Đại đa số các Giám Mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận việc soạn thảo một tài liệu giáo lý về Phép Thánh Thể, nhấn mạnh đến việc xứng đáng để lãnh nhận bí tích, điều người ta vẫn gọi là tính nhất quán Thánh Thể.

Tài liệu trên dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào dịp các vị họp lại vào tháng 11 này để đi đến việc thông qua nó. Ai cũng đồng ý: việc thảo luận và thông qua này chắc chắn gặp nhiều thách thức. Điều cần là giúp tín hữu giáo dân hiểu rõ phạm vi đích thực của tài liệu để họ khỏi hoang mang, nhất là khỏi mất tin tưởng ở các chủ chăn của họ.

Trong chiều hướng trên, tạp chí Our Sunday Visitor đã phỏng vấn Đức Cha Kevin C. Rhoades, Giám Mục Fort Wayne-South Bend, Indiana, hiện đứng đầu ủy ban tín lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm soạn thảo văn kiện.



Nhân dịp này, Đức Cha đã giải thích lý do tại sao các Giám Mục đã bỏ phiếu chấp thuận việc soạn thảo. Theo Đức Cha, vào lúc các Đức Cha thảo luận tại phiên họp vừa qua, có nhu cầu lớn lao phải hồi sinh Phép Thánh Thể trong Giáo Hội, phải có sự hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm Thánh Thể và tính trung tâm của nó trong đời sống ta.

Ngài cũng cho biết sơ đồ được Ủy Ban của Đức Cha trình cho các Giám Mục trong kỳ họp vừa qua là sử dụng sơ đồ của Đức Bênêđíctô XVI trong tông huấn Sacramentum caritatis (“Bí Tích Tình Yêu”): bí tích Thánh Thể như một mầu nhiệm để tin, một mầu nhiệm để cử hành, và một mầu nhiệm để sống. Trong phần bí tích Thánh Thể như một mầu nhiệm để sống, chủ đề nhất quán Thánh Thể đã được nêu lên. Chúng ta được kêu gọi sống điều chúng ta lãnh nhận, sống một cách nhất quán với với tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hy lễ Thánh Thể. Điều này có liên hệ đến ơn gọi của chúng ta trở thành các môn đệ truyền giáo.

Đức Cha nghĩ rằng trong thời và trong nền văn hóa hiện nay của chúng ta, đang có cơn cám dỗ muốn biến đức tin của ta thành việc tư riêng hay tách việc ta cử hành và lãnh nhận Thánh Thể ra khỏi trách nhiệm sống hiệp thông với Giáo Hội và sống những cuộc sống nhất quán với ý nghĩa sâu xa của bí tích Thánh Thể, vốn là bí tích của đức ái.

Sau khi nói qua các giai đoạn soạn thảo văn kiện, và để trả lời câu hỏi của Our Sunday Visitor, Đức Cha Rhoades đã phủ nhận lời tố cáo cho rằng các Giám Mục bỏ phiếu ủng hộ việc soạn thảo đã coi thường Tòa Thánh. Là Giám Mục, các vị cam kết giảng dạy trong hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Dự thảo văn kiện, vì thế, sẽ được đệ trình cho Bộ Giáo Lý Đức Tin. Và lúc nào, các vị cũng ghi nhận lá thư của Đức Hồng Y Ladaria với 2 điểm chính: đối thoại và hợp nhất. Hơn nữa, đây là một tài liệu suy tư tín lý chứ không tạo ra các qui phạm cho cả nước phải theo.

Để trả lời câu hỏi của Our Sunday Visitor về số đông Giám Mục chống đối việc soạn thảo, Đức Cha Rhoades cho hay ngài không nhớ đây có phải là việc chưa có tiền lệ hay không, vì rất nhiều tài liệu đã được soạn thảo trong 2 thập niên qua, tuy nhiên, ngài hy vọng trong kỳ họp tới sẽ có nhiều Giám Mục ủng hộ tài liệu hơn.

Ngài cũng không đồng ý loại bỏ phần nói về tính nhất quán Thánh Thể như một số Giám Mục đề nghị. Theo ngài, ta không thể trình bầy trọn giáo huấn về bí tích Thánh Thể mà lại không bao gồm phần nói về bí tích Thánh Thể như một mầu nhiệm để sống, và trong phần ấy, lời kêu gọi tôn trọng tính nhất quán Thánh Thể. Vì điều này liên hệ đến kỷ luật của Giáo Hội đã có từ thời Tân Ước.

Chính Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô “bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27-29).

Truyền thống Giáo Hội suốt các thời đại đều nhấn mạnh tới kỷ luật rước lễ. Kỷ luật này nay được phát biểu trong các điều 915 và 916 của bộ giáo luật. Tài liệu đang soạn thảo sẽ trình bầy một hiểu biết rõ ràng tại sao Giáo Hội đưa ra các điều luật này. Điều 915 đề cập tới những người không được chấp nhận rước lễ. Điều 916 đề cập đến sự cần thiết phải ở trong tình trạng có ơn thánh mới được rước lễ. Luật Giáo Hội là để phục vụ ơn cứu rỗi của các linh hồn. Và các luật này có mục đích thuốc thang chạy chữa chứ không phải trừng phạt.

Trả lời câu hỏi liên quan đến Joe Biden, Đức Cha Rhoades nói rằng tài liệu ngỏ lời với mọi người Công Giáo. Tất cả chúng ta được kêu gọi liên tục hoán cải và nhất quán với bí tích Thánh Thể. Chúng ta hết thẩy được kêu gọi từ Thánh Lễ ra đi vinh danh Chúa bằng đời sống của mình, làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói và hành động. Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng sự sống và tôn trọng cùng bảo vệ sự sống và phẩm giá của mọi con người nhân bản, kể cả trẻ em trong bụng mẹ. Sách Giáo lý dạy rằng bí tích Thánh Thể giáo dục chúng ta trong tình yêu và làm chúng ta dấn thân cho người nghèo. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều đã viết rất hay về các hệ luận xã hội của bí tích Thánh Thể. Đức Cha hy vọng rằng tài liệu sẽ làm nổi bật điều này. Điều quan trọng là chúng ta hiểu, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô từng viết rằng, “việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa không bao giờ là việc hoàn toàn tư riêng cả, mà không có các hậu quả đối với mối liên hệ của ta với những người khác: nó đòi chứng tá công cộng cho đức tin của ta”.

Về lập luận cho rằng bàn đến tính nhất quán Thánh Thể là “vũ khí hóa Thánh Thể”, Đức Cha Rhoades cho rằng ngài tin giáo huấn của Giáo Hội về tính nhất quán Thánh Thể tôn vinh sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Cực Thánh và giúp ta hiểu rằng bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm để sống. Bí tích Thánh Thể là hồng ân tuyệt vời Chúa ban mà chúng ta được kêu gọi lãnh nhận cách khiêm nhường và biết ơn và Chúa ban cho ta như của nuôi linh hồn. Ý niệm nhất quán Thánh Thể nhắc chúng ta nhớ chúng ta phải được chuẩn bị thích đáng để lãnh nhận Thánh Thể. Điều này bao gồm việc hiệp thông với Giáo Hội và thuận theo kho tàng đức tin chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, mà các Tông đồ đã ủy thác cho Giáo Hội. Tính nhất quán Thánh Thể liên quan đến việc chúng ta hiệp thông với Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội, được chính Thân Xác Thánh Thể của Chúa Giêsu xây dựng.



Không học Thánh Tôma cho ra trò

Nói cho ngay, chính một số giáo phẩm Hoa Kỳ đã tạo ra cảnh mù mờ đối với bí tích Thánh Thể tại Giáo Hội của họ. Thực vậy, theo CNA, Đức Cha Thomas Paprocki của giáo phận Springfield, Illinois, nhận định rằng một trong “các lập luận gây sai lạc” đã được chính các Giám Mục và Hồng Y trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nêu lên. Các Giám Mục và Hồng Y này lập luận rằng “soạn thảo tài liệu này... sẽ gây chia rẽ và gây hại cho sự hợp nhất của Hội Đồng Giám Mục”.

Nhưng Đức Cha Paprocki phản công rằng “không nên có sự hợp nhất với sự ác”. Ngài bảo: “đúng, chúng ta nên cố gắng hợp nhất, nhưng sự hợp nhất của chúng ta nên đặt căn bản trên các sự thật của đức tin như đã tìm thấy trong Sách Thánh và Truyền thống không ngừng của Giáo Hội. Không ai muốn được hợp nhất trên con đường diệt vong”.

Đức Cha Paprocki cho rằng các Giám Mục và Hồng Y trên phần nào quên khuấy lời tuyên thệ lúc thụ phong Giám Mục rằng “để chu toàn trách nhiệm đã được ủy thác cho tôi nhân danh Giáo Hội, tôi sẽ giữ vững kho tàng đức tin trong tính toàn vẹn của nó; tôi sẽ trung thành truyền lại nó và giải thích nó, và tôi sẽ tránh bất cứ giáo huấn nào trái ngược với nó. Tôi sẽ theo và cổ vũ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội và tôi sẽ tuân giữ mọi luật lệ của Giáo Hội, nhất là các luật lệ chứa đựng trong Bộ Giáo Luật”.

Theo John Lavenburg của tạp chí Crux, các Giám Mục nổi tiếng chống lại việc soạn thảo tài liệu có các Hồng Y Blase Cupich của Chicago, Joseph Tobin của Newark và Wilton Gregory của Washington D.C., vì cho là gây chia rẽ.

Người ta không rõ quan điểm thần học của hai Hồng Y Tobin và Gregory ra sao, riêng Hồng Y Cupich, thì nhân cơ hội Đức Tổng Giám Mục Aquila viết về bí tích Thánh Thể, đã lớn tiếng cho rằng căn cứ vào nguyên tắc ex opere operato, người ta không nên bàn đến sự xứng đáng được rước lễ của ai vì bí tích Thánh Thể là hành động của Chúa Giêsu, không lệ thuộc bất cứ yếu tố nhân bản nào.

Hình như lúc còn học ở đại chủng viện và cả sau này, lúc được tiến cử làm giám mục, rồi Tổng Giám Mục rồi Hồng Y, Đức Hồng Y Cupich chưa hề đọc tác phẩm “An Aquinas Reader” của nữ tu kiêm giáo sư Đại Học Mary T. Clark, xuất bản từ những năm 1972.

Khi bàn về nguyên tắc Ex Opere Operato, Nữ tu Clark nhận định rằng trong các công trình của ngài, Thánh Tôma Aquinô xem xét gần như mọi vấn đề suy lý và luân lý. Và vì thế, ngài không thể bàn rộng dài về chúng được, nhưng bàn một cách súc tích, ngắn gọn. Do đó, một số ý nghĩa nào đó trong các quả quyết của Thánh Tôma có thể bị bỏ lỡ đối với các thời kỳ sau này. “Như vấn đề bị hiểu lầm hơn cả về các bí tích chẳng hạn. Ta rất thường gặp những người nghĩ rằng kiểu nói thời danh ex opere operato có nghĩa là bẩy bí tích ban ơn thánh một cách máy móc hay tự động, gần như ma thuật. Trước nhất, kiểu nói này chỉ xuất hiện trong các công trình tiên khởi của Thánh Tôma về các Sentences (Các Ý Kiến Thần Học). Hơn nữa, các yêu tố vật chất như nước và dầu được gọi là ‘chất thể’ [matter] của mỗi bí tích; các công thức được đọc lên được gọi là ‘mô thức’ [form] đem lại ý nghĩa cho bí tích; nhưng với Thánh Tôma, chất thể và mô thức không đơn giản cộng lại thành việc thông truyền thiên tính. Không, ‘mô thức lời nói’ là Lời Đức Tin tìm thấy trong Giáo Hội. Và như thế, khi Thánh Tôma nói rằng tính hữu hiệu của bí tích phát xuất từ mô thức (ex opere operato) là ngài muốn nói rằng bí tích được Chúa Kitô thiết lập. Nó độc lập đối với chúng ta nhưng không độc lập đối với Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập ra nó, vì quả thực, bí tích chỉ có thể do Thiên Chúa thực hiện như hồng ân của Người. Và Chúa Kitô Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập ra các bí tích, Người hiện diện trong mỗi bí tích với quyền năng cứu rỗi mọi nhu cầu của con người. Nhưng cũng như sự hiện diện của Chúa Kitô với các Tông Đồ không miễn chước các cố gắng bản thân của các ngài thế nào, thì sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích cũng sẽ không cứu được con người nếu không có sự hợp tác của họ. Ở đây, ta thấy có sự áp dụng nguyên tắc tổng quát của Thánh Tôma; nguyên tắc này cho rằng bất cứ điều gì được nhận lãnh đều được nhận lãnh theo hình thái người nhận lãnh. Cho nên, các bí tích không ban ơn thánh cho chúng ta như thể chúng ta là những sự vật mà như những con người có ý chí tự do để đáp trả, những con người có trách nhiệm”.

Thực ra, chả cần Nữ Tu Clark phải phân tích dài dòng như thế. Bản thân tôi đã được dự một giờ giảng của một giáo lý viên rất tầm thường tại Cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Sydney. Anh trình bầy một thí dụ rất đời thực và dễ hiểu. Hiệu quả của bí tích cũng giống như tia sáng mặt trời, tràn lan khắp nơi, nhưng nếu bạn không mở cửa sổ ra đâu có nhận được nó.

Thiển nghĩ Giáo Hội nên trao mũ Hồng Y cho anh giáo lý viên trên hơn là trao mũ Hồng Y cho Đức Hồng Y Blase Cupich, mặc dù gần đây, ngài vẫn được Đức Phanxicô trao cho nhiệm vụ kinh lược Bộ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.