ÐI TÌM VƯỜN ÐỊA ÐÀNG

(bước ba, từ tác phẩm đường tu đức Việt: Ðường Nở Hoa Lê Thị Thành của Lm. Trần Cao tường, Thời Điểm xuất bản)


Người Iraq vẫn quả quyết rằng Vườn Ðịa Ðàng như Kinh Thánh đã tả nằm trong nước họ. Nhưng bảo họ chỉ rõ chỗ nào thì họ cũng chịu thôi, họa chăng là mấy cái mỏ dầu đang làm cho họ giầu khụ mà biết đâu có chất mỡ của ông bà nguyên tổ tích lũy lại.

Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng Vườn Ðịa Ðàng nằm ở chỗ sông Tigrít và Phơ-rát (Euphrates) gặp nhau ở vùng Kurnah miền nam Iraq. Ðiều này được dựa trên đọan Kinh Thánh:

“Thiên Chúa đã trồng một vườn Ðịa Ðàng về phía đông, và Người đặt trong đó con người mà Người đã dựng nên. Và Người đã cho từ đất mọc lên mọi thứ cây coi sướng mắt và ăn ngon lành, và cây sự sống ở giữa vườn, cùng cây sự biết tốt xấu.

Một nguồn nước từ Ðịa Ðàng chảy đến tưới cho vườn, và từ đó chia làm bốn nhánh sông. Tên con sông thứ nhất là Pi-son, chảy vòng quanh đất Ha-vi-la là nơi có vàng. Vàng đất ấy là thứ vàng tốt. Ở đó cũng có nhũ hương và mã não. Và tên sông thứ hai là Ghi-khôn, chảy vòng quanh đất Kush. Và tên sông thứ ba là Ti-grít, chảy phía đông đất Assur. Và sông thứ tư là Phơ-rát. Thiên Chúa đã đem con người đặt trong vườn địa đàng để canh tác và giữ vườn.” (Khởi Nguyên 2:-15)


Hiện nay ở vùng trung đông chỉ còn thấy hai con sông Ti-grít và Phơ-rát. Và người ta bắt đầu tìm hiểu thêm thì khám phá ra rằng bên dưới thềm vịnh Ba Tư còn có hai con sông ngầm nữa. Qua thời gian, vịnh Ba Tư đã lớn thêm ra, vùi sâu hai con sông Pi-son và Kush. Và như vậy, địa điểm “Vườn Ðịa Ðàng” có thể đã bị chìm sâu xuống vịnh Ba Tư rồi.

Uổng quá, nếu không thì mấy anh tư bản thời mới sẽ tranh nhau mua cho bằng được để mà tha hồ hưởng mọi sự sung sướng.

POCAHONTAS: TÊN NÀNG LÀ PHONG LƯU

Truyện Vườn Ðịa Ðàng đã trở thành biểu tượng cho thửa vườn hạnh phúc mà con người đang đi tìm. Chẳng cần phải sang Irak hay Kuwait đâu. Mà có sang cũng chẳng thấy. Mỗi người đang tìm một kiểu khác nhau. Mỗi lớp dân lại có một lối riêng để tìm, rất khác nhau, đôi khi trái ngược nhau.

Pocahontas là một phim hoạt họa của hãng Walt Disney rất ăn khách, dựa trên một câu truyện lịch sử vào thời những người Anh Da Trắng đầu tiên đến chiếm đất Mỹ của người Da Ðỏ. Ðám người Da Trắng này là một nhóm 103 người lính thủy, dưới quyền của thuyền trưởng John Smith. Vào năm 1607 họ đặt bản doanh đầu tiên tại Jamestown, gần Williamsburg thuộc bang Virginia bây giờ. Mục đích của đám người Da Trắng là đi tìm vàng để làm giầu, để sống ngon lành hơn. Họ bắt đầu chiếm đất, phá rừng, chặt cây, san núi, để làm thành phố, và đào bới tứ tung.

Bộ lạc Da Ðỏ đang sống thảnh thơi phong lưu cảnh núi rừng đẹp đẽ như địa đàng thì bỗng khám phá ra có một lớp người ăn mặc kỳ lạ, quần áo bó sát thật chật chội, đến lấn chiếm và phá hủy tùm lum hết. Tù trưởng liền họp cả bộ lạc lại tìm cách chống đỡ, lên án đám người mới tới là ác ôn mọi rợ.

Người Da Trắng thì lại thấy đám người Da Ðỏ gì mà có vẻ man di với cách sống rừng rú cần phải được khai hóa văn minh. Thế là hai bên dàn trận đánh nhau. May mà có Pocahontas, con gái của tù trưởng, bén duyên với John Smith. Cây cầu cảm thông được bác qua, bớt được đổ máu.

Pocahontas có nghĩa là Nhởn Nhơ Phong Lưu. Cô bé nói chuyện được với mây với gió, với cây rừng, với thác nước sông hồ. Một hôm Pocahontas tò mò về cái lối sống của đám Da Trắng nên hỏi Dong (John Smith): Tên em là Phong Lưu, đang thảnh thơi hòa nhịp với núi rừng đẹp đẽ như vậy mà sao bọn các anh lại đến phá hủy đi?

Dong liền trả lời rằng người Da Trắng đi tìm vàng để làm giầu. Phong Lưu hỏi ngay: “vàng là cái gì?” Rồi không biết phải định giá thế nào, Phong Lưu cầm lấy một trái bắp vàng óng mà hỏi thêm: “vàng là cái này á?”

Những câu hỏi đơn sơ của cô bé Phong Lưu khiến người Da Trắng giật mình nhận ra một điều rất quan trọng: núi rừng kia, thác nước kia, sông hồ kia, trái bắp kia, mới là vàng, mới là giầu có thật, và mới là vườn địa đàng. Còn vàng của người Da Trắng chỉ là một thứ kim khí hiếm, do người ta ước định mà gán cho là quí báu khiến phải chém giết nhau để đạt lấy cái “địa đàng” kiểu ấy mà thôi. Mấy đứa trẻ ở Nam Phi xưa vốn lấy vàng làm đồ chơi, vì nước này đầy vàng, có ai đếm xỉa gì đâu, có ăn được đâu.

Thì ra lối nhìn và lối tìm hạnh phúc của người Da Trắng và Da Ðỏ thật khác nhau. Chưa biết ai đúng hơn ai, ai hạnh phúc hơn ai! Cũng là cái nhìn và cái thấy. Quan niệm mà.

NGƯỜI NHẬT BUỒN PHIỀN

Ngày 15 tháng tám năm 1995, Nhật kỷ niệm 50 năm bại trận, đầu hàng vô điều kiện sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nagasaki và Hiroshima.

Ngày 15.8.1945, Nhật là một trong những nước nghèo nhất thế giới, các thành phố bị san bằng. Nhiều người chỉ được ăn mỗi ngày một củ khoai.

Năm mươi năm sau, Nhật thành cường quốc kinh tế thứ nhì chỉ sau Mỹ, nhưng lợi tức mỗi người là 31,450 Mỹ Kim một năm, so với Mỹ chỉ có 24,135. Thế giới có 500 công ty lớn nhất thì Nhật chiếm 149, Mỹ chiếm 151. Hai anh chàng “tuy hai mà một” của hệ thống tư bản này chiếm 3/5 rồi còn gì.

Phép lạ gì vậy? Người ta tha hồ mà ca tụng hệ thống tổ chức xí nghiệp của Nhật. Nhưng điều then chốt vẫn là chương trình viện trợ Marshall của Mỹ cộng với cái máu người Nhật. Họ mê làm, ham học theo, hết mình cho hãng sở và đề cao tăng gia chất lượng sản xuất.

Người Nhật nghiện làm, quên cả ăn, và khá keo. Họ sẵn sàng hy sinh cá nhân để theo kỷ luật chung, miễn là làm cho nước Nhật phải vượt lên, phải hơn các nước khác. “Chúng tôi chỉ có làm, làm, và làm. Hãng chúng tôi không nghỉ thứ bẩy và Chúa Nhật”, đó là lời ông Tadac Takubo, 62 tuổi. Cái máu hiếu thắng này đã khiến Nhật khi chiếm được các nước Á Châu thời đại chiến thứ hai với chiêu bài Ðại Ðông Á thì đã tỏ ra dữ tợn độc ác hơn cả người Da Trắng đi chiếm thuộc địa mà “khai hóa các dân ngu muội”. Ðại Hàn, Tàu đều là nạn nhân khủng khiếp. Nạn đói ở Bắc Việt mà Nhật để mấy triệu người chết chẳng bao giờ xóa mờ được trong ký ức của nhiều người Việt. Bây giờ không đánh nhau bằng súng, thì đánh nhau bằng tiền, cũng vẫn là một thứ máu: thích đè bẹp lân bang, như anh chàng Ðức phải cho giống người mình là số một.

Ðấy cũng là một lối tìm và một lối sống, tạo nên một nền văn minh. Nước Nhật đã theo Aạu Mỹ hoàn toàn trong con đường kỹ thuật. Nhưng con đường này liệu có đang dẫn đến vườn địa đàng hạnh phúc không?

Dịp kỷ niệm 50 năm bại trận, cũng là 50 năm thành công vượt bậc, thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama đã buồn phiền thốt lên: “Nhiều người Nhật đang bất mãn về cuộc sống hiện tại và âu lo về tương lai.” Ðã 5 năm rồi mức kinh tế giậm chân tại chỗ, không tiến thêm một chút nào. Nghĩa là đã đến chóp đỉnh, chỉ có thể xuống mà thôi, còn giậm chân là phúc rồi.

ÐI TÌM VƯỜN ÐỊA ÐÀNG

Thế kỷ 20 là thế kỷ cuối cùng của thiên niên thứ hai, được ghi đậm nét bằng hai cuộc thế chiến. Con người đập đá nhau để xem đứa nào khỏe hơn, dân tộc nào ngon hơn. Rồi các chủ thuyết, chính sách... từ thuộc địa đến tư bản, cộng sản, đều là con đẻ của thế kỷ này. Cứ rối cả lên. Phe nào cũng đao to búa lớn nêu cao chính nghĩa, cầm chắc sẽ đem lại tự do hạnh phúc, rồi giết nhau như ngóe, coi mạng người rẻ hơn con vật chỉ vì khác với chính kiến của mình. Aạu đó cũng là hậu quả của cả một nền “văn minh” đã làm mất tính người, mà chỉ còn đặt giá trị trên quyền lợi, cá lớn nuốt cá bé, chẳng khác gì những con thú rừng chỉ biết tranh mồi mà thôi. Lại còn chủ trương con người bởi khỉ mà ra, nên đua nhau thành khỉ và làm cho người khác thành khỉ mới đạt chỉ tiêu.

Xem ra ai cũng hăm hở tìm hạnh phúc, mà sao hạnh phúc khó kiếm quá vậy! Ðang khi mọi tạo vật đều nhởn nhơ phong lưu: con chim hót líu lo trên cành, con cá lội tung tăng dưới nước, bông hoa nở tươi bên ghềnh đá. Chỉ có con người là nhăn nhó khổ sở, đi tìm hạnh phúc mà lúc nào cũng căng thẳng nghiêm trọng như sắp lên ghế điện lãnh án tử hình! Có cái gì sai trệch căn bản trong đường lối tìm hạnh phúc thật rồi.

Thánh Phan Sinh ở Assisi cũng đã từng đặt câu hỏi này, khi chứng kiến cảnh bất công xã hội, cảnh giầu có trên xương máu người khác, mà vẫn không hạnh phúc. Vấn đề không còn phải là đấu tranh đập đánh xem ai phải ai trái nữa, mà là phải làm một cuộc cách mạng tận gốc rễ. Và anh chàng tuổi trẻ Phan Sinh đã tìm ra con đường giải thoát đó qua con đường của Phúc Aạm, con đường thảnh thơi thoát khỏi mọi ràng buộc, để hòa mình được vào bài ca vũ trụ, nhận ra anh mặt trời và chị mặt trăng như được diễn tả trong phim “Brother Sun, Sister Moon”. Ðó cũng là cảm nghiệm tích cực của bài ca khai mở vườn địa đàng của Ðức Giêsu trên đồi Bát Phúc.

THEO ÐƯỜNG NỞ HOA LÊ THỊ THÀNH

Cả thế giới đang “buồn phiền” cuối thế kỷ này chưa biết phải tìm con đường nào để bước vào thiên niên thứ ba. Chả lẽ cứ luẩn quẩn mãi ở cái vòng hệ lụy nghiệt ngã như lạc vào “bát quái đồ” không lối thoát của thế kỷ đang qua!

Thì đây Hội Thánh giới thiệu Ðường Nở Hoa Lê Thị Thành. Hội Thánh muốn nhắn gửi thế giới một thông điệp là chính con đường đơn sơ của Phúc Aạm với lời mở đầu theo Thánh Mác-cô là: “Nước Trời đã gần bên, hãy thống hối và tin vào Phúc Aạm”. Chỉ có thế thôi, mà tóm lược tất cả đường tu đức của vị thánh nữ duy nhất của Giáo Hội Việt Nam: Nước Trời, tức là vườn Ðịa Ðàng, vườn Hạnh Phúc đang ở ngay bên rồi, còn phải tìm đâu xa. Nghĩa là cũng chẳng phải tìm con đường nào cả, vì chẳng phải đi đâu. Chỉ cần mở mắt là thấy. Con mắt đức tin bừng mở bỗng thấy được vườn địa đàng. Ðúng là con đường đơn sơ nhất, ngắằn nhất, dễ nhất, mà sau đó mấy chục năm thánh Têrêsa ở Lisieux cũng khám phá ra.

Vườn Ðịa Ðàng ở ngay trong gia đình, trong bếp, trong ruộng vườn, trong xứ đạo. Vì nơi nào có Chúa thì ở đó là Thiên Ðàng, mà Chúa là Ðấng hằng hữu, ở khắp mọi nơi. Như cái thấy của thánh Têrêsa Mẹ:

“Chúa đang đi giữa những xoong chảo.”

Và Lời Kinh Thánh còn rõ hơn: “Bí mật đã giấu kín từ muôn thuở qua bao thế hệ nay được loan báo cho anh em, là Ðức Kitô ở trong lòng anh em” (Col. 1:26).

Nhà tu đức De Mello đã nói:

“Ði tìm Chúa, bạn nên biết rằng chẳng có gì mà phải tìm,

chẳng có gì mà phải đạt tới.

Sao lại phải tìm cái đã có sẵn ngay trước mặt?

Sao lại phải đạt cái đã có rồi!

Vậy thì điều quan trọng không phải là nỗ lực đi tìm,

Mà là ý thức để nhận ra.”


Tin là thấy. Thế thôi. Chúa đang ở đây. Nhìn kỹ đi, còn phải đi đâu mà tìm? Cái đặc sắc của đường tu đức này là ai cũng theo được, áp dụng ở đâu cũng được, không phân biệt giai cấp, học thức. Không đòi phải lên cột mà tu như ông thánh Simon Cột. Không đòi phải vào rừng mà tu như dòng Biển Ðức. Không đòi phải viết nhiều sách đạo như Thánh Tô-ma. Ở nhà mà tu cũng được, cũng nên thánh, cũng gặp được Chúa, cũng có thể sống hạnh phúc. Như kiểu nói của ca dao Việt:

Thứ nhất là tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.


Ðường tu đức như vậy rất hợp cảm quan thời đại, khi Giáo Hội đề cao một con đường tu đức cho giáo dân, cho đại chúng, hợp với cuộc sống bình thường của mỗi người, chứ không quá cao vời lo với không tới.

Ðiều then chốt vẫn là con mắt đức tin, thấy được Chúa đang hiện diện, mọi nơi mọi lúc. Cũng là những thực hành rất đơn giản, như đọc kinh, dự lễ, chu toàn bổn phận trong gia đình, dấn thân xứ đạo... Cũng là những việc xem ra tầm thường, nhưng làm với ý thức, thì thấy được đời sống là một phép lạ.

HOA NỞ TRONG NHÀ

Năm 19 tuổi, cô Lê Thị Thành đã lập gia đình với anh Nguyễn văn Nhất thuộc xã Thôn Ðồng xứ Phúc Nhạc, và sinh con đầu lòng đặt tên là Ðê. Vì thế Bà được gọi là Bà Ðê theo tục lệ của xứ Phúc Nhạc lấy tên con trưởng mà gọi tên cha mẹ.

Gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng, dệt chiếu và nuôi tằm kéo tơ như đa số dân trong làng và vùng đất Kim Sơn Phát Diệm. Với nếp sống cần cù và gương mẫu, ông bà được cả làng thương mến, vì chẳng bao giờ thấy hai ông bà cãi nhau hay gây chuyện với người khác, chỉ biết nhịn nhục và thương người.

Nhìn qua cảnh gia đình bà Lê Thị Thành thì nhiều người sẽ nghĩ rằng có gì đặc biệt đâu, gia đình nào mà chả thế. Cũng những vất vả làm ăn, những khó khăn phải vượt qua, những bổn phận phải chu toàn. Nhưng có điều khác chứ: mình có quyền biến nhà mình thành hỏa ngục hay thiên đàng.

Thánh Lê Thị Thành đã làm biết bao phép lạ, không thể kể hết được. Phép lạ hằng ngày. Cứ tưởng tượng coi: bỗng chốc nhà mình trở thành vườn địa đàng, hoa nở từ trong ra ngoài, tràn lan mọi ngóc ngách. Vậy không phải là một phép lạ lớn lao sao?

Mà đường nở hoa đơn giản lắm: tin Chúa đang có mặt trong nhà mình, thế thôi. Và chỉ cho chồng con cũng thấy như vậy. Với con mắt đức tin này mẹ Lê Thị Thành đã biến gia đình thành một thiên đàng hạnh phúc. Ðó là ơn gọi của bậc sống gia đình. Sống bí tích hôn nhân có nghĩa là như vậy. Vì nơi nào có Chúa thì nơi đó chính là Thiên Ðàng rồi chứ có cần phải tìm mãi đâu xa.

Và Mẹ Lê Thị Thành đã làm phép lạ biến những bổn phận tầm thường hằng ngày thành phi thường theo mẫu sống của Mẹ Maria tại Na-gia-rét. Chính Chúa toàn năng biến đổi mọi sự và chuyển dòng nhựa sống làm cho cây gia đình xanh tươi trổ sinh hoa trái.

XE BUÝT ÐI PARADISO

Nhà tâm lý Leo Buscaglia kể câu truyện thật về một chuyến đi du lịch của ông: Một hôm đứng chờ xe buýt, ông nhìn lên bảng chỉ dẫn những chuyến khác nhau thì thấy có chuyến đề rõ: “Xe buýt số 9 đi Vườn Ðịa Ðàng”. Trời ơi, hấp dẫn chưa! Cứ tưởng tượng mà coi: mình đang ngồi trên xe đi tới vườn địa đàng, đầu óc tự hỏi không biết vườn sẽ như thế nào.

Mỗi người chắc sẽ vẽ lên những hình ảnh rất khác nhau. Có thể có cảnh núi cao trùng điệp thật thơ mộng, hồ nước trong xanh ẩn hiện dưới sương mù mờ ảo buổi sáng như dẫn vào động thiên thai. Nhưng rồi đến thành phố có tên là Paradiso chưa chắc mình đã hài lòng hoàn toàn. Khí hậu có thể nóng quá, mưa bất tử, đồ ăn không hợp hoặc mắc quá. ..

Vậy thì đừng mong cứ phải tìm vườn địa đàng ở nơi khác. Mình đang ngồi trên xe hạnh phúc rồi mà. Chỉ có cách là tập thích mọi sự thôi, những cái đang có trước mắt mình, trong tầm tay của mình. Xe buýt đang chạy qua những con đường ngoằn ngoèo, cảnh bên đường hấp dẫn quá. Nhìn ngắm đi. Thưởng thức đi. Ðừng cứ chờ phải tới đích rồi mới bắt đầu ngoạn cảnh. Vậy là dại lắm, phí của Trời! Và Leo Buscaglia kết luận: “Ðời sống là thiên đàng đối với những ai mê thích mọi sự”, nghĩa là chấp nhận được mọi thứ không phân biệt và so sánh.

Oạng bà nguyên tổ đang ở ngay trong vườn địa đàng hạnh phúc mà lại ước ao phải hơn thế nữa, ăn thêm một vài “trái cấm” may ra khấm khá hơn chăng. Vì thế mà hạnh phúc đã buột ra khỏi tầm tay. Những gì đang được trao ban là hạnh phúc địa đàng, sao mình không biết hưởng nhận mà còn ham muốn đi tìm gì nữa đây?!

Riết rồi mình cũng giống như chàng dũng sĩ và con ngựa hồng. Chàng cỡi ngựa rong ruỗi suốt cuộc đời đi tìm hạnh phúc, đi hết chỗ này tới chỗ kia cho đến xế chiều cuộc đời, áo đã sờn vai, phải dừng chân bên bờ suối vì mỏi mệt không qua nổi nữa. Bỗng chàng thấy con ngựa hồng hóa thân thành người yêu xinh đẹp tuyệt vời biến mất. Thì ra suốt quãng đường đời, chàng vẫn ngồi trên hạnh phúc mà không nhận ra.

Xe buýt hay con ngựa hồng là chính căn phòng hay ngôi nhà đang ở, cái ghế đang ngồi, cái bút đang viết, đôi giầy đang đi, con mắt đang đọc, đang nhìn được mầu sắc, tai đang nghe tiếng chim hồng y hót líu lo, mũi đang hít thở, tim đang đập, tay đang cử động, bao nhiêu cơ năng trên óc đang làm việc hơn máy điện toán xa, nháy mắt là hình ảnh “CD-Rom” cách đây cả mấy chục năm hiện lên ngay... Tất cả là phép lạ đời sống.

Thánh Lê Thị Thành đã làm phép lạ. Ngay dù trong những giây phút đen tối nhất, con mắt đức tin vẫn thấy đầy ánh sáng dẫn đường, vì chính Chúa đang hiện diện đỡ nâng. Lời chứng của Oạng Ðang trong khi giáo quyền điều tra phong thánh:

“Bà đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy, Bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa”.

Lời chứng thật ngắn gọn, nhưng nói lên tất cả bản lãnh của một con người đầy niềm tin như lời Thánh Vịnh 23:

Giavê chăn dắt tôi đi

Lo chi thiếu thốn, sợ gì gian nguy.

...

Dẫu qua lũng tối chơi vơi

Sợ chi vướng mắc lưới đời trần gian

Chúa bên tôi sống thanh nhàn

Gậy côn Người dẫn bình an tân hồn.

Bày bàn đầy cỗ thơm nồng

Trước mặt địch thủ đỏ hồng mắt cay.

Xức dầu thơm, Chúa đặt tay,

Chén tôi trào rượu ngọt say ân tình...

(Hoàng Vũ chuyển thơ)


Cảm nghiệm có Chúa, có Ðức Mẹ ở cùng là một cảm nghiệm tạo sức mạnh phi thường, không gì có thể lay chuyển nổi nữa. Chứ sức đàn bà yếu đuối như vậy, làm sao có thể chịu đựng nổi bằng ấy trận đòn. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau lại dùng gậy, củi lớn đập vào chân bà. Bà đã chia sẻ với chồng:

“Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Ðức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn.”

MÙI ÐU ÐỦ XANH

Phim này đã được trình chiếu khắp Aạu Châu cũng như Mỹ Châu, do một đạo diễn người Việt bên Pháp là Trần Anh Hùng. Mùi Ðu Ðủ Xanh cũng chuyển đạt cái nhìn giống như con mắt thấy của Thánh Lê Thị Thành. Cô Mùi nhà nghèo nhưng mắt luôn tươi sáng và yêu đời. Vì cô nhìn thấy sức sống trong từng cọng cỏ, từng con dế, từng cành lá đu đủ xanh, từng động tác của công việc. Sức sống tràn trề, nhảy múa thênh thang. Ðấy là con mắt nhìn của đạo sống Việt.

Bé Mùi phải đi làm con ở cho một gia đình nhà giầu. Nhà này giầu của mà lại nghèo lòng. Ðứa con có tính ác thích giết chết những con vật vô tội, như lấy nến chảy nóng nhỏ xuống đàn kiến cho giẫy giụa chết.

Mà chính bé Mùi cũng bị hành hạ gần như vậy. Bé bị đuổi mấy lần. Mỗi lần di chuyển thì “hành lý” của Mùi chẳng có gì ngoài một cái túi xách đựng một bộ quần áo cũ rách, và không quên mang theo cái hộp đựng dế. Mùi rất thích súc vật và cây cối. Mỗi lần có chuyện buồn thì chẳng phải phí tiền đi “bác sĩ tâm bệnh” như ngày nay, mà Mùi chỉ cần đưa hộp dế ra săn sóc, chơi giỡn với chúng. Có những lần làm việc vất vả, mồ hôi nhễ nhãi, Mùi chỉ cần mở cửa sổ nhìn ra vườn đàng sau, thì tự nhiên mắt Mùi sáng lên long lanh, nụ cười tươi nở no tròn, cả con người như rạo rực lên nguồn sinh khí mới, nhẹ nhàng bay bay lên. Trời ơi, cây đu đủ xanh đang vươn lên vẻ rạng ngời dưới ánh nắng mới lên chan hòa, như chuyển nhựa sống căng phồng vào con người của Mùi. Hạnh phúc đơn giản quá, đang trong tầm tay.

Trái lại, ông chủ chẳng mấy khi biết cười. Nét mặt ông luôn luôn đăm chiêu tư lự. Oạng thường hay bỏ nhà đi kiếm chác tí tình ở ngoài. Chắc ông nghĩ hạnh phúc nằm ở chỗ này chỗ kia. Con đường đi tìm hạnh phúc sao dài dằng dặc và kham khổ đến thế! Ðang khi ông được một người vợ thật hiền dịu, có tình người, luôn kiên nhẫn chung thủy, mặc dù bao chuyện trớ trêu của ông... Ðể đến một ngày ông đi chán phải trở về với thân tàn ma dại bệnh tật, bà vợ vẫn nhẫn nhục thứ tha và săn sóc cho ông.

Ðối với Mùi thì đường hoa nở ngay trong bếp, ngay sau vườn, cành đu đủ xanh, bên hộp dế. Có phải đi đâu xa? Còn ông chủ thì cứ mải miết đi tìm, chẳng bao giờ thấy!

BỖNG THẤY VƯỜN ÐỊA ÐÀNG

Con mắt đức tin bỗng thấy được thiên đàng ở ngay đây, lúc này. Mình đang ở giữa vườn địa đàng. Phòng mình ở trở thành vườn địa đàng có mỏ quí và có dòng thác thánh ân đang tuôn chảy như lời sách Sáng Thế:

“Một nguồn nước từ Ðịa Ðàng chảy đến tưới cho vườn, và từ đó chia làm bốn nhánh sông. Tên con sông thứ nhất là Pi-son, chảy vòng quanh đất Ha-vi-la là nơi có vàng.”

Nhà tu đức nổi tiếng của dòng Tên ở thế kỷ 17 là Jean-Pierre De Caussade đã ghi nhận được điều này trong Giây Phút Thánh:

“Giây phút hiện tại chứa đựng kho tàng phong phú vô tận, đẹp như mơ, mà còn hơn mơ nữa. Nhưng bạn thưởng thức được bao nhiêu thì còn tùy ở đức tin và lòng mến của bạn. Tâm hồn bạn càng yêu, thì càng ước ao, càng hy vọng, càng tìm thấy.

Mỗi giây phút ý Chúa đều hiển hiện, mênh mang như đại dương; lòng bạn chỉ thăm dò được đại dương ấy, khi tràn ngập tin tưởng và mến yêu. Cả vũ trụ này không làm thoả lòng bạn được; những gì không phải là chính Chúa dù có lớn mấy đi nữa thì cũng không lớn hơn lòng bạn; núi cao vòi vọi kia cũng chỉ như gò mối đối với lòng bạn.

Trật tự của Chúa ẩn hiện trong tất cả những biến cố lớn nhỏ của từng giây từng phút hiện tại. Bạn phải dựa vào trật tự của Chúa. Bạn sẽ thấy trật tự của Chúa vượt xa những ước ao của bạn. Ðừng đeo đuổi ai, đừng quị lụy hình bóng hay ảo tưởng; những thứ đó chẳng có gì đâu, chẳng cho được gì mà cũng chẳng thể đón nhận được lòng bạn. Chỉ có dự định của Chúa mới làm cho bạn được thoả lòng ước ao để bạn khỏi phải khắc khoải tìm kiếm gì khác nữa”. (Chương 9)


Thế là từ nay mình có thể viết ngay ở cửa phòng, hay chỗ mình làm việc, nơi mình sinh sống: đây là Vườn Ðịa Ðàng. Mắt mình bừng mở thấy Chúa đang hiện ra. Như Mai-sen, mình hỏi Chúa là ai thì được trả lời: Ta là Ðấng vẫn đang có mặt. mình trụt giầy sấp mình thờ lạy Chúa, và đọc một kinh rất thông thường như Thánh Lê Thị Thành vẫn đọc với con mắt thấy được: Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa, con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện...

BƯỚC CHÂN THIÊN NIÊN KỶ NÀY

Có phải là những bước mệt mỏi lê lết trên đường New York, Paris, Tokyo, New Orleans, Los Angeles? Có phải là những bước xiêu vẹo, mất hướng ở những con đường Việt Nam? Có phải những bước chùn chân buông xuôi phó mặc cho vận may của một cuộc vận hành vũ trụ?

Thì đây, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết một tông thư cho thời điểm này: Ðệ Tam Thiên Niên sắp đến (Tertio Millenio Adveniente) ngày 10 tháng 11 năm 1994:

“Nay chúng ta đang tiến đến đệ tam thiên niên của kỷ nguyên mới, tâm tư chúng ta hướng về những lời nói của tông đồ Phao-lô: “Khi thời gian đã đến buổi trọn đầy, Thiên Chúa gửi Con Mình đến, sinh từ một người phụ nữ” (Gl 4:4).

“Sự kiện Ngôi Lời vĩnh cửu, trong sự toàn mãn của thời gian đã mặc lấy thân phận của tạo vật, đem lại cho biến cố của Bê-lem cách đây 2000 năm một giá trị hoàn vũ lạ lùng, Nhờ Ngôi Lời, thế giới của các tạo vật được xuất hiện như một hoàn vũ, nghĩa là một vũ trụ được xếp đặt trong trật tự. Và cũng chính Ngôi Lời khi nhập thể, làm mới lại trật tự hoàn vũ nơi các tạo vật” (tông thư, số 3)


Ðức Thánh Cha có ý nói một điều đơn sơ: để bước vào thiên niên thứ ba, chỉ có một con đường là tìm lại được Chúa Kitô trong cuộc sống. Ngài đã làm người ở giữa con người. Và Ngài mới là Ðường, là sự Thật và là Sự Sống. Tất cả những con đường khác chỉ là “sự tìm kiếm Thiên Chúa bằng những bước mò mẫm” (TÐCV 17:27).

Con mắt thấy Ðức Kitô đang hiện diện này là tất cả con đường tu đức của Thánh Lê Thị Thành. Ðó là con mắt đức tin.

Maisen trong những lúc đen tối nhất cuộc đời, mò mẫm đi tìm hướng đi trong sa mạc Madian thì được Chúa cho thấy một cảm nghiệm: Ta là Ðấng đang có mặt. Thấy được như vậy là một khúc quặt then chốt của cuộc đời Maisen. Oạng đã trở lại với dân trong một sức mạnh mới, với con mắt sáng ngời.

Abraham bước đi theo tiếng gọi vào sa mạc cát mù mà không biết mình đi đâu. Oạng chỉ chắc một điều, là Ðấng Toàn năng hằng hữu đang cùng đồng hành với mình.

Vậy thì tìm đường ở đâu? Có phải ở những di tích và tài liệu về một quá khứ đã chết? Nếu chỉ lo đào bới như vậy thì đó là đang bàn chuyện Ðạo Chúa chết, đạo mồ chôn, đúng như câu truyện Kinh Thánh:

“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi đi vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Ðang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” (Lc 24:1-6).

HÌNH XÁC VE SẦU VÀ NỤ HOA CHỚM NỞ

Trong một tấm hình chụp ngay trong vườn sau nhà, tôi thấy một con ve sầu đang đong đưa trên một cành cây. Nhưng đến gần thì chỉ là một cái xác, có một kẽ nứt phía sau lưng. Ðó chỉ còn làợ mồ trống. “Nó” đi đâu rồi? Bên cạnh là một nụ hoa chớm nở đầy sức sống. Không thấy “nó”, nhưng trông thấy biểu tượng và biểu hiện của “nó” nơi sức sống của một mầm sống mới thì chẳng phải mất công tìm ở đâu nữa. Có lần nào bạn hút hồn đứng chiêm ngắm vẻ kỳ lạ của một bông hoa vừa nở chưa? Tuyệt vời lắm phải không?

Vậy thì đó cũng là cách tìm đường tu đức của Thánh Lê Thị Thành. Ðừng mất công tìm bới ở nơi mồ trống. Sức sống đang hiển hiện nơi đây. Là chính Ðức Kitô đã sống lại và đang hiện diện. Bạn thử hít một hơi thật dài để cảm nghiệm sức sống, để thấy mình đang sống. Và hơn nữa đang thấy “chính ở trong Chúa chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (TÐCV 17: 28).

Ðức Kitô đã trở thành đường, để theo bước chân này, Thánh Lê Thị Thành dẫn chúng ta vào năm 2000. Con đường đi tới có nụ hoa chớm nở, cơn khổ nạn sinh thành, thánh giá khơi nguồn ánh sáng. Và hình thánh nữ được vẽ như một người mẹ trẻ trung đầy sức sản sinh một thế hệ đang tới, như trong bức hình vẽ dịp lễ phong thánh năm 1988.