NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY…

Là những ứng sinh trẻ đang tìm hiểu đời sống tu trì trong ơn gọi Thừa Sai Đức Tin, các anh em Dự Tu Thánh Vinh Sơn Liêm, thuộc Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam rất cần những trải nghiệm thực tế bên cạnh những triết lý của môi trường bên trong khuôn viên nhà tu, và những trải nghiệm ấy đến thật đúng lúc trong chuyến đi thăm các bệnh nhân HIV tại bệnh viện Nhân Ái – Bù Gia Mập – Bình Phước trong dịp Chúa Nhật Phục Sinh vừa qua.

Xem Hình

Nằm trong định hướng chung của Tỉnh Dòng, Chúa Nhật mừng Chúa Phục Sinh, anh em khối Dự Tu Thánh Vinh Sơn Liêm đã cùng nhau thực hiện chuyến công tác xã hội tại bệnh viện Nhân Ái, nơi đang chăm sóc các bệnh nhân HIV của mảnh đất Sài Thành. Đồng hành với chuyến đi của anh em có cha Giám Tỉnh Micae Hoàng Đô Đốc, MF – Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, cha Benzi, MF – nguyên Tổng Đại Diện và Giám Tập dòng Thừa Sai Đức Tin tại Rôma và cha phụ trách khối Dự Tu Giuse Vũ Đức Phán, MF, hai thầy đồng hành và một số thỉnh sinh Dòng Đaminh Bùi Chu. Tại nơi đây, anh em đã được thấy những điều cần thấy và nên thấy trong hành trình lý tưởng tu trì mà anh em đang khao khát tìm kiếm và dấn thân.

• Sự sống nảy sinh từ trong cõi chết

Hầu hết anh em đều chưa một lần trực tiếp tiếp xúc với các bệnh nhân HIV; vì thế, những ý niệm trước đó của anh em về họ xem ra khá hạn chế. Cứ tưởng rằng, với những ai đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ này, chắc sẽ rất bi quan. Không bi quan sao được khi họ đang mang trong mình án tử, một án tử đang đến rất gần mà họ chẳng thể cưỡng lại hay thoái lui. Nhưng thật bất ngờ, tuy buồn nhưng hầu hết họ đều khá lạc quan, một sự lạc quan được thể hiện rất rõ trên khuôn mặt và trong cách hành xử. Khi đoàn đến thăm và trao quà, hầu hết mọi người đều niềm nở chào hỏi chúng tôi, thậm chí có những bệnh nhân còn ôm đàn ghi ta hát tặng đoàn những bài hát vui nhộn và ý nghĩa về sự sống. Nhiều bệnh nhân vốn đã có một thời tung hoành ngang dọc, nhưng không thiếu những người mắc bệnh do sự trớ trêu của số phận. Nhiều người trong số họ chia sẻ rằng, khi đối diện với cái chết đang đến rất gần họ mới lại thấy những giá trị cao cả của sự sống. Họ nhớ về quá khứ, nhớ về những éo le của số phận, nhớ về cha mẹ, gia đình… và họ quyết tâm sống ý nghĩa những ngày còn lại của cuộc đời.

Đoàn chúng tôi cứ ngỡ đến đây để thăm viếng và mang hơi ấm Phục Sinh đến cho họ, bởi một số bệnh nhân nơi đây là người gốc Công Giáo. Nhưng thật lạ, ở chính nơi họ, chúng tôi lại càng thấy ý nghĩa và giá trị của sự sống. Phải chăng Đức Kitô sống lại đã mang tinh thần phục sinh đến cho họ, để khi diện đối diện với cái chết, họ lại được “phục sinh”?

• Hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ

Khuôn viên bệnh viện và các khu nhà ở của bệnh nhân khá ngăn nắp và sạch sẽ. Có được như thế là nhờ sự quan tâm của ban giám đốc, của các y bác sĩ và đặc biệt là nhờ dấu ấn của các nam nữ tu sĩ đang phục vụ nơi đây. Khi mới đến, chúng tôi nhìn các bệnh nhân với một ánh mắt nghi ngại xen lẫn sợ sệt nhưng sự nghi nan và sợ hãi sớm qua đi khi chúng tôi chứng kiến sự quan tâm chăm sóc mà các tu sĩ dành cho các bệnh nhân. Các thầy và các sơ đã chẳng ngại ngùng chạm đến các bệnh nhân, vệ sinh, tắm rửa, an ủi và vỗ về họ chẳng khác nào các bệnh nhân là những người thân yêu nhất của các ngài.

Có những bệnh nhân Công Giáo được ơn trở lại dưới bàn tay chăm sóc của các tu sĩ và nhiều bệnh nhân không phải gốc Công Giáo, nhưng ở đây một thời gian, họ lại trở thành con Chúa khi được các sơ và các thầy trao ban bí tích Thánh Tẩy. Chúng tôi thấy ánh lên niềm hạnh phúc nơi các bệnh nhân và cả niềm vui nơi các tu sĩ đang miệt mài phục vụ những người cần được phục vụ nhất ở nơi đây. Để có được niềm hạnh phúc ấy, các tu sĩ đã phải đánh đổi bằng nhiều hy sinh gian khổ. Cũng mang thân phận con người, họ cũng sợ hãi khi đối diện với những mầm mống của sự chết, nhưng họ vượt qua tất cả để dấn thân phục vụ với lòng khoan dung; phải chăng, với họ, “tình yêu mạnh hơn sự chết”?

• Vượt qua những ranh giới

Trong tác phẩm “Mùa Lạc”, nhà văn Nguyễn Khải đã khắc hoạ lên một triết lý nhân sinh: “Sự sống nảy sinh từ trong cõi chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy…”. Triết lý ấy thật đúng ở nơi bệnh viện Nhân Ái này.

Nếu Đức Kitô Phục Sinh để cho nhân loại được sống thì sức sống mà Đức Kitô đang được tỏ lộ nơi các bệnh nhân tại đây. Có lẽ khi còn tung hoành ngoài xã hội, chẳng ai trong số họ hình dung ra những hệ quả mà họ đang phải gánh chịu khi đối mặt với “án tử hình” đang treo lơ lửng ngay trên đầu họ lúc này. Họ đã “chết” ngay khi họ đang sống và khi cái chết thực sự đang đến rất gần, họ lại tìm thấy sự sống. Nói cách khác, họ đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết để sống ý nghĩa những ngày còn lại của cuộc đời nhờ tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Các tu sĩ đang miệt mài phục vụ nơi đây cũng đã vượt qua những ranh giới của sự yên ổn cá nhân để hoà mình vào tinh thần phục vụ và góp phần làm cho sự sống mà Đức Kitô Phục Sinh mang lại được nảy nở.

Chia tay ra về, mỗi Dự Tu chúng tôi đong đầy trong tim những nỗi niềm khó tả! Nếu lúc đi chúng tôi ồn ào náo nhiệt bao nhiêu thì khi về, chúng tôi lại trầm ngâm bấy nhiêu. Đọng lại nơi chúng tôi là sự cảm thương cho số phận các bệnh nhân nơi đây và hơn hết là sự cảm phục dành cho các nam nữ tu sĩ đang dấn thân phục vụ nơi này. Chúng tôi đã thấy được rất nhiều điều bổ ích trong chuyến đi ý nghĩa này.

Là những người trẻ đang tìm hiểu ơn gọi tu trì trong ơn gọi Thừa Sai Đức Tin, cũng như họ, chúng tôi cần phải vượt qua những ranh giới của cái tôi cá nhân để xác định cho bản thân những hướng đi cụ thể trong ơn gọi tu trì mà chúng tôi đang hướng tới. Vẫn còn đó ranh giới của những thói hư tật xấu, những ươn lười biếng nhác, những ham mê trần tục, những ích kỷ nhỏ nhen… đang mời gọi chúng tôi vượt qua để góp phần làm cho mầm mống phục sinh mà Đức Kitô khơi lên được toả rạng trước là trong cuộc sống của bản thân và sau là làm cho mầm sống ấy được toả lan mãi trong cuộc đời.