Chúa Nhật V Phuc Sinh C: MỆNH LỆNH YÊU THƯƠNG

Cv 14, 21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13, 31-33a.34-35

Một buổi tối nọ, trước khi ngôi sao âm nhạc nổi tiếng của Broadway, Mary Martin lên sân khấu trình bầy vở nhạc kịch lừng danh South Pacific (vở nhạc kịch này đoạt giải hay nhất năm 1950). Người ta đưa cho Mary Martin một mảnh giấy của Oscar Hammerstein, tác giả của vở kịch này, hiện đang nằm trên giường bệnh, sắp chết. Không biết trong mảnh giấy viết gì, chỉ biết rằng sau buổi trình diễn hôm đó, nhiều khán giả ùn ùn chạy ra hậu trường, tràn ngập xúc động, nói rằng: “Mary, điều gì đã xẩy ra với cô tối nay vậy ? Chúng tôi chưa bao giờ thấy cô diễn xuất nhập tâm một cách tuyệt vời hơn như vậy cả”.

Vừa chớp mắt đôi mắt ướt đẵm, Mary đọc bức thư ngắn ngủi của Oscar Hammerstein, nội dung như sau :

“Mary mến, một cái chuông không phải là chuông cho đến khi cô rung nó. Một bản nhạc không phải là bản nhạc cho đến khi cô hát nó. Tình yêu trong trái tim của cô đừng để nó nằm yên tại đó. Tình yêu không phải là tình yêu cho đến khi cô cho đi”

Rồi Mary Martin nói: “Tối nay, tôi đã cho đi tình yêu của mình…” (Internet).

Người ta chỉ thật sự là mình khi biết trao cho nhau tình yêu thương, cho nên có câu: “Sự chia sẻ và tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời” (khuyết danh).

Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu…”. Người nhấn mạnh đây là “Điều Răn Mới”…, là một lệnh mệnh của Thầy trước khi ra đi về cùng Cha.

Về sự yêu thương, Kinh Thánh mạc khải cách tiệm tiến, Luật Cựu Ước dạy: “Yêu thương tha nhân như chính mình” (Lv 19,18). Ông Tôbít khuyên con là Tôbia: "Ðiều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả" (Tb 4,15), trở thành luật vàng (règle d’or) cho cách sống của dân Chúa. Ðức Giêsu đã lặp lại luật vàng này, đồng thời làm trọn nó, như làm trọn Lề Luật nói chung (x. Mt 5,17) khi thay lời khuyên không làm với hình thức tích cực (hãy làm). Ngài nói: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12; Lc 6,31).

Hơn nữa, Chúa Giêsu khi đến trần gian, Ngài dạy sống tình yêu và Ngài phát triển tiệm tiến, ban đầu xác định rõ sự tương đương giữa yêu người và yêu mình khi Ngài quả quyết: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Tình yêu được phát triển cao độ dựa vào chính tình yêu của Ngài đối với con người: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

Mà tình yêu của Ðức Giêsu đối với ta lại là một tình yêu hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu, một tình yêu của Thiên Chúa (Ga 15,9.13). Chúa Giêsu dạy: “Yêu thương tha nhân như chính Chúa yêu thương chúng ta”. Yêu như Đức Giêsu: Ngài quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, một cử chỉ phục vụ như người tôi tớ phục vụ chủ (Ga 13,14). Tình yêu Chúa Giêsu đối với chúng ta là ân cần, tận tâm, vô vị lợi (x. Ga 13,13-16; 15,16-19; Rm 15,13). Đỉnh cao của tình yêu: Người đã hiến thân mình cho nhân loại đến cùng, nghĩa là cho đến chết (Ga 13,1; 15,12-14). Thật thế, Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ Ngài sẵn sàng chết để chúng ta được sống, Thánh Gioan đã xác quyết: “Tình yêu cốt tủy ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau" (1Ga 4,10-11).

Theo lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Cho nên Thánh Gioan đã mời gọi: “Chính điều này mà Ta nhận ra được lòng yêu mến: Là Đấng ấy (Đức Kitô) đã thí mạng mình vì chúng ta, nên ta cũng phải thí mạng mình vì anh em (1 Ga 3,16).

Hơn nữa yêu thương nhau như Ngài yêu đó là dấu chỉ nên người môn đệ của Chúa Kitô: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Sống trong yêu thương, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta cụ thể sinh hoa trái của Tình yêu: “Nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…” (1 Cr 13,4-6)…

Lời Kinh của Giáo Hội cụ thể sự tha thiết theo lời dạy yêu thương của Thầy:

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi

Con mù loà, bên vệ đường hành khất

Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài

Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ

Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà

Họ khổ đau, họ kêu gào than thở

Ðừng để con cứ giả điếc làm ngơ

Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con

Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả

Trước cửa nhà có người nghèo đói lả

Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng . . .

(Thánh Thi Giờ Kinh Sách Thứ Năm Tuần II).

Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận mời gọi: “Đừng để tháng ngày làm quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: Tình yêu Chúa đổ vào quả tim con” (Đường Hy Vọng, 178).

Với lòng yêu thương cho nhau, con người phục vụ nhau: khi cho đi cũng là lúc được nhận lại như Rainer Maria Rilke nói: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Hạnh phúc đến từ lòng yêu thương và cũng từ sự yêu thương cho anh em đồng loại, cũng là dành cho chính mình, giải phóng cho chính mình khỏi mọi nỗi khắc khoải... Cho nên Sophocles nhận định: “Có một từ giải thoát chúng ta ra khỏi mọi nỗi đau khổ trong cuộc sống. Đó chính là từ: yêu thương”.

Chúng ta sống trên đời như Albert Camus tâm niệm: “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ, đó là yêu thương”.

Cho nên, William Blake nói :”Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học tỏa sáng tình thương”.

Thật thế, chúng ta sống như thầy Giêsu dạy: “Hãy yêu thương nhau...”

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn, 23/04/2016.