Chúa Nhật XXII Thường Niên C: KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI

Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14

Thị trưởng thành phố mời tất cả công dân của thành phố đến dự tiệc. Trong số những người đến dự, có một người rất lỗi lạc có tên là Daniel. Daniel là một học giả lớn và là một người khôn ngoan rất có ảnh hưởng trong thành phố mà mọi người đều quý mến. Dù nổi tiếng, nhưng ông cũng rất khiêm nhường và không thích được tôn vinh khi ông đến dự tiệc. Khi thấy ông, dĩ nhiên thị trưởng mời ông ngồi ở đầu bàn danh dự. Nhưng Daniel cám ơn sự nhã ý của ngài thị trưởng và nói rằng ông thích ngồi ở giữa những người nghèo ở cái bàn gần cửa nhất. Và ông đã làm như thế.

Khi những người khách mời danh giá khác đến, ông thị trưởng mời họ ngồi bất cứ nơi nào họ thích. Dĩ nhiên họ đã chọn ngồi ở bàn đầu danh dự. Phòng tiệc đã đầy ắp và tình cờ chỗ duy nhất còn lại ở bàn cuối gần chỗ Daniel đã chọn ngồi. Thế mà vào phút chót có một nhân vật danh giá đến. Mọi ghế danh dự đều kín, chỉ còn chỗ cuối bên Daniel Ông thị trưởng không có chọn lựa nào khác hơn là dẫn ông này đến chỗ trống.

“Nhưng đây là chỗ ở bàn cuối” người khách phản đối,

“Không, đây là chỗ bàn đầu”, ông thị trưởng đáp.

“Tôi không hiểu” người khách nói.

“Nơi nào có ông Daniel ngồi thì chỗ ấy là bàn đầu”. Ông thị trưởng đáp.

Thật thế Daniel nhân vật danh giá đã khiêm tốn chọn chỗ cuối, nhưng chỗ cuối đó trở nên chỗ danh dự.

Sách Châm Ngôn đã dạy đạo xử thế: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,6-7), như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng Luca 14,1.7-14, Biệt phái Pharisêu tự phụ, giả hình, luôn tự dành cho mình chỗ nhất ở mọi nơi vì cho rằng mình đạo đức xứng đáng được trọng vọng. Họ dựa vào những tước hiệu được dân chúng tôn trọng, khen ngợi và nghĩ rằng mình cũng được quyền ưu tiên vào Nước Trời. Họ quên mất rằng chính bản thân mình phải cố gắng trở nên con người xứng đáng với chỗ nhất trong nước Trời. Những Ai tự cao tự đại, chỉ dựa vào sự công chính của mình, sẽ không có chổ trong nước Trời (x. Lc 18,9-14).

Tin Mừng Luca 14,1.7-14, không chỉ dừng ở sứ điệp tinh thần khiêm tốn mà đi xa hơn Chúa Giêsu dạy cách thực thi sống bác ái quảng đại không vụ lợi, không mong được đáp trả như người đời thường nghĩ: “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Giáo huấn khiêm tốn và bác ái đã được Thánh Phaolô sau này khai triển tiếp ý của Thầy khi chia sẻ với giáo hữu thành Ephêsô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4, 2). Và trong Thư gửi giáo đoàn Galat, vị Tông đồ còn nhấn mạnh các hoa trái sinh từ Thánh Linh trong đó có Đức ái và sự khiêm tốn hiền hòa (x. Gl 5,22).

Trong hai đức tính mà Giáo huấn của Đức Kitô mời gọi, Phaolô quả quyết một cách xác tín “Lòng mến (bác ái) là hoa quả tối thượng của Thánh Linh” (1Cr 13). Còn tấm gương khiêm tốn hiền hoà, chúng ta học nơi chính Chúa Giêsu như Người đã dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Như thế, khiêm tốn và bác ái đều khởi đi từ cung lòng Thiên Chúa và được chuyển đến con người với mong muốn: con người thực thi trong lòng dương gian để cho chính bản thân mình và cho anh em.

Khiêm nhường và bác ái như là nền tảng và trụ cột trong việc xây dựng đời sống nhân bản và thiêng liêng. Tin Mừng Luca 14,1.7-14 mời gọi chúng ta sống hai nhân đức nền tảng: Khiêm tốn và Bác ái này. Khiêm tốn không chỉ thu tâm lòng người chung quanh theo ý niệm nhân bản mà còn được đẹp lòng Thiên Chúa như Huấn ca đã viết: “Càng khiêm tốn thì các con càng cao cả, và các con sẽ được Chúa ủng hộ cho” (Hc 3,19-20). Trước đó sách Huấn ca cũng nhấn mạnh làm việc phục vụ yêu thương một cách khiêm tốn thì càng được yêu mến hơn: “Hỡi các con trai và con gái của ta, hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác” (Hc 3,17-18). Hơn nữa khiêm tốn giúp thực thi Bác ái với một tâm hồn quảng đại không mong đáp trả như Chúa Giêsu đã kêu gọi (x. Lc 14,12 - 13) đó là Đức ái không tìm tư lợi mà Thánh Phaolô đã khuyên người tín hữu (x. 1 Cr 13,4). Vâng, đó là Đức ái trong khiêm tốn.

Chính lúc tôi và bạn khiêm hạ và sống bác ái vô vị lợi, chúng ta đang “thêu dệt” công trình nhân cách chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa tinh thần – đức tin của tôi và bạn đang vươn tới được núi Sion thành thánh, nơi đại hội Giêrusalem của những người tin, do đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là những kẻ đã được ghi tên trên trời, như thư Do Thái phác họa (x. Dt 12,18-19.22-24a).

Thật thế, hãy luôn giữ tâm hồn khiêm tốn, để nhân cách tôi và bạn được thêm hoàn thiện khi nhận mình nhỏ bé, được sự hướng dẫn không ngừng của các vị khôn ngoan và nhờ phấn đấu không ngừng trong cuộc sống với các đức tính nhân bản: Khiêm tốn giúp chúng ta thực hành mọi việc trong kiên nhẫn và thu phục lòng người bằng cách sống khiêm nhu. Hơn nữa khi nhận mình nhỏ bé trong đời sống đức tin để Thiên Chúa vun trồng mình trong ân sủng nhờ đó tinh thần chúng ta thêm nở hoa. Hình ảnh của nước mưa rơi xuống trên những đỉnh núi cao sẽ chảy tuôn đi hết chẳng đọng lại giọt nào. Rốt cuộc, mọi giòng nước đều tuôn về chỗ trũng. Chính thế người ta thường nói: “Biển cả là mẹ của tất cả sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông”. Hay như cây lúa trĩu hạt càng nép mình xuống, cũng chính những bông hạt này, cây lúa cống hiến cho đời những bát gạo thơm ngon. Cây lúa đã hết mình vì cuộc sống con người mà không tính toán hơn thiệt, vì thân phận của cây lúa nơi dương gian là dâng hiến hạt gạo cho đời.

Mang tâm tình khiêm cung nhỏ bé, chúng ta hãy thực thi bác ái trong sự quảng đại không mong đáp trả vì chính Thiên Chúa sẽ đáp lại bằng tình yêu vô bờ bến của Ngài, chính lúc đó chúng ta mới cảm nghiệm dạt dào tâm tình của Phanxicô: "cho tức là nhận", không phải nhận lại từ người mà ta làm phúc như người đời nghĩ “bánh ít đi bánh quy lại” nhưng nhận từ Thiên Chúa tình thương và ân sủng ngay từ hôm nay và cả mai sau như Đức Giêsu khẳng định: “sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại” (Lc 14,14). Đó là Tình yêu quảng đại vô vị lợi mà Têrêsa Hài Đồng Giêsu suy niệm:

“Sống Tình yêu là cho đi mà không tính toán, không kêu cầu sự đáp trả”.

Thật thế đó là những bông hoa nhỏ cho đời và dâng về Thiên Chúa như Têrêsa tâm niệm:

“Con muốn làm một bông hoa nhỏ đứng dưới chân bàn thờ mỗi ngày, con muốn làm một bông hoa trắng, từng chiều vắng đon sơ diệu hiền...”.

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 17/08/2016.