Báo chí Công Giáo đang xôn xao về diễn từ của Đức Phanxicô trong lúc đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật, 5 tháng 7. Ký giả John Allen tường thuật rằng trước buổi đọc kinh Truyền tin ấy, Tòa Thánh có phân phối trước cho các nhà báo bài diễn từ soạn sẵn của Đức Phanxicô với lời cảnh báo: không được nhắc đến nội dung của nó cho tới khi Đức Giáo Hoàng thực sự đọc nó. Vì chỉ được coi là chính thức những điều ngài nói mà thôi, những gì ngài không nói, coi như không hề hiện hữu.
Khía cạnh vừa nói đã xẩy ra ngay sau đó, khi Đức Phanxicô bỏ qua một đoạn quan trọng nói về Hồng Kông so với bản đã phân phối cho các nhà báo.
Allen cho rằng để tôn trọng đạo đức học báo chí, ông sẽ không nhắc lại đoạn bị Đức Phanxicô bỏ không đọc. Nhưng nhà báo kỳ cựu người Ý, Marco Tosatti, không ngại đạo đức báo chí này, đã trích dẫn nguyên văn đoạn ấy như sau:
“Gần đây, tôi có theo dõi một cách chú ý đặc biệt và không khỏi quan tâm việc phát triển tình hình phức tạp tại Hồng Kông, và tôi muốn bày tỏ hơn hết sự gần gũi tận trái tim tôi với mọi cư dân của lãnh thổ đó. Trong bối cảnh hiện thời, các vấn đề được đề cập tới hiển nhiên là tế nhị và ảnh hưởng tới đời sống mọi người; do đó, điều dễ hiểu là tính nhậy cảm rõ rệt về phương diện này. Do đó, tôi hy vọng rằng mọi người liên hệ biết cách đối đầu với các nan đề khác nhau với tinh thần khôn ngoan biết nhìn xa và đối thoại chân chính. Việc này đòi hỏi lòng can đảm, đức khiêm nhường, bất bạo động, và tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mọi người. Do đó, tôi bày tỏ ước mong rằng tự do xã hội, và nhất là tự do tôn giáo, được phát biểu một cách hoàn toàn tự do và chân thực, như nhiều văn kiện quốc tế vốn dự liệu nó. Tôi đồng hành bằng lời cầu nguyện không thôi với toàn thể cộng đồng Công Giáo và mọi người thiện chí ở Hồng Kông”.
Vốn là người Công Giáo thuộc phe bảo thủ và thường lớn tiếng chỉ trích nhiều chính sách của Đức Phanxicô, người ta không lạ khi Tossati hoài nghi, cho rằng Bắc Kinh rất có thể đã gây áp lực với Đức Phanxicô, đến nỗi ngài không dám nói về bi kịch của cựu thuộc địa Anh này, dù với một giọng điệu hết sức tinh tế và hòa bình.
Nhận định của Tossati được Riccardo Casciloi, một tiếng nói bảo thủ khác, phụ hoạ, khi nhấn mạnh rằng tình tiết này “cho thấy sự phục tùng của Tòa Thánh đối với chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Hoa”.
Nhưng theo Allen, những người xưa nay bênh vực Đức Phanxicô, như Riccardo Cristiano, thấy đây là một tuyệt chiêu về chiến thuật. Ông này viết: “chúng ta có thể loại bỏ việc cho rằng đoạn bị loại bỏ là do áp lực của Trung Hoa. Trong khoảng ngắn thời gian như thế, trong đó bản văn phân phối cho báo giới chỉ non một giờ trước khi được đọc, thì đó là một giả thuyết không được bằng chứng hỗ trợ”.
Ông viết tiếp: “vì tình thế tế nhị hoàn cầu của vấn đề và mối quan tâm rõ ràng muốn duy trì đối thoại chứ không dập tắt bất cứ tia hy vọng nào, người ta có thể giả thiết ý tưởng là làm cho suy nghĩ của Rôma trở nên rõ ràng mà không phải phóng chiếu nó một cách chính thức”.
Với Cristiano, Đức Phanxicô chứng tỏ có phán đoán tốt. Ông viết: “Đây là một cố gắng khác nữa nhằm hỗ trợ một viễn ảnh thực sự giúp đỡ nhân dân Hồng Kông và mọi người Trung Hoa, thay vì dùng các vấn đề làm mũi nhọn đấu tranh chống lại một chế độ quyền lực mà không ai ở Hồng Kông có thể thực sự chống lại”.
Hãng tin “Faro di Roma” do phóng viên lâu đời về Vartican là Salvatore Izzo thành lập, cũng bênh vực Đức Phanxicô khi cho rằng “hiện lúc này, đang có cố gắng tấn công Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì cho rằng ngài không nghĩ đây là lúc thuận tiện để chỉ trích Bắc Kinh. Kỹ thuật luôn y như nhau – chỉ cần lặp đi lặp lại cùng những điều vô nghĩa, hết ngày này qua ngày nọ, thì người ta sẽ tin chúng... toàn những kẻ ngây thơ”
Riêng ký giả Allen thì cho rằng “chúng ta không biết tại sao xẩy ra việc này. Có thể đây là chuyện bất kham, một phần của một chiến lược rộng lớn hơn, nó có thể phát sinh từ những động lực khó tránh, hay nó chỉ là do truyền thông dở của nội bộ, và cũng có thể là một chuyện khác hẳn. Cho đến khi các nhân vật chính đưa ra lời giải thích, chúng ta chỉ còn biết đoán mò, một điều thường chỉ phản ảnh thiên kiến của người đoán”.
Hãng tin Catholic World News không đích thân nhận định về việc này, nhưng cho rằng việc “kỳ cục” bỏ đoạn văn đó “khiến người ta suy đoán rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng, dù rất ôn hòa, bị dẹp bỏ vì lo ngại nó sẽ gây phản ứng giận dữ nơi các viên chức nhậy cảm của Bắc Kinh. Vatican vốn hết sức thận trọng trong việc duy trì các liên hệ thân hữu với chế độ Trung Hoa, và vốn tránh né các phát biểu công khai cho thấy mối quan ngại đối với các đe dọa tự do tôn giáo, cả ở Hồng Kông lẫn ở đại lục”.
Hơn nữa, các viên chức Vatican cũng có tiếng là mong muốn được ký lại thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các Giám Mục. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt vào tháng 9 này.
Về việc này, Catholic World News cho hay: “cho đến nay, thỏa thuận đã không tạo ra được một đột phá nào trong việc bổ nhiệm các tân giám mục”. Cũng theo họ, tờ South China Post quả quyết “không có vị đứng đầu nào được chọn cho 52 giáo phận không có giám mục trong 2 năm kể từ khi thỏa thuận được ký kết”.
Kỳ tới: Báo South China Post, Vatican đụng trở ngại trên đường xây dựng lại liên hệ với Trung Hoa