Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Chúa Nhật mùng 2 tháng Sáu, và cũng là ngày cuối cùng trong chuyến tông du Rumani là thánh lễ tại cánh đồng tự do của thành phố Blaj để tuyên phong Chân Phước cho 7 vị Giám Mục Rumani.

Sau thánh lễ này, lúc 13:25, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng trước khi có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn người Rom tại vận động trường thành phố Blaj vào lúc 15g45.

Người Rom hay người Gypsi, là một dân tộc với dân số khoảng 15 triệu người, sống thành nhiều cộng đoàn trên khắp thế giới.

Các bằng chứng di truyền học và ngôn ngữ học cho thấy người Gypsi có nguồn gốc ở phía bắc Ấn Độ tại các tỉnh ngày nay gọi là Rajasthan, Haryana, và Punjab. Từ vựng và ngữ pháp trong ngôn ngữ của người Gypsi có những đặc điểm gần như giống y hệt tiếng địa phương của người Ấn. Các dữ liệu di truyền học lấy mẫu từ các cộng đồng người Gypsi ở khắp châu Âu cho thấy họ đã di cư sang Âu Châu từ miền bắc Ấn Độ khoảng 1,500 năm trước.

Trong văn học, người Gypsi vẫn được cho là các bộ lạc du mục. Tuy nhiên, trong thực tế đa số những người Gypsi là những người sống định cư.

Người Gypsi thường phải gánh chịu những thành kiến coi họ như nguồn gốc của các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ăn xin; mặc dù có những chứng cứ cho thấy họ là những người đánh giá cao đời sống gia đình, và các giá trị tôn giáo.

Trong diễn từ với cộng đoàn người Gypsi, Đức Thánh Cha đã xin lỗi về các hình thức phân biệt đối xử và các thành kiến họ phải chịu. Ngài nói:


Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em, và tôi cảm ơn anh chị em đã chào đón tôi. Thưa Cha Gioan, cha rất đúng khi chỉ ra một sự thật xác thực nhưng lại như thường bị lãng quên: trong Giáo Hội của Chúa Kitô, có chỗ cho tất cả mọi người. Nếu không như thế, thì đó không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô. Giáo Hội là nơi gặp gỡ. Chúng ta cần ghi nhớ điều này, không phải là một khẩu hiệu đẹp nhưng là một phần của căn cước của chúng ta như các Kitô hữu. Cha đã nhắc nhở chúng ta về điều này bằng cách nhắc nhớ lại tấm gương của vị giám mục và vị tử đạo Gioan Suciu, là người đã bày tỏ cụ thể về mong muốn của Thiên Chúa là Cha chúng ta được gặp gỡ mọi người trong tình huynh đệ và trong việc chia sẻ với nhau. Tin Mừng về niềm vui được truyền đạt trong niềm hạnh phúc được gặp gỡ và trong nhận thức rằng chúng ta có một người Cha yêu thương chúng ta. Khi nhận thức được Người chăm sóc chúng ta, chúng ta học cách chăm sóc lẫn nhau. Trong tinh thần này, tôi đã muốn bắt tay với anh chị em, muốn nhìn vào mắt anh chị em và mở lòng mình ra với anh chị em, trong lời cầu nguyện và với hy vọng trở thành một phần trong những lời cầu nguyện của riêng anh chị em và đi vào trái tim của anh chị em.

Tuy nhiên, tâm hồn tôi nặng nề. Nó bị đè nặng bởi nhiều kinh nghiệm phân biệt đối xử, phân sáp và ngược đãi mà cộng đồng của anh chị em đã phải kinh qua. Lịch sử cho chúng ta biết rằng cả các Kitô hữu, trong đó có cả người Công Giáo, không xa lạ với những điều xấu xa như vậy. Tôi muốn cầu xin sự tha thứ của anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ - nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa - Và tôi cầu xin sự tha thứ của anh chị em đối với tất cả những lần trong lịch sử khi chúng tôi phân biệt đối xử, ngược đãi hoặc nhìn anh chị em với ánh mắt nghi kỵ, với cái nhìn của Cain hơn là của Abel, và không thể thừa nhận anh chị em, không coi trọng anh chị em và không bảo vệ anh chị em trong sự độc đáo của anh chị em. Cain không quan tâm đến em mình. Sự thờ ơ gây ra những định kiến và thúc đẩy sự tức giận và oán thù. Đã bao lần chúng ta phán xét một cách vội vàng, với những từ ngữ chua cay, với thái độ gieo hận thù và chia rẽ! Bất cứ khi nào có ai đó bị bỏ lại phía sau, gia đình nhân loại không thể tiến lên. Sâu xa hơn, chúng ta không phải là Kitô hữu, và thậm chí không phải là con người tốt, trừ khi chúng ta có thể coi trọng con người hơn hành động của họ, hơn những phán đoán và định kiến của chính chúng ta.

Lịch sử của loài người không bao giờ thiếu những Abel và Cain. Có bàn tay đưa ra thì cũng có bàn tay giơ lên để tấn công. Có cánh cửa mở ra cho cuộc gặp gỡ thì cũng có cánh cửa đóng lại cho xung đột. Có sự chấp nhận và có sự từ chối. Có những người nhìn thấy ở người khác một người anh em với mình, và những người nhìn thấy người khác như là một chướng ngại vật cản đường họ. Có nền văn minh của tình yêu và nền văn minh của sự ghét bỏ. Mỗi ngày chúng ta phải lựa chọn giữa Abel và Cain. Giống như một người đứng ở ngã tư đường, chúng ta phải đối mặt với một lựa chọn quyết định: đi theo con đường hòa giải hoặc con đường báo thù. Chúng ta hãy chọn con đường của Chúa Giêsu. Con đường đó đòi hỏi những nỗ lực, nhưng là con đường mang lại hòa bình. Và con đường ấy băng ngang qua sự tha thứ. Cầu xin cho chúng ta đừng để mình bị lôi kéo dọc theo những tổn thương mà chúng ta nuôi dưỡng trong lòng mình; xin cho trong lòng chúng ta không có chỗ cho oán giận Vì một điều ác không bao giờ sửa chữa được một điều ác khác, không một sự trả thù nào có thể làm hài lòng chúng ta trước một sự bất công, không có sự oán giận nào tốt cho tâm hồn và không có sự từ chối nào có thể đưa chúng ta đến gần người khác hơn.

Anh chị em thân mến, trong tư cách là một dân tộc, anh chị em có một vai trò tuyệt vời. Đừng ngại chia sẻ và trao ban những ơn sủng đặc biệt mà anh chị em sở hữu và điều đó đã đánh dấu lịch sử của anh chị em. Chúng ta cần những ân sủng đó: như lòng tôn trọng giá trị của cuộc sống và của đại gia đình, tình đoàn kết, tính hiếu khách, hữu ích cho mọi người, hỗ trợ và quan tâm đến những người yếu thế trong cộng đồng của anh chị em, lòng tôn trọng và đánh giá cao người già - đây là một giá trị tuyệt vời mà anh chị em có – quý mến ý nghĩa tôn giáo của cuộc sống, tự phát và yêu đời. Bất cứ nơi nào anh chị em đặt chân đến, xin hãy chia sẻ những ơn sủng đó và cố gắng chấp nhận tất cả những điều tốt đẹp mà người khác có thể mang lại cho anh chị em. Vì lý do này, tôi khuyến khích anh chị em tiến bước cùng nhau, dù anh chị em ở đâu, để giúp xây dựng một thế giới nhân văn hơn, một thế giới vượt qua được những nỗi sợ hãi và nghi ngờ, phá vỡ những rào cản ngăn cách chúng ta với những người khác và khuyến khích sự tin tưởng lẫn nhau trong việc tìm kiếm kiên nhẫn và đầy ơn ích tình huynh đệ. Hãy tiếp tục cố gắng tiến bước cùng nhau với phẩm giá: phẩm giá của gia đình, phẩm giá của lao công để có lương thực hàng ngày của anh chị em - vâng, đây là điều giúp anh chị em tiến lên - và phẩm giá của lời cầu nguyện. Hãy tiếp tục nhìn về tương lai (xem Cuộc họp cầu nguyện với người Rom và Sinti, ngày 9 tháng 5 năm 2019).

Cuộc gặp gỡ của chúng ta là chặng chót trong chuyến viếng thăm của tôi đến Rumani. Tôi đã đến đất nước xinh đẹp và hiếu khách này như một người hành hương và một người anh em, để gặp gỡ tất cả mọi người. Tôi đã gặp anh chị em, tôi đã gặp rất nhiều người, để xây dựng một cầu nối giữa trái tim tôi và của anh chị em. Bây giờ tôi đang trên đường trở về nhà, tôi trở lại sau khi được phong phú hoá nhờ trải nghiệm ở những nơi khác nhau và những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng trên hết là nhờ mang theo khuôn mặt của anh chị em. Khuôn mặt của anh chị em sẽ tô màu cho ký ức của tôi và thêm vào những lời cầu nguyện của tôi. Tôi cảm ơn anh chị em và tôi mang anh chị em theo tôi. Và bây giờ, trước khi tôi ban phép lành cho anh chị em, tôi xin anh chị em một ân huệ lớn lao: hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

[Kinh Lạy Cha bằng tiếng Rumani]

Và bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho anh chị em. Và tôi muốn gởi lời chúc của tôi đến với cả gia đình anh chị em, tất cả bạn bè của anh chị em, cũng tất cả những người anh chị em quen biết.

Chào tái ngộ!


Source:Libreria Editrice Vaticana