Tính đến 10 giờ sáng thứ Năm 20 tháng Hai, số người chết vì coronavirus, hay chính thức phải gọi là COVID-19 đã tăng vọt lên đến 2,118 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 74,576 người. Như thế, trong ngày thứ Tư đã có thêm 114 người bị thiệt mạng, và thêm 394 người được xác nhận là đã nhiễm bệnh. Trung Quốc cho biết trong số những người bị nhiễm bệnh 18% ở trong tình trạng nguy kịch.

Tedros Adhanom Ghebreyesus, là một bác sĩ người Ethiopia, hiện là Tổng Giám Đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cho rằng COVID-19 nguy hiểm vượt xa nạn khủng bố vì theo ông “khủng bố lâu lâu mới tấn công một lần, gây thương vong vài chục người. COVID-19 đều đặn mỗi ngày đều gây ra cái chết cho hàng trăm người.”

Trong các báo cáo hàng ngày, các phát ngôn nhân Trung Quốc cũng đề cập đến hàng ngàn người đã được hồi phục. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu những người đã chiến thắng được tử thần này có nguy cơ bị nhiễm bệnh lại hay không?

Bác sĩ Lý Thanh Viễn (Li QinGyuan - 李清远), giám đốc khoa phòng ngừa và điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc Nhật Bản tại Bắc Kinh, cho biết các kháng thể có thể được tạo ra trong cơ thể những người đã được phục hồi, bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh lần nữa.

“Tuy nhiên, ở một số cá nhân, kháng thể không thể tồn tại lâu,” Bác sĩ Viễn nói. Do đó, theo ông “Nhiều bệnh nhân đã được phục hồi, vẫn có khả năng nhiễm bệnh lần nữa. Và nếu điều đó xảy ra trong một thời gian ngắn, khả năng tử vong là rất cao.”

Do đó, ông kêu gọi các bệnh nhân đã hồi phục cần thận trọng, hơn cả những người chưa từng bị nhiễm virus này.

Eng Eong Ooi, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh tại Trường Y khoa Duke-NUS của Singapore, nói với USA TODAY rằng còn quá mới để xác định một cách chắc chắn rằng liệu khả năng miễn dịch sẽ tồn tại trong một thời gian ngắn, hay có thể kéo dài trong nhiều năm hay suốt đời.

“Có khả năng cơ thể những bệnh nhân đã được phục hồi, sẽ phát triển khả năng miễn dịch,” ông nói. “Nhưng bất cứ kết luận nào đưa ra vào lúc này tôi e rằng đều là quá sớm. Chúng ta cần thời gian nghiên cứu.”

Trong khi đó, hôm thứ Tư, Trung Quốc cho biết họ đã nhận được 16 tấn khẩu trang y tế và các thiết bị bảo vệ khác từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Cảnh Sảng (Geng Shuang - 耿爽) cho biết Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ cung cấp khoản quyên góp 100 triệu đô la để giúp ngăn chặn dịch bệnh.

Giải thích lý do Hoa Kỳ phải chi tiền, ông Cảnh Sảng nói: “Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, tất cả các quốc gia cần phải tham gia”.

Trong khi ngửa tay xin tiền của Mỹ, hôm thứ Tư 19 tháng Hai, bọn cầm quyền Trung Quốc đã thu hồi thị thực nhập cảnh và ra lệnh trục xuất 3 phóng viên của tờ Wall Street Journal để trả đũa cho một bài báo trên cột ý kiến về coronavirus mà Bắc Kinh cho là phân biệt chủng tộc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối bài báo có tựa đề “China Is the Real Sick Man of Asia.” Nghĩa là “Trung Quốc là kẻ bệnh hoạn thực sự của châu Á.”

Điều đáng nói là 3 ký giả này không phải là tác giả của bài này. Đó chỉ là ý kiến của một độc giả.

Nhiều người coi cụm từ “kẻ bệnh hoạn của châu Á” có ý đề cập đến các cuộc chiến xuất phát từ tham vọng bành trước theo chủ nghĩa Đại Hán của Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trong quá khứ. Đối với người Trung Quốc, đó là một thuật ngữ rất xúc phạm.

Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Trump cho biết họ sẽ bắt đầu đối xử với 5 cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc đang hoạt động trên đất Mỹ như các cơ quan hoạt động vì quyền lợi của ngoại bang, và không loại trừ khả năng làm gián điệp, và vì thế chính quyền Hoa Kỳ bắt buộc các cơ quan này phải báo cáo với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân thân của các nhân viên và tài sản của họ.

Trong khi đó, Iran cho biết có hai người đã nhiễm COVID-19 và đã chết.

Tại Ấn Độ, Bộ Nội Vụ của Ấn, có lẽ dưới áp lực của phía Trung Quốc đã cảnh cáo một thầy giảng Kinh Koran vì ông này bày tỏ sự hả hê khi thấy Trung Quốc gặp nạn và mong mỏi cho quốc gia này còn thê thảm hơn nữa.

Giáo sĩ Hồi giáo Ilyas Sharafuddin nói trong một bài giảng được thu âm rằng sự bùng phát coronavirus là một “hình phạt của Allah đối với Trung Quốc vì đã ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ”. Giáo sĩ Ilyas nói rằng “Người Trung Quốc đã đe dọa người Hồi giáo và cố gắng hủy hoại cuộc sống của 20 triệu anh chị em của chúng ta. Người Hồi giáo bị ép uống rượu, đền thờ Hồi giáo của họ bị phá hủy và Sách Thánh của họ bị đốt cháy. Trung Quốc nghĩ rằng không ai có thể thách thức họ, nhưng Allah mạnh nhất đã trừng phạt họ.”

Giáo sĩ Hồi giáo Ilyas Sharafuddin, cư ngụ tại thành phố Hyderabad, là thủ phủ bang Telangana của Ấn Độ, nói thêm rằng “Người La Mã, Ba Tư và Nga, là những người kiêu ngạo và chống lại Hồi giáo”, tất cả đều bị Allah hủy diệt.


Source:USA Today