Ngay trong các thời kỳ dịch tả, và dịch hạch trầm trọng tàn phá các nước Âu Châu, các thánh lễ đã không bị đình chỉ. Chính vì thế, có nên đình chỉ các thánh lễ trong tình trạng bùng phát coronavirus hiện nay hay không là một vấn đề gây tranh cãi. \7

Nhiều giáo dân, linh mục và cả các Giám Mục cho biết các vị thất vọng về động thái này; và chỉ ra rằng việc đình chỉ các thánh lễ có thể gây thêm sự sợ hãi, làm trầm trọng thêm tình trạng hoảng loạn giữa các tín hữu.

Đức Cha Pascal Roland, Giám Mục giáo phận Belley-Ars cho rằng mọi người nên quan tâm đến “dịch sợ hãi”, “dịch đình chỉ thánh lễ”, “dịch đóng cửa nhà thờ”, hơn là dịch coronavirus.

“Chúng ta nên quan tâm đến cái dịch sợ hãi đang lan tràn trong xã hội, hơn là dịch coronavirus! Về phần mình, tôi từ chối nhượng bộ trước sự hoảng loạn tập thể, mặc dù tôi tuân theo các nguyên tắc phòng ngừa dường như đang chi phối các tổ chức dân sự,” Đức Cha Roland viết trong một cột tại trang web của giáo phận của mình.

“Vì thế, tôi không có ý định đưa ra bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào cho giáo phận của mình. Lẽ nào lại có chuyện các Kitô hữu phải ngừng tụ tập lại để cầu nguyện với nhau? Lẽ nào họ sợ đến mức bỏ rơi không dám đi thăm hỏi và giúp đỡ đồng bào của mình? Ngoài các biện pháp thận trọng cơ bản mà mọi người đều áp dụng một cách tự nhiên để không làm lây nhiễm người khác khi mắc bệnh, thì ta không nên thêm vào bất cứ điều gì nữa,” ngài nói.

Nhiều Giáo Hội địa phương trên thế giới đã ban hành các hướng dẫn phòng ngừa trong các Thánh lễ, hoặc hủy bỏ hoàn toàn các Thánh lễ công cộng, vì sự bùng phát của coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Chủng mới của coronavirus gây ra bệnh đường hô hấp, thường được gọi là COVID-19, có tỷ lệ tử vong khoảng 3%. Đã có hơn 106,211 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus tại 103 quốc gia và hơn 3,600 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp tử vong và lây nhiễm đã diễn ra ở Trung Quốc.

Cho đến sáng Chúa Nhật 8 tháng Ba, Pháp đã có 949 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, và 16 trường hợp tử vong.

Đức Cha Roland đã chỉ ra rằng đối diện những tai họa lớn trong quá khứ, các Kitô hữu đã cùng nhau cầu nguyện chung, dâng lễ cầu nguyện cho những người bệnh, tham dự các thánh lễ an táng và chôn cất người chết. Họ không quay lưng lại với Chúa hay với người hàng xóm.

Ngài nhận xét rằng: “Sự hoảng loạn tập thể mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay cho chúng ta thấy mối quan hệ bị bóp méo của chúng ta với thực tại của cái chết. Nó biểu lộ những tác động gây ra lo lắng chính vì Chúa không còn là chủ tể của đời ta.”

Đức Cha Roland nhấn mạnh rằng “chúng ta muốn che giấu chính bản thân mình sự kiện là chúng ta chỉ là những phàm nhân, chúng ta đã khép lại chiều kích tâm linh của cuộc sống, chúng ta đang thua. Chúng ta ngày càng có nhiều kỹ thuật tinh vi và hiệu quả hơn nên chúng ta tưởng mình có thể làm chủ mọi thứ và chúng ta che dấu sự thật rằng chúng ta không phải là chủ tể của cuộc sống mình!”

Coronavirus là dịp để “nhắc nhở chính bản thân chúng ta về sự mong manh của con người,” Đức Giám Mục Pháp lưu ý. Ngài nói thêm rằng “cuộc khủng hoảng toàn cầu này dù sao cũng có cái lợi là nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sống trong một ngôi nhà chung và chúng ta đều dễ bị tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau và rằng sự hợp tác với nhau cấp bách hơn là đóng cửa biên giới!”

Đức Cha Roland quan sát thấy rằng “dường như tất cả chúng ta đã mất trí! Chúng ta đang sống trong một bầu khí dối trá, không thật. Tại sao đột nhiên coronavirus lại có thể thu hút tất cả sự tập trung chú ý của chúng ta?”

Ngài chỉ ra rằng ở Pháp, bệnh cúm theo mùa thường làm 2 đến 6 triệu người nhiễm bệnh và gây ra khoảng 8,000 ca tử vong.

Vị Giám Mục Pháp nói rằng ngài không có ý định ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, hay đình chỉ các thánh lễ, cũng chẳng loại bỏ cử chỉ trao bình an trong các thánh lễ, hoặc áp đặt cách thức rước lễ mà nhiều người cho rằng hợp vệ sinh hơn. Nói cách khác, mọi người đều có thể rước lễ trên tay hay trên lưỡi như ý họ muốn! Nhà thờ không phải là nơi có nguy cơ, mà là nơi chăm sóc sức khỏe. Đó là nơi chúng ta chào đón Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Sự sống, và qua Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta cùng nhau học cách trở thành những con cái sống động của Chúa. Nhà thờ phải giữ nguyên ý nghĩa của nó: đó là một nơi hy vọng!

Đức Giám Mục giáo phận Belley-Ars hỏi “Anh chị em có nên chôn chân ở nhà không? Anh chị em có nên nhào đến siêu thị khu phố để dự trữ các thứ chuẩn bị cho một cuộc bao vây không? Không! Đừng làm như thế. Bởi vì một tín hữu Kitô là một người không sợ chết. Anh chị em biết rằng mình là người phàm, nhưng anh chị em biết mình đã đặt niềm tin vào Đấng nào.”

Kitô hữu không thuộc về chính mình, cuộc sống của người ấy được Chúa ban cho, người ấy không sợ chết vì người ấy theo Chúa Kitô, Đấng đã dạy rằng ‘Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy’” (Mt 16:25)

Đức Cha Roland kết luận rằng:

“Vì vậy, chúng ta đừng nhượng bộ trước nỗi sợ hãi! Chúng ta đừng là xác chết biết đi! Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thuờng nói: đừng để họ đánh cắp hy vọng của anh chị em!”


Source:Catholic News Agency