Suy Niệm Chúa Nhật XIX THƯỜNG NIÊN C

Mọi người đều phải chết. Đó là một chân lý. Người vô thần cho rằng chết là hết. Người kitô hữu chúng ta tin rằng, chết chưa phải là hết. Sau khi chết, con người phải đến trước tòa phán xét và tùy theo tội phúc ở đời này để được thưởng hay phạt ở đời sau. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn được thưởng, tức là được hưởng hạnh phúc muôn đời. Vậy, làm thế nào để được hạnh phúc sau khi chết? Lời Chúa hôm nay chỉ đường cho chúng ta biết cần phải làm gì ?

1. Phải có đức tin

Tác giả thư Do Thái dạy: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” Để chứng minh điều đó, tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng có tính thuyết phục, tiêu biểu là gương của tổ phụ Áp-ra-ham: nhờ đức tin, tổ phụ Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Cũng nhờ đức tin mà tổ phụ Áp-ra-ham đã dám hiến tế đứa con duy nhất là I-sa-ác trong tuổi già, mặc dầu Thiên Chúa hứa với ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời. Tác giả thư Do Thái còn nhắc đến gương của bà Xa-ra: nhờ đức tin, bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. (x. Dt 11,1-2.8-19).

Không chỉ gương của tổ phụ Áp-ra-ham và bà Xa-ra, xuyên suốt chiều dài lịch sử Cứu độ, chúng ta còn thấy vô số tấm gương sống nhờ đức tin. Trong đó, không thể không nói đến tấm gương của Đức Maria: trọn cuộc đời của Mẹ là một cuộc sống đức tin, nhất là những lúc gặp khó khăn, thách đố. Chính bà Ê-li-za-bét đã ca ngợi Mẹ rằng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1,45). Rồi biết bao nhiêu tấm gương khác: chính nhờ đức tin, các Tông đồ đã đi theo Chúa, sống cho Chúa và chết vì Chúa; nhờ đức tin, các thánh Tử Đạo đã chấp nhận các hình khổ để làm chứng cho Chúa bằng cách chấp nhận cái chết; đức tin cũng đã giúp các kitô hữu sống và làm chứng cho Chúa qua mọi thời đại.

Mỗi chúng ta có mặt hôm nay trong ngôi thánh đường này cũng chính là nhờ đức tin. Nhờ đức tin, chúng ta mới được lãnh nhận các Bí tích. Khi chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chủ sự chất vấn thụ nhân ba câu liên quan đến đức tin sau đây: “Có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất không? Có tin kính Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Ðức Chúa Cha không? Có tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người sống lại và sự sống vĩnh cửu không?” Người chịu phép: “Thưa tin.” Khi trao Mình Thánh Chúa Kitô, thừa tác viên đọc: “Mình Thánh Chúa Kitô.” Người lãnh nhận thưa: “Amen,” tức là tin thật như vậy…

Nhờ đức tin, chúng ta mới chăm chỉ đọc kinh cầu nguyện và cầu nguyện có hiệu quả. Chúa Giêsu đã từng nói với người đàn bà bị bệnh loạn huyết mười hai năm rằng: “đức tin của con đã cứu chữa con” (x. Mc 5,34). Nhờ đức tin, chúng ta mới có thể vượt qua được bao nhiêu thử thách trong đời sống đạo, đặc biệt những khi vì đạo mà bị hiểu nhầm, bị thiệt thòi, bị bắt bớ và giết chết như trường hợp các thánh Tử đạo. Nhờ đức tin, rất nhiều bệnh nhân đã vui lòng chấp nhận đau khổ tinh thần và thể xác hàng chục năm trời trên giường bệnh.

Nói tóm lại, cần có đức tin chúng ta mới có thể giữ đạo, sống đạo và chu toàn các bổn phận Chúa và Giáo Hội trao phó. Vì vậy, chúng ta hãy luôn xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.

2. Phải biết chia sẻ

Bản tính con người thường hay thu vén, tích trử cho mình, dụ ngôn nhà phú hộ chúng ta nghe vào Chúa Nhật tuần trước là một bằng chứng (x. Lc 12, 16-21). Nhưng thực tế cho chúng ta thấy, rất nhiều người không bao giờ thỏa mãn những gì mình có, cho nên sa vào các tệ nạn: trộm cắp, gian lận, tham nhũng... Là người kitô hữu, chúng ta không được sa vào các tệ nạn đó, trái lại luôn phải biết chia sẻ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc. 12,33). Nơi khác Ngài nói: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa” (Mc 4,24).

Chúng ta có thể kể ra nhiều gương mẫu về sự cho đi. Gương của Thánh Martinô Giám mục (317-397), Ngài đã chia cắt một phần áo choàng của mình cho người ăn xin bên vệ đường. Gương của Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660), vị tông đồ của người nghèo. Ngài nói: “Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không yêu thương anh em. Ưu tư, lao tâm, khổ trí của tôi, chính là người nghèo”. Cuộc đời của Mẹ Tê-rê-xa dạy cho chúng ta bài học “cho thì có phúc hơn là lãnh nhận.” Mẹ đã thực hiện đầy đủ lời của Chúa Giêsu trích trong Tin mừng theo thánh Mathêu (25,40) như sau: “Ta bảo thật chúng con, những gì chúng con làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong những anh chị em của Ta đây, thì đó là chúng con đã làm cho Ta.”

Mỗi chúng ta ngày hôm nay muốn được hạnh phúc đời đời cũng cần phải biết cho đi. Cho đi tiền bạc, thời gian, sức khỏe, cho đi những những lời nói và cử chỉ yêu thương…Đó chính là cách tốt nhất để chúng ta làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

3. Phải biết tỉnh thức và sẵn sàng

3.1. Như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về (x. Lc 12, 35-40)

Người đầy tớ luôn phải chu toàn bổn phận mà chủ trao phó. Đặc biệt, khi ông chủ đi ăn cưới, ngoài nhiệm vụ coi sóc nhà cửa, người đầy tớ còn phải tỉnh thức sẵn sàng: “Thắt lưng cho gọn”, “Thắp đèn cho sẵn” để khi chủ về phải ra mở cửa ngay. Chúa Giêsu ví Ngài như ông chủ. Chúng ta như người đầy tớ. Chúng ta được Thiên Chúa đặt để trong cuộc đời này một thời gian, và giao cho những nhiệm vụ tùy từng người. Chúng ta phải cố gắng chu toàn nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc. Thời gian chúng ta sống trên cõi đời này là bao nhiêu, chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết chắc chắn rằng, có ngày Chúa sẽ đến gặp gỡ và mời gọi chúng ta ra khỏi đời này. Nhưng Chúa đến lúc nào chúng ta không biết. Chính vì vậy, giống như người đầy tớ, chúng ta cần phải tỉnh thức và sẵn sàng.

3.2. Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (x. Lc 12, 42-48)

Ai là người quản gia? Trước hết, Thánh Luca muốn nói tới những người lãnh đạo coi sóc cộng đoàn. Đó là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, linh mục, các bề trên…Các Ngài phải trung thành phục vụ cho tới khi Chúa đến. Khi Chúa đến, những người đang phục vụ cách “trung tín và khôn ngoan” thì được thưởng, trái lại những người phục vụ lơ là và biếng nhác, “đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa” thì sẽ bị phạt: “Ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.” Tiếp đến, ai trong chúng ta cũng đều là người quản gia của Chúa. Mỗi người được trao cho những tài sản khác nhau: Con cái được trao cho cha mẹ. Học sinh được trao cho thầy cô giáo. Bệnh nhân được trao cho bác sỹ…Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ta sức khỏe, tài năng, của cải…để chúng ta biết đem chúng ra phục vụ kẻ khác, cho Giáo Hội và xã hội. Khi Chúa đến, Ngài sẽ đòi chúng ta tính sổ với Ngài cả vốn lẫn lời, giống như dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25, 14-30). Nếu chúng ta biết làm lãi giống như người thứ nhất và thứ hai thì được thưởng. Ngược lại, nếu chúng ta không chịu làm lãi những vốn liếng Chúa trao, thì số phận chúng ta cũng giống như người thứ ba đã chốn giấu nén bạc Chúa trao, “bị quăng ra ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”(x. Mt 25,30).

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống đời này chỉ có ý nghĩa khi chúng con đạt được hạnh phúc nước trời mai sau. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn biết tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, như người quản gia trung tín và khôn ngoan. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành