Mary Twibill Clark, Dòng Thánh Tâm, là một nhà học thuật và tranh đấu dân quyền Hoa Kỳ. Bà được biết đến nhiều hơn như là giáo sư lịch sử triết học, đặc biệt về Thánh Augustinô.

Bà nhập Dòng Thánh Tâm năm 1939 sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Manhattanville và đã dành phần lớn đời sống còn lại dạy triết học tại Cao Đẳng này. Một ghế giáo sư triết học Kitô giáo tại Cao Đẳng này mang tên bà.

Bà từng là Chủ tịch Hội Triết học Công Giáo Hoa kỳ, Hội Siêu Hình học Hoa kỳ và Hội Triết học Trung cổ và Phục hưng...

Bà cũng là giáo sư thỉnh giảng của các Đại Học San Francisco, Fordham, Villanova, Fairfield, và Marquette.

Trong số tác phẩm của bà (ít nhất 10 cuốn), có cuốn An Aquinas Reader trích dẫn các bài viết đủ loại, có những bài chưa được ai khai phá, của Thánh Tôma Aquinô được bà xếp thành 5 mục lớn: Thực tại, Thiên Chúa và Thế giới, Con người, Con người Luân lý, và Con người Tôn giáo. Ngoài phần Dẫn nhập tổng quát, mỗi mục đều có phần dẫn nhập của bà.

Nhận thấy các hướng dẫn và nhận định của bà rất thông sáng về Thánh Tôma, chúng tôi cố gắng dựa vào các dẫn nhập này để phần nào tìm hiểu về Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần.




Tổng quát

Đối với Clark, Thánh Tôma chủ yếu nói về hiện hữu. Quả quyết này không hẳn là một nghịch lý cho bằng là một sự kiện. Mỗi tạo vật đều có hiện hữu riêng, đồng thời liên hệ với các hiện hữu khác và với Thiên Chúa. Các liên hệ này có tính yếu tính đối với các tạo vật đến nỗi ta có thể gọi chúng một cách đích đáng là các điều kiện cần thiết cho hiện sinh của chúng. Các liên hệ nền tảng và không thể thiếu này không nên bao giờ bị coi như “tùy thể” [accidents] trong cách xếp loại “các tùy thể” của Aristốt. Vì nhìn các sự vật hữu hạn mà không nhìn các liên hệ hữu thể học của chúng, trường phái Aristốt mới xem xét tự nhiên ở bên ngoài Thiên Chúa. Thánh Augustinô bác bỏ quan điểm về tự nhiên này. Thánh Tôma không bao giờ bàn đến nó, mặc dù ngài chấp nhận nhiều cái nhìn thông sáng của Aristốt. Dù Thánh Augustinô là người nhấn mạnh rằng không có Thiên Chúa, tự nhiên không thể là chính nó, nhưng chính phân tích siêu hình của Thánh Tôma đã làm rõ việc “hành vi hiện hữu” không thể phát xuất từ bất cứ ai nếu không phải là Thiên Chúa và khi con người hữu hạn được nhìn nhận như tiếp nhận hiện hữu từ Thiên Chúa, các khả thể thay đổi của họ trở thành vô hạn. Điều này không làm cho mối liên hệ của tự nhiên với Thiên Chúa thành nội tại [intrinsic] để mối liên hệ với Thiên Chúa như Đấng ban hiện hữu (Nguyên nhân đệ nhất trong ngôn ngữ vật lý) nên được dùng để định nghĩa sự vật được tạo dựng. Nhưng nó quả có làm cho mối liên hệ với Thiên Chúa thành hậu quả tất yếu của hữu thể được tạo dựng hay được Người kêu gọi.

Không, tạo vật là chính nó, có thực chất một cách vững mạnh, trung tâm của tự lập [autonomy]. Nhưng ngay sau đó, Thánh Tôma mau mắn nói với chúng ta rằng kiểu hiện hữu của tạo vật, hiện hữu hữu hạn, cung cấp cho nó một mối liên hệ cởi mở, năng động với Hữu Thể Sáng Tạo Tuyệt Đối. Mối liên hệ này không những là nguồn mọi hiện hữu mà còn là nguồn của mọi phát triển. Và nếu đây là điều gọi là tự nhiên đang diễn biến, nền triết học về hiện hữu sẵn sàng chấp nhận nó.

Nhưng thay vì dùng chữ “diễn biến” [process] để chỉ đặc tính diễn tiến [ongoing] và năng động của thực tại hữu hạn, Thánh Tôma dùng chữ “tham dự” [participation] để nói rằng tự nhiên “đang trở thành”, lúc nào cũng năng động cởi mở đón chào siêu việt.

Nhờ cho thấy cơ cấu yếu tính/hiện hữu của các tạo vật trong khuôn khổ mối liên hệ hiện sinh với Thiên Chúa, Thánh Tôma đã có thể giữ lại được việc Platông nhấn mạnh tới tính nguyên nhân kiểu mẫu [exemplar causality] (nghĩa là mọi thực tại hữu hình đều phản chiếu hay mô phỏng thực tại khả niệm [intelligible reality], vốn là kiểu mẫu hay ý niệm của nó) cũng như học thuyết của Thánh Augustinô coi tạo vật như hình ảnh Thiên Chúa, một giáo huấn lấy từ Sách Sáng Thế. Không phải sinh viên học triết nào cũng hiểu rằng nhờ không ở lại bình diện phân biệt của Aristốt giữa bản thể và tùy thể, nhưng nhờ vào sâu hơn qua việc phân biệt yếu tính với hiện hữu, Thánh Tôma đã thoát được các phạm trù của Aristốt về bản thể [substance] và chín tùy thể: phẩm chất, chất lượng, tương quan... Hiện hữu như vô hạn trở thành kiểu mẫu của mọi tham dự viên hữu hạn. Nhưng những thể hữu hạn này không chỉ họa lại kiểu mẫu của chúng một cách ngoại tại. Lý thuyết hình ảnh được Platông liên hệ với các mô thức [forms] và được Thánh Augustinô liên hệ với các ý niệm của Thiên Chúa đã được Thánh Tôma chuyển vị thành học thuyết tham dự qua đó, tạo vật dự phần một cách nội tại và giới hạn vào “hiện hữu” với mọi sư hoàn hảo hiện hữu vốn mang theo mình. Trong khuôn khổ này, “họa hình” nay có nghĩa “hiện hữu” [to be] theo Kiểu Mẫu Tối Cao, tức thiêng liêng, thống nhất, biết, sống, tự do. Đây là Thiên Chúa họa hình hiện hữu, hành động. Hơn nữa, do đó, cái ác của con người bắt nguồn từ việc không giống Thiên Chúa.

Điều Thánh Tôma làm là nhận diện sư hoàn hảo có tính trung tâm, esse [hiện hữu] trong đó, mọi sự vật tham dự vào. Sau đó, ngài cho thấy việc có hiện hữu đòi một nguyên nhân kiểu mẫu tác thành [efficient] và có tính mô thức [formal] và vì con người là một trong những thể hiện hữu này, kiểu mẫu của họ phải có bản vị, là hữu thể bất tham dự, và mọi sự vật đều giống Thiên Chúa bao lâu chúng có hiện hữu. Dĩ nhiên, hiện hữu này nội tại nhất của mọi hoàn hảo. Không có hiện hữu, không có gì có thực chất cả. Vì tình thế hiện hữu này, một điều được phản ảnh trong xu hướng của trí hiểu hướng tới Hữu Thể Tuyệt Đối trong sinh hoạt nhận thức của nó, ta có thể sở đắc một nhận thức tích cực nào đó về Thiên Chúa nhờ nhận thức các tạo vật bao lâu việc chiếm hữu hiện hữu là nền tảng cho một loại suy giữa các hữu thể hữu hạn và Hữu Thể Vô Hạn.

Nhờ nền siêu hình của ngài về một hiện hữu chung cho mọi sự vật và riêng cho từng sự vật, Thánh Tôma cũng như Thánh Augustinô coi con người như hiện hữu một cách căn để “hướng về Thiên Chúa” [ad Deum] và vì họ chung chia hiện hữu với mọi tạo vật, về hàng ngang, con người liên hệ với mọi tạo vật như một con-người-trong-thế-giới. Vì hiện hữu [esse] nhờ đó, mỗi hữu thể tự tồn [subsistent], khác biệt, độc đáo là hiện hữu một cách hợp nhất với mọi hữu thể. Tính độc đáo bản vị trong viễn tượng này không chống đối cộng đồng con người. Do đó, không bao giờ là việc đúng khi xếp nền thần học của trường phái Tôma về thực tại như một học thuyết về các bản thể cô lập hay như một hệ thống ý niệm tĩnh tụ, trái với các bản văn của phái này. Ghi nhận như thế, điều rõ ràng là trong các chủ đề siêu hình học cũng như các chủ đề nói đến Thiên Chúa và con-người-trong-thế-giới cũng như các chủ đề về con người như chủ thể luân lý và tôn giáo, điều chủ yếu nơi thánh Tôma là hiện hữu.

Kỳ tới: Tiểu sử Thánh Tôma Aquinô