TRUYỀN THỐNG VÀ LINH ĐẠO CÁT-MINH
Hương Vĩnh
VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT
(TIẾP THEO)
4.- THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ (1542-1591)
Vị Tôn Sư của Tình Yêu tinh ròng
Thánh Gioan Thánh Giá vẫn rất gần gũi với nhiều người trẻ qua cuộc đời và sự nghiệp của ngài.
Cuộc đời
Ngài sinh ở Castille năm 1542, trong một gia đình nghèo, bị gạt sang bên lề xã hội, vì cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối của cha ngài. Ngài mồ côi lúc lên bốn. Từ niên thiếu, ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa, làm y tá, rất ham học.
Năm 20, ngài vào tập viện dòng nam Cát-Minh. Làm linh mục năm 24 tuổi. Ngài ước ao được sống đời tận hiến nhiều hơn. Sau những năm miệt mài ở đại học Salamanque, ngài theo Thánh Têrêxa của Chúa Giêsu trong cuộc cải tổ đan viện. Với chức vụ tập sư (bề trên nhà tập), ngài đã thu hút nhiều người trẻ ước mong theo đuổi một cuộc sống như ngài...
Chỉ trong vài năm, ngài đã viết nhiều thi phẩm và khảo luận, diễn tả được kinh nghiệm cao đẹp nhất về Thiên Chúa. Dù gặp nhiều thử thách, ngài vẫn rất vui tươi hồn nhiên, qua đời năm 49 tuổi, chìm đắm trong những lời thắm thiết của sách Diễm Ca.
Sứ điệp
Sứ điệp của ngài là: “Hãy đi nhanh lên!” Đừng dậm chân tại chỗ trong một thứ đạo đức hời hợt hay trong một cố gắng tập nhân đức suông. Phải chấp nhận đêm tối, vượt qua khổ đau mà đạt tới đích, là sự cảm nghiệm chắc chắn Tình Yêu Thiên Chúa ngay từ bây giờ.
Ngôn ngữ của ngài đầy chất thơ và giàu hình ảnh: ngôn ngữ của tình yêu và đam mê. Nhằm giúp đỡ những tâm hồn – xưa cũng như nay, không biết bày tỏ tâm sự cùng ai – ngài đã dùng các tư tưởng truyền thống và trình bày lại một cách mới mẻ.
Đối với ngài, Chúa Kitô là người bạn tuyệt hảo. Chính tình bạn ấy đã giúp niềm khao khát tuyệt đối và nguồn sống quảng đại của ngài có cơ hội biểu lộ trọn vẹn. Nhờ trí thông minh sắc sảo, ngài đã khéo phân tích con tim loài người, những khát khao và những thắc mắc của nó trước cuộc sống.
Nhiều người đã nhận ra chính mình trong các tác phẩm của ngài, và gặp được nơi ngài một người dẫn đường chắc chắn, soi sáng cho những kinh nghiệm hằng ngày của họ và đem lại ý nghĩa cho đời sống họ...
Con đường thần hóa
Những người trẻ đọc thánh Gioan Thánh Giá trong 10 năm gần đây đã cho biết rằng những lời của thánh nhân rất liên quan đến họ và còn có ý nghĩa rất nhiều với những người trẻ thời nay: Thánh Gioan Thánh Giá dìu dắt họ trên con đường thần hóa. Thật vậy, ơn gọi của chúng ta là để cho Thiên Chúa biến đổi thành “Tình Yêu”, như khúc củi bừng cháy, thoát khỏi những lớp vỏ tạp để biến thành lửa.
Élisabeth Chúa Ba Ngôi sau khi đọc thánh Gioan Thánh Giá đã tóm tắt mục đích ơn gọi Kitô-hữu trong mấy tiếng: “Ước mơ của tôi là trở thành Chúa Giêsu.”
Xuyên qua các tác phẩm của ngài, thánh Gioan Thánh Giá tỏ ra ngài hiểu con tim loài người một cách sâu sắc. Ngài chạm đến toàn diện con người. Chấp nhận cùng đi với ngài là chấp nhận thưởng thức một nguồn nước sống mà chẳng mấy chốc người ta sẽ khó mà bỏ đi được.
Mãnh lực của sự thèm khát nơi con người
Thánh Gioan Thánh Giá đã không ngại nói đến mãnh lực của sự thèm khát nơi con người. Ngài đề ra một lối định hướng cho nỗi thèm khát ấy. Ngài chỉ cho ta biết phải làm thế nào để sự thèm khát vốn luôn có trong con người ngày càng hướng về Thiên Chúa hơn. Ngài giải thích cho thấy sự thèm khát ấy dù hướng về bất cứ phương trời nào vẫn khiến con người thất vọng, chỉ khi nào quy hướng về Thiên Chúa mới thỏa mãn được thôi.
Với tuổi trẻ
Thánh Gioan Thánh Giá có còn gây được hứng thú gì cho người trẻ hôm nay không? Trong câu hỏi này có cái nghịch lý. Quả thế, Thánh Gioan Thánh Giá không kể lại một kinh nghiệm tuổi trẻ. Ngài chỉ diễn tả hồi kết thúc của một con đường dài, của một công trình tập cầu nguyện bằng cách nghiền ngẫm Thánh Kinh. Ngài là hiện thân của một lý tưởng từ bỏ. Và như thế, ngài thật rất xa với kinh nghiệm tuổi trẻ. Thế thì, điều gì đã khiến ngài trở nên hấp dẫn?
Một lý tưởng
Người trẻ nhạy cảm với một lý tưởng, một mô hình tinh túy. Về điểm này, Thánh Gioan Thánh Giá quả là một tấm gương ngoại hạng. Ngài là bằng chứng cho thấy lý tưởng ấy có thể thực hiện được. Đường hướng ngài đề ra cho ta thật cần thiết và có thể đạt đích được, dù đối với ta điều có vẻ thật khác thường.
Thánh Gioan mời gọi ta từ bỏ, không phải là sự phủ nhận chính mình, nhưng là sự từ bỏ giúp phát triển con người mình. Đó là điều các người trẻ vẫn ước vọng. Các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá nếu không nhất định khiến ta phải đọc ngay, thì cũng gợi lên cho ta sự tò mò muốn đọc.
Có thể đạt tới
Gương của chị Élisabeth Chúa Ba Ngôi cho thấy lộ trình do Thánh Gioan Thánh Giá đề ra có thể theo được. Linh đạo của ngài không làm ta mất gốc, và cũng không ép buộc ta phải sống theo một khuôn khổ cứng ngắc. Linh đạo của ngài giúp ta đảm nhận những cam kết dấn thân của mình bằng cách sống một điều gì đó thật sâu xa về mặt tâm linh. Thánh Gioan thức tỉnh các ước vọng sâu xa nhất của ta, để đưa ta đến gần Thiên Chúa.
Tính cách cá nhân
Cách diễn tả đầy chất thơ của Thánh Gioan Thánh Giá thật hấp dẫn. Ngài đưa trả mỗi người về trong nội tâm. Hẳn nhiên, ai nấy không muốn trở thành một thứ sao y bản chánh của ngài, nhưng muốn gặp được khuôn mặt chứng nhân đích thực của mình nơi mình đang sống. Ngài mời mỗi người khám phá ra sự thánh thiện của riêng mình trong thế giới ngày nay: “Tôi mơ ước một thế giới khác.”
Một thế giới khác
Người trẻ ngày nay tìm kiếm một thế giới khác. Thánh Gioan có vẻ đang đưa ta vào thế giới đó khi ngài mặc khải cho ta cách thật sâu sắc về thế giới của ta. Ngài vẫn ở giữa lòng thế giới và mời ta nhìn nó với một cái nhìn khác. Ngài xóa hẳn mình trước Tin Mừng để mời ta khám phá lại Tin Mừng.
Ngôn ngữ đầy biểu tượng của ngài đánh động tâm hồn ta và các hình ảnh ngài dùng thật dễ hấp thụ: khúc củi bừng cháy, mặt trời xuyên qua cửa kính, dòng suối trong như pha lê...
Tính chất nhân bản
Đọc Thánh Gioan Thánh Giá, điều đánh động người ta nhất chính là cái chất người của ngài. Ngài hiểu biết những yếu đuối của con người. Ngài mời chúng ta phục hồi khả năng ngưỡng mộ trước thiên nhiên và sự sống.
Ngài cũng thôi thúc ta trở về trong nội tâm. Quả vậy, nếu việc dấn thân là quan trọng, thì việc nội-tâm-hóa các biến cố và tất cả những gì làm nên thế gian lại càng quan trọng hơn nữa. Lộ trình ngài đề ra, liên quan đến từng Kitô-hữu, dù họ ở bất cứ đâu.
Đọc Thánh Gioan Thánh Giá, điều hấp dẫn đối với độc giả chính là một thứ “giao kết” giữa “nhiệm nhặt” và “tình yêu”. Tính cách mô phạm và đòi hỏi trong đường lối của ngài không loại trừ cái tình yêu đã xây đáp nền tảng cho đường lối ấy, nhưng thật thắm thiết hài hoà với nhau.
Ngày nay người ta sống trong một cuộc duyệt xét lại một cách sâu rộng các quy luật dòng. Thế giới chúng ta thường sử dụng lối phân cách đối nghịch giữa “quy luật” và “tình yêu”. Thánh Gioan Thánh Giá hòa hợp cả hai.
Ngược với dáng dấp bề ngoài, người trẻ không dị ứng với những gì là đòi hỏi. Họ còn khổ tâm vì tương lai quá mịt mờ, thiếu định hướng. Qua những tác phẩm ngài viết và cũng qua chính cuộc sống ngài, Thánh Gioan Thánh Giá đã đáp ứng được cho nỗi khao khát chân lý tuyệt đối trong lòng người trẻ.
Ngài cho thấy rằng luật lệ không cản bước tình yêu. Nếu cần, ngài cũng nhắc ta nhớ rằng, giữa cuộc sống không dễ dàng này, muốn đạt được mục đích đã đề ra, dù là mục đích nào, ta không thể không chấp nhận một sự nhiệm nhặt nào đó.
“Xin tỏ bày cho con sự Hiện Diện của Chúa
Ước mong thị kiến về Vẻ Đẹp của Chúa khiến con chết ngất!”
(Thánh Gioan Thánh Giá)
Tu huynh Dominique Poirot
Đan sĩ Cát-Minh
(CÒN TIẾP)
Hương Vĩnh
VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT
(TIẾP THEO)
4.- THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ (1542-1591)
Vị Tôn Sư của Tình Yêu tinh ròng
Thánh Gioan Thánh Giá vẫn rất gần gũi với nhiều người trẻ qua cuộc đời và sự nghiệp của ngài.
Cuộc đời
Ngài sinh ở Castille năm 1542, trong một gia đình nghèo, bị gạt sang bên lề xã hội, vì cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối của cha ngài. Ngài mồ côi lúc lên bốn. Từ niên thiếu, ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa, làm y tá, rất ham học.
Năm 20, ngài vào tập viện dòng nam Cát-Minh. Làm linh mục năm 24 tuổi. Ngài ước ao được sống đời tận hiến nhiều hơn. Sau những năm miệt mài ở đại học Salamanque, ngài theo Thánh Têrêxa của Chúa Giêsu trong cuộc cải tổ đan viện. Với chức vụ tập sư (bề trên nhà tập), ngài đã thu hút nhiều người trẻ ước mong theo đuổi một cuộc sống như ngài...
Chỉ trong vài năm, ngài đã viết nhiều thi phẩm và khảo luận, diễn tả được kinh nghiệm cao đẹp nhất về Thiên Chúa. Dù gặp nhiều thử thách, ngài vẫn rất vui tươi hồn nhiên, qua đời năm 49 tuổi, chìm đắm trong những lời thắm thiết của sách Diễm Ca.
Sứ điệp
Sứ điệp của ngài là: “Hãy đi nhanh lên!” Đừng dậm chân tại chỗ trong một thứ đạo đức hời hợt hay trong một cố gắng tập nhân đức suông. Phải chấp nhận đêm tối, vượt qua khổ đau mà đạt tới đích, là sự cảm nghiệm chắc chắn Tình Yêu Thiên Chúa ngay từ bây giờ.
Ngôn ngữ của ngài đầy chất thơ và giàu hình ảnh: ngôn ngữ của tình yêu và đam mê. Nhằm giúp đỡ những tâm hồn – xưa cũng như nay, không biết bày tỏ tâm sự cùng ai – ngài đã dùng các tư tưởng truyền thống và trình bày lại một cách mới mẻ.
Đối với ngài, Chúa Kitô là người bạn tuyệt hảo. Chính tình bạn ấy đã giúp niềm khao khát tuyệt đối và nguồn sống quảng đại của ngài có cơ hội biểu lộ trọn vẹn. Nhờ trí thông minh sắc sảo, ngài đã khéo phân tích con tim loài người, những khát khao và những thắc mắc của nó trước cuộc sống.
Nhiều người đã nhận ra chính mình trong các tác phẩm của ngài, và gặp được nơi ngài một người dẫn đường chắc chắn, soi sáng cho những kinh nghiệm hằng ngày của họ và đem lại ý nghĩa cho đời sống họ...
Con đường thần hóa
Những người trẻ đọc thánh Gioan Thánh Giá trong 10 năm gần đây đã cho biết rằng những lời của thánh nhân rất liên quan đến họ và còn có ý nghĩa rất nhiều với những người trẻ thời nay: Thánh Gioan Thánh Giá dìu dắt họ trên con đường thần hóa. Thật vậy, ơn gọi của chúng ta là để cho Thiên Chúa biến đổi thành “Tình Yêu”, như khúc củi bừng cháy, thoát khỏi những lớp vỏ tạp để biến thành lửa.
Élisabeth Chúa Ba Ngôi sau khi đọc thánh Gioan Thánh Giá đã tóm tắt mục đích ơn gọi Kitô-hữu trong mấy tiếng: “Ước mơ của tôi là trở thành Chúa Giêsu.”
Xuyên qua các tác phẩm của ngài, thánh Gioan Thánh Giá tỏ ra ngài hiểu con tim loài người một cách sâu sắc. Ngài chạm đến toàn diện con người. Chấp nhận cùng đi với ngài là chấp nhận thưởng thức một nguồn nước sống mà chẳng mấy chốc người ta sẽ khó mà bỏ đi được.
Mãnh lực của sự thèm khát nơi con người
Thánh Gioan Thánh Giá đã không ngại nói đến mãnh lực của sự thèm khát nơi con người. Ngài đề ra một lối định hướng cho nỗi thèm khát ấy. Ngài chỉ cho ta biết phải làm thế nào để sự thèm khát vốn luôn có trong con người ngày càng hướng về Thiên Chúa hơn. Ngài giải thích cho thấy sự thèm khát ấy dù hướng về bất cứ phương trời nào vẫn khiến con người thất vọng, chỉ khi nào quy hướng về Thiên Chúa mới thỏa mãn được thôi.
Với tuổi trẻ
Thánh Gioan Thánh Giá có còn gây được hứng thú gì cho người trẻ hôm nay không? Trong câu hỏi này có cái nghịch lý. Quả thế, Thánh Gioan Thánh Giá không kể lại một kinh nghiệm tuổi trẻ. Ngài chỉ diễn tả hồi kết thúc của một con đường dài, của một công trình tập cầu nguyện bằng cách nghiền ngẫm Thánh Kinh. Ngài là hiện thân của một lý tưởng từ bỏ. Và như thế, ngài thật rất xa với kinh nghiệm tuổi trẻ. Thế thì, điều gì đã khiến ngài trở nên hấp dẫn?
Một lý tưởng
Người trẻ nhạy cảm với một lý tưởng, một mô hình tinh túy. Về điểm này, Thánh Gioan Thánh Giá quả là một tấm gương ngoại hạng. Ngài là bằng chứng cho thấy lý tưởng ấy có thể thực hiện được. Đường hướng ngài đề ra cho ta thật cần thiết và có thể đạt đích được, dù đối với ta điều có vẻ thật khác thường.
Thánh Gioan mời gọi ta từ bỏ, không phải là sự phủ nhận chính mình, nhưng là sự từ bỏ giúp phát triển con người mình. Đó là điều các người trẻ vẫn ước vọng. Các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá nếu không nhất định khiến ta phải đọc ngay, thì cũng gợi lên cho ta sự tò mò muốn đọc.
Có thể đạt tới
Gương của chị Élisabeth Chúa Ba Ngôi cho thấy lộ trình do Thánh Gioan Thánh Giá đề ra có thể theo được. Linh đạo của ngài không làm ta mất gốc, và cũng không ép buộc ta phải sống theo một khuôn khổ cứng ngắc. Linh đạo của ngài giúp ta đảm nhận những cam kết dấn thân của mình bằng cách sống một điều gì đó thật sâu xa về mặt tâm linh. Thánh Gioan thức tỉnh các ước vọng sâu xa nhất của ta, để đưa ta đến gần Thiên Chúa.
Tính cách cá nhân
Cách diễn tả đầy chất thơ của Thánh Gioan Thánh Giá thật hấp dẫn. Ngài đưa trả mỗi người về trong nội tâm. Hẳn nhiên, ai nấy không muốn trở thành một thứ sao y bản chánh của ngài, nhưng muốn gặp được khuôn mặt chứng nhân đích thực của mình nơi mình đang sống. Ngài mời mỗi người khám phá ra sự thánh thiện của riêng mình trong thế giới ngày nay: “Tôi mơ ước một thế giới khác.”
Một thế giới khác
Người trẻ ngày nay tìm kiếm một thế giới khác. Thánh Gioan có vẻ đang đưa ta vào thế giới đó khi ngài mặc khải cho ta cách thật sâu sắc về thế giới của ta. Ngài vẫn ở giữa lòng thế giới và mời ta nhìn nó với một cái nhìn khác. Ngài xóa hẳn mình trước Tin Mừng để mời ta khám phá lại Tin Mừng.
Ngôn ngữ đầy biểu tượng của ngài đánh động tâm hồn ta và các hình ảnh ngài dùng thật dễ hấp thụ: khúc củi bừng cháy, mặt trời xuyên qua cửa kính, dòng suối trong như pha lê...
Tính chất nhân bản
Đọc Thánh Gioan Thánh Giá, điều đánh động người ta nhất chính là cái chất người của ngài. Ngài hiểu biết những yếu đuối của con người. Ngài mời chúng ta phục hồi khả năng ngưỡng mộ trước thiên nhiên và sự sống.
Ngài cũng thôi thúc ta trở về trong nội tâm. Quả vậy, nếu việc dấn thân là quan trọng, thì việc nội-tâm-hóa các biến cố và tất cả những gì làm nên thế gian lại càng quan trọng hơn nữa. Lộ trình ngài đề ra, liên quan đến từng Kitô-hữu, dù họ ở bất cứ đâu.
Đọc Thánh Gioan Thánh Giá, điều hấp dẫn đối với độc giả chính là một thứ “giao kết” giữa “nhiệm nhặt” và “tình yêu”. Tính cách mô phạm và đòi hỏi trong đường lối của ngài không loại trừ cái tình yêu đã xây đáp nền tảng cho đường lối ấy, nhưng thật thắm thiết hài hoà với nhau.
Ngày nay người ta sống trong một cuộc duyệt xét lại một cách sâu rộng các quy luật dòng. Thế giới chúng ta thường sử dụng lối phân cách đối nghịch giữa “quy luật” và “tình yêu”. Thánh Gioan Thánh Giá hòa hợp cả hai.
Ngược với dáng dấp bề ngoài, người trẻ không dị ứng với những gì là đòi hỏi. Họ còn khổ tâm vì tương lai quá mịt mờ, thiếu định hướng. Qua những tác phẩm ngài viết và cũng qua chính cuộc sống ngài, Thánh Gioan Thánh Giá đã đáp ứng được cho nỗi khao khát chân lý tuyệt đối trong lòng người trẻ.
Ngài cho thấy rằng luật lệ không cản bước tình yêu. Nếu cần, ngài cũng nhắc ta nhớ rằng, giữa cuộc sống không dễ dàng này, muốn đạt được mục đích đã đề ra, dù là mục đích nào, ta không thể không chấp nhận một sự nhiệm nhặt nào đó.
“Xin tỏ bày cho con sự Hiện Diện của Chúa
Ước mong thị kiến về Vẻ Đẹp của Chúa khiến con chết ngất!”
(Thánh Gioan Thánh Giá)
Tu huynh Dominique Poirot
Đan sĩ Cát-Minh
(CÒN TIẾP)