Tiểu sử Thánh Tôma Aquinô

Biết Thánh Tôma là biết tâm trí trung cổ ở điểm tốt đẹp nhất, mạnh mẽ nhất và quả tình hiện đại nhất. Vì ngài vượt thời gian, người của muôn thế hệ. Tư tưởng của ngài vốn ảnh hưởng tới các nhà nghệ thuật đa dạng như Dante, T.S. Eliot và James Joyce, các nhà thần học đa dạng như John Courtney Murray và Karl Rahner, các triết gia không giống nhau như Edit Stein và Jacques Maritain, các nhân vật chính trị như Eugene McCarthy. Con người hiện đại có gốc có rễ hơn là họ nghĩ. Và nếu, như John H. Randall từng viết trong Studies in Civilazation, triết gia hiện đại nhất không phải là Descartes mà là Thánh Tôma, ta có thể chính đáng nói rằng ít nhất một số gốc rễ của chúng ta nằm trong mảnh đất mầu mỡ của tư duy Tôma. Và vì lý do này, ta có nghĩa vụ biết đôi điều về con người xuất chúng này.



Ta thường có xu hướng nghĩ tới Thánh Tôma như một thầy giáo. Đối với chúng ta, dường như điều đáng lưu ý là bất cứ ai, nhất là các thầy giáo, có thể soạn tác cả trăm công trình tư duy có cấu trúc gắn bó, lý luận thận trọng và luôn luôn sáng tạo trong một cuộc đời chỉ kéo dài 49 năm. Chắc chắn, thời ngài là thời không bị phân tâm bởi các phương tiện truyền thông và cái ồn ào ầm ĩ của các diễn giả trên các bục hướng dẫn thảo luận hay trên các diễn đàn hội nghị. Có lẽ yếu tố gây phiền nhiễu hơn cả đối với việc nghiên cứu của chúng ta là việc có nhiều học giả khác cùng nghiên cứu một lãnh vực nhưng theo một truyền thống hay tư duy mâu thuẫn hẳn.

Đúng nghĩa, công trình của Thánh Tôma chính là đời sống của ngài vì đời sống ngài là đời sống nội tâm, đời sống của tâm trí và tinh thần. Thế nhưng nó cũng là một đời sống nhiều hứng thú: ngồi tù cả một năm trường; người được ít nhất một Đức Giáo Hoàng quí mến; tâm điểm tranh cãi trong sinh hoạt Đại Học và tư duy triết học; nhà canh tân trí thức không được các bạn đồng dòng Đaminh và các thẩm quyền Giáo Hội đánh giá cao, phần nào giống Pierre Teilhard de Chardin thời ta; người đi trước phong trào đại kết để chấm dứt sự phân lý Đông Tây; người thăm dò các nguồn nguyên thủy một cách khẩn thiết hơn cả các nhà thần học và triết học ngày nay; một nhà cải cách chủng viện; một chuyên viên tại các Công Đồng của Giáo Hội và các đại công nghị của Dòng; giáo sư tại 3 Đại Học. Quả thực ngài đã hoàn tất một đời sống dài trong một khoản thời gian ngắn ngủi!

Đức Hônôriô III làm Giáo Hoàng và Frederick làm hoàng đế khi Thánh Tôma sinh ra ở quận Aquinô gần Naples, khoảng năm 1225, con trai út của một bà mẹ quê Norman, Bà Teodora, vợ thứ hai của Ông Landolfo, một người quê Lombard có ít nhất 8 người con. Lên 5, được dẫn tới Đan viện Monte Cassino làm hội viên giáo dân [oblate] của Dòng Bênêđíctô và ở đó cho tới khi buộc phải rời đan viện bị chính trị đe doạ lúc 14 tuổi, nhưng trước khi thực sự được lôi cuốn bởi đời sống tu trì. Việc tốt nghiệp Đại Học Hoàng Gia ở Naples dẫn Thánh Tôma vào hai lực lượng trong đời ngài sau này: Aristốt và Dòng Đaminh. Thầy dạy ngài về triết học tự nhiên, Peter Ái Nhĩ Lan, là người chú giải Aristốt rất cẩn trọng và có công làm cho Thánh Tôma không ưa phương pháp diễn giải dài dòng [paraphrasing] của ông thầy tương lai, tức Thánh Albertô Cả. Cha bề trên cả Dòng Đaminh, Jordan Thành Saxony, có 1ần đến đại học này nơi các cha Dòng Đaminh giảng dạy thần học và rất có thể Thánh Tôma, lúc đang học ở đó, được nghe vị này giảng thuyết. Tuy nhiên, chính với ý kiến của một cha dòng Đa Minh khác, John Thành San Giuliano, mà Thánh Tôma, lúc 17 tuổi, trở thành tập sinh Đa Minh. Sợ bị gia đình ngài chống đối, các bề trên gửi ngài qua Rôma, sau đó qua Paris. Nhưng các anh ngài, do bà mẹ thúc đẩy, đã tìm cách ngăn cản và bắt cóc ngài, đưa ngài trở lại lâu đài gia đình. Họ giam giữ ngài tại đó, tìm cách phân tâm, quấy rối ngài, và cuối cùng còn nhờ một phụ nữ quyến rũ ngài để ngài từ bỏ ơn gọi đi tu. Với khúc củi đang cháy dở, ngài xua đuổi những kẻ cám dỗ ra khỏi phòng và bắt đầu đào vốn hiểu biết Kinh Thánh, nghiên cứu cuốn Bốn Sách Các Luận đề Thần học [Libri Quattuor Sententiarum] của Peter Lombard và sau khi đọc Aristốt đã viết một tiểu luận tựa là Các Ý Kiến Sai Lầm [Fallacies].

Sự cương quyết hiến mình cho Chúa của Thánh Tôma khiến gia đình phải thả ngài ra sau một năm giam giữ. Điều may mắn là thời gian này được kể như năm thử của thời kỳ tập sinh. Ngay sau đó, ngài được bề trên gửi qua Paris. Từ đó, Thánh Albertô Cả dẫn ngài qua Cologne, học thần học tại chủng viện 4 năm và được thụ phong linh mục tại nhà tờ chính tòa Cologne. Chính tại Cologne, thiên tài thần học của Thánh Tôma được phát hiện khi Thánh Albertô khám phá ra cuốn chú giải cực kỳ tinh tế và độc đáo về Các Tên của Thiên Chúa [Divine Names] bằng chữ viết tay của Thánh Tôma. Sau đó, ngài trở lại Paris học thêm 4 năm thần học cao cấp nữa và lấy được bằng cử nhân Kinh Thánh và giảng viên Kinh Thánh và năm 1256, ngài lấy được bằng cao học thần học. Nhưng việc bổ nhiệm ngài làm giáo sư đại học cần đến sự can thiệp của Đức Alexander IV năm 1257. Việc này đưa đẩy ngài trở thành tâm điểm tranh cãi, cả về học thuật, giáo hội học, triết học và thần học.

Thế kỷ 13 là thế kỷ chuyển tiếp, trong đó, người ta chứng kiến việc tái sinh tinh thần Phúc Âm nơi hai dòng khất sĩ là Phanxicô và Đa Minh. Hai dòng này bắt đầu phái các tu sĩ của mình đi khắp các ngả đường để gặp gỡ người ta tại chính nơi họ cư ngụ và tụ tập. Lúc ấy cũng là lúc nền giáo dục phát triển, các trường nhà thờ chính toà trở thành các đại học, chuyển từ quê ra thành phố. Hai dòng này không bỏ lỡ những nơi ấy, vì theo họ, đức khó nghèo không phải để chứng tỏ mình thánh thiện mà phải chuẩn bị để họ chuyển dịch nhanh chóng đến bất cứ nơi nào Phúc Âm cần được truyền giảng. Điều làm cho mình liên quan là điều quan trọng. Và Thánh Tôma, cũng như Thánh Bonaventura của Dòng Phanxicô, coi việc mình can dự vào giáo dục Đại Học là điều hết sức có liên quan.

Tuy nhiên, việc tu sĩ các dòng khất sĩ pha mình vào việc giảng dạy Đại Học, nhất là đại học Paris, bị các giáo sĩ triều phản đối vì cho rằng họ không có quyền ấy; dù sao các Đại Học này vốn đặt dưới quyền kiểm soát của các giáo phận. Từ việc phản đối này, còn phát sinh cả một phong trào làm giảm giá trị của đời sống tu dòng. Chính trong bối cảnh này, có cuốn Các Nguy Hiểm Hiện Nay [Contemporary Dangers] của William Thành St. Amour công kích quyền giảng dạy của các dòng khất sĩ và đời sống tu trì của họ. Thánh Tôma đáp lễ bằng cuốn Bênh vực Các Dòng Tu [Apology for Religious Orders]. Mặc dù bị Tòa Thánh kết án năm 1256, William vẫn tiếp tục chống đối các dòng khất sĩ và vẫn cho phổ biến cuốn sách trên của ông ta tuy có đổi tên và sửa đổi. Để trả lời cuộc tấn công năm 1269 của Gerard Thành Abbeville với cuốn Chống Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo [Against Christian Perfection], Thánh Tôma viết cuốn Về Sự Hoàn Thiện của Đời Sống Tu Dòng [On the Perfection of Religious Life]. Điều đáng lưu ý là cung giọng rất thanh thản mà đầy thuyết phục của Thánh Tôma trong các khảo luận này, luôn hy vọng đạt được sự hiểu biết lẫn nhau.

Với ngài, nói với những người bất đồng với mình là chính chứ không phải phản bác họ. Thái độ đối thoại này là điều rất tự nhiên nơi Thánh Tôma, nó phản ảnh trong mọi lập luận của ngài trong các Tổng luận, các khảo luận cũng như trong các kỹ thuật bình luận, chú giải của ngài.

Và vì ngài tận tụy đối với các quan tâm trí thức thời ngài, nên đời ngài hoàn toàn là câu truyện của những cuộc gặp gỡ các giáo sư Paris, các giám mục vấn kế, các môn đồ của Mahômét và các bậc thầy của Chính Thống giáo Hy Lạp, các tư tưởng gia cổ điển và đương thời, các thần học gia giáo phụ và tiên phong.

Và trong bất cứ thời đại nào trong đó Giáo Hội cố gắng đổi mới cái hiểu về chính mình, ta đều thấy có sự quan tâm đến vấn đề hợp nhất Kitô giáo để đáp ứng lời cầu xin của Chúa Giêsu “để chúng nên một”. Và do đó, không ngạc nhiên gì khi một vị Giám Mục Hy Lạp ở miền nam Nước Ý, trong cố gắng hoà giải giữa Rôma và Constantinople, đã viết cuốn Chống Các Sai Lầm Của Giáo Hội Hy Lạp [Against The Errors of the Greek Church]. Thánh Tôma đã duyệt xét cuốn này theo yêu cầu của Đức Urbanô IV. Một cố gắng khác nhằm tìm cơ sở chung với người Hy Lạp, Ácmêni, và Hồi Giáo lá lá thư gửi Lĩnh Xướng Viên Thành Constantinople [Cantor of Constantinople] trong đó các lý lẽ luân lý và triết học của đức tin Công Giáo được trình bầy. Điều cũng đáng lưu ý là trong tư cách chuyên viên của Đức Urbano IV, Thánh Tôma được lệnh thu thập các chú giải đa dạng của các giáo phụ Hy Lạp và La Tinh về 4 sách Tin Mừng. Kết quả là một bình luận liên tục của 22 giáo phụ La Tinh và 57 giáo phụ Hy Lạp được hiệu đính dưới tiêu đề Catena Aurea (Dây Chuyền Vàng). Các trước tác này và trước tác chính Tổng Luận Giáo Huấn Kitô Giáo [Summa Contra Gentiles] là nhằm tạo sự hợp nhất Kitô giáo. Và tư duy thần học riêng của Thánh Tôma, chịu ảnh hưởng sâu xa của nhà huyền nhiệm học Kitô giáo Đông Phương là Dionysius Ngụy Danh Areopagite, đã góp phần làm ngài dễ dàng được các xu hướng Đông Phương tiếp nhận. Dù sao, chính một giáo phụ Hy Lạp, Maximus Hiển Tu, đã dẫn đường trong việc hoà hợp các não trạng Đông Tây. Có tính biểu tượng hơn cả là cuộc công du cuối cùng của Thánh Tôma tới Lyon tham dự Công đồng của Giáo Hội nhằm cổ vũ sự hợp nhất về đức tin giữa Đông và Tây.

Với nhiều bình luận khác nhau, Thánh Tôma tỏ ra là một nhà nghiên cứu cố gắng thảo luận với chứ không nhằm thắng vượt một tác giả đáng kính nào. Do đó, ngài tìm cách hiểu các nguyên tắc căn bản hướng dẫn cấu trúc tư duy của tác giả. Nếu thấy các nguyên tắc này vững vàng về phương diện trí thức, ngài sẽ bỏ qua nhiều kết luận ngài vốn không thuận ý và sẵn sàng cho biết ngài nhất trí về căn bản với tác giả. Nhờ có óc tương cảm [empathy], ngài khám phá được các khai triển do các chủ trương có tính lịch sử cho phép. Cố gắng đại kết của Thánh Tôma như một nhà bình luận trong việc xử lý các bản văn mâu thuẫn nhau một cách triệt để của các tác giả như Boethius, Dionysius, Aristốt, và Proclus có tính đặc biệt quan yếu trong dự án này. Bởi thế, khi ta nghe người ta tố cáo ngài phi lịch sử trong việc xử lý các bản văn, ta nên nhớ rằng một tác giả được phán đoán bằng các mục tiêu của mình. Trong trường hợp Thánh Tôma, mục tiêu là cái hiểu thân học để cổ vũ sự hoà hợp trí thức chứ không phải nền bác học lịch sử. Thánh Tôma có cảm thức này là hòa hợp tâm trí, ích chung, là điều tiên quyết của bất cứ cuộc đối thoại nào nếu muốn hy vọng đạt được sự nhất trí.

Thế nhưng, xác tín của Thánh Tôma rằng mọi người nên được phép lên tiếng cho chính mình đã làm ngài không hài lòng với các bản dịch đã đưa Aristốt vào Âu Châu thế kỷ 13. Vì các bản văn này đi từ tiếng Hy Lạp qua tiếng Syria, rồi Ả Rập và Latinh, nên khó mà gọi chúng là các bản văn nguyên thủy hay nguồn đệ nhất. Bởi vậy, Thánh Tôma đã nhờ một chuyên gia Hy Lạp, William Thành Moerbeke, dịch các tác phẩm tiếng Hy Lạp của Aristốt sang tiếng La Tinh. Bất cứ ai nghiên cứu hồ sơ các cam kết của Thánh Tôma đều phải thừa nhận rằng ngài tuyệt đối không có thì giờ để phiên dịch cho mình, trong khi cần thiết phải có các trước tác bằng tiếng La Tinh để các sinh viên ở Đại Học Paris sử dụng, vì đại học này là nơi người ta dùng tiếng La Tinh để giảng dậy. Điều này quả là bước đầu tiên hướng tới các bản văn chân chính và Thánh Tôma quả là người có cảm thức lịch sử. Ngài là người đầu tiên tuyên bố năm 1268 rằng tác phẩm Về Các Nguyên Nhân [On Causes], vốn được lưu hành ở Âu Châu như là trước tác của Aristốt, thực ra là các Yếu Tố Thần Học [Elements of Theology] của Proclus. Nếu ngài khám phá ra điều này trước khi viết Bình luận về Các Tên Thiên Chúa của Dionysius [Commentary on Dionysius’ Divine Names], thì hẳn ngài nhận ra rằng trong công trình ấy, Dionysius trích dẫn thẳng từ Proclus và do đó, không phải là môn đệ thế kỷ thứ nhất của Thánh Phoalô như ông ta vốn được biết như thế. Có lẽ Thánh Tôma cảm thấy thoải mái trong cuộc đối thoại với Dionysius là vì tinh thần Tân Platông mà vị này vốn có chung với Thánh Augustinô, người mà ngài tôn kính. Vì người ta cho rằng Cuốn Các Luận đề Thần học của Peter Lombard có tới 80 phần trăm lấy của Thánh Augustinô, điều mà Thánh Tôma không đồng ý chút nào; nhưng cuốn Bình luận của ngài là một cuộc đối thoại lý thú và đôi khi cho thấy nhiều bất đồng với những người cùng thời như Thánh Albertô và Thánh Bonaventura.

Sự kiện các trường phiên dịch được thiết lập ở Toledo và Silicy cho thấy sự nóng lòng của các nhà bác học trung cổ muốn học hỏi từ người Hồi giáo và người Do Thái giáo. Và quả Thánh Tôma có học hỏi như thế. Trước nhất là từ Avicenna, người khai mở một trào lưu mới của Thuyết Platôn và Tân Platông với những đóng góp triết học lớn lao, ý niệm “đi ra và trở về”, hay phát khởi và quay về [progression and conversion] của vũ trụ, và nhất là “tham dự” [participation], tức lý thuyết cho rằng các mô thức hạ đẳng trong thế giới gồm “nhiều mô thức” chia sẻ sự hoàn hảo của mô thức lý tưởng duy nhất mà chúng giống một cách xa xôi. Thánh Tôma không bao giờ bác bỏ lý thuyết này hoàn toàn, bao lâu ngài còn chấp nhận hệ luận của nó là mọi hữu thể hữu hình và hữu hạn phát xuất tứ một nguồn thực tại tối cao. Và quả thực, lý thuyết mới của trường phái Tôma về loại suy/nguyên nhân tính [analogy/causality] giả thiết ý niệm “tham dự”. Nếu Thánh Tôma có thu lượm được nhiều từ việc đọc các công trình triết học của Avicenna với việc ngài nhấn mạnh rằng “hiện hữu” không bao gồm trong “yếu tính”, thì ngài vẫn không hoàn toàn nhất trí. Việc này làm cho cuộc đối thoại trở thành cần thiết. Điều này phần nào cũng đúng với Moses Maimonides. Từ tác giả này, Thánh Tôma sẵn lòng vay mượn rất nhiều trong vấn đề chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng ngài không thể nhất trí với Moses rằng các phẩm tính khác nhau của Thiên Chúa chỉ là đồng nghĩa. Điều này đòi phải thảo luận. Theo gợi ý của Cha cựu Bề Trên Cả Dòng Đa Minh, Thánh Raymond thành Penafort, Thánh Tôma dành cuốn Tổng luận đầu tiên tức Summa Contra Gentiles (mà Clark gọi là Tổng Luận Giáo huấn Kitô giáo) để thảo luận có lý lẽ với những ai không chấp nhận đức tin Công Giáo: người ngoại giáo, Do Thái giáo, Ly giáo Hy Lạp, nhưng nhất là người Hồi giáo mà với họ, Thánh Tôma buộc phải dừng ở bình diện triết học, như ở 3 quyển đầu. Một số sử gia cũng nghĩ rằng tác phẩm ngắn Quyền năng Thiên Chúa [Power of God] được viết để xử lý các vấn đề do Avicenna nêu ra.

Năm 1266, khi thánh Tôma bắt đầu cuốn Tổng luận Thần học [Summa of Theology], ngài đã có trong tay nhiều bản dịch các công trình của Aristốt từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Tầm quan trọng của việc này hệ không những ở việc chúng góp phần vào công trình tổng hợp hóa các tầm nhìn thông sáng của các nhà tư tưởng vĩ đại Đông Tây, mà trước hết còn ở chỗ chúng cung cấp cho ngài các nguồn đệ nhất đẳng ngài cần để thoả mãn việc thử nghiệm lớn nhất trong đời sống trí thức của ngài. Đó hẳn phải là cuộc gặp gỡ của ngài với Siger thành Brabant, một linh mục giáo sư người Bỉ của Phân khoa Nghệ thuật Đại Học Paris, người rất tích cực giảng dậy lối hiểu của Averroes về Aristốt. Theo lối hiểu này, 1. Chỉ có một trí hiểu hay linh hồn, chung cho mọi con người (monopsychism, một chủ trương không minh nhiên được quả quyết trong cuốn Về Linh Hồn [On the Soul) của Aristốt, với kết luận không thể tránh là Aristốt (người mà Siger coi như là “triết học”) dạy rằng con người là tử sinh, mặc dù điều ngược lại được đức tin Công Giáo chủ trương; thế giới vật chất có tính vĩnh cửu; 3. Ý chí là sức mạnh thụ động, chỉ được nhận thức khởi động; 4. Có nhiều trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, khiến tín lý Chúa Quan phòng trở thành phi thực tại.

Chính vì các chủ trương như thế được suy diễn từ một Aristốt Ả Rập nên các công trình của Aristốt bị ngăn cấm năm 1210, riêng các cuốn Vật Lý [Physics] và Siêu Hình [Metaphysics] bị cấm năm 1215. Mặc dù toàn bộ các tác phẩm của Aristốt vẫn còn được tìm thấy trong Học Trình ở Paris năm 1255, việc cấm đã được Đức Urbanô IV lặp lại năm 1263.

Khi Thánh Tôma trở lại Đại Học Paris năm 1269 để nhậm chức giáo sư lần thứ hai, ngài rất bỡ ngỡ trước việc Siger thành Brabant áp đặt các lối giải thích của Averroes về Aristốt lên các sinh viên Paris, những người vốn không thể đọc nguyên bản và tâm trí mới phát triển của họ chưa được chuẩn bị để khám phá ra sự nguỵ biện của chúng. Thế là bắt đầu cuộc đối thoại tế nhị và nhiều đòi hỏi nhất của Thánh Tôma, và lần này, không phải với một thẩm quyền đã chết mà với một đồng nghiệp đang sống, người không những nhấn mạnh tới các nguyên tắc của Aristốt mà còn tới các kết luận và giải thích của Averroes. Thánh Tôma, người của đức tin, được tăng cường nhờ nhiều năm tập trung vào Aristốt, và vừa viết một khảo luận thần học vĩ đại về sự hòa hợp bên trong giữa lý trí và đức tin, giáp mặt với Siger, người duy lý, nhà lãnh đạo của phe “Aristốt không chính thống” hay phe “Averroes Latinh” như được gọi vào thời ấy. Lập luận buộc phải có tính triết học. Nhấn mạnh với Siger Công Giáo rằng căn cứ vào Kinh Thánh, ta có thể dẫn khởi được các giáo huấn ngược hẳn lại với các giảng dạy của Averroes là điều không đủ. Siger công nhận việc đó. Nhưng ông ta đặc biệt bất cần, thậm chí còn chủ trương rằng một chủ trương đạt được về phương diện triết học vẫn có thể đúng dù mâu thuẫn với điều các Kitô hữu vốn tin. Cả hai đều có thể đúng. Điều này, trong nhiều sách sử, gọi là “lý thuyết sự thật kép”.

Nhiệm vụ của Thánh Tôma rất rõ ràng. Đàm đạo với một người cho rằng mình nhất thiết nghiên cứu Aristốt như thế, ngài phải tách biệt các nguyên tắc của Aristốt ra khỏi các giải thích Ả Rập, sau đó, chứng minh rằng có thể dẫn khởi các kết luận phù hợp hoàn toàn với các niềm tin Kitô giáo từ chính các nguyên tắc của Aristốt. Và ngài còn dám đi xa hơn bằng cách dựa vào các bản văn để chứng minh rằng chính Aristốt rút ra các kết luận như thế. Đó chính là điều ngài đã làm trong tác phẩm Về Một Trí Hiểu Chung [On a Common Intellect], trong đó, ngài chứng mình rằng Aristốt gán cho mỗi người trí hiểu riêng của họ. Trong vòng một năm, giáo huấn của Siger, người bênh vực chủ nghĩa Aristốt của Averroes, bị Stephen Tempier, Tổng Giám Mục Paris, kết án. Cùng thời gian này, có việc nghi vấn Thánh Tôma về các lý thuyết của ngài, giáo huấn mà nhiều người không phân biệt được với giáo huấn của Siger. Trong cố gắng minh giải chủ trương của ngài, Thánh Tôma viết cuốn Về Tính Vĩnh Cửu Của Thế Giới Chống lại Những Người Hay Càu Nhàu [On the Eternity of the World agianst the Grumblers] trong đó, ngài nhấn mạnh rằng Aristốt không bao giờ thực sự chứng minh nhưng chỉ giả thiết tính vĩnh cửu của thế giới. Thánh Tôma còn cho rằng ta không thể chứng minh cả tính vĩnh viễn lẫn không vĩnh viễn của thế giới về phương diện triết học, và sự trung thực trí thức phải thừa nhận như thế. Những người tin Kinh Thánh vốn nhờ Sách Sáng Thế chương I mà học biết rằng thế giới khởi đầu trong thời gian. Thánh Tôma còn mau mắn hoàn thành cuốn Linh Hồn [the Soul] nhằm chống lại lối giải thích của Averroes đối với khảo luận của Aristốt về cùng một đề tài. Nếu F. van Steenberghen đúng, thì cuộc đàm luận mà thánh Tôma duy trì với đồng nghiệp Đại Học của ngài đã dẫn Siger đến chỗ thay đổi một số chủ trương nguyên thủy của ông. Nhưng điều này không ngăn cản nhát búa cuối cùng chống chủ nghĩa Averroes khi Tổng Giám Mục Stephen Tempier kết án gần 200 mệnh đề của họ tại Paris năm 1277. Vào Mùa Thu, Siger được triệu ra trước Quan Tòa Dị Giáo Pháp, Simon du Val, và từ đó, ra trước Tòa án Giáo hoàng ở Orvieto để bào chữa. Ở đó, ông được giải khỏi tội lạc giáo, nhưng được chỉ thị ở lại Orvieto, nơi, một ngày kia, ông bị một thư ký mắc bệnh tâm thần đâm chết.

Việc lên án chủ nghĩa Averroes năm 1270 không có nghĩa là mọi chuyện xong xuôi đối với Thánh Tôma. Ta phải nhớ rằng trong khi ngài công khai chống đối phe cấp tiến thời ấy, những kẻ Renan gọi là tư tưởng gia tự do của Paris thế kỷ 13, chính ngài bị phe bảo thủ thời ngài tấn công, tức các tu sĩ Phanxicô và các linh mục triều, những người tự xưng theo phái Thánh Augustinô. Họ sợ các ý tưởng của Aristốt hủy hoại tính tinh ròng của đức tin Kitô giáo. Giữa các năm 1270 và 1272, ngài chuyên tâm giáo huấn những người theo phái Thánh Augustinô bằng cách viết cuốn Về các Nhân đức nói chung [On the Virtues in General], Về Đức Cậy [On Hope] và Về Các Nhân đức chính [On Cardinal Virtues]. Các công trình này hẳn làm họ hết lo sợ.

Bất cứ ai sợ rằng Thánh Tôma là một người nghiên cứu quá nô lệ Aristốt nên đọc cuốn Về Sự Thật [On Truth] của ngài, một trong những cuốn sách đầu tiên của ngài về việc nhận biết Thiên Chúa cũng như về thực tại, hữu thể và hành động của Thiên Chúa. Trong cuốn sách này, ta thấy ngài đã nắm được một cách sâu sắc và độc đáo các trào lưu tư tưởng mâu thuẫn và bổ túc cho nhau, cổ xưa và hiện đại, của Thánh Augustinô, của Aristốt, của Ả Rập và của phái Tân Platông. Thực vậy, đó là những vấn đề đầu tiên trong 62 vấn đề tranh luận (Disputed Questions] cho thấy một cách tuyệt diệu một triết gia đang làm việc, đang khai triển từ đối thoại. Những cuộc đối thoại thường xuyên suốt những năm ở Đại Học này cung cấp cho người ta nhiều cơ hội tốt nhất để đối thoại sống động giữa nhân viên giảng huấn và các sinh viên, giữa nhân viên giảng huấn và đồng nghiệp. Ngoài ra, còn có 12 cuộc tranh luận mùa nghỉ hè, những cuộc tìm hiểu ứng khẩu giống như thời nay.

Thanh thản, tự tin trí thức, và tôn trọng ý kiến người khác là các đặc tính trong các cuộc đối thoại của Thánh Tôma với các người đi trước và đồng nghiệp ngoại giáo cũng như Do Thái giáo của ngài và các đặc tính này chắc chắn có nguồn gốc trong việc hoàn toàn quen thuộc các xu hướng Kinh Thánh vốn cung cấp cho ngài sự phối hợp tốt lành giữa chắc chắn và tự do. Từ lúc bắt đầu đời sống trí thức cho tới 2 năm chót làm giáo sư tại Đại Học Naples, không bao giờ Thánh Tôma ngưng suy niệm và bình luận Kinh Thánh. Và nhờ cùng uống từ một nguồn từng nuôi dưỡng Thánh Augustinô này, và cũng như vị thánh này, say mê việc kết hợp đức tin với lý trí, Thánh Tôma luôn nghĩ mình là người hợp tác của Thánh Augustinô, chứ không phải người chống đối. Do đó, các nỗi sợ của những người tự xưng theo phái Augustinô thiển nghĩ không có cơ sở.

Ngày nay, trong khi Giáo Hội kinh qua thời kỳ được nhiều người gọi là diễn trình phi định chế, thì thế kỷ 13 bị cuốn hút vào một diễn trình ngược lại. Các tu sĩ khất thực, thuộc dòng Phanxicô và dòng Đaminh, tạo ra phong trào trở về Tin Mừng vốn lên đặc điểm cho phong trào phục hưng tâm linh của giữa thời Trung Cổ. Khi thời này qua đi cùng với cái chết của cả hai Thánh Phanxicô và Thánh Đaminh, cả hai dòng tu này đều thấy mình phải đương đầu với nhu cầu định chế hóa tinh thần của dòng. Trong tư cách người con của Thánh Đaminh và là người con chói sáng, Thánh Tôma được trao cho một vai trò tích cực trong việc lên khuôn lối sống Đaminh nhằm mang lý tưởng Đaminh vào các cơ cấu có thể duy trì nó cho tương lai. Vào thời ngài, việc huấn luyện các linh mục được thi hành với khá ít kế hoạch dài hạn. Do đó, Thánh Tôma dành chú tâm của ngài vào việc cải tổ chủng viện. Ngay từ năm 1259, Thánh Tôma đã bắt đầu tham dự Tổng Đại Hội của Dòng tại Valenciennes, trong đó, ngài giúp soạn thảo kế hoạch học tập cho Dòng. Đại hội đã quyết định từ nay chương trình của chủng viện phải gồm môn triết học. Thánh Tôma coi triết học như điều đáng ước ao, chứ không nguy hại, cho các tín hữu Kitô giáo.

Tại Hội nghị tỉnh dòng ờ Naples năm 1260, Thánh Tôma được cử làm tổng giảng thuyết viên, và hiện vẫn còn các bài giảng của thời kỳ ngài giảng thuyết tại Orvieto và Viterbo, gần triều đình Giáo Hoàng, trước là Đức Urbano IV, sau là Đức Clêmentê IV. Một trách nhiệm rộng lớn hơn trong việc lên khuôn đời sống tu trì của Dòng Đaminh khi, vào năm 1267, ngài được đề cử làm cố vấn tối cao [definitor] cho tỉnh dòng Rôma trong khi ngài vẫn tiếp tục dạy Đại Học, lần này là Đại Học Bologna. Do đó, ngài đại diện tỉnh dòng Rôma dự Tổng Đại Hội Dòng tại Paris tháng 5 năm 1269, nơi các vấn đề trí thức và tông đồ quan trọng được đem ra lấy quyết định. Ngài tiếp tục ở lại Paris làm giáo sư thần học lần thứ hai trong 3 năm sau đó và từ giã lần cuối để tham dự Tổng Đại Hội Dòng tại Florence năm 1272. Mặc dù có lời yêu cầu để ngài trở lại Đại Học Paris, nhưng ngài được chỉ định tới Đại Học Naples, nơi ngài dành một năm rưỡi cuối đời để dạy thần học và viết Tổng Luận cũng như một số tác phẩm nhỏ và các cuốn chú giải.

Ngày 6 tháng 12 năm 1273, Thánh Tôma từ giã ngòi bút và tuyên bố “Con không thể [viết nữa]; có những điều được tỏ lộ cho con thấy rằng tất cả những điều con viết xưa nay dường như đối với con chỉ là rơm rác”. Được Đức Grêgôriô X triệu vời tham dự Công Đồng của Giáo Hội tại Lyons nhằm hợp nhất với Giáo Hội Hy Lạp, dù sức khỏe yếu, Thánh Tôma cũng lên đường nhưng ngã bệnh giữa đường. Được đưa từ nhà người chị tới đan việc Xitô ở Fossanuova, ngài qua đời khi đang lắng nghe Diễm Ca. Khi chịu các phép sau cùng, ngài cầu nguyện “Con lãnh nhận Chúa, giá chuộc linh hồn con. Vì tình yêu Chúa, con đã nghiên cứu và luôn tỉnh thức, lao công, giảng thuyết, và dạy học...” Năm ấy là năm 1274.

Và ngài muốn nói thêm “và cầu nguyện”. Nhiều người trong thế giới Công Giáo có thể đã học hỏi tư tưởng của Thánh Tôma, thường, buồn thay, trong các hình thức bị chính ngài bác bỏ, nhưng không thiếu những người đã hát những bài cầu nguyện của ngài: những Adoro Te, những Pange Lingua trong đó có bài ca bất hủ Tantum Ergo. Những bài cầu nguyện này được sử dụng trong Các Giờ Kinh, trong Thánh Lễ, ca tiếp liên, và thánh ca Lễ Mình Thánh Chúa, từ năm 1264. Người ta nói rằng Đức Urbano IV đồng ý thiết lập Lễ Mình Thánh Chúa theo lời thúc giục của Thánh Tôma. Thánh nhân yêu cầu điều này khi được đề nghị mũ Hồng Y nhưng ngài từ chối, do đó, ngài được cho biết ngài có thể xin điều khác thay thế miễn là trong thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.

Thế là nghề nghiệp của Thánh Tôma kết thúc ở chỗ nó bắt đầu, Đại Học Naples. Đời sống tu trì của ngài cũng thế, kết thúc ở chỗ nó bắt đầu, trong một đan viện. Nổi danh như một tu sĩ Đaminh và một bậc thầy tại Paris, Thánh Tôma cảm thấy như ở nhà trong mọi dòng tu mà lý lẽ được ngài lập luận một cách đầy khả năng, và tại mọi Đại Học biết cổ vũ việc tự do tìm hiểu.

Đại Học Paris yêu cầu xác ngài được chuyển đến đó, nhưng nó được giữ một thời gian tại đan viện Xitô. Sau đó, hài cốt ngài được đưa về tu viện Đaminh ở Toulouse, từ đó, thời Cách Mạng Pháp, nó được chuyển về Nhà Thờ Thánh Sernin ở Toulouse.

Năm 1324, Đức Giám Mục Stephen Bourret của Paris bãi bỏ việc kết án vị tiền nhiệm của ngài. Các học thuyết Tôma được gỡ bỏ khỏi danh sách các mệnh đề Averroes từng bị kết án. Việc lật ngược này diễn ra trong lúc các giáo huấn của Thánh Tôma được tái lượng định và đời sống bản thân của ngài được khảo sát. Năm 1323, Giáo Hội nâng Thánh Tôma Aquinô lên bậc thánh học giả.

Ý nghĩa tài bác học của ngài hiển nhiên đối với thế kỷ 20 hơn là thế kỷ 19. Ngài vốn hoan nghinh và làm việc với thế giới quan Aristốt. Việc tiếp nhận mọi công trình của Aristốt vào tư tưởng Kitô giáo là việc tiếp nhận “mọi giá trị tự nhiên của hoạt động xã hội của con người”. Theo một nghĩa nào đó, điều này bác bỏ thứ triết lý thế giới khác [other-worldliness] của Platông, thứ triết lý vốn bác bỏ “thế giới này”; và vì nó là một giải pháp cho thuyết nhập thể thấu đáo, nên nó chấp nhận các giá trị nhân bản mà không bác bỏ tính siêu việt của Platông, một siêu việt đạt được sự thể hiện đích thực của nó nơi Kiểu Mẫu Duy Nhất – Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người thực sự, là nguồn, là quy phạm, và là cùng đích của lịch sự nhân loại. Theo nghĩa này, Aristốt quả giúp Thánh Tôma thành Kitô hữu nhiều hơn chứ không ít hơn.

Và do đó, nếu tư tưởng Công Giáo trong thời hiện đại bị coi như quá có tính thế giới khác, thì ta nên nhớ rằng học thuyết Tôma chưa đi sâu vào và ảnh hưởng tới các thế kỷ hiện đại. Chỉ trong thế kỷ 20, nhờ việc phục hưng học thuyết Tân Tôma khởi thủy được khuyến khích bởi triều Giáo Hoàng Lêô XIII, một lần nữa Thánh Tôma lại bước vào các Đại Học, nhưng thường chỉ dưới các hình thức sách giáo khoa tóm lược phần nào bị bóp méo bởi khuôn khổ của chủ đề bị áp đặt, cắt bỏ hết tính đời thực (lebenswelt) trí thức, không còn chi viễn ảnh. Từ thời Scotus và Ockham, qua Nicholas thành Autrecourt, Luther, Hobbes, Hume, và Montaigne, phạm vi của lý trí đã bị thu nhỏ để cuối cùng chỉ còn lưu tâm tới thể thực nghiệm cảm giới. Nếu các nhà kinh viện quả có một quan niệm quá hạn hẹp về kinh nghiệm con người, thì các nguyên tắc của học thuyết Tôma, các nguyên tắc thực sự đã kết hợp các giá trị của thế giới này với các giá trị của thế giới khác, đáng lý ra đã có thể cung cấp một nghiệp vụ sửa chữa trong hạn kỳ một thời gian nào đó. Nhưng, thay vào đó, phản ứng tôn giáo đối với thuyết duy nghiệm toàn bộ tỏ ra quá nhấn mạnh đến những điều tối hậu. Các Kitô hữu quan tâm không phải tới con người mà là linh hồn. Nhưng vì Thánh Tôma trình bầy một nền triết lý thiết thực và sôi nổi về thực tại ngược với nền triết lý dấu hiệu và biểu tượng (vốn bỏ qua thế giới này để ngay lập tức vươn tới thế giới tiếp theo) được nhiều người trung cổ ưa thích, nên ngày nay, có nhiều lý do để tôn vinh ngài như một người mà chủ nghĩa hiện thực hiện sinh [existentiel realism] đã làm ngài không những trở thành một vị thánh bác học mà còn là một vị thánh của thế tục, một vị thánh nhìn thấy giá trị thánh thiêng của thời gian, của thế giới này.

Thánh Tôma cũng sẽ rất vui khi thấy ta nhìn nhận nơi ngài người đề cao sự hợp nhất, hợp nhất đại kết giữa Đông và Tây, sự hợp nhất lịch sử giữa thời gian và vĩnh cửu, sự hợp nhất tôn giáo giữa tạo vật và Tạo Hóa. Chính vì sự hợp nhất này mà Thánh Tôma đã thực hiện và sử dụng các phân biệt triết lý sinh ích của ngài. Ngài là người đầu tiên nhận ra sự hợp nhất của nhân loại này không phải chỉ là một trách vụ thần học, không phải chỉ là một thành tựu kinh tế hay chính trị, mà thực sự là một công trình của tình yêu. Nhưng rồi, trọn khuôn khổ thần học của ngài không dựa trên các ý niệm tĩnh tụ mà dựa trên chuyển động xuất hành và chung cục (apocalypse), ra đi và trở về qua năng động tính tình yêu, tình yêu Tạo Dựng và Cứu Chuộc của Thiên Chúa khởi động tình yêu con người vươn tới Thiên Chúa bằng cách tham dự vào năng lực Phục Sinh.

Kỳ tới: Thực Tại