Theo ký giả Edward Pentin, một số nhân vật nổi bật ở Úc đang đi ngược công luận để bày tỏ sự nghi ngờ về bản án của Đức Hồng Y.
Ký giả này tường trình rằng mặc dù có rất nhiều ý kiến tiêu cực và giận dữ, một số nhà bình luận đang bắt đầu lên tiếng tỏ ý nghi ngờ về việc kết án Đức Hồng Y Pell.

Một trong số họ là Andrew Bolt, một nhà phân tích của Sky News Australia, người đã kiên định lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về vụ án nhưng vào ngày 13 tháng 11 đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất của mình cho đến nay: rằng Đức Hồng Y vô tội và đã bị tống giam vì tội ác [mà ngài] đã không làm".

Ông cũng nói rằng các nhà hoạt động “đã cố gắng trừng phạt Sky News và các nhà quảng cáo của nó" bất cứ khi nào ông nêu ra điều ông gọi là “các vấn đề khó tin với vụ kết án ngoại thường này”.



Ông Bolt cho hay: “Chúng tôi trả giá cao bất cứ lúc nào tôi đề cập đến điều này trên Sky News nhưng kệ nó, công lý phải có cho một điều gì đó ở đất nước này. Chúng ta phải phản đối, mỗi một người trong chúng ta, bất cứ khi nào một người đàn ông hay môt người đàn bà bị bỏ tù vì một tội ác mà họ không hề làm. Và nếu làm điều đó khiến chúng ta phải thiệt hại, thì điều đó quả là khắc nghiệt. Tôi muốn bạn biết rằng bất công đã làm Đức Hồng Y Pell phải thiệt hại đến bao nhiêu, bị nhốt ở đó trong phòng giam của ngài, bị nhục mạ”.

Ông Bolt kết luận: “Bạn hãy nhớ điều này. Nếu bạn bị buộc tội sai và bị kết án sai, hãy vui mừng vì có một số người trong chúng tôi còn bênh vực bạn, chống lại đám đông hỗn tạp và nay mong Tòa án tối cao giải quyết vụ tai tiếng này”.

Các nhân vật công cộng khác cũng đã đứng về phía Đức Hồng Y, bao gồm hai cựu Thủ tướng (John Howard và Tony Abbott) khi bản án được công khai vào tháng Hai.

Nhưng quan trọng hơn là có những người bênh vực Đức Hồng Y Pell mà không hề là bạn bè, đồng minh hoặc có cảm tình với ngài – tuy nhiên vẫn sẵn lòng gánh chịu cơn thịnh nộ của dư luận thù địch trong diễn trình này.

Một người như vậy là ông Peter Baldwin, một cựu bộ trưởng trong chính phủ Lao động của Bob Hawke và Paul Keating, người đã viết một bài ý kiến (op-ed) ngày 15 tháng 11 cho tờ The Australian dưới tiêu đề “Bản án lạm dụng tình dục của George Pell Phải Được Kiểm Tra”.

Ông Baldwin bắt đầu bài viết của mình như sau “Tôi chưa bao giờ là một người hâm mộ cuồng nhiệt của George Pell, không chia sẻ niềm tin tôn giáo hay thế giới quan bảo thủ của ông. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trước phán quyết của Tòa án Tối cao trong tuần này sẽ thụ lý đơn kháng cáo cuối cùng của ông”.

Nhắc lại sự ngạc nhiên của ông khi việc kháng cáo của Đức Hồng Y Pell bị bác bỏ hồi tháng 8, ông nói điều đó đã thôi thúc ông phải cày xới toàn bộ bản án dài 325 trang của Tòa phúc thẩm. Ông nói một số khía cạnh làm ông ngạc nhiên “ngay từ đầu”.

Một khía cạnh là làm thế nào để có thể thấy một hành vi phạm tội “vượt quá sự nghi ngờ hợp lý” nếu chỉ dựa vào lời khai không được chứng thực của một người khiếu nại, chứ đừng nói đến việc phải đối đầu với những bằng chứng trái ngược có chất lượng? Ông Baldwin nêu câu hỏi mà các người ủng hộ Đức Hồng Y vẫn thường hỏi cả mấy tháng nay “Há đó không phải là thứ tội do liên kết đó sao?”.

Làm thế nào có thể giữ nguyên một bản án khi một trong hai người được cho là nạn nhân phủ nhận mình bị lạm dụng? Há một mình sự kiện này đã không hét lên sự nghi ngờ hợp lý đó hay sao?”

Đề cập đến phán quyết chia rẽ của tòa phúc thẩm ở Victoria, Baldwin nhắc lại chánh án bất đồng Mark Weinberg đã tìm thấy nhiều lời khai bênh vực cho Đức Hồng Y Pell là “khả hữu một cách hợp lý”, ấy thế nhưng cụm từ này không được tìm thấy ở bất cứ chỗ nào trong xét xử của hai chánh án kia, tức Anne Ferguson và Chris Maxwell, những người đã giữ nguyên bản án.

Trái lại, ông nói, hai chánh án đó đã đưa ra quan điểm cho rằng bồi thẩm đoàn đã kết tội một cách đúng đắn Đức Hồng Y, dù chỉ dựa trên lời khai của người khiếu nại được coi là có “âm sắc sự thật” (ring of truth), mặc dù “có nhiều lầm lỗi và không nhất quán”. Trái lại, Weinberg nhận định rằng trong một số trường hợp, lời khai của người khiếu nại “không có nghĩa gì cả”.

Baldwin đã so sánh vụ việc với vụ tai tiếng gần đây ở Anh về một cuộc hành quân của cảnh sát có tên là “Chiến dịch Midland”, được phát động sau khi một người đàn ông tên Carl Beech đưa ra lời buộc tội không rõ ràng rằng cựu Thủ tướng Edward Heath và một danh sách các nhân vật nổi bật khác là một phần của một ổ ấu dâm.

Các cáo buộc đã bị khám phá là sai lạc và Beech đã bị kết án 18 năm tù vào tháng 7 vì tội ngăn cản diễn trình công lý và lừa đảo, nhưng chỉ sau khi danh tiếng của các nhân vật cao tuổi, một số đã chết và không thể tự vệ, đã bị phá hủy. Ông Baldwin nhận định: Giống như người khiếu nại của Đức Hồng Y Pell, các tố cáo của Beech cũng có “âm sắc sự thật” đối với họ.

Baldwin kết luận bằng cách nhấn mạnh sự khác biệt lớn lao giữa các phán xử của Weinberg và Ferguson / Maxwell, đặc biệt là lập luận của Weinberg, một lập luận cho rằng nguyên “khả thể thực tiễn của việc lời khai gỡ tội (exculpatory) rõ ràng chính xác có nghĩa là bồi thẩm đoàn phải tha bổng”.

Ông Baldwin nêu câu hỏi: Nếu lời khai sai lầm của người khiếu nại và việc bác bỏ của một trong hai người được coi là nạn nhân “không làm sai lời cáo buộc, thì cần đến điều gì để đảm bảo việc tha bổng?”

Ông cũng chỉ ra sự bất hợp lý của việc Đức Hồng Y Pell thực hiện một hành vi phạm tội trơ trẽn như vậy vào thời điểm khi việc lạm dụng tình dục giáo sĩ đã trở thành một mối quan tâm rất cao, và Đức Hồng Y, chỉ vài tháng trước đó, đã chuẩn bị cho chính sách “đáp ứng Melbourne” của ngài đối với các cáo buộc giáo sĩ lạm dụng.

Ông Baldwin kết luận: “Nếu phán quyết được giữ nguyên, thì mọi người Úc sẽ chỉ nhún vai. May mắn cho tôi và xin Chúa phù hộ bạn (There but for the grace of God)".