16-11-1998: Bài Thơ Cảm Tạ (150 năm Truyền Giáo Tây Nguyên)

Viết bài thơ cảm tạ

Dang lên Chúa Ba Ngôi

Nhân danh Núi Rừng hoang dã

Tây Nguyên một phương trời.

Tôi kính chào

Dân tộc Jrai, Sédang, Bahnar...

Anh hùng của dãy Trường sơn vĩ đại

Của đèo cao suối cả

Của hoa núi đủ màu

Hiên ngang cùng sương mù náng nỏ

Viết bài thơ cảm tạ

Giữa điệp điệp trùng trùng

Núi đồi như những nốt nhạc mênh mông

Kết thành bản hợp ca hùng vĩ

Dâng lên Chúa cửu trùng

Đầy tình thương và vô cùng phép tắc

Vì lời Tin Mừng

Đã vọng vang khắp buôn làng mịt mù heo hút.


Viết bài thơ cảm tạ

Theo vết chân của bao nhiêu chiến sĩ Tin Mừng

Đạp trên gai chông

Tưới máu đào trên từng viên sỏi đá

Cho hoa cho lá

Cho muôn thú rừng xanh

Cho chị cho anh

Của mùa Xuân cứu độ

Viết bài thơ cảm tạ

Dâng kính Mẹ Chúa Trời

Mẹ là ngôi sao của Rừng già Núi thẳm

Mẹ yêu thương và soi sáng mọi người

Mẹ hiện diện khắp nơi

Giữa tiếng cồng tiếng chiêng inh ỏi

Có tiếng voi rống

Có tiếng hổ gầm

Giữa đêm khuya lửa rừng bập bùng bốc khói

Có cây xà gạc, có những chiếc gùi

Có bầy chó đói nhìn ánh trăng mơ.


Viết bài thơ cám tạ

Tặng Núi Rừng Tây Nguyên

Ba lần nữa thế kỷ(150 năm)

Lịch sử vẫn hào hùng

... . . . . . . . . . . . . . . . . .

Thời gian chuyên chở Lộc Trời

Không gian tưới máu cho đời nở hoa.

(Linh Mục Thi Sĩ Xuân Ly Băng ghi nhớ ngày 16.11.98 tại Kontum)


24.12.1998 : Lửa hồng đêm đông

Giáng sinh năm nay lạnh hơn mọi năm khác. Gió rít như cắt da. Sương la đà ướt ngọn cỏ. Đó đây người ta kiếm cũi đốt lên, sưởi ấm chờ Thánh Lễ đêm. Trông xa xa giống như các mục tử trên cánh đồng Bêlem xưa.

Sáu bảy ngàn người từ khắp Núi Rừng Trường Sơn về mổi năm để được tham dự Thánh Lể, trong đó có khoãng bốn năm trăm người mẹ bồng bế con đang còn bú mốm.

Ngày 15.2.1999 : Món quà quí : thịt chuột khô.

Một gia đình từ làng Titu vui vẻ dắt nhau về thăm Cha sở lần đầu. Họ đem theo món quà quí bỏ trong ống tre là 6 con chuột sấy khô. Nguyên hình hài khôi ngô tuấn tú. Tôi rất vui mừng đón nhận. Đễ làm kỷ niệm. Chưa dám dùng thử.

Ngày 16.4.1999 : Chiếc xe Musso Cấp cứu.

Mổi lần có bệnh nhân xin giúp phương tiện chở về Bệnh viện Tĩnh cấp cứu, tôi phải tất bật chạy đó đây kiếm ôtô. Nhiều khi mất cả buổi mới tìm ra xe.

Tôi cầu nguyện. Tôi mong ước có một chiếc xe trong tay. Kịp đáp ứng nhu cầu cần thiết. Và một chiếc xe hoàn toàn mới. Có số mạnh để leo đồi vượt suối. Cả trong mưa rừng. Núi cheo leo. Rừng vắng lặng. Không có phương tiện nào qua lại để tiếp cứu khi xe bị trục trặc. Ước gì những con người man khai nầy cũng được dùng những phương tiện tiên tiến hôm nay Và Chúa đã nhậm lời. Hôm nay tôi đã có chiếc Musso 4WD mới toanh như lòng tôi mong ước.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vô vàng thay cho anh em của Núi Rừng Trường Sơn.

Ngày 23.06.1999 : Chiếc Xe Musso là Nhà Xứ của tôi

Chính quyền chưa chấp thuận cho tôi thường trú một nơi nào trên vùng Xêđang. Với chiếc xe Musso nầy, với công việc cấp cứu, tôi có dịp qua lại trên các nẻo đường Trường Sơn. Một vẩy tay. Một nụ cười. Một cuộc thăm hỏi ngắn gọn dọc đường. Một cuộc cấp cứu bất kỳ giờ giấc nào. Và bất cứ đâu. Tình yêu không biên giới. Và anh em tín hữu vẫn cãm nghiệm được sự hiện diện của tôi giữa họ.

Tôi không có Nhà Xứ. Hiện nay tôi vẫn tạm trú tại Nhà Thờ Chính Tòa Kontum. Anh em Xêđang thường xuyên và lần lượt về đây lảnh các bí tích.

Ngày 5.07.1999 : Đêm Núi rừng Trường Sơn

Tôi chở bệnh nhân cấp cứu từ thôn Long Nang Huyện Dak Glei về. Trời mưa. Đường trơn trợt. Chạng vạng tối. Và một chiếc xe tải mắc nạn khi qua chiếc cầu mỏng manh. Chúng tôi đành qua đêm giữa rừng sâu.

Trời tối đen một màu. Mưa rừng lúc nhặc lúc khoang, lúc như trút nước lúc rỉ rích từng giọt. Không một âm thanh nào khác. Mot tiếng ầm khuấy động không gian. Có lẽ một cành cây gãy.

Ngày 7.07.1999 : Cac em Thêm sức

Cứ hai năm một lần, các em thuộc 134 thôn làng trên khắp nẻo Trường Sơn, lần lượt về Nhà Thờ Chính Tòa Kontum lảnh bí tích Thêm Sức. Năm nay Đức Giám Muc phải dành 8 Chúa nhật trong hai tháng liền cho 2563 em.

Các em phải vào rừng kiếm những đặc sản rừng bán lấy tiền đi xe về Kontum. Nhưng cũng có nhiều em phải đi bộ băng qua các đèo ải khúc khỷu mới tới đường xe.

Ngày 15.07.1999 : Heo rừng cắn.

Cấp cứu. Heo rừng cắn. Máu ra nhiều. Nhận được tin báo, tôi lái Musso tiến về Xã Dak Hring. Dân làng lấy cây làm cáng khiêng ra đường xe một người đàn ông đầy máu me. Sáng nay, anh chàng một mình đi thăm bẩy heo kẹp chân. Con heo vương bẩy suốt đêm, đang nổi cơn điên. Thấy người nó hồng hộc lao tới. Dây cột chiếc bẩy vào gốc cây bị đứt. Nó tức mình cắn xe anh. May chiếc bẫy vướng vào một lùm cây khác nên anh thoát chết.

Ngày 20.07.1999 : Chở xác chết về thôn làng Mơmam bộ tộc Jeh :

Làng Mơmam, giáp ranh tỉnh Quãng Nam, xa nhất ở vùng Bắc Kontum. Tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Và cũng chưa hề một linh mục nào tới đó.

Mùa mưa. Đường sá lầy lội. Đèo dốc cao, chật hẹp. Hố sâu. Một bên là vách đá sừng sững. Mây vắt sườn núi. Độ cao trên 2000m.

Chiếc Musso ở vị trí số mạnh. Chạy cả 4 bánh đúng chức năng 4WD của nó. Mọi người đều im lặng. Tôi chăm chú từng thước đất. Xữ lý từng tình huống khác nhau. Nguy hiểm. Con đường tôi chưa bao giờ đi. Cũng chưa bao giờ gặp con đường khó đi như thế nầy. Tiến thối lưởng nan. Phần thì phải đưa xác chết về làng. Phần thì đường đèo cao trơn trợt. Chật hẹp không đủ chỗ quay xe. Phần đã 18g00 chiều tối. Mây vần vũ như sắp mưa lớn.

Đỉnh đèo cao nhất Trường sơn Tây. Nhìn xuống thôn làng Mơman nằm xa tít dưới thung lũng. Ôi lạy Chúa ! Xuống núi còn dễ sợ hơn trèo đèo. Trời tối. Bóng người lô nhô từ dưới thung lũng chạy lên tiếp cứu. Họ cầm những bó đuốc soi đường. Tiếng họ la hét. Trao đổi nhau bằng ngôn ngữ Jeh.Tôi không hiểu được. Họ chặt cây bên lề đem ra lót đường.

Đến làng. Tối quá. Tôi không thấy gì ngoài mấy bó đuốc. Cả làng kéo ra. Một vài thân nhân khóc. Những người tới gần khóc. Cả làng đều khóc. Thung lũng nước mắt trong đêm tối. Tôi ngỡ ngàng : mình đang ở trần gian hay lọt vào nơi âm phủ.

Trong làng có năm bảy gia đình công giáo. Họ mời tôi đi thăm nhà và dùng cơm tối. Măng le. Muối ớt. Vài quả trứng luộc.

Từ biệt người quá cố và gia đình. Họ cho tôi một chai mật ong như lòng biết ơn. Tôi phải ra về giữa đêm khuya vì nếu gặp một cơn mưa lủ đêm nay thì kể như hết trở về Kontum.

Nhóm thanh niên cầm đuốc đi trước xe. Nhóm sau đẩy xe lên triền dốc. Dừng xe trên đỉnh đèo, bắt tay giả từ từng người một thân thương như đã từng quen biết bao giờ. Tôi và người lái phụ cho xe xuống đèo. Cầu Chúa không cho mắc lầy mắc lún.

Hai giờ sáng, chúng tôi tới nhà an toàn. Thân xác mệt nhoài. Tâm hồn an vui.

Ngày 30.07.1999 : Người sơn nữ trong đêm trăng rằm.

Xe cấp cứu đi trong đêm trăng rằm. Nhìn sông núi như bức tranh thủy mạc hoành tráng. “Trăng mờ. Huyền mơ như cảnh thực huyền mơ”. Thoạt trước mắt tôi, bên lề đường, một sơn nữ. Nàng vác con trên vai. Dáng thon thả, dịu dàng. Thư thả trong ánh trăng mơ. Cô sơn nữ ? Hằng Nga giáng trần? Hay thần Vệ Nữ ? Chính lúc nầy, tôi cãm được một nữ tính huyền siêu toát ra từ nơi nàng. Một tác phẩm tuyệt diệu của Thiên Chúa. Xe vẫn lướt tới. Để nàng lại sau.

Tôi cúi đầu cám tạ Chúa đã ban cho tôi người mẹ và Đức Trinh Nữ Maria là những hình ảnh người nữ đầu tiên trong đời tôi và mãi mãi trong đời linh mục tôi.

Ngày 4.08.1999 : Giải tội trong mưa đêm Trường Sơn

3g00 chiều, thôn Dak Xut kêu cấp cứu : một người đi núi té gảy chân. Đến nơi, trời sẫm tối. Thôn làng nằm bên kia chiếc cầu treo vắt vẻo trên sông Pơkô, nơi chân núi. Trời tối hẳn. Mưa bay bay. Nghe cha sở tới, dân làng túa qua cầu treo để xưng tội. Họ không có dịp hoặc không có tiền đi xe về Kontum. Tôi đứng dưới gốc cây bên đầu cầu giải tội. Tôi chỉ nghe tiếng nói, bước chân xào xạc hoặc thấy được người đứng cách một hai thước.

Bụi cây rậm bên cạnh, con sóc mẹ kêu tiếng rên rỉ âu yếm. Như đang úm đàn con cho khỏi lạnh rét. Cầu treo lên tiếng cọt kẹt. Chập chờn bóng người khiêng cáng bệnh nhân. Tôi vội vàng giả từ, lên xe. Bỏ lại đoàn chiên trong Núi rừng tăm tối và mưa lạnh.

Ngày 17.09.1999 : Dâng Thánh Lễ bằng ngôn ngữ Xêđang.

Sau hai năm vừa làm vừa học tiếng, hôm nay tôi dâng Thánh Lễ đầu tiên bằng ngôn ngữ Xêđang.

Lạy Chúa, con dâng lên Chúa mọi cố gắng hằng ngày của con, tuy nhỏ bé nhưng là cả cuộc đời con.

Ngày 14.12.1999 : VĨNH BIỆT MẸ

Đúng 11g00 hôm nay, mẹ tôi thở hơi nhẹ nhàng. An giấc ngàn thu. Vĩnh biệt mẹ già. Hưởng dương 90 tuổi.

62 năm đời tôi, mẹ là nguồn yêu thương vô biên. Là hồng ân tuyệt vời Chúa ban cho mỗi người, cách riêng cho tôi là một linh mục. Tôi nhớ mẹ :

“Rồi mẹ đã về. Mẹ tôi đi, lầm lủi một mình,dáng thấp nhỏ, mảnh mai, đang cố dồn bước đàng kia. Mẹ vào nhà, vừa kịp thả đòn gánh xuống, là vội ôm sờ đầu lũ con. Những lần như vậy, mẹ thường đễ vương trên mặt lũ con những giọt mồ hôi trán và hai bên thái dương. Như thế người con đã quá quen và không để ý đến nữa cho đến khi mẹ mất. Mang theo những âm thanh nghèn nghẹn như đời mẹ đi xa.”

“Cho tôi gởi niềm thương sâu lắng

Về mẹ già một nắng hai sương. ”

Lạy Chúa, Chúa là Cha nhân ái, là Mẹ hiền nuôi sống con.

Ngày 5.02.2001 : Buôn Nga, thôn dân tộc Ka Yon

Thôn làng Buôn Nga thuộc sắc tộc Ka Yon. Đã ba lần tôi chở xác chết từ Bệnh viện Tỉnh về. Họ ngạc nhiên về thái độ phục vụ : tôn trọng người chết, chia sẽ cơm bánh lúc đau buồn(trên đường đi, ghé vào chợ mua bánh trái cho họ ăn qua bửa, không lấy tiền xe, xe thuộc loại tốt). Họ thấy được đây là đạo tình thương(theo lời một người phát biểu).

Đàng khác, họ cũng thấy anh em công giáo các thôn làng lân cận như Yang Lố Kram và Kuén biết đoàn kết thương yêu nhau nhất là khi chết chóc và không sợ Yang thần phạt.

Ngày 8.03.2001 : 62 đôi Hôn phối một lần

Hôm nay tôi phải xử lý 62 đôi hôn phối. Trong đó có trên 20 đôi rối rắm từ năm 1972 tới giờ. Họ rất thích mặc áo cưới kiểu Âu Châu. Có cô nàng bạch áo cưới cho con bú vui vẻ tự nhiên. Tôi chụp được tấm ảnh độc chiêu nầy.

Ngày 12.04.2001 : Cấp cứu sanh đẻ

Tôi đáp xe vào lề đường. Mở cửa sau xe. Người ta khiêng một người mẹ sanh khó ra xe. Vừa tới gần xe thì đứa nhỏ chào đời khóc oe oe. Mọi người rú lên cười vui chào đứa bé. Mấy bà mẹ kháo nhau : vía bok xoi(ông linh mục) nầy to lắm.

Ngày 9.05.2001 : Ăn trưa trên đèo Dak Glei

Tôi chở xác chết về thôn Dak Glei, giáp Tỉnh Quãng Nam. 185 cây số đường Trường Sơn. Nơi đây đỉnh đèo cao nhất. Dốc quá cao và trơn trợt, tôi không dám xuống thung lũng vào làng. Đành để xác tại đỉnh cao. Đợi người ra khiêng về. Ông Iao Phu tên Xoar(na ná một phó tế phụ trách họ đạo không có cha sở) và một đám thanh niên trẻ em đem cơm ra cho tôi ăn. Mang le. Muối ớt. Vai quả trứng gà luộc. Bầu nước.

Ngày 8.07.2001 : Anh em bệnh nhân tâm thần

Trong 3 năm nay tôi đã giúp đem trên 50 bệnh nhân tâm thần đến Bệnh viện Tâm thần ở Qui Nhơn chửa trị. Có người tịnh khẩu lầm lì. Có người la mắng chưởi rủa. Có người đánh phá lung tung. Có người đi lơ thơ lẩn thẩn suốt ngày đêm.

Một người bệnh tâm thần là tủi hổ, đau buồn và là gánh nặng cho gia đình.

Một bệnh nhân ở Kontrang đánh đập cả cha mẹ. Người làng giúp xiềng chân bỏ vào trong một gian nhà trồng các cây cột làm vách. Không ai dám ra vào làm vệ sinh. Khi tôi đến, anh đã kiệt sức. Chân xiềng làm độc.

Nhiều phái đoàn trong nước cũng như ngoài nước tìm đến người cùi, phung hủi để giúp đở. Nhưng với bệnh nhân tâm thần thì chưa thấy ai để ý đến. Tôi có đề nghị. Nhưng lời hứa không có lời đáp.

Ngươi phung cùi bị hủy hoại về thể xác. Người tâm thần bị hủy hoại về tâm trí, về tinh thần.

Nhiều gia đình thấy tôi giúp đở một số người trước, họ lại chạy tới yêu cầu thương giúp. Tôi có công, có xe. Nhưng còn tiền thuốc men bệnh viện và ăn uống cho người thăm nuôi. Ngòai ra khi lành còn phải được theo dỏi uống thêm thuốc trong một hai năm tiếp.

Xin Chúa cho có người thiện tâm hiệp lực với con điểm trang lại khuôn mặt của Chúa trong những bệnh nhân nầy.

Ngày 18.10.2001 : Cha Bá Năng Lý Linh mục dân tộc Xêđang tiên khởi.

Bị lưu lạc khi xuống uống nước tại Sông Ba Phú Túc trên đường di tản 1975. Được một ân nhân tại Nhatrang nuôi nấng. Vào Đại chủng viện Địa Phận Nhatrang.

Làm Linh mục. Về lại với anh em Xêđang đồng bào mình. Tôi thấy giống hình ảnh Moisen trong Cựu Ước. Bị thả trôi sông. Công chúa ân nhân. Được đào luyện trong đền vua.Trở về với đồng bào mình.

Ôi !Bàn tay Thiên Chúa trong lịch sử !

Ngày 8.12.2001 : Người mẹ sanh khó.

Đang nghỉ trưa. Điện thoại đánh thức. Một người mẹ sanh khó tại thôn Kon Hring cần chở đi Bệnh viện. Tôi lái chiếc Musso vượt 32 Km đường rừng. Kon Hring cũng là nơi tôi sanh ra. Và ngày 13.11.2001 là giáp 64 năm ngày sanh của tôi.

Người mẹ sanh khó chỉ cách nơi tôi sanh ra độ 100 thước. Một ngôi nhà đơn hèn xiêu quẹo. Tôi bước vào. Chỉ vài người đàn bà ẵm con đứng đó ủy lạo. Không có bà mụ. Nước ối đã vỡ từ lâu. Sau khi giúp giải tội cho bà, tôi vội đi tìm vật liệu tạo chiếc cáng khiêng bà ra xe.

Nhìn bà, tôi nhớ lại cách đây 64 năm, mẹ tôi cũng đã sanh tôi ra trong hoàn cảnh thiếu giữa rừng núi heo hút như thế nầy. Nhớ thương Mẹ. Và hôm nay tôi cũng hết lòng yêu thương những người mẹ nầy.

Lạy Mẹ, hôm nay là ngày mừng Mẹ Vô Nhiễm. Xin Mẹ hãy thương người mẹ nầy và những người con của Núi Rừng.

Ngày 27.12.2001 : Di chuyển bệnh nhân cấp cứu qua thác ghềnh.

Cấp cứu bệnh nhân tại Dak Blái. Thôn làng nằmdưới chân núi bên kia bờ sông Pơkô thác ghềnh chảy xiết. Hai người khiêng cáng trên vai, ngồi trên chiếc sõng cây như chiếc lá giữa giòng nước lũ. Nhìn chiếc sõng lướt sóng xuôi ghềnh, không biết sự gì sẽ xảy ra nếu bị lật chìm.

Cám ơn Chúa, mọi sự êm xuôi.

2.01.2002: Làng Kon kơla

Ngôi làng nằm trên một sườn đồi. Xung quanh toàn núi cao chập chờn. Con sông Dak Pơxi chảy xiết dưới chân núi. Ngọn gió Bắc thổi lạnh tê tái. Dân làng chỉ ngôi trong nhà sưởi lửa.

Cấp cứu. Tôi bước vào gian nhà nhỏ, trống trước trống sau. Âm âm u u. Trong một góc nhà, người bệnh nằm bệch dưới đất lót chiếc chăn cũ kỹ. Bên vách treo một vài cái xoong chão. Trên sợi dây dọc vách, một số quần áo đã vượt thời gian, reo, gùi.

Hang đá Bêlem ! Và Chúa đang giáng sinh ở đây trong người bệnh nầy. Tôi đã gặp Ngài vì Ngài đã phán : “khi ta đau ốm, các ngươi đã thăm viếng”. Nhưng tôi không có gì để dâng tiến Ngài như Ba Vua xưa.

Ngày 4.01.2001 : Số giáo dân Tỉnh Kontum.

Thống kê mới nhất, tổng cộng giáo dân Kinh và Dân tộc thiểu số được 110.903 người. Kinh được 26.651. Dân tộc thiểu số được 83.252. Trong đó dân tộc Xêđang phía Bắc Kontum đã chiếm



  • Huyện Dak Glei : 2458 người.
  • Hưyện Ngọc Hổi : 5495 người.
  • Huyện Daktô : 15746 người.
  • Huyện Dak Hà : 7573 người.
Tổng cộng : 31272 người

Dân tộc Xêđang có nhiều chi nhánh như sau :

  • Mơman còn được gọi là Mơmam và Tơdra cư trú vùng cao quanh núi Ngok Linh (2508m).
  • Cadong cư trú vùng Sa Thầy, Ngọc Hồi.
  • Sơteng và Halâng cư trú vùng Dak Glei và Sa Thầy.
  • Sédang cư trú trong vùng Daktô, Dak Hà.


Năm chi nhánh nầy thuộc chủng loại Inđônêdiêng cùng ngôn ngữ văn hóa gọi là Môn-Khơme. Tổng số khoảng 100.000 người.

Người Xêđang cao lớn, khỏe mạnh, nóng nảy, hiếu chiến, nhưng thật thà. Sống trong những đồi núi cao hiễm trở. Con người Xêđang có một sức đấu tranh dai dẻo. Thể hình cứng cỏi, khắc khổ, chịu đựng. Bên ngoài họ có vẻ lạnh nhạt, nhưng bên trong, tâm tình sâu sắc, chân thật. Ương ngạnh hiếu chiến nhưng lại trung thành và kiên vững.

Đó là những đứa con của Núi Rừng Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây mà Thiên Chúa giao phó cho tôi. Và hôm nay đây cũng là Cánh đồng đầy hoa quả mà các vị Thừa sai Paris đã gieo vải Tin Mừng từ năm 1852 cho đến 1972.