Mùa vui đùa thư giãn :



Nào chúng ta cùng tưởng tượng đang còn sống tại quê nhà, tâm tư rộn niềm vui sướng mỗi lần nghe Hè sang :

Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song …

Hè về non nước yêu yêu
Hè về nắng thông reo…


Trên đây là 2 câu mở đầu và kết thúc nhạc phẩm ‘Hè về’ của cố nhạc sĩ tiền chiến Hùng Lân. Cùng với bài ca ‘Khỏe vì nước’, người nhạc sĩ tài hoa (đi tiên phong nền tân nhạc Việt Nam) này đã làm cả nước cùng vang lời hát, đặc biệt trong bối cảnh nước nhà đang mong đợi sự dấn thân và niềm hăng say cũng như nét tươi trẻ, để cùng xây dựng tương lai.

Mùa hè về trong tiếng ve râm ran, cái nắng vàng ươm, trong những tán lá xanh và trong những cơn mưa đầu mùa mát lành. Mùa hè gợi mở những không gian bao la để ta hòa mình vào thanh âm và sắc màu tuyệt vời của cuộc sống :

Bạn ơi biết không
Hè về rồi đó
Chiều nay bạn gió
Mang nồm về đây
Ôi mới đẹp thay!
Phượng hồng mở mắt


(khuyết danh)

Trước hết chúng ta nói về chuyện nghỉ hè của đám học trò. Nghỉ là gấp sách vở lại. Không phải tới trường mỗi ngày nữa. Lũ học trò luôn khoái mùa Hè nhất trong năm. Đối với chúng, mùa hè bắt đầu khi tiếng trống trường cuối cùng vang lên. Mùa hè đầy nắng, đầy gió, chứa đựng nhiều dự định và hứa hẹn những chuyến đi xa để được khám phá bao điều hay ho. Nhưng mùa hè trong bước chân chầm chậm của cô bé nào đó khi bước ra khỏi cổng trường lại mang theo một nỗi ám ảnh ưu tư.

Ta thử đọc một đoạn văn ‘trẻ’ nói lên tâm tư thích mùa Hè nhé :

“Mỗi khi hè về là em lại háo hức vô cùng bởi đó là mùa mà em thích nhất. Những tia nắng chói chang cùng bầu trời cao vời vợi là đặc trưng của mùa hạ. Cây phượng nở hoa đỏ rực cả một góc trời như những cây đuốc khổng lồ chiếu sáng khắp nơi. Tiếng tu hú kêu vang nơi đồng quê báo hiệu một mùa quả chín. Hè về mang theo bản hòa ca của những nhạc sĩ ve sầu, luôn là thanh âm sôi động và náo nhiệt nhất. Từng cánh đồng lúa trải dài một màu vàng bát ngát chờ người nông dân đến gặt hái. Mùa hè có những cơn mưa rào trắng xóa cả đất trời chợt đến rồi lại chợt đi, những cơn gió nam mát rượi đưa em vào giấc ngủ mỗi trưa nắng gắt. Hồ sen nở rộ, những bông hoa khoe ra đài cao của mình dưới ánh sáng gọi ong bướm đến. Cây cối trong vườn đón nhận tinh hoa của đất trời để cho những trái chín mọng. Mùa hè rất đẹp, là mùa luôn mang đến cho em những kỉ niệm đáng nhớ cùng gia đình và người thân và cũng là mùa em mong đợi nhất”.

Và bây giờ là mấy vần thơ ‘con cóc’:

Cái trống trường em
Mùa Hè cũng nghỉ.
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ


Bài thơ vui này đã phản ánh tâm tư về những mùa Hè trong quá khứ của nhiều thế hệ : cứ sau lễ bế giảng năm học, là chúng ào về các quê nội, quê ngoại, hưởng thụ một mùa Hè tuyệt vời. Thật thì chúng được “thả rông” về ruộng đồng, thôn xóm, để tận hưởng những ngày tháng mục đồng đến mức ‘hoang dã’. Chúng chỉ cuống quýt trở lại mái trường vào ngày khai giảng đầu tháng 9, với làn da cháy nắng, gót chân còn dính bùn.

Còn bây giờ, nghỉ Hè không chỉ là đùa giỡi cho hết 3 tháng ròng rã. Phải đi vào cõi ‘vừa chơi vừa học’. Không phải học với bài vở trong lớp, nhưng học để mở mang kiến thức. Thành ra lợi ích lớn gấp hai. Các phụ huynh bắt đầu hiểu rõ và thực hiện điều này.

Ba tháng tạ từ



Nhạc sĩ danh tiếng Thanh Sơn năm nào tại quê nhà ‘chuyên trị’ về chia tay mùa hè, xa bạn nhớ thày, tạm biệt mái trường…đã đưa tên tuổi mình lên tuyệt đỉnh khi cho ra mắt nhạc bản trên đây. Đặc biệt với giọng ca Thanh Tuyền, thính giả như đồng cảm bồi hồi theo giòng nhạc : “Người ơi, thấm thoát niên học hết rồi, chúc nhau cạn lời giây phút ly bôi. Ngày mai tan trường mình không chung lối, thương nhau nhiều biết gửi về mô”…”

Ai cũng nói rằng tuổi học trò là một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Vì lúc đó ta có đủ thầy cô, bè bạn và cả người ta yêu đầu tiên. Đặc biệt ta và ‘bạn ấy’ đã cùng nhau trải qua biết bao điều tuyệt diệu đầu đời : cùng nhau đến trường, kèm theo những buổi học bài trong thư viện, những cái nắm tay , những nụ cười nhẹ đầy nỗi ngại ngùng, hay thậm chí cả những lần giận hờn vu vơ vì một chuyện cỏn con nào đó…Làm sao có thể quên được đây, cái gọi là tình ngây ngô thời học trò đầy khờ khạo nhưng thật ngọt ngào, dễ thương không chịu nổi ! Ấy thế mà hè tới phải chia tay. Nhất là chia tay vĩnh viễn vì hoàn cảnh gia đình phải rời xa. Mà trong trường hợp lên đại học, vào cuối học trình, chàng phải ‘xếp bút nghiên’ mà ra chiến trường bảo vệ đất nước, chuyện chia lìa cũng không kém não nùng xót xa.

Và tình yêu học trò ấy, thường cũng là tình yêu đầu, thì lúc nào cũng chóng vánh, nhưng là kí ức khó phai mờ nhất trong cuộc đời mỗi con người. Thành ra, khi mùa hè tới, trường bế giảng niên học, các bạn trẻ hay bị nhói tim thổn thức lắm.

Mời bà con thưởng thức bài thơ ‘Hè về nhớ nhau’ của 1 tác giả ẩn danh :

“Bây giờ đường rộn tiếng ve,
Ngàn hoa phượng nở khi Hè vừa sang
Bâng khuâng dưới ánh nắng vàng
Tặng nhau cánh phượng ai mang đi rồi.
Ngày xưa chỉ có vậy thôi
Có ai biết được để rồi cách xa.
Mùa Hè từng đã vụt qua
Tiếc hoài cái tuổi ngọc ngà chẳng quên
Nỗi buồn không thể đặt tên
Nhẹ nhàng nhưng mãi nổi lên trong lòng
Ai còn nhớ kỷ niệm không?
Ngày xưa, một cánh phượng hồng ta trao”.


Tình học trò, tình đầu, thường khó quên như thế đó. Chả mấy ai không một lần vấn vương trong đời. Tại quê nhà, trong khung cảnh miền nhiệt đới, hễ hè về là có hoa phượng, nhắc chúng ta chuyện học đường, thày cô, bạn hữu và nhất là ‘người yêu’ xa vắng nào đó. Bao người không tránh khỏi tâm sự bồn chồn luyến tiếc. Và đó cũng là duyên cớ để bao văn thi nhạc sĩ sáng tác, trao tặng cho thế nhân những tác phẩm trữ tình tuyệt hảo.

Bồi dưỡng tinh thần và thể xác :



Nói chuyện học đường, 3 tháng hè là thời gian để các em học sinh nghỉ ngơi, thư giãn sau 9 tháng học tập căng thẳng. Đối với học sinh cuối thời trung học, kỳ nghỉ hè càng có ý nghĩa, khi các em vừa trải qua những kỳ thi quan trọng. Mùa hè, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tổ chức các chuyến ‘tham quan’ nghỉ mát miền xa tốn kém, hoặc ghi tên cho con em tham gia các lớp đặc biệt về ‘phát triển năng khiếu’. Đa số các em học sinh chỉ có thêm lớp ‘học hè’ bổ túc. Đối với những học sinh này, điều các em chờ đón nhất trong 3 tháng này chính là các hoạt động sinh hoạt hè tại địa phương.

Có vị đề nghị như sau : ngay từ đầu hè, phụ huynh nên ‘chủ động’ tạo chương trình và sắp xếp công việc, để cả gia đình cùng có một kỳ nghỉ ngắn ngày, nhằm thay đổi không gian sống, tạo cho trẻ sự hào hứng, vui thích. Ngoài ra có thể thực hiện một số hoạt động đơn giản khác, như tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động ‘dã ngoại’, hay để cho chúng được vui chơi qua các môn thể thao phổ thông, thể hiện sự sáng tạo của tuổi học trò. Dĩ nhiên thể xác cũng khỏe mạnh hơn.

Nói một cách tổng quát, ai cũng hiểu từ ngữ ‘nghỉ hè’ là để nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Làm việc, lao động là niềm vui mà cũng là bổn phận phải đóng góp với đồng loại, mong phát triển mọi khía cạnh của cuộc sống nhân sinh. Nhưng nếu cứ ngày đêm làm nô lệ cho công việc thì lại tai hại khôn lường. Giáo Hội Công Giáo nhắc tới chuyện chính Thiên Chúa cũng nghỉ ngơi sau 6 ngày tạo dựng vũ trụ. Đây là một tư tưởng chỉ đạo cho việc lao động con người. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội vật chất hiện nay, có quá nhiều điều ‘bất cập’ đang xảy ra : lạm dụng sức lao động thái quá. Cụ thể là không cho các nạn nhân cơ hội nghỉ ngơi cần thiết.

Học thuyết xã hội Công Giáo nhắc đi nhắc lại điểm này, kêu gọi các quốc gia cố gắng canh tân luật lao động, cho ai nấy được làm việc và nghỉ ngơi xứng đáng với phẩm giá con người.

Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II có lần lên tiếng với giới trẻ như sau : “Điều quan trọng là việc nghỉ ngơi không rơi vào trống rỗng (vì trong trường hợp đó thì không có nghỉ ngơi thực sự). Những ngày nghỉ cần phải được đan dệt bằng những cuộc gặp gỡ. Cha nghĩ đến cuộc gặp gỡ với thiên nhiên, với núi rừng, với biển cả. Con người, khi gặp gỡ thiên nhiên, sẽ tìm lại được sự bình an nội tâm. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả ý nghĩa của việc nghỉ ngơi. Còn một ý nghĩa nữa. Đó là việc gặp gỡ với Đức Kitô, và ý nghĩa này mới là điều mới mẻ. Nghỉ ngơi là mở mắt tâm hồn để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong thế giới, là mở tai nội tâm để lắng nghe lời của Ngài là chân lý… Một cách đặc biệt, Cha chúc giới trẻ các con có được cách thức nghỉ này… Cha biết là có nhiều bạn trẻ đã biết sử dụng mùa nghỉ hè vừa như thời gian thư giãn, vừa như thời gian đặc biệt để gặp gỡ Chúa, trong cộng đoàn tình nghĩa bạn bè. Cha nói điều này từ chính kinh nghiệm cá nhân của Cha, vì như giám mục và linh mục, Cha đã trải qua nhiều mùa nghỉ hè với các bạn trẻ”..

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư