(III) Nền quân chủ

Về nền quân chủ, thái độ tiên tri có đặc điểm là quan tâm tới các thực tại thiêng liêng và không lưu ý tới các hình thức của nó. Tương quan giữa hàng tiên tri và nền quân chủ là điều quan trọng vì nhiều lý do, và lý do không hẳn kém quan trọng là ảnh hưởng mà định chế này có đối với học lý tiên tri về đấng được xức dầu. Về mặt thời gian, hàng tiên tri và nền quân chủ gần như y hệt như nhau: thời vua chúa trong lịch sử Do Thái cũng là thời các tiên tri cổ điển. Trong lịch sử cứu rỗi, nguyên sự kiện ấy thôi cũng đủ gợi ý một nối kết còn thân mật hơn nữa giữa hai định chế.



Nền quân chủ một phần được dùng để kích thích hàng tiên tri, vì với nó, ý niệm mới về mối tương quan giữa Israel và Giavê đã đi vào đời sống Israel; một mối tương quan cần được hàng tiên tri không ngừng tái duyệt. Việc dân chúng yêu cầu có một vị vua, theo một nghĩa nào đó, hiểu như việc họ bác bỏ liên hệ giao ước (xem 1Sm 8:4tt) chắc chắn là quan điểm ưu vị nhìn trở lui của tiên tri; nhưng dù sao, không những truyền thống phản ảnh quan điểm phản quân chủ mà cả truyền thống xưa hơn vốn coi Saun như nhà cai trị được trời sai đến để chấm dứt các thống khổ của Israel (1Sm 9:15tt), cả hai đều đồng ý rằng hàng tiên tri quả đã chủ trì việc quá độ qua chế độ vua chúa. Thực thế, chính hàng tiên tri, một mình nó, đã làm cho nền quân chủ trở thành chấp nhận được đối với Israel: hàng ngũ này cung cấp sự bảo đảm đặc sủng mà việc thiếu nó đã khiến cho ngôi vua mệnh yểu của Avimeléc trở thành một sai lầm rất lớn đối với truyền thống Israel (Tl 9) và việc chuyển quyền từ Saun qua Đavít đã thiết lập ra ngôi vua một cách bền vững mà dưới thời Saun không bao giờ có thể có được (1Sm 15:10-11). Bởi thế, điều nghịch lý là, hàng tiên tri đã giúp thiết lập ra một định chế mà với định chế này họ vẫn luôn giữ một thái độ nửa nóng nửa nguội và có lẽ họ muốn nó đừng bao giờ diễn ra.

Tuy nhiên, hàng tiên tri không bao giờ cầm đầu một phong trào ở Israel nhằm thay thế nền quân chủ bằng một hình thức cai trị khác mà có lẽ họ cho là thích hơn. Việc điều này đúng cũng là một điều rất may, vì không hề có dấu chỉ nào cho thấy truyền thống tiên tri thèm khát hay có khả năng làm chính trị. Các can thiệp của họ vào các vấn đề này cho thấy có lúc không thành công vì cố vấn dở có lúc thành công trong các mục đích cao cả của họ. Việc Nathan chấp nhận Salomôn thay vì Ađônigia (1V 1:8) có lẽ là một chúc lành cho diễn trình hợp pháp và dấu chỉ thánh ý Thiên Chúa (1Sb 28:5) đối nghịch với giả thuyết cho rằng người ta đáng được quyền cai trị chỉ vì là con của cha mình; tuy nhiên, theo quan điểm tiên tri, khó có thể chứng tỏ Salomôn là một chọn lựa khôn ngoan. Cũng không phải là chuyện tình cờ khi không thấy ở bất cứ đâu trong truyền thống Thánh Kinh ghi việc Salomôn hoặc tìm cố vấn nơi các tiên tri hoặc nhận được một sấm ngôn nào đó. Cuộc phản loạn của Gia-róp-am chống lại triều đại Đavít, cũng thế, đã được hàng tiên tri chúc phúc (1V 11:29-39), nhưng Gia-róp-am sau đó đã bị cùng một tiếng nói tiên tri bác bỏ (1V 14:7-11). Giống trường hợp sự can thiệp của tiên tri đã đem đến việc kết liễu triều đại Omri (2V 9:1tt) vì bị thay thế bởi một triều đại khác, một triều đại hóa ra còn tệ hại hơn nữa (Am 7:9; Hs 1:4-5; 8:4). Thành thử, thành tích tiên tri trong lãnh vực mưu đồ chính trị là một thành tích thất bại nhiều hơn thành công. Điều cũng đáng lưu ý là ngoài một vài ngoại lệ, khi được diễn dịch thành chính sách thực tiễn, phần lớn thái độ tiên tri chỉ là cố gắng sử dụng tốt nhất các định chế hiện có.

Dĩ nhiên, đó là điều nó nên là. Chức năng tiên tri là đào tạo lương tâm người ta, chứ không áp đặt các chính sách trên nó. Nó không nhất thiết mong cho đến ngày có quân chủ, nhưng nó bảo đảm để khi quân chủ đến, định chế này phải phù hợp với ý muốn của Giavê. Và một khi nó đã đến rồi, thì nền quân chủ phải đóng vai trò mà nay định mệnh đã chỉ định cho nó: phải nhấn mạnh tới các giới điều của giao ước cũ vốn bị hạ thấp thành luật tư riêng vì định chế luật lệ của nhà vua. Êlia đã được mô tả trong vai trò này ở 1V 21:17-24, trong đó, tiên tri phải lên án tội ác của A-kháp đã phạm chống lại luật lệ và phong tục Israel bằng cách để cho người vợ Phênixi điều khiển mình; mụ vốn chỉ cho ông phải làm vua thực sự ra sao theo cái hiểu của Cận Đông không phải Do Thái. Trong tình tiết này, cũng như trong hành động của tiên tri Sơ-ma-gia chống lại Rơ-kháp-am (2Sb 12:5-7). Giê-hu chống lại Basa (1V 16:1-4), Isaia chống lại Akhát (Is 7:10tt) hay Khítkigia (2V 20:12tt), và Giêrêmia chống lại các vua cuối cùng của Giuđa (Grm 21:11tt), công khó của hàng tiên tri là phải làm cho ngôi vua của Israel thực sự có tính Do Thái.

Cố gắng trên phần lớn đã thất bại.Thành công chỉ có giới hạn, như các sách lịch sử và một số ghi chép tiên tri đã chứng minh. Nhưng phán đoán của tác giả thuộc hệ đệ nhị luật nơi các sách Vua về lịch sử nền quân chủ DoThái chắc chắn đã tìm được một đồng thuận nào đó về phía đa số các tiên tri cổ điển. Mặc dù dựa vào các tiêu chuẩn chuyên biệt hơn và phần nào khác hơn so với các tiêu chuẩn luôn dùng xưa nay của các tiên tri, phán kết của tác giả này quả là 1 phán quyết có tính tiên tri, đó là: ngoài một số ngoại lệ hiếm hoi, các vị vua đã thất bại theo quan điểm các vấn đề họ coi là quan hệ.



Học lý xức dầu của các tiên tri khá nhất quán với thái độ đã phác họa của họ đối với nền quân chủ. Học thuyết xức dầu quân vương của các tiên tri Giuđa tiền lưu đầy, nhất là Isaia, dựa trên cùng một tiền đề tôn giáo vốn được các tác giả của Thánh Vịnh quân vương chủ trương, tức là: sấm ngôn tiên tri ban cho Nhà Đavít (2Sm 7:4tt; Tv 89: 20-38). Các tiên tri cổ điển chấp nhận truyền thống này như là mặc khải của Thiên Chúa, một mặc khải vốn đã lên khuôn cho yếu tính nền thần học của họ, như chính các tác giả thuộc hệ đệ nhị luật từng chấp nhận, trái với việc từ bản năng họ vốn không thích nền quân chủ (xem G. von Rad, Studies in Deuteronomy [London, 1953] 88-91). Nhưng trong khi các tiên tri cung đình và các tiên tri Đền Thờ chịu trách nhiệm các Thánh Vịnh quân vương toàn tâm toàn trí bước sâu ít nhiều vào cõi huyền học vốn trùm phủ ngôi vua ở Cận Đông, bằng cách chấp nhận Hofstil (tước hiệu triều đình?) qua đó, các vị vua được dành cho các tước hiệu có tính thần thiêng và thời kỳ cai trị bất tận, thì trái lại, chúng ta thấy ít có hay không thấy chút nào những điều như thế nơi các tiên tri cổ điển. Điều này không có nghĩa các thánh vịnh quân vương phản ảnh một cách không phê phán lý tưởng quân vương của Cận Đông; lý tưởng này đã được Do Thái Hóa hoàn toàn và trở thành một phần của cách chung học Do Thái về tính phổ quát của Giavê và sấm ngôn Đavít (xem H. –J. Kraus, Psalmen [rev.ed. Neukirchen, 1978] 1. 147-48). Tuy thế, các tác giả Thánh Vịnh đã biểu lộ một sự hứng khởi nào đó đối với ngôi vua như đã được mô tả nơi vị được Giavê xức dầu và việc này không có đối tác trong các sấm ngôn của các tiên tri cổ điển. Một việc Do Thái Hóa triệt để hơn đã diễn ra trong các sấm ngôn này: một việc tâm linh hóa nhằm làm giảm tầm quan trọng, cho thấy vua cũng chỉ là vua và vua là người được Giavê tuyển lựa.

Isaia có lẽ gần nhất với ngôn ngữ Thánh Vịnh quân vương trong các lời iên tri cỉa ông về vương quyền Đavít (xem 7:13-17; 9:5-6; 11:1-5), ấy nhưng, chỉ cần suy nghĩ vắn tắt cũng đủ thấy các suy nghĩ của ông khá khác xa đối với họ. Chẳng hạn, ông không bao giờ sử dụng tước hiệu quân vương, dù hiển nhiên ông nói đến một vị vua dòng Đavít. Các tước hiệu đáng sợ đã được sử dụng, nhưng các tước hiệu này nhằm tôn vinh các hành động đặc sủng của Giavê chứ không phải của những người lãnh nhận chúng. So với các đoạn tương tự cùng loại, ta thấy ở đây không phải chỉ là hoàn cảnh mà là một chính sách có nghiên cứu. Mikha 5:1-4, cũng lệ thuộc sấm ngôn xưa của Nathan cho thấy những nét tương tự. Tất cả các lời tiên tri này xác nhận những điều vinh hiển của vị cai trị được xức dầu này nhưng việc nhấn mạnh của họ hoàn toàn lưu ý tới quyền năng của Giavê hành động qua vị được xức dầu này. Đặc điểm tiên tri đạt tới một thứ cực điểm trong lời tiên tri của Êdêkien. Vị tiên tri này bác bỏ tước hiệu vua cho vị hoàng tử nhà Đavít sẽ ngự trị một Israel được phục hồi (37:25), và trong cái nhìn có tính hạn chế gắt gao mà ông vốn đặt lên hoạt động của vị hoàng tử này, chúng ta khó có thể biện phân được điều gì khác hơn việc mờ mờ nhắc đến ý niệm xức dầu vương giả này (xem 44:3; 45:7-8; 46: 16-18).



Nếu đúng thật Giêrêmia nói đến một chồi Đavít sẽ trị vì như một vị vua công chính của Gia Vê (23:5-6), thì điều cũng đúng là có lẽ đây là lần duy nhất, tiên tri nhắc đến việc này trong tất cả các chất liệu được lưu truyền tới ta (30:9; 33:14tt rõ ràng là những phần thêm vào sau này).Nói chung, lời tiên tri thời lưu đầy không hề đặt bất cứ nhấn mạnh nào lên chủ thuyết xức dầu quân vương: theo Đệ Nhị Isaia (xem 41:2; 44:28; 45:1), “đấng được xức dầu” của Giavê không phải là 1 vị vua dòng Đavít, mà Kyrô, vua Ba Tư! Đối với vị tiên tri này, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của Israel là Giavê (41:14). Thời hậu lưu đầy, chủ thuyết xức dầu thuộc dòng Đavít lại trở thành thịnh hành đối với các tiên tri trong một thời gian. Thời Dơrúpbaven, tiên tri Khácgai và Dacaria trở vế với truyền thống xưa trong 1 thời gian ngắn, nhưng hoài vọng của các ông cũng vắn vỏi như bản văn đã sửa đổi của Dacaria (Coi Dcr 6: 9- 15) đã chứng tỏ. Chắc chắn trong cùng thời kỳ này, các soạn giả tiên tri tự ý thêm vào những lời tiên tri có trước đó với việc nhắc tới nhà cai trị dòng Đavít y hệt như vậy.

Dĩ nhiên, ta phải nhấn mạnh điều này: không một tiên tri nào đã bác bỏ tính liên hệ của chủ thuyết xức dầu dòng Đavít với nhiệm cục Thiên Chúa. Chỉ có chuyện đó chưa bao giờ là một trong các ý niệm quan trọng hơn hết của họ mà thôi; họ thừa nhận nó đóng một vai trò trong kế hoạch cứu rỗi của Giavê đến mức họ được phép quan niệm; nhưng vị thế của nó vẫn ở hậu trường các suy nghĩ của họ. Amốt và Hôsê, những người nói tiên tri ở miền bắc Israel, nơi có một truyền thống khác, không quân vương thuộc dòng Đavít, đã có đặc điểm không nói gì về chủ thuyết xức dầu quân vương cả. Theo thiên hướng, các tiên tri không bảo hoàng, nhưng họ phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã nói qua các tiên tri xưa liên quan tới dòng Đavít. Chính vì để tôn trọng lời tiên tri này nên các ngài đã mong chờ một vị vua đến để lật ngược thành tích đáng buồn của phần lớn các vị vua của Israel và Giuđa bằng cách là con thực sự của Giavê như Người đã được tuyên xưng. Trong tất cả chuyện này, các tiên tri đã dự ứng đến một mức tuyệt vời thái độ mà Chúa Giêsu sẽ tiếp nhận đối với chủ thuyết xức dầu quân vương khi Người tới làm trọn các chờ mong của Cựu Ước. Đối cả với Chúa Giêsu, chủ thuyết xức dầu quân vương là một chi tiết chỉ có trong nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa mà thôi. Tuy không bác bỏ nó như là bất liên quan với nhiệm cục ấy, Người vẫn thích tự đồng hóa Người với các khuôn dung khác có thể xác định một cách rõ ràng hơn sự thể hiện Người mang đến cho niềm hy vọng cậy trông của Israel.

(IV) Tôn giáo của Israel

Trong xem xét cuối cùng của ta về các nối kết giữa việc nói tiên tri và các định chế của Israel, ta sẽ trình bầy sơ lược một số quan tâm chủ yếu trong giáo huấn tiên tri nhìn dưới ánh sáng của tôn giáo bình dân thuộc thời đại các ngài. Từ quan điểm này, ta có thể có cơ hội nhiều hơn để thấy cả tính độc đáo của tiên tri, một điều không nên bao giờ bị tối thiểu hóa, lẫn sự phù hợp của các ngài với đức tin truyền thống của tổ tiên.

(A) Cánh chung luận

Chủ thuyết xức dầu là một khía cạnh của cánh chung luận (eschatology); do đó, ta đã ghi nhận một sự nhấn mạnh của các tiên tri qua đó, các tiên tri vừa nối kết với, vừa tách biệt khỏi, các người Do Thái khác. Qua cánh chung luận trong bối cảnh này, ta muốn nói người Do Thái xác tín rằng họ là dân tộc được tuyển chọn, họ đóng 1 vai trò trong việc phán xử và thi hành quyền năng của Thiên Chúa trên vũ trụ. Còn về việc liệu việc phán xét này có được coi như một việc liên tục, kéo dài tận tương lai lịch sử hay chỉ là việc phán xét cuối cùng, thuộc một thời gian bên kia lịch sử, thì là điều phụ thuộc mà ta không cần đi vào. Vì mục đích thực tiễn, cánh chung luận của các tiên tri Do Thái, thực sự, có tính lịch sử mặc dù ý tưởng phán xét cuối cùng kia là ý tưởng đặc trưng của Do Thái Giáo về sau. Tuy nhiên, việc phân bệt này có lẽ không bao giờ có nghĩa nhiều lắm đối với dân Cựu Ước như là đối với chúng ta ngày nay, những người thấy sự qua đi của một Israel như được biết đến trong Cựu Ước và đã tiấp nhận được một giải thích khá khác biệt về cánh chung học như đã được Tân Ước mặc khải.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc nhìn nhận bản chất lịch sử của cánh chung luận tiên tri theo nghĩa khác, tức là: theo quan điểm ý niệm thánh kinh về thời gian, một quan điểm đôi khi được gọi là “trực tuyến” (linear) đối chọi với quan điểm “chu kỳ” (cyclic) về thời gian giả thiết là có liên hệ với các cách suy nghĩ khác. Có lẽ người ta đã quá nhấn mạnh tới sự phân biệt này và rõ ràng đã có nhiều cường điệu hóa trong các kết luận rút ra từ đó. Tuy nhiên, điều xem ra đúng sự kiện, hiển nhiên đối với những người quen thuộc với Thánh Kinh, là ngoài một số ngoại lệ hiếm hoi, các soạn giả Thánh Kinh không bao giờ quan niệm thời gian theo mẫu duy định mệnh mà coi nó như một loạt những khoảnh khắc đầy những biến cố được ý chí quyết định rõ rệt. Nhìn nhận sự kiện này là loại bỏ kiểu giải thích kỳ khôi về lời nói tiên tri, tức kiểu giải thích gán cho các tiên tri khả năng nhìn như chụp hình tương lai gần hoặc xa có liên quan tới những người các ngài được sai đến để mạc khải lời lẽ của Thiên Chúa. “Tiên tri không thấy lịch sử trải ra trước mặt ngài như 1 tấm bản đồ mà nhờ đó, ngài nắm được các biến cố cá thể trong tương lai. Việc thấy trước như thế không không phải là đặc sủng của Tiên Tri. Đúng hơn, ngài thấy các biến cố diễn tiến theo hướng nào. Đó mới là phạm vi của việc nói tiên tri. Ý niệm Hípri về thời gian loại bỏ bất cứ giải thích nào khác về nó” (C. Tresmontant, A Study of Hebrew Thought [NY, 1960] 27).



Dù giải thích ra sao, sự kiện kiểm chứng được vẫn là bản chất của việc nói tiên tri trong Thánh Kinh không phải là thấy tương lai như chụp hình. Thực vậy, việc tiên đoán thường là một phần của sứ điệp tiên tri, nhưng việc tiên đoán được ban cho vị tiên tri theo những bất ngờ ngài biết và những người nghe ngài có thể hiểu được. Lời tiên tri của Isaia về cuộc xâm lăng của Xankhêríp (1o:27-34) là một thí dụ cổ điển: lời tiên tri đã nên trọn, nhưng dưới những hoàn cảnh không được tiên tri thấy trước. Cùng những đặc tính này đã được thấy nơi thị kiến của các tiên tri về cánh chung luận của Israel (xem J. van der Ploeg, Studia Catholica 28 [1953] 81-93).

Xem ra thừa thãi khi phải nhấn mạnh rằng các tiên tri chia sẻ xác tín của Israel về tư cách được Thiên Chúa tuyển chọn. Tuy nhiên, có lúc, người ta tin rằng không hẳn thế, và Amốt 3:2, chẳng hạn, đã bị coi là không xác thực vì đã mâu thuẫn với Amốt 9:7. Có lẽ phần lớn người ta đồng ý rằng việc dễ dàng nhìn nhận “những mâu thuẫn” như thế, trên thực tế, đã để lỡ cơ hội nắm được giáo huấn tiên tri. Các tiên tri quả tin vào việc Israel được tuyển chọn; đại đa số các phát biểu của các ngài quả sẽ mất hết ý nghĩa nếu hoàn cảnh đời thực của họ không xây dựng trên niềm tin này. Việc được tuyển chọn là một phần trong hiến pháp nền tảng của Israel, và các tiên tri rất sẵn sàng, dù các người đồng thời của các ngài không sẵn sàng, chấp nhận mọi hậu quả từ vị thế dân riêng Thiên Chúa của Israel ( xem Am 3:9-12).

Các tiên tri thiêng liêng hóa và luân lý hóa niềm tin trên. Có lẽ sẽ chính xác hơn khi cho rằng các ngài tái luân lý hóa nó, vì các ngài làm thế nhưng không tự cho là canh tân. Chính ý tưởng được tuyển chọn mang theo nó một số nguy hiểm như bị cám dỗ tự mãn với các hậu quả của nó hay mù mờ đối với các cơ sở của nó. Nhiều người Do Thái sa vào các cơn cám dỗ này. Israel không được tuyển chọn vì chính họ, các tiên tri đã phải nhấn mạnh như thế, mà vì Thiên Chúa; họ không được chọn vì các đức hạnh của họ, mà vì nhờ được gần gũi Thiên Chúa, họ có thể tìm được đường tiến tới đức hạnh. Khi Amốt đồng ý rằng Giavê đã tuyển chọn Israel thì là để nhắc nhở họ rằng ngay trong sự kiện đó có hàm chứa quyền của Người được tiêu diệt họ khi họ phạm tội ác: “do đó, Ta sẽ trừng phạt các ngươi” (3:2).

Truyền thống Israel đã diễn tả quan niệm tuyển chọn dưới nhiều ẩn dụ và loại suy đa dạng, một trong những ẩn dụ và loại suy quan trọng nhất này là giao ước. Cả ý niệm này cũng đã tìm thấy nơi các tiên tri, mặc dù với nhiều dè dặt của các ngài. Hạn từ này không bao gờ xuất hiện nơi Amốt, người có lẽ không tài nào hòa giải nó với những lạm dụng về nó. Tuy nhiên, phần lớn các tiên tri khác không cho thấy sự ngần ngại nào trong việc dùng nó, nhưng họ dùng nó như Amốt dùng ý niệm tuyển chọn - đối với các ngài, giao ước là việc thuộc ơn thánh của Giavê và là nền tảng của nghĩa vụ luân lý. Hình ảnh Giavê triệu dân Người ra trước vành công lý, một hình ảnh rất thông thường nơi các tiên tri (xem các thuật ngữ rîb, “kiện tụng” ở Hs 4:1; Mk 6:2 và các từ tương đương ở chỗ khác) là hình ảnh, nay ta biết, mượn từ ngữ vựng giao ước nguyên thủy. Các tiên tri cũng thường hay nhấn mạnh tới truyền thống giao ước Môsê hay giao ước Đavít. Trong giao ước Môsê, đặc tính luân lý của việc tuyển chọn là rõ ràng nhất. Không thông thường chút nào khi các tiên tri tiền lưu đầy dừng lại ở các truyền thống tổ phụ dù các truyền thống này năng được nhắc đến trong các lời tiên tri thời lưu đầy và hậu lưu đầy.

Một ý niệm giúp các tiên tri thiêng liêng hóa ý niệm tuyển chọn là ý niệm “số còn lại” (remnant). Được liên kết một cách đặc biệt với Isaia, ý niệm này xem ra đã được ghi đậm trong các truyền thống tốt đẹp nhất của Israel, lâu đời hơn các tiên tri có văn bản. Nếu Amốt khó có thể coi đây như một khả thể có giá trị (5:15) và thậm chí còn chế giễu mô tả số còn sót lại không hề còn sót lại chút nào (3:12), nhưng ông vẫn tôn trọng niềm tin này theo cách riêng của ông. Amốt vốn là người quá xác tính về việc diệt vong của Israel đến độ không chịu phí thì giờ để suy đoán về các hậu quả của ăn năn thống hối, nhưng các tiên tri khác thì không đến nỗi quá bi quan như thế. Trong lời rao giảng của Hôsê, Isaia và Giêrêmia, ý niệm số còn lại được cứu rỗi, sống thoát sự phán xét của Giavê và trở thành Israel phục hồi, đã đem lại cho ý niệm số còn lại một sự sâu sắc thần học trong đó, các kế sách của Thiên Chúa nhân hậu được hiểu tốt hơn và đặt cơ sở cho việc nói tiên tri thời hậu lưu đầy.



Chính sự phán xét cũng là một ý niệm cánh chung được thiêng liêng hóa một cách sâu đậm trong giáo huấn tiên tri. “Ngày của Giavê” mà Amốt từng nhắc đến như một điều được người cùng thời với ông coi là đương nhiên (5:18-20) đã được nhiều người giải thích khác nhau; dù sao, ông cũng đã có trong tâm trí một số biến cố có thể cử hành chiến thắng của Giavê đối với các địch thù. Ý nghĩa việc Amốt dùng kiểu nói này là việc ông nhận diện kẻ thù không như những người ngoại đạo bất tín mà như chính Israel. Một tiên tri tiền lưu đầy khác cũng đã tiếp nối chủ đề này khi đồng ý với ý niệm truyền thống cho rằng ngày này là ngày kết liễu các dân tộc chống đối dân Thiên Chúa (Xp 2:1-15) nhưng cũng đồng ý với Amốt rằng Israel cũng phải được bao gồm trong các dân tộc này (Xp 1:1-18). Dường như chắc chắn là nền cánh chung luận bình dân có cái nhìn hướng tới 1 tương lai trong đó, Giavê sẽ tính sổ với các kẻ thù của Người và từ cuộc tính sổ này, dân của Người sẽ là người chiến thắng. Vượt ra ngoài các xem xét có tính duy quốc gia và chỉ dưới ánh sáng luật luân lý, hàng tiên tri chấp nhận nền cánh chung luận này nhưng muốn làm người ta hiểu rõ dân này là ai. Nó không phải là thứ Israel trong xương thịt, mà là thứ Israel trong tinh thần, số còn lại, thực sự được tuyển chọn. Lối giải thích tiên tri này tiếp diễn tới thời tiên tri hậu lưu đầy, khi nó còn trở nên rõ ràng hơn nữa rằng sự phán xét của Giavê không hệ ở việc là Israel hay không là Israel mà hệ ở việc là công chính hay không là công chính (xem Mk 3:13-21).

Kỳ sau: (B) Giáo huấn tiên tri về xã hội và luân lý