi yêu thương, hành vi quyết định. Vì hành vi “hiện hữu” hữu hạn là sự hiện diện có ý hướng của Thiên Chúa nơi tạo vật và đồng thời là “hành vi vốn là chính tạo vật”. Việc phân tích siêu hình học này cho thấy sự hoàn hảo tương đối của cá thể cụ thể cũng như sự không đầy đủ của nó. Thiên Chúa ở đó, hiện diện như Đấng ban sự hoàn hảo, ban thực tại, ban hiện hữu, cũng như lời hứa thành toàn.

Nề siêu hình hiện sinh không phải là nền siêu hình duy lý và như thế nhà siêu hình học hiện sinh không coi Thiên Chúa như deus ex machina (Thiên Chúa do máy móc mang đến), một Thiên Chúa lấp chỗ trống, mà như một chúa tể của thực tại và của lịch sử, cơ sở của mọi sự vật đang hiện hữu và đang trở thành. Nhưng sự không đầy đủ của con người có một chức năng quan trọng là dị biệt hóa họ khỏi Thiên Chúa trong khi cảnh cáo họ phải nhìn quá chính họ để tìm hạnh phúc, để khám phá ra mình chưa hoàn toàn là chính mình và mình đang trở thành chính mình nhờ liên hệ với người khác. Tuy con người không phải là một “phần” của thế giới như một toàn bộ hữu cơ, nhưng con người thừa nhận rằng điều mà nhiều người gọi là “những hữu thể khác” thực sự là thành phần cấu tạo ra chính mình. Như một người tham dự vào hiện hữu, vào lịch sử, mỗi con người đều có liên hệ hàng ngang với mọi người tham gia khác cũng như có liên hệ hàng dọc với Thiên Chúa như nguồn chung của tính “độc đáo” hiện sinh của họ. Trên bình diện tâm lý học, con người cảm thấy được thúc đẩy phải liên hệ chính vì một hệ thống, có thể nói như thế, các liên hệ hữu thể học có trước mà trong tư cách con người, ơn gọi của họ buộc họ đảm nhiệm một cách hữu thức. Do đó, ý niệm “hữu thể” đòi phải có ý niệm tương quan chứ không loại bỏ nó, vì chính trong việc phân tích hửu thể cụ thể về phương diện siêu hình học mà chúng ta khám phá ra sự lệ thuộc tuyệt đối của nó vào Thiên Chúa và sự lệ thuộc tương đối của nó vào các hữu thể khác. “Hiện hữu” theo Thánh Tôma là một ý niệm không phải tĩnh tụ mà cũng không phải không có tương quan; nền siêu hình học nào nghiên cứu hữu thể cụ thể không hề là duy lý nhưng hiện sinh, một nền siêu hình với lòng kính trọng cố hữu đối với sự phong phú của thực tại được nó nghiên cứu, khía cạnh huyền nhiệm hơn là khía cạnh có vấn đề của điều có thực và việc bất khả do đó mà có trong việc nói dứt khoát về các bản chất hay khả thể của sự vật.

Ý niệm chủ chốt của Thánh Tôma về tham gia vào esse không những chỉ một phức hợp các tương quan ý niệm hay các điều kiện của sự khả niệm mà thôi mà còn chỉ sự lệ thuộc hoàn toàn trong trật tự ba chiều của nguyên nhân tính: tức nguyên nhân kiểu mẫu [exemplary], nguyên nhân tác thành và nguyên nhân cứu cánh, của mọi tạo vật vào Đấng Tạo Dựng ra chúng.

Sự tham gia trên vào hiện hữu là một hồng ơn mà tính khả niệm của nó chỉ có thể tìm thấy nơi một mình tự do của Thiên Chúa mà thôi. Khi đối diện với điều này một cách trọn vẹn, chúng ta đối diện với mầu nhiệm yêu thương, mầu nhiệm vốn làm nền cho vũ trụ. Mọi tạo vật nhất là mọi con người đều là một hiển linh [epiphany] của tình yêu này, và năng lực đáp trả của con người đối với tình yêu này là điều hồng ơn đức ái có ý nói về. Nhưng vì mọi tình yêu đều bắt đầu bằng việc tạ ơn, và ý thức tiền triết học về sự khốn cùng của tạo vật khá phổ quát, nên chúng ta không cần phải loại bỏ khả thể đức ái ấy đồng hành với lòng biết ơn không rõ ràng và đầy mò mẫm của con người đối với Thiên Chúa.

Dù sao, khả thể kết hợp giữa hữu thể hữu hạn và hữu thể vô hạn có cơ sở ở ý niệm thực sinh luận [actualist**] của thánh Tôma về hữu thể như là xu hướng năng động luôn hướng về Thể Tuyệt Đối. Như thế, hữu thể hữu hạn phát biểu một cách thống nhất nghịch lý cùng một lúc cả tính cá thể hữu hạn lẫn giá trị tuyệt đối của hữu thể. Dường như, mọi con người biết bất cứ điều gì họ biết dưới ảnh hưởng tính vô hạn năng động của hữu thể đều là điều chân, và mọi con người đều muốn, dưới ảnh hưởng cùng một tính vô hạn năng động của hữu thể điều gì là thiện, ngoài ra, họ còn bị khích động bởi nét đáng yêu trong các hình thức hữu hạn của sự mỹ.

Nhiều điều từng đươc viết về sự phân biệt giữa yếu tính và hiện hữu hơn là về tính bất khả tách biệt của chúng. Tuy nhiên, chính nhờ theo chỉ dẫn của điều sau mà việc con người tiếp cận thực tại được bảo đảm. Không hề có việc khái niệm hóa nào [conceptualization] mà lại tách biệt khỏi việc hiện thực hóa [realization], và ta đạt được việc hiện thực hóa trong diễn trình phán đoán hiện hữu. Các công trình của Joseph Maréchal và André Marc cần được tham khảo bởi những ai muốn thấy làm thế nào cách tiếp cận của Thánh Augustinô đối với kinh nghiệm siêu hình từ bên trong đời sống tâm trí tìm được chỗ đứng trong việc Thánh Tôma phân tích các điều kiện siêu hình của nhận thức. Đối với Thánh Tôma, không hề có nhị phân chủ thể/đối tượng như đối với Descartes. Vì hữu thể là đối tượng chính thức của nhận thức nhân bản, nên không sự suy nghĩ nào mà lại không suy nghĩ về một điều gì đó. Biết một điều cần được biết; ý thức là luôn ý thức về một điều gì đó. Không hề có một chủ thể biết mà lại không có một đối tượng được biết, kết quả là bất cứ việc phân tích nào về việc biết cũng đều liên lụy tới điều được biết; nhưng cũng như không có yếu tính nào mà lại không hiện hữu, cũng như không có sự ý niệm hóa nào diễn ra ngoại trừ dưới năng động tính của hữu thể tuyệt đối. Khi “ý hướng tính” được coi như hiện diện trong mọi ý thức, và sự hiện hữu trong mọi phán đoán, chúng ta có nền “nhận thức luận phê phán” [critical epistemology] biết duy trì nhận thức không là luận lý đơn thuần và cho phép kinh nghiệm là kinh nghiệm thực sự nhân bản nghĩa là có ý nghĩa nhờ mối tương quan với sự chân và sự thiện tuyệt đối.

Ngày nay, với việc hiểu biết rộng dài về chủ nghĩa hiện sinh, công chúng dễ dàng hơn trong việc nắm vững điều Thánh Tôma muốn nói khi phân biệt yếu tính khỏi hiện hữu. Như Cha D’Arcy, trong cuốn St. Thomas Aquinas (Thánh Tôma Aquinô) của ngài đã viết: Chính các sai lầm của chủ nghĩa hiện sinh “đã kêu gọi người ta chú ý tới tầm quan trọng của việc phân biệt yếu tính và hiện hữu, và đã chứng tỏ việc nắm sai và áp dụng sai hai nguyên tắc này, có thời bị cho là quá bí mật và trừu tượng, gây chấn động như thế nào”.

______________________________

*"Esse", trong triết học Kinh viện, đồng nghĩa với hiện hữu (Merriam-Webster)

** Actualism= Thực sinh luận, tức thuyết cho rằng hết thẩy vạn vật đều có hồn khí sinh động (Lm Ngô Minh & Lm Nguyễn Thế Minh, Từ Vựng Triết Thần Học Căn Bản, NXB Phương Đông, tr.10)

Kỳ sau: Thiên Chúa và thế giới