Nóng từ trời đất và cái nóng của lòng dân

Người dân miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội những ngày tháng Sáu đang phải chịu đựng cái nóng khủng khiếp. Gần đây, mỗi năm mùa hè lại nóng thêm một chút, thiên nhiên như đang thử thách sức chịu đựng của con người.

Quả có vậy thật, đợt nóng thứ hai người ta chấp nhận nó có vẻ đỡ căng thẳng hơn... Thì ra cái gì rồi cũng phải quen hết, kể cả cái khổ, mà người Việt mình vốn cần cù và chịu khó, sáng tạo nên có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, lại thêm óc hài hước làm công cụ để vượt qua gian khổ. Nghe nói trong đợt nóng trước, lúc bị cúp điện, nhiều gia đình khá giả kéo nhau lên khách sạn thuê phòng nghỉ, đám sinh viên thì rủ nhau đi xe buýt cho đỡ nóng...

Có ở đâu trên thế giới có biện pháp tránh nóng tuyệt vời như vậy chứ!

Tuy nhiên năm nay chắc nhiều người nhận thấy điều khác hơn: mọi người không quan tâm đến cái nóng như lẽ ra phải thế, cái nóng bên ngoài của thời tiết chưa phải là mối quan tâm lớ nhất? Hình như đất nước này đang có nhiều chuyện còn nóng hơn cả nhiệt độ ngoài trời kia? Người dân Việt lâu nay tưởng an phận bỗng dưng nổi trận lôi đình khi nhận ra "giặc đang ngồi sau lưng" mình.

Chợt nhớ một câu chuyện không biết đọc ở đâu đó xin kể nội dung hầu bạn đọc:

Gia đình kia vốn khá giả, có ba bốn thằng con trai, mỗi thằng một tính một nết. Thằng Cả tốt nết, điềm đạm, thuần hậu, tiếp thu cách xuất sắc nền nếp gia phong của tổ tiên. Thằng Hai đẹp mã, mồm miệng khôn khéo giảo hoạt, học hành thì lỗ mỗ nhưng khoản đối phó với phụ mẫu và sư phụ thì thuộc hàng siêu đẳng, thằng Ba thằng Tư thì nhàn nhạt, thế nào cũng xong... Khi các con trưởng thành, cơ nghiệp tổ tiên mấy đời thanh bạch, chủ yếu là sách vở chữ nghĩa, ruộng đất thì không nhiều nhưng đủ để các con và sau này là cháu chắt chút chít... ăn học bằng người mà không phải làm thuê làm mướn hay gian dối lừa đảo (như ngoài xã hội ngày càng nhiều).

Sau một thời gian dài đắn đo, cân nhắc, ông bà quyết định chỉ xét đến một trong hai ứng viên là thằng Cả và thằng Hai. Thằng Ba thằng Tư tuy là những đứa con ngoan nhưng đơn giản và chí hướng thì mờ nhạt... nên chia cho chúng một ít ruộng đất để làm cần câu cơm. Cơ nghiệp dòng họ thì nên chọn gửi vào một trong hai thằng lớn. Và họ chú ý đến việc dạy dỗ dìu dắt hai thằng lớn cẩn thận và kỹ càng hơn, hòng gửi gắm hy vọng: không những chỉ gìn giữ gia phong mà còn làm sinh sôi tài sản mà cha ông để lại. (Bởi ông bà thấy xã hội ngày càng phát triển, con người ta không chỉ cần ăn no mà còn ăn ngon, không chỉ cần mặc ấm mà còn mặc đẹp...- câu này nghe quen quen).

Thằng Cả vốn là đứa giỏi giang chuyện học hành thì không nói làm gì nhưng thằng Hai đã thực sự làm ông bà "đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác" bởi sự tu chí học hành và ý thức trách nhiệm quán xuyến việc thợ thuyền của nó. Ngoài những lúc bận bịu, nó lại biết quan tâm đến ông bà bằng những lời nói và việc làm rất tình cảm khiến ông bà mừng lắm, thầm cảm ơn Trời Phật đã thương ban cho ông bà cả bốn đứa con đều ngoan. Thằng Hai còn rất có uy với thợ thuyền, nó nói năng nhỏ nhẹ, khôn khéo, nó biết cách dẫn dụ người ta tin tưởng và cống hiến cho nó hết mình (về điểm này nó hơn hẳn ông bà - chắc phúc lớn đây).

Sau khi ông bà thăm dò ý tứ từng đứa và nhận thấy: thằng Cả chín chắn, sâu sắc, điềm đạm và rất cẩn thận trong mọi việc, thằng Hai nhanh nhẹn, hoạt bát khôn khéo và ứng xử tài tình trong mọi tình huống (có khả năng chuyển bại thành thắng), lại cũng là đứa thông minh, biết mình biết người, biết tiến biết thoái... Hơn nữa nó thổ lộ tâm tình với bà rằng nó sẽ là nhân vật nổi danh trong dòng họ và dòng họ này nhờ có nó sẽ lẫy lừng thiên hạ, sẽ sánh vai với các dòng họ danh giá xưa nay... Vậy là ông bà quyết định cắt một phần gia sản nho nhỏ cho thằng Cả làm phương tiện sinh nhai bằng nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cứu người, bà bảo "việc này hợp với con hơn cả", còn phần lớn tài sản ông bà giao cho thằng Hai quản lý.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mỗi ngày ông bà lại nhận thấy sai lầm của mình qua những sai lầm của thằng Hai quý hóa, mỗi lần ông bà chỉ ra sai lầm của nó thì nó lại nhận lỗi hết sức thành khẩn và hứa sẽ sửa sai, rút kinh nghiệm, xin phụ mẫu cho thêm cơ hội và thời gian để sửa sai. Là cha mẹ không ai muốn tước đi cơ hội (dù là sửa sai) của con nên ông bà đã tha thứ hết lần này lần khác và rồi đến một ngày, bỗng dưng ở đâu kéo đến một "lũ đầu trâu mặt ngựa" cầm theo gậy gộc đao kiếm xộc vào nhà ông bà đòi đuổi ông bà và các con cháu ra khỏi ngôi nhà mà dòng họ nhà ông đã sống bao đời. Thì ra thằng Hai lâu nay đã đi đêm với bọn lưu manh, chúng nó rủ rê buôn lậu, đánh bạc và canh bạc cuối cùng là chính thân xác cha mẹ nó và con cháu nó, lúc này ông bà nhận thấy thì đã muộn.

Câu chuyện không mới nhưng chắc không bao giờ cũ trong bối cảnh người dân Việt lúc này nếu không muốn nói là mang tính thời sự.

Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, những địa danh vốn là niềm tự hào về một đất nước hùng vĩ xinh đẹp đã trở thành món hàng trao đổi của bọn gian thương bán nước từ bao giờ...

Không ngẫu nhiên mà những kẻ đã từng được trang bị một thứ lý luận sắt máu Mác - Lê luôn lấy súng đạn làm công cụ hành nghề, xương máu là trò chơi và bạo lực là nghề chính lại bỗng trở nên khiếp nhược và hèn hạ đến độ nhượng đất nhượng biển của tổ tiên cho láng giềng ai cũng biết rõ dã tâm xâm lấn có truyền thống, nếu bản thân nó không kiếm được khoản kếch xù từ thằng bạn láng giềng đó.

Và bây giờ là Tây Nguyên, món gia bảo, thanh gươm báu của tổ tiên để lại cho con cháu đã bị đặt lên bàn mạt chược một cách trắng trợn bất chấp đạo lý và lẽ phải. Dù chúng có đóng kịch trước nhân dân, thì người dân cũng biết tỏng màn kịch đó là gì, hậu quả của nó là vô cùng khủng khiếp, là muôn đời con cháu của dân tộc này trong vòng nô lệ.

Lẽ nào đó là định mệnh đau xót của dân tộc này, là cái giá phải trả cho sự lựa chọn sai lầm của lịch sử khiến lỡ hẹn với không ít cơ hội?

Ngẫm nghĩ lại thì điều đó cũng không đúng, dân tộc này đâu có được sự lựa chọn bao giờ, làm gì có sự lựa chọn nào khi buộc phải ăn món thịt thối trong cơn quẫn bách người ta cố tình nhét vào miệng.

Đã không ít lần, người dân phải gào lên: Xin đừng đánh lận con đen, đừng đánh tráo khái niệm mãi. Nhưng đó chỉ mới là những tiếng kêu chưa vọng tới trời xanh. Và cứ thế người dân Việt phải nghiến răng, gồng mình chịu đựng.

Và sự chịu đựng đó đã kéo dài không phải là một năm, một tháng mà là cả mấy đời người.

Sức chịu đựng của con người thật phi thường nhưng không thể là vô tận, "con giun xéo lắm cũng quằn", sự thất vọng khi đến đỉnh điểm sẽ không có chỗ cho lòng vị tha. Niềm tin bị đánh cắp và phản bội sẽ khiến người ta phẫn uất và khi đó thật khó lường điều gì sẽ xảy ra.

Hơn nữa, càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến những vấn đề của xã hội, của đất nước và của thế giới, dù chỉ là trong quán nhậu, trên xe buýt, hay đi thể dục... thì đó cũng là điều rất đáng mừng.

Hy vọng rằng trí tuệ Việt Nam, (không phải loại "đỉnh cao trí tuệ loài người"), khí phách và lòng tự trọng Việt Nam, cùng với lòng nhân ái Việt Nam... sẽ là sức mạnh, là con đường, là công cụ giữ gìn và đòi lại giang sơn gấm vóc của tổ tiên.

Để cho những hy vọng đó không hoàn toàn là ảo tưởng, mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi người dân Việt dù ở đâu, dù làm gì cũng không thể tự cho phép mình làm ngơ khi sơn hà nguy biến.

Hà Nội, 26/06/2009