Con người và sự nghiệp
Vì muốn phục vụ dân nghèo cũng như tìm chỗ thuận tiện cho việc nghiên cứu khoa học, ông quyết định chọn địa danh Nha Trang làm quê hương thứ hai, để rồi tìm cách xây dựng tại đây một ‘viện Pasteur’ đầu tiên. Trước hết, ông dựng một nhà gỗ đơn sơ tại ‘Xóm Cồn’ để chữa bệnh cho dân nghèo. Đồng thời ông cũng say mê khám phá thám du các vùng rừng núi gần xa. Chuyến đi đầu tiên khá nguy hiểm nhưng thành công mỹ mãn, trải rộng tới phía tây nước Việt, đụng tới sông Mekong bên xứ Miên và Thái. Thế là chính quyền Pháp bắt đầu biết và rất hãnh diện về ông.
Tháng 6 năm 1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Đồng Nai lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký, Yersin ghi nhận có vài làng của người sắc tộc D'Lat nằm rải rác trong vùng, và "Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu, giống như mặt biển, tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này." [Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu châu, sau trở thành Đà Lạt].
Chẳng may, trên đường trờ về Nha Trang, ông bị một nhóm cướp tấn công, khiến ông bị thương nơi ngực và chân. Nhưng lại rất may, biết các kỹ thuật y khoa, ông sống sót, để rồi vẫn ráng tổ chức thêm cuộc thám hiểm kế tiếp.
Cuối năm đó, với một lực lượng hùng hậu - ngoài 54 người tùy tùng còn có một toán lính tập mang súng theo hộ tống - Yersin khởi hành cũng từ Đồng Nai, lên Đà Lạt, rồi đi tiếp đến cao nguyên Đắk Lắk, vào Attopeu ở nam Lào, rồi lại theo hướng đông ra biển, để đến Đà Nẵng vào ngày 17 tháng 5 năm 1894. Cuộc khảo sát lần này thăm dò một vùng đất rộng lớn trải rộng từ vĩ tuyến 11 ở phía nam đến vĩ tuyến 16 ở phía bắc.
Trang nhật ký Yersin ghi, "Đường đi thật là khủng khiếp. Trong 4 ngày liên tiếp, chúng tôi phải vượt qua một vùng núi hiểm trở, trèo xuống, leo lên, cứ đơn điệu như thế làm cho chúng tôi rất mệt mỏi. Cây cối chen chúc. Không có đường mòn. Chúng tôi phải khòm lưng chui qua các bụi tre. Vì trời mưa nên rừng có nhiều vắt không thể tả được. Những người Việt Nam đi cùng với chúng tôi bị sốt rét, mặc dầu đã uống thuốc ngừa...”
Nghiên cứu bệnh dịch hạch
Tượng Yersin tại Bảo tàng việnY khoa Hồng Kông |
Yersin là người đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn dịch hạch hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh. Cũng trong năm ấy, khám phá này được cộng tác viên Émile Duclaux gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, trong bài báo nhan đề La Peste Bubonique de Hong-Kong (Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông).
Năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh. Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh.
Năm 1896, Yersin đến Quảng Châu, được phép công khai tiêm huyết thanh (điều chế tại Nha Trang) cho một bệnh nhân tại đây, và nghiễm nhiên trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Yersin tiếp tục cuộc hành trình chống bệnh dịch hạch (bằng huyết thanh) với những điểm đến kế tiếp tại nhiều thành phố khác.
Ân nhân về nhiều ngành chuyên môn:
Viện Pasteur Nha Trang |
Là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, Yersin trở thành chủ một đồn điền cao su lúc đầu rộng khoảng 100 hec-ta, kiếm tiền đủ để nuôi sống Viện của ông. Ông còn ra công nghiên thêm về các loại chim, nghề làm vườn, và sưu tầm các loại hoa. Ông cũng mở một chiến dịch trồng rừng, đồng thời khuyên dân làng bỏ tập tục chặt đốt cây rừng. Ông còn trồng thử nghiệm cây ‘canh-ki-na’ để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét. Ông cũng tìm ra đất thích hợp cho loại cây này ở vùng đất Dran và Di Linh.
Yersin thích biết mọi thứ, ông là chuyên gia về nông học nhiệt đới, nhà vi trùng học, nhà dân tộc học, nhiếp ảnh gia, rồi nghiên cứu khí tượng. Ông mua máy điện lượng kế, làm một con diều thật lớn thả lên độ cao một ngàn mét để đo điện khí quyển và dự đoán giông bão. Ông muốn giúp những người dân chài thường khi bị mất tích trên biển mỗi lúc có lốc xoáy vụt đến. Yersin thuyết phục Fichot, một kỹ sư thủy văn phục vụ trong hải quân và rất say mê thiên văn học, đến sống với ông trong ngôi nhà lớn ở Xóm Cồn với kính thiên văn và máy quan tinh được lắp đặt trên sân thượng, để cùng nhau nghiên cứu khí tượng. Trong những ngày cuối đời, Yersin gắn bó với niềm đam mê mới: văn chương. Ở tuổi tám mươi, ông lại học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, và biên dịch những tác phẩm của Phèdre, Virgile, Horace, Salluste, Cicéron, Platon, và Démosthène.
Trường Y Đông Dương
Trường Y Đông Dương |
Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên củaTrường Y Đông Dương này (là tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp – sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết – đích thân ông giảng dạy trong các giờ vật lý, hóa học, và phẫu thuật.
Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng. Ghi nhận của Yersin về những sinh viên Y khoa đầu tiên được đào tạo ở Đông Dương, "Họ rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với những sinh viên giỏi nhất bên Pháp. Điều thú vị là ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm. Gần như có thể nói rằng không có ai lười biếng."
Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay), và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc.
Sau hai năm, khi mọi thứ đã vào guồng, Yersin xin từ nhiệm, và trở về Nha Trang.
Vĩ nhân từ trần
Di sản của ông quá lớn. Toàn dân Việt Nam, hơn mọi dân tộc khác, phải ghi ơn ông mãi mãi. Vua Bảo Đại đã truy tặng ông bội tinh kim khánh. Dân nghèo nhớ ông vì lòng nhân hậu. Bệnh nhân không quên công trình y khoa của ông. Nhiều thành phố có tên đường là ông. Nha Trang và Đà Lạt ghi dấu ấn của ông qua nhiều hình thức, nhất là có công viên vinh danh ông. Mộ ông tại Suối Dầu và thư viện ông tại viện Pasteur Nha Trang nay là di tích lịch sử quốc gia. Năm 2014 Việt Nam truy tặng ông là ‘công dân danh dự’ và cho ra mắt bộ sưu tập tem bưu chính mang hình ảnh ông.
Đại học Yersin Đà Lạt |
Yersin đã sống trọn đời độc thân, xa lánh chốn phồn hoa Paris để theo con đường phục vụ tha nhân.
Lời cuối của ông: “Tôi muốn theo chân Chúa Ky Tô để phục vụ mọi người trọn đời tôi”.
Đáng ngưỡng mộ thay !
LM. Giuse Nguyễn Văn Thư