1. Đức Hồng Y Timothy Dolan cảnh báo về nguy cơ tại Mỹ đang có một thứ cách mạng văn hóa như Trung Quốc

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã viết trên tờ Wall Street Journal rằng việc phá hủy các di tích là bất lợi cho kiến thức về lịch sử, và cảnh báo chống lại một “cuộc cách mạng văn hóa” như kiểu Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

“Thiên Chúa cấm chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa như Trung Quốc đã làm cách đây năm thập kỷ. Hãy cảnh giác với những ai muốn thanh lọc ký ức và trình bày một thứ lịch sử tuy gọn gàng nhưng không chính xác”.

Cách mạng văn hóa Trung Quốc, bắt đầu từ 1966 và kết thúc vào năm 1976, đã tìm cách xóa bỏ các yếu tố truyền thống khỏi xã hội Trung Quốc, đặc biệt là các phong tục, các nền nếp văn hóa, các thói quen và các hệ tư tưởng mà Mao cho rằng không phù hợp với chủ nghĩa xã hội.

Đức Hồng Y đặt câu hỏi:

“Ai sẽ là người xác định rằng những bức tượng, chân dung, sách vở và lòng sùng mộ nào được chừa lại? ”

Ngài cảnh giác rằng ai cũng có khả năng đưa ra các phán đoán sai lầm, thiên vị và bất công đối với các nhân vật lịch sử.

“Hãy nhớ lại rằng trước đây đã từng có một số người cực lực phản đối việc nâng cao vị thế ngày sinh nhật của Martin Luther King Jr. thành một ngày lễ quốc gia, với lý do là vị Mục Sư này đã từng có những sai sót mà chính ông tự thừa nhận.”

Mục Sư Martin Luther King sinh ngày 15 tháng Giêng. Năm 1983, sau một chiến dịch cam go với đầy những chống đối, tổng thống Ronald Reagan đã ra sắc lệnh công nhận ngày sinh của Mục Sư Luther King là ngày lễ nghỉ quốc gia. Ba năm sau đó sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực nhưng vẫn có những chống đối và nhiều tiểu bang không công nhận đó là ngày lễ nghỉ. Chỉ đến năm 2000, tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ mới chấp nhận là ngày quốc lễ. Theo đạo luật Uniform Monday Holiday, ngày lễ này được mừng vào ngày thứ Hai gần nhất với ngày 15 tháng Giêng, để dân chúng có được một long weekend.

Nhiều di tích công cộng đã và đang là tâm điểm của những vụ phá hoại hoặc đã bị giật xuống trong những tuần gần đây.

Những bức tượng gây tranh cãi kéo dài của các nhà lãnh đạo phe muốn duy trì tình trạng nô lệ đã bị giật xuống ở một số địa phương, nhưng cả các bức tượng của George Washington, Christopher Columbus và Ulysses S. Grant cũng bị kéo đổ. Ít nhất hai bức tượng của Thánh Junipero Serra đã bị những kẻ bạo loạn ở California giật sập, và một bức tượng của Thánh Louis đã bị phản đối.

Đức Hồng Y nhắc nhớ mọi người câu chuyện về một phụ nữ giáo dân đã phản đối khi ngài công bố ý định cung hiến một giáo xứ mới cho Thánh Phêrô. Bà này cho rằng Thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần nên bà quyết liệt chống đối quyết định này.

“Tôi biết bà ấy và biết rõ bà ấy thuộc giáo xứ nào, tôi đã viết lại, ‘Nhưng chẳng phải bà vẫn thường tự hào mình là một giáo dân tại giáo xứ Thánh Maria Mađalêna đó sao? Chắc chắn vị thánh ấy không phải là một nhân vật đức hạnh trong một giai đoạn của đời mình. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, thánh nữ đã trở thành một vị thánh rạng rỡ, truyền cảm hứng cho nhiều người. Nếu chúng ta không thể đặt tên cho các nhà thờ bằng tên của những người đã từng phạm tội, thì tôi chắc chắn rằng mọi nhà thờ trên thế giới này chỉ còn cách là đặt theo các tước hiệu của Chúa Giêsu và Mẹ Người!”

Ngài lưu ý rằng điều tương tự cũng đúng với những nhân vật lịch sử của người Mỹ, và nói thêm rằng tất cả họ đều có những sai sót, nhưng tất cả họ vẫn có những đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của đất nước chúng ta.

Đức Hồng Y cho rằng trào lưu giật sập các bức tượng và phá hoại những tượng đài có thể so sánh với chính sách đốt sách chôn nho đời nhà Tần bên Trung Quốc.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên, thừa tướng của ông là Lý Tư đã đề nghị hoàng đế dập tắt tự do ngôn luận để thống nhất các chính kiến và tư tưởng bằng cách đốt hết tất cả các sách và các nhà nho giáo hoặc thông thái có tư tưởng khác với mình.

“Những đứa trẻ của chúng ta cần biết đất nước của mình, quá khứ, những nhân vật chuẩn mực và những đức tính cũng như những tật xấu của họ. Đó là cách mà chúng ta học và truyền lại câu chuyện của quốc gia mình.”

Theo Đức Hồng Y, không có cách nào hiệu quả hơn để hiểu lịch sử phân biệt chủng tộc của Mỹ cho bằng việc đọc Huckleberry Finn hoặc những truyện ngắn của Flannery O'Connor.

“Mẹ tôi giữ một bức ảnh của ông bà ngoại tôi và treo trên tường nhà chúng tôi. Cha của bà, tức là ông ngoại tôi, là một người nghiện rượu và đã bỏ rơi gia đình. Tôi rất vui vì chúng tôi đã biết về ông ngoại tôi, cả những nhân đức cũng như những tính hư, nết xấu, ” Đức Hồng Y Dolan viết.

Ngài nhấn mạnh rằng “Nếu chúng ta chỉ tôn vinh những người hoàn hảo, những người thánh thiện của quá khứ, tôi e rằng chúng ta chỉ còn lại thánh giá. Nhưng mà một số người đang muốn cấm cả điều đó nữa đấy”.

Sau khi nghiên cứu lịch sử Giáo hội Hoa Kỳ, ngài nói rằng, với tư cách là một nhà sử học, tôi muốn ghi nhớ điều tốt và điều xấu, và nhớ lại với lòng biết ơn rằng ngay cả những người có những mặt tối không thể phủ nhận được, vẫn có thể để ánh sáng chiếm ưu thế trong đời mình và để lại cho chúng ta một thế giới tốt hơn.

“Tôi muốn tiếp tục đưa các tầng lớp học sinh đến xem những di tích như vậy, và giải thích cho các em biết ngay cả những vĩ nhân trong lịch sử của chúng ta cũng đã từng có các tội ác, đã từng phạm những hành động bất công và đưa ra các phán đoán kém cỏi xen lẫn với những điều tốt đẹp mà chúng ta tôn vinh.”


Source:Catholic News Agency

2. Những kẻ quá khích đòi giật sập cả bức tượng Lincoln ở Washington DC

Abraham Lincoln sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 và qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1865, là một chính khách và luật sư người Mỹ, từng là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ năm 1861 cho đến năm 1865. Lincoln đã lãnh đạo quốc gia thông qua cuộc khủng hoảng chính trị, hiến pháp và chính trị lớn nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông có công xóa bỏ chế độ nô lệ, củng cố chính quyền liên bang và hiện đại hóa nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số thành phần quá khích trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình ở Washington DC nhằm loại bỏ bức tượng của ông làm bằng đồng ở Công viên Lincoln. Bức tượng có tên là Emancipation Memorial, nghĩa là Đài Tưởng Niệm Giải Phóng.

Bức tượng mô tả vị tổng thống đứng trong khi đó một người đàn ông Mỹ gốc Phi, là người mới được giải thoát khỏi chế độ nô lệ, đang quỳ bên dưới trong một cử chỉ thể hiện lòng biết ơn người đã giải phóng cho mình.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là cảnh hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại công viên này. Họ cho rằng bức tượng bỏ qua những đóng góp của người Mỹ gốc Phi để chấm dứt chế độ nô lệ.

Một người đang hò hét giập sập bức tượng xuống nói:

“Bây giờ là thời gian cho những người trẻ tuổi đứng lên. Đây là thời điểm của các bạn. Hãy giật bức tượng này xuống.”

Trong khi đó những người phản biểu tình thì cho rằng Abraham Lincoln là một ân nhân của người da đen và bức tượng này là một bức tượng đẹp vì nó thể hiện lòng biết ơn, là một tính cách xã hội cần thiết của mọi người trong xã hội.

Một vụ ẩu đả giữa người biểu tình và người phản đối leo thang đến mức một nhà hoạt động chính trị phải được cảnh sát hộ tống đến nơi an toàn.

Tổng thống Donald Trump đã có một đường lối cứng rắn đối với bất kỳ ai phá hủy hoặc phá hoại các di tích lịch sử, đe dọa họ bằng các án tù dài.

Diễn biến này càng củng cố lập luận của Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, khi ngài cảnh cáo rằng nhiều kẻ quá khích đang muốn thực hiện một cuộc cách mạng văn hoá theo kiểu Mao Trạch Đông tại Trung Quốc.


Source:Reuters