Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã loan tin, lúc 15:45, Ðức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Daniel là Giáo Chủ Chính Thống Giáo Rumani, và Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này tại Tòa Thượng Phụ.

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha là Kinh Lạy Cha vào lúc 17g tại nhà thờ chính tòa mới của Giáo Hội Chính Thống Rumani nằm kế bên Tòa Thượng Phụ.

Hoạt động tiếp theo và cũng là hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha trong ngày thứ nhất tại Rumani là Thánh Lễ dành cho các tín hữu Công Giáo tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của thủ đô Bucarest.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thủ đô Bucarest có khoảng 8,740,000 dân, trong đó người Công Giáo chỉ có 61,000 người chiếm 0.7%.

Tổng giáo phận Bucarest hiện được coi sóc bởi Đức Tổng Giám Mục Ioan Robu, 74 tuổi. Tổng giáo phận này đã được Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 27 Tháng Tư 1883. Hiện nay, tổng giáo phận có 68 giáo xứ do 128 linh mục coi sóc, trong đó có 89 linh mục triều và 39 linh mục dòng. Bên cạnh đó, tổng giáo phận còn có 243 nữ tu và 60 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong bài thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe lôi cuốn chúng ta vào cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau, tràn ngập niềm vui và những lời ngợi khen Chúa. Đứa trẻ nhảy mừng trong bụng bà Elizabeth và bà chúc phúc cho người em họ vì đã có một đức tin mạnh mẽ. Đức Maria hát về những điều vĩ đại mà Chúa đã thực hiện cho người đầy tớ khiêm nhường của Ngài; bài hát ấy là bài thánh ca hy vọng thật tuyệt vời cho những người không còn hát được vì đã nghẹn lời. Bài thánh ca hy vọng đó cũng nhằm đánh thức chúng ta hôm nay, và khiến chúng ta hợp tiếng của mình trong bài thánh ca ấy. Bài hát thực hiện điều này với ba yếu tố quý giá mà chúng ta có thể chiêm ngắm nơi người môn đệ đầu tiên trong các môn đệ của Chúa Kitô: Đức Maria lên đường, Đức Maria gặp gỡ, và Đức Maria vui mừng.

Đức Maria lên đường từ nhà mình ở Nagiarét để đến nhà ông Giêcaria và bà Elizabeth. Đây là chuyến đi đầu tiên của Đức Maria, như được Kinh thánh tường thuật. Đó là chuyến đi thứ nhất trong nhiều chuyến đi. Mẹ sẽ lên đường từ Galilê đến Bêlem, nơi Chúa Giêsu sẽ được hạ sinh; Mẹ sẽ xuống Ai Cập để cứu con mình khỏi tay vua Hêrôđê; Mẹ sẽ lên đường một lần nữa mỗi năm để đến Giêrusalem mừng lễ Lễ Vượt qua (x. Lc 2,31), và cuối cùng Mẹ sẽ theo Chúa Giêsu đến Núi Sọ. Những cuộc hành trình này đều có một điểm chung: chúng chưa bao giờ dễ dàng; chúng luôn đòi hỏi lòng can đảm và sự kiên nhẫn. Những cuộc hành trình ấy nói với chúng ta rằng Đức Mẹ biết ý nghĩa của việc vượt thắng những gian truân, Mẹ biết rõ việc vượt qua những chông gai đối với chúng ta có ý nghĩa gì, và Mẹ là người chị của chúng ta ở mỗi chặng đường. Mẹ biết những gì là mệt mỏi của việc tiến bước và Mẹ có thể nắm lấy tay chúng ta giữa những khó khăn, giữa những khúc quanh và ngã rẽ nguy hiểm nhất trong cuộc hành trình cuộc đời của chúng ta.

Là một người mẹ hiền, Đức Maria biết rằng tình yêu lớn lên hàng ngày giữa những điều nhỏ nhặt của cuộc sống. Tình yêu và sự khéo léo của một người mẹ đã có thể biến một chuồng gia súc thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với những chiếc tã nghèo nàn và một tình yêu phong phú (x. Niềm Vui Phúc Âm, 286). Việc chiêm ngắm Đức Maria cho phép chúng ta hướng ánh mắt về tất cả những người phụ nữ, những bà mẹ và bà ngoại của vùng đất này, những người bằng sự hy sinh thầm lặng, tận tụy và tự chối bỏ mình, đang định hình hiện tại và chuẩn bị cho giấc mơ ngày mai. sự hy sinh của họ là một sự hy sinh thầm lặng, ngoan cường và vô danh; họ không sợ “xắn tay áo lên” và chung vai sát cánh trong những khó khăn vì lợi ích của con em và gia đình, “vẫn cậy trông khi không còn gì để hy vọng” (Rm 4:18). Ký ức sống động của dân tộc anh chị em bảo tồn cảm thức hy vọng mạnh mẽ này trước mọi nỗ lực làm lu mờ hay dập tắt nó. Nhìn vào Đức Maria và tất cả những khuôn mặt của những bà mẹ đó, chúng ta trải nghiệm và được nuôi dưỡng bởi cảm thức hy vọng này (xem Văn kiện Aparecida, 536), là điều sinh ra và mở ra những chân trời của tương lai. Chúng ta hãy nói rõ điều đó: trong người dân của chúng ta có nhiều không gian hy vọng. Đó là lý do tại sao cuộc hành trình của Đức Maria tiếp tục ngay cả ngày hôm nay; Mẹ mời chúng ta, cùng Mẹ, cùng nhau lên đường.

Đức Maria gặp gỡ bà Elizabeth (x. Lc 1: 39-56), một phụ nữ đã cao niên (câu 7). Nhưng bà Elizabeth, dù lớn tuổi, đã là một trong những người nói về tương lai và “tràn đầy Chúa Thánh Thần”, bà đã nói tiên tri tiên báo mối phúc cuối cùng trong các mối phúc thật được đề cập đến trong Tin Mừng (v 41.): “Phúc cho những ai có lòng tin” (x Ga 20:29). Thật đáng chú ý là người phụ nữ trẻ đi gặp người già, tìm kiếm gốc rễ của mình, trong khi người phụ nữ lớn tuổi được tái sinh và nói tiên tri báo trước tương lai của người trẻ. Tại đây, già trẻ gặp gỡ, ôm ấp và đánh thức những điều tốt đẹp nhất của mỗi người. Đó là một phép lạ do văn hóa gặp gỡ mang lại, nơi không ai bị loại bỏ hay bị phân biệt, nhưng tất cả đều được tìm kiếm, bởi vì tất cả đều cần thiết ngõ hầu thiên nhan Chúa được tỏ lộ. Họ không ngại đi lại cùng nhau, và khi điều này xảy ra, Chúa xuất hiện và thực hiện những điều kỳ diệu trong dân Ngài. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, ra khỏi tất cả mọi thứ đã giam hãm chúng ta trong đó, và ra khỏi tất cả mọi thứ mà chúng ta bám víu vào.

Thánh Linh dạy chúng ta nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và cho phép chúng ta nói tốt về người khác - để chúc phúc cho họ. Điều này đặc biệt đúng đối với các anh chị em vô gia cư, gánh chịu những cơ cực, họ thiếu thốn có lẽ không chỉ là một mái nhà che đầu hoặc những mảnh vụn bánh mì, nhưng thiếu cả tình bạn và sự ấm áp của một cộng đồng ôm ấp, che chở và chấp nhận họ. Văn hóa gặp gỡ thúc giục chúng ta trong tư cách là các Kitô hữu trải nghiệm tình mẫu tử kỳ diệu của Giáo Hội, khi Giáo Hội tìm kiếm, bảo vệ và tập hợp những đứa con của mình. Trong Giáo Hội, khi các nghi thức khác nhau gặp gỡ, khi điều quan trọng nhất không phải là tôn giáo, phe nhóm hay sắc tộc của riêng mình, mà là Dân tộc, những người cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa, thì những điều tuyệt vời sẽ diễn ra. Một lần nữa, chúng ta hãy nói rõ điều đó: Phúc cho những ai tin (xem Ga 20:29), và phúc cho những ai có can đảm để thúc đẩy sự gặp gỡ và hiệp thông.

Đức Maria, khi đến thăm bà Elizabeth, nhắc nhở chúng ta nơi Chúa muốn ngự đến và cư ngụ, nơi tôn nghiêm của Ngài là đâu, và đâu là nơi chúng ta có thể cảm nhận được nhịp tim của Ngài: đó là ở giữa Dân Người. Đó là nơi Ngài ngự đến, cư ngụ, và là nơi Ngài chờ đợi chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng cho chính mình lời kêu gọi của vị tiên tri là đừng sợ hãi, đừng để những cánh tay của chúng ta yếu đi! Vì Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở giữa chúng ta; Ngài là một vị cứu tinh oai hùng (xem Zeph 3: 16-17) và Ngài ở giữa dân tộc mình. Đây là bí mật của mỗi Kitô hữu: Thiên Chúa ở giữa chúng ta như một vị cứu tinh mạnh mẽ. Sự xác tín của chúng ta về điều này cho phép chúng ta, như Đức Maria, hát vang và mừng rỡ hân hoan.

Đức Maria vui mừng. Mẹ vui mừng vì Mẹ mang trong cung lòng mình Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta: “Đời sống Kitô hữu là niềm vui trong Chúa Thánh Thần” (Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 122). Không có niềm vui, chúng ta vẫn mãi bị tê liệt, làm nô lệ cho sự bất hạnh của chúng ta. Thông thường các vấn đề về đức tin ít liên quan đến việc thiếu phương tiện, cấu trúc, hay số lượng; thậm chí cũng không liên quan nhiều lắm đến sự hiện diện của những người không chấp nhận chúng ta; các vấn đề về đức tin thực sự có liên quan đến sự thiếu niềm vui. Niềm tin dao động khi nó cứ trôi dọc theo nỗi buồn và sự chán nản. Khi chúng ta sống trong sự ngờ vực, khép kín mình, chúng ta mâu thuẫn với đức tin. Thay vì nhận ra rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là những người mà Thiên Chúa thực hiện bao nhiêu những điều tuyệt vời (xem câu 49), chúng ta giản lược mọi thứ vào trong những vấn đề của chính mình. Chúng ta quên rằng chúng ta không phải là những trẻ mồ côi. Trong nỗi buồn, chúng ta quên mất chúng ta không phải là những đứa trẻ không cha, vì chúng ta có một Người Cha ở giữa chúng ta, một Đấng cứu tinh oai hùng. Đức Maria đến trợ giúp chúng ta, bởi vì thay vì giản lược mọi sự, Mẹ phóng đại chúng trong “lời tán tụng” Chúa, trong lời ca ngợi sự vĩ đại của Người.

Ở đây chúng ta tìm thấy bí mật của niềm vui chúng ta. Đức Maria, thấp hèn và khiêm hạ, khởi đi từ sự vĩ đại của Chúa và bất chấp những vấn đề của mình - dù không phải là ít – Mẹ tràn ngập niềm vui, vì Mẹ phó thác chính mình cho Chúa trong mọi việc. Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa luôn có thể thực hiện những điều kỳ diệu nếu chúng ta mở lòng ra với Người và với anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về những nhân chứng vĩ đại của những vùng đất này: những người đơn sơ tin cậy vào Chúa giữa các cuộc bách hại. Họ không đặt hy vọng vào thế giới, nhưng nơi Chúa, và vì thế họ đã bền đỗ. Tôi muốn cảm ơn những người chiến thắng khiêm nhường này, những vị thánh bên cạnh chúng ta, những người đã chỉ đường cho chúng ta. Nước mắt của họ không vô ích; những giọt nước mắt ấy là một lời cầu nguyện vươn lên đến thiên đàng và nuôi dưỡng niềm hy vọng của dân tộc này.

Anh chị em thân mến, Đức Maria lên đường, gặp gỡ và vui mừng vì Mẹ mang một điều gì đó lớn hơn chính mình: Mẹ là người mang trong mình một phước lành. Giống như Mẹ, cầu xin cho chúng ta cũng không sợ phải mang trong mình một phước lành mà Rumani đang cần đến. Cầu xin cho anh chị em là những người cổ vũ cho một nền văn hóa gặp gỡ phủ nhận sự thờ ơ, một nền văn hóa từ khước sự chia rẽ và cho phép vùng đất này hát vang lòng thương xót của Chúa.


Source: Libreria Editrice Vaticana