1. Tưởng niệm các nạn nhân chết vì virút Tầu độc địa tại Ý

Ngày 20 tháng Hai được chính thức ghi nhận là ngày Italia phát hiện trường hợp coronavirus đầu tiên. Trong những ngày này, các thành phố và thị trấn trên khắp nước Ý đã treo cờ rũ để thương tiếc các nạn nhân của coronavirus, và tôn vinh sự hy sinh quảng đại và dấn thân anh dũng của các nhân viên y tế.

Đề xuất này được đưa ra bởi ANCI, Hiệp hội các thành phố Ý. Trên khắp nước Ý, một phút mặc niệm đã được cử hành tại các văn phòng chính phủ để mặc niệm những người đã chết, cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Theo tờ Avvnire, tức là Tương lai, tờ báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, giáo phận Bergamo là giáo phận có số các linh mục thiệt mạng vì coronavirus cao nhất. Kể từ khi bắt đầu dịch bệnh tới nay đã có trên 40 linh mục thuộc giáo phận Bergamo thiệt mạng.

Lược qua danh sách các linh mục bị thiệt mạng, Avvenire xác định có năm phẩm chất chung của các ngài là. Các linh mục bị thiệt mạng đã sống rất bình dân, hoà đồng và gần gũi đàn chiên

Trong các cộng đồng dù lớn dù nhỏ, các vị này là “những người gìn giữ ký ức chung, tham gia vào việc truyền bá các chứng tá và các giá trị từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.”

Các vị đã rất trung thành với ơn gọi: Nhiều vị trong số các linh mục này đã phục vụ cộng đồng của mình từ bốn mươi năm trở lên.

Các vị sống rất khiêm tốn: Nhiều vị trong số 110 linh mục đã qua đời chỉ được biết đến trong phạm vi các giáo xứ và cộng đồng địa phương của mình, chỉ một số ít các vị có danh tiếng ở cấp khu vực hoặc quốc gia.

Các ngài là những người không thể thiếu đối với cộng đồng: “Hết lần này đến lần khác,” Avvenire viết, “người ta nghe thấy sau cái chết của một linh mục những mô tả về một sự mất mát quá lớn đối với cộng đồng, một người luôn gần gũi, sẵn sàng với đàn chiên.”

Tử vong tại Ý tính đến ngày 25 tháng Hai đã lên đến 96,666 người, trong số 2,848,564 trường hợp nhiễm coronavirus. Theo tờ Avvnire tính đến đầu tháng Giêng năm nay đã có ít nhất 204 linh mục thiệt mạng vì coronavirus.

Cho đến nay, đã có 2 Giám Mục Ý qua đời vì coronavirus. Vào đầu tháng 10, Giám mục Giovanni D'Alise của Giáo phận Caserta qua đời ở tuổi 72. Sau đó, một Giám Mục Phụ Tá đã nghỉ hưu của Milan, là Đức Cha Marco Virgilio Ferrari, 87 tuổi, cũng đã chết ngày 23 tháng 11 do coronavirus.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, đã phải nhập viện trong tình trạng rất nghiêm trọng vào đầu tháng 12 vì nhiễm coronavirus.

Theo Liên đoàn Quốc gia về bác sĩ phẫu thuật và nha sĩ, tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2021, ước tính có 324 bác sĩ đã chết ở Ý do đại dịch coronavirus.
Source:Wordometer

2. Ðức Thánh Cha gửi điện thư chia buồn về vụ tấn công ở Congo.

Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi điện thư chia buồn đến gia đình các nạn nhân của vụ tấn công ở Congo và gọi họ là “những người phục vụ hòa bình”.

Trong điện thư gửi tới Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, Ðức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn về cuộc tấn công hôm thứ Hai 22 tháng 2 năm 2021 ở Cộng hòa Dân chủ Congo, làm cho Ðại sứ Ý Luca Attanasio, một quân cảnh người Ý và một tài xế người Congo thiệt mạng. Cả ba đang đi làm nhiệm vụ trong một Phái đoàn của Liên Hợp Quốc.

Ðức Thánh Cha cũng gửi lời chia buồn đến các gia đình các nạn nhân, đoàn ngoại giao và quân đoàn Carabinieri “vì sự qua đời của những người phục vụ hoà bình và luật pháp”.

Tiếp đến, Ðức Thánh Cha ca ngợi “nhân chứng mẫu mực” của Ðại sứ Ý Luca Attanasio. Ngài nói ông là một Kitô hữu tốt lành, luôn cống hiến trong việc thiết lập các tương quan huynh đệ và thân ái cho việc phục hồi sự an bình và hài hòa tại quốc gia châu Phi.

Sau đó, Ðức Thánh Cha hướng đến ông Vittorio Iacovacci, thành viên của cảnh sát Ý Carabinieri, người cũng đã bị giết trong vụ tấn công. Ngài bày tỏ: “Vittorio Iacovacci là một chuyên viên và là một người quảng đại trong phục vụ và đang chuẩn bị tạo dựng một gia đình mới”.

Trong phần kết của điện thư, Ðức Thánh Cha nói ngài cầu nguyện cho sự nghỉ yên muôn đời của những người con cao quý này của dân tộc Ý, và khuyến khích Tổng thống và mọi người hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vì trong Chúa những gì đã được thực hiện tốt đẹp không bao giờ trở nên vô ích, đặc biệt khi những việc làm này được xác nhận bằng đau khổ và hy sinh.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha ban phép lành cho Tổng thống, những người thân và bạn bè của các nạn nhân và tất cả những ai đang thương khóc vì sự mất mát này.

Ngày 22 tháng 02 năm 2021, đoàn xe của Liên Hiệp Quốc đang đi thăm một trường học thuộc Chương trình Lương thực Thế giới ở Rutshuru, thì bị tấn công làm cho ba người chết và một số bị thương. Vụ tấn công xảy ra trên con đường trước đó đã được dọn sạch để đi lại nhưng không có lực lượng an ninh hộ tống. Rutshuru chỉ cách Goma hơn hai giờ lái xe. Con đường ra khỏi thủ đô là khu vực không an toàn, với một số nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực bất chấp sự hiện diện dày đặc của phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trong khu vực.
Source:Vatican News

3. Đức Hồng Y Angelo De Donatis cử hành thánh lễ an táng Đại Sứ Luca Attanasio

Hôm thứ Năm 15 tháng Hai, Ý đã tổ chức quốc tang cho đại sứ của họ tại Cộng hòa Dân chủ Congo và vệ sĩ của ông bị giết trong một cuộc phục kích mà một Hồng Y nói rằng nên nhắc mọi người “nghe thấy tiếng kêu” của dân tộc bị tàn phá bởi bạo lực.

Luca Attanasio, 43 tuổi và Vittorio Iacovacci, 30 tuổi, đã bị bắn chết sau khi bị bắt cóc khi đang đi trong đoàn xe của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, gọi tắt là WFP, đến thăm một dự án cho trẻ ăn học vào hôm thứ Hai. Tài xế của WFP Mustapha Milambo cũng thiệt mạng.

Thủ tướng Mario Draghi và các bộ trưởng khác đã tham dự lễ tang, được tổ chức tại Vương cung thánh đường Đức Maria Nữ vương các Thiên thần và các thánh Tử đạo. Đó là một nhà thờ được sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia và các nhân vật văn hóa.

Những chiếc quan tài được phủ trong lá cờ ba màu của Ý, đã được chào đón bởi một hàng quân danh dự khi được đưa ra khỏi xe tang. Một người lính chỉ huy hô vang lời chào danh dự và một ban quân nhạc chơi một điệu nhạc buồn khi các quan tài được đưa vào nhà thờ.

“Những anh em này đã quyết định cam kết giúp đỡ người khác ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải hy sinh mạng sống của họ,” Đức Hồng Y Angelo De Donatis nói trong bài giảng lễ tang.

Đức Hồng Y De Donatis, là đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại giáo phận Rôma, nói rằng những cái chết này nên nhắc nhở mọi người “nghe thấy tiếng kêu của người dân Congo, bị tàn phá một cách tàn nhẫn bởi bạo lực khi chứng kiến những đứa con trai và con gái của họ chết mỗi ngày.”

Đại sứ Attanasio để lại một người vợ và ba đứa con. Anh Iacovacci, vệ sĩ của ông vừa mới đính hôn.

Một nguồn tin tư pháp ở Rôma cho biết kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ cho thấy cả hai đã bị trúng đạn hai lần trong một vụ bắt cóc.
Source:Reuters

4. Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao suy tư về giá trị của việc sám hối trong thời đại dịch

Sám hối là lời mời gọi thường hằng trong đời sống Kitô hữu, và được nhấn mạnh trong Mùa Chay, có thể giúp chúng ta hiểu giá trị những hy sinh mà chúng ta đã được kêu gọi thực hiện trong đại dịch coronavirus.

Trong một lá thư cho Mùa Chay năm 2021, được đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma vào ngày 18 tháng 2, Đức Hồng Y Mauro Piacenza đã trình bày các suy tư của ngài về việc “sám hối trong thời gian khẩn cấp”.

Đức Hồng Y Piacenza là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, một tòa án của Tòa án của Vatican có thẩm quyền liên quan đến các ân xá như toàn xá và tiểu xá, và việc xá các tội nghiêm trọng.

Ngài viết rằng 40 ngày Mùa Chay và sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự dữ “có tầm quan trọng không thể so sánh được đối với sự sống của con người, bởi vì những điều này không chỉ liên quan đến đến lợi ích vật chất hay sức khoẻ thể xác, mà còn liên quan đến một điều triệt để hơn nhiều là sự cứu rỗi đời đời”.

Ngài nói rằng, không giống như những gì thường được nhấn mạnh trong đại dịch COVID-19, Mùa Chay “không chỉ liên quan đến việc chữa lành hoặc miễn nhiễm khỏi bệnh truyền nhiễm, nhưng còn liên quan đến chiến thắng tội lỗi, là thứ khiến con người trở thành nô lệ, và phải chết. Tội lỗi cũng giới hạn các khát vọng con người trong những ao ước thế tục mà thôi. Mùa Chay giúp chúng ta vươn đến những khát vọng cao cả hơn”.

Với Mùa Chay, chúng ta có thể nhìn thấy xa hơn các giai đoạn đóng cửa và đại dịch và nhìn “toàn bộ thời gian” với một viễn cảnh “được chiếu sáng bởi ánh sáng của sự phục sinh”, Đức Hồng Y nói.

Ngài lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe xuất hiện “ngay khi việc từ bỏ, hy sinh, và đền tội dường như bị cấm theo quy điển của một phương Tây đã trở nên điếc lác với mọi hình thức hành xác”.

Ngài giải thích rằng giờ đây, mọi người trên khắp thế giới đã được yêu cầu “từ bỏ, ít nhất là một phần, việc thực hiện các quyền tự do cá nhân” để tuân theo các quy trình an toàn sức khỏe và tuân theo các chỉ dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Đức Hồng Y, trong thời kỳ đại dịch, các phương tiện thông tin đại chúng đã gửi đi ba thông điệp: tố cáo mối nguy hiểm sắp xảy ra và nhấn mạnh trách nhiệm của một người đối với bản thân và người khác; chỉ ra một thời điểm trong tương lai mà tại đó mọi thứ sẽ được giải quyết tốt nhất; và đặt ra thời hạn cho sự chờ đợi và hy sinh bắt buộc.

“Một phần trong những điều này cũng luôn là ý tưởng định hướng của sự sám hối Kitô Giáo được đề xuất và mời gọi đối với tất cả mọi người trong Mùa Chay thánh,” Đức Hồng Y Piacenza nói.

Ngài nói thêm rằng trên thế giới, luôn luôn có “một mối nguy hiểm sắp xảy ra,” đó là tinh thần ma quỷ, mà các tín hữu Kitô được kêu gọi chống lại bằng sự sám hối.

Chân trời tích cực là “chiến thắng trên Thập tự giá do Chúa Kitô giành được và được chia sẻ bởi những người chào đón Ngài vào cuộc sống của chính họ”, ngài giải thích. Và có sự kết thúc trận chiến, “được biểu thị bằng ‘con số thiêng liêng’ là 40 ngày, là thời gian hoán cải và cứu độ thực sự”.

Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao nhấn mạnh rằng việc sám hối của Kitô hữu không phải là một “nỗ lực mệt mỏi và không chắc chắn để đạt được, bằng sức riêng của mình, một ơn thiêng nào đó”.

“Ngược lại”, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng, “sám hối bao gồm nhu cầu không thể cưỡng lại, nảy sinh trong mỗi trái tim người Kitô hữu đích thực, là muốn đáp lại với tất cả bản thân mình trước Tình yêu của Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, đã gánh lấy tội ác của thế giới đến mức hy sinh trên thập tự giá. Sự phục sinh của chính Ngài đã đổi mới vũ trụ đang bị lung lay bởi tội lỗi”.

Giáo hội luôn coi việc sám hối là một “nhân đức đích thực và thích hợp, được Chúa Thánh Thần ban cho và hoạt động để qua đó con người tự mở lòng ra đón nhận chiến thắng vĩ đại của Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Piacenza viết.

Qua việc sám hối, con người học cách từ bỏ toàn bộ cuộc sống của mình cho Chúa Kitô và chấp nhận cùng chịu đau khổ với Ngài, nhận lấy hậu quả của tội lỗi mình gây ra, và “dâng hiến sự đền đáp chính đáng”.

“Nhưng trên hết”, Đức Hồng Y nói, qua sám hối, Kitô hữu học được “cách nhận biết những điều bí ẩn trong Trái tim Chúa Kitô và tham gia, ngay bây giờ và mãi mãi, trong cuộc sống mới của Đấng ‘đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa’ (Dt 12: 2)”.

Đức Hồng Y Piacenza đã kết thúc bức thư của mình bằng cách cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp người Công Giáo phát triển “sự sám hối thực sự của người Kitô hữu, để có khả năng đón nhận và nhìn thấy sự thay đổi trong dịp cứu độ, là tình trạng khẩn cấp đại dịch hiện nay, làm cho lòng người phát triển niềm vui và tự do của những người biết mình không thuộc về quyền lực nào trên thế gian này, nhưng chỉ thuộc về Chúa Kitô và quyền năng cứu rỗi của Ngài”.
Source:Catholic News Agency