Chúa Nhật XIX Thường Niên C: THẮP NẾN LÊN…

Kn 18, 6-9; Dt 11, 1-2. 8-19; Lc 12, 32-48

Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến.

Nhưng ông chủ tịch nói :

”Không biết hôm nay có phải là tận thế không : nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu tòan nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).

Thắp đèn lên như người tôi trung luôn sẵn sàng lao công cần mẫn đợi chủ về mà Chúa Giêsu nói bằng hình ảnh: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” (Lc 12, 35). Từ hình ảnh người đầy tớ sẵn sàng chờ chủ, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta trong đời: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36). Đứng vững đón Chúa đến và được phần thưởng cho người sống thức tỉnh: “Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức... chủ sẽ đặt người ấy trông coi tất cả gia sản mình” (Lc 12, 36 - 44).

Giáo lý tỉnh thức sẵn sàng luôn được Chúa Giêsu nhấn mạnh: Tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan trong mười cô trinh nữ đợi chờ Tân Lang: các cô khôn ngoan chuẩn bị và chờ đợi với đèn dầu sẵn sàng để chờ chàng rễ đến, ra đón chàng vào dự tiệc cưới, còn năm cô khờ dại mang đèn nhưng không đem dầu, lúc chàng rễ đến vội vàng đi mua dầu thì đã trễ dự hội tiệc cưới (x. Mt 25, 1-13), tỉnh thức và sẵn sàng như Chúa Giêsu nói qua hình ảnh người khôn ngoan canh chừng tên trộm cắp (x. Mt 24, 42-44; Lc 12, 39-40)... Thánh Phaolô cũng nói đến sự bất ngờ: “ngày của Chúa” Vì chính anh em biết rõ: “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Th 5, 2).

Lời Chúa Giêsu vẫn vang vọng qua mọi thời đại: “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”. Thế nhưng trong cuộc sống: “Người ta sinh ra, sống và chết trong tình trạng ngủ say”- tư tưởng trong tác phẩm “Le Mystique espiègle (nhà thần bí tinh nghịch), mà Cha Mello trích dẫn khi giảng về Giáo lý tỉnh thức.

Luôn say mê với quyền lực tiền tài, con người bất chấp tất cả để mong sao thu được nhiều tiền nhiều bạc. Say mê tiền bạc và để tâm trí và sức lực cho sự dấn thân tìm kiếm, khiến con người nô lệ cho vật chất chóng tàn: “tiền tài ở đâu lòng trí ở đó”. Con người cũng đang luôn say trong danh vọng, dục vọng, đó là những hạnh phúc hư danh đưa con người vào giấc say quyền lực, thú vui phù vân như là tiếng hát nỉ non của các tiên nữ đảo Seren muốn Oduysée muốn lưu lại bên Đảo mà bỏ ý định về quê nhà… (Thần thoại Hy Lạp).

Ngủ quên với những qúa khứ đau khổ trong thất vọng, khi bám vào qúa khứ, một qúa khứ đau khổ, khiến bước vào hiện tại uể oải, thất vọng, bi quan. Đau khổ hay dằn vặt một qúa khứ, hoặc khóc lóc cho dĩ vãng là vô ích. Quá khứ chỉ có thể hữu ích như những kinh nghiệm giúp chúng ta nhận ra những sai lầm, những tích cực và rút ra bài học cho chúng ta sống với ý hôm nay. Hay một qúa khứ huy hoàng, chúng ta bước vào hiện tại với sự ảo vọng. Một qúa khứ vàng son, thành công, cũng vô ích, nếu không tiếp tục cố gắng hôm nay, chỉ là giấc mộng sẽ tan theo may khói… Ai chỉ ôm và sống trong quá khứ, thì không chi ngủ mà là chết, vì quá khứ đã không tồn tại. Cho nên, người cũ đang sống trong quá khứ, cần đổi mới để mà tái sinh, tái sinh trong nước và thần khí, như Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: Đời sống mới trong Thần Khí (x. Ga 3).

Say mê với tương lai, nhưng không chú ý đến hiện tại cuộc sống, mơ mộng viễn vong khiến chúng ta luôn sống trên mây. Chỉ mộng mơ suy nghĩ đến tương lai không sống cho hôm nay là lãng phí tâm sức và thời gian. Cho nên, tôi bạn cần mang thái độ sống hiện tại trong thức tỉnh.

Thức tỉnh cũng có nghĩa là thay đổi trái tim bằng đá vốn đóng kín trước tha nhân, với cuộc sống bằng một trái tim mở rộng với anh chị em và không đóng kín đối với chân lý.

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta tỉnh thức. Chữ “ngờ” trong đời sống sẽ được thấu hiểu chữ “ngộ”, tức là giác ngộ với hiện tại, như sứ điệp của Cha Mello muốn chia sẻ qua câu chuyện ngụ ngôn:

Các môn đệ của một sư phụ phương đông hỏi ông: “Giác ngộ đã đem lại cho thầy điều gì?”. Ông trả lời: “Trước đây, thầy khổ vì suy yếu; hiện nay, thầy vẫn suy yếu, nhưng điều đó không phiền hà thầy nữa!” Khác biệt là ở chỗ ấy.

Thức tỉnh, nghĩa là đón nhận mọi sự, không phải như là một qui luật, một hy sinh hay duy ý chí, nhưng mà do giác ngộ; là chấp nhận các biến cố, vì bạn nhìn thấy rõ ràng và không gì hay không ai có thể lừa đối bạn; là khơi dậy cái ánh sáng sẽ không bao giờ tắt nữa (Thức tỉnh theo Cha Mello).

Tỉnh thức là tình trạng đang luôn luôn làm nhiệm vụ. Thi sĩ Tagore nói :

”Tôi nằm ngủ và mơ thấy đời sống là một niềm vui. Tôi thức dậy và tôi thấy đời là bổn phận. Tôi hành động và tôi thấy bổn phận là niềm vui”.

Thật thế, chúng ta như người đầy tớ tỉnh thức khi “ngộ” ra được trách nhiệm và công việc của chính mình cho bản thân, anh em bè bạn, gia đình, công sở và xã hội trong hiện tại với bước đi với tâm tình bình an, đối diện với bao hoàn cảnh của cuộc sống:

Đèn con luôn thắp sáng

Suốt cả ngày lẫn đêm

Khi nào Chúa gõ cửa

Con sẽ ra mở liền…

(Trầm Thiên Thu, Tỉnh Thức)

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 06/06/2016.