Trước đây, chúng tôi đã tường thuật câu chuyện Trung Quốc phóng vệ tinh lên không gian trong cố gắng do thám toàn cầu đặc biệt là vùng Đông Nam Á.

Trong chương trình hôm nay chúng tôi sẽ trình bày câu chuyện Do Thái vừa phóng vệ tinh lên không gian và nói thẳng thắn là để do thám toàn cầu đặc biệt là vùng Trung Đông.

Kế đến là câu chuyện Trung Quốc cảnh cáo chính phủ Anh vì thủ tướng Boris Johnson muốn loại bỏ công ty Huawei khỏi thị trường nước này.

1. Israel phóng vệ tinh gián điệp để theo dõi kẻ thù tốt hơn

Hôm thứ Hai 6 tháng 7, Do Thái đã phóng một vệ tinh gián điệp mới mà họ cho biết sẽ cung cấp các hình ảnh phẩm chất cao cho ngành tình báo quân sự của nước này.

Do Thái đã và đang xây dựng khả năng trinh sát của mình để theo dõi các quốc gia thù địch như Iran là quốc gia có chương trình hạt nhân mà Do Thái coi là mối đe dọa lớn.

Vệ tinh có tên Ofek 16, đã được bắn vào vũ trụ vào sáng sớm thứ Hai từ một địa điểm ở miền trung Do Thái bởi một tên lửa Shavit do Do Thái chế tạo. Hoả tiễn này đã được sử dụng để phóng các vệ tinh Ofek trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố và duy trì khả năng của Do Thái trên tất cả các mặt trận, ở khắp mọi nơi”.

Bộ Quốc phòng gọi là Ofek 16 “ một vệ tinh do thám điện quang với khả năng tiên tiến.

Những hình ảnh đầu tiên sẽ nhận được trong khoảng một tuần.

Israel Aerospace Industries thuộc sở hữu nhà nước là nhà thầu chính cho dự án và mọi hoạt động của vệ tinh được thực hiện bởi công ty quốc phòng Elbit Systems.

Trong khi Do Thái công khai mục đích của vệ tinh Ofek 16 là dùng cho các mục tiêu quân sự. Trung Quốc luôn giấu diếm mục đích thực sự của các vệ tinh Bắc Đẩu.

Hôm thứ Ba 23 tháng 6, Trung Quốc nói họ đã phóng thành công vào không gian vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới điều hướng Bắc Đẩu (Beidou - 北斗), để cạnh tranh với mạng điều hướng GPS do Mỹ sở hữu.

Ban đầu, Trung Quốc dự định phóng vệ tinh này lên không gian vào ngày 16 tháng 6, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào phút cuối do những vấn đề về kỹ thuật được phát hiện trong các cuộc thử nghiệm trước khi phóng tên lửa Vạn Lý Trường Chinh-3B.

Vệ tinh vừa được phóng lên không gian có tên là Bắc Đẩu-3 là vệ tinh thứ 35 và cũng là vệ tinh cuối cùng của hệ thống định vị Trung Quốc - một dự án ước tính trị giá 10 tỷ Mỹ Kim. Đây được coi là câu trả lời của Bắc Kinh cho Hệ thống Định vị Toàn cầu, gọi tắc là GPS, do Mỹ sở hữu.

Trung Quốc giải thích rằng Hệ thống Định vị Toàn cầu Bắc Đẩu của họ đã hình thành vào những năm 1990 khi quân đội Trung Quốc tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS do Không quân Hoa Kỳ điều hành.

Ban đầu thế hệ Bắc Đẩu 1 của Trung Quốc giới hạn trong phạm vi Trung Quốc mà thôi.

Thế hệ Bắc Đẩu 2 của Trung Quốc, bắt đầu hoạt động vào năm 2012, bao trùm khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu triển khai thế hệ thứ ba gọi là Bắc Đẩu 3 nhằm mục đích phủ sóng toàn cầu.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 26 tháng 6 tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng trấn an dư luận rằng các vệ tinh Bắc Đẩu của Tầu Cộng chỉ nhắm đến các mục đích dân sự, chủ yếu là chỉ đường cho các xe cộ trên đất liền và tàu bè trên biển. Tuyên bố của Kiên được đưa ra vì nhiều nước lo ngại rằng Trung Quốc đang tiến hành do thám các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong vùng Đông Nam Á để phục vụ các mục tiêu bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.


Source:Reuters

2. Trung Quốc cảnh báo Vương quốc Anh sẽ trả giá đắt khi loại bỏ Huawei

Trung Quốc vừa đưa ra một cảnh báo cho Vương quốc Anh. Loại bỏ Huawei và bạn sẽ rắc rối to. Đại sứ Trung Quốc tại London đã đưa ra mối đe dọa không hề che giấu vào hôm thứ Hai.

Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming - 刘晓明) nói: “Chúng tôi muốn trở thành bạn bè của các bạn. Chúng tôi muốn trở thành đối tác của các bạn. Nhưng nếu các bạn muốn biến Trung Quốc thành một quốc gia thù địch, các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.”

Liu Xiaoming đã đưa ra phát biểu trên giữa lúc có những đồn đoán rằng Vương quốc Anh có thể sẽ cấm Huawei tham gia vào các mạng điện thoại 5G /đọc là five dzi/ thế hệ tiếp theo. Trước đó, London đã nói rằng công ty Trung Quốc có thể tham gia vào các phần không phải là chính yếu của hệ thống, nhưng tuần trước Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson nói rằng ông không muốn cơ sở hạ tầng quan trọng bị kiểm soát bởi các nhà cung cấp của một quốc gia có khả năng thù địch với nước Anh.

Sau khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei và tăng áp lực lên các đồng minh để tránh xa nó, Anh chỉ còn 2 lựa chọn lựa chọn khó khăn, chọc giận Washington hay chọc giận Bắc Kinh.

Đại sứ Trung Quốc đã biến câu chuyện này thành một trắc nghiệm đối với nước Anh thời hậu Brexit. Nếu Anh không tách ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, Anh không rơi vào tình cảnh này. Thật thế, Trung Quốc không dám đưa ra một lệnh trừng phạt trên toàn bộ Liên Hiệp Âu Châu.

Đại sứ Lưu Hiểu Minh nói thêm: “ Nếu các bạn loại bỏ Huawei, thì các bạn đang gửi đi một thông điệp rất sai trái. Nó sẽ làm mờ hình ảnh của Anh như một quốc gia với nền thương mại tự do.”

Cuộc tranh cãi về Huawei đã trở thành cuộc chiến ý chí giữa Mỹ và Trung Quốc. Hôm thứ Hai, một bộ trưởng Anh cho biết một đánh giá về chính sách của họ đang được tiến hành với kết quả sẽ được công bố trước quốc hội. Thủ tướng Boris Johnson có một lựa chọn rất khó khăn phải thực hiện.


Source:Reuters