TRUYỀN THỐNG VÀ LINH ĐẠO CÁT-MINH

 Hương Vĩnh

 (TIẾP THEO)

IV.- MỘT QUY LUẬT - MỘT NẾP SỐNG

 

Quy Luật Cát-Minh

 

Bản Quy Luật Cát-Minh đầu tiên thật tuyệt diệu! Thật đơn sơ và giản dị, như một ngôi thánh đường nho nhỏ kiểu Rôma, được tuôn tràn từ Chúa Thánh Linh...

 

Vào đầu thế kỷ 13, một nhóm “anh em ẩn tu” quy tụ bên một con suối, trong một thung lũng Núi Cát-Minh, ở Palestine. Từ hằng bao thế kỷ, ngôn sứ Êlia vốn được sùng kính tại đây. Sinh quán tại Pháp, Ý, Anh, họ đã giã từ quê hương để đến Đất Thánh, nơi Chúa Giêsu Kitô đã sống.

 

Một ngày kia, để đi đúng đường hướng của Giáo Hội, họ đã đến gặp Đức Thượng Phụ Giêrusalem là ngài “Albert”. Họ trình bày với ngài cuộc sống họ muốn theo đuổi và xin ngài ban cho một “Luật sống”. Đó là bản luật nguyên thủy.

 

Vài chục năm sau, cộng đoàn đông thêm. Đồng thời Đất Thánh dần dần bị người Hồi Giáo chiếm lại. Nhiều tu huynh quay về nguyên quán. Họ phải thích nghi với những điều kiện của cuộc sống mới ở chốn thị thành. Họ phải dùng cơm chung với nhau...

 

Một bước đi mới: lần này họ đến yết kiến “Đức Giáo hoàng Innocent IV”, để xin sửa đổi Quy Luật cho thích hợp. Cấu trúc nguyên thủy của nguyện đường nho nhỏ ngày nào giờ đây phải chịu một vài sửa đổi quan trọng, nhưng cảm hứng ban đầu vẫn được duy trì. Để hiểu cho đúng cảm hứng ấy, trước hết phải xướng lên một danh xưng: đó là “Thánh Danh Chúa Giêsu Kitô”.

 

Thật thế, ở ngay cổng vào nhà nguyện, bạn sẽ đọc thấy: “Sống tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô và trung thành phục vụ Ngài với một con tim trong trắng”, tức là sống triệt để điều then chốt nhất trong ơn gọi của mọi Kitô-hữu đã nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Không ngừng chiêm ngắm Chúa Kitô trong đức tin, để học cùng Ngài sống lụy phục trong mọi sự.

 

Trung thành phục vụ Ngài, không chỉ bằng hành động mà còn bằng hiến trọn con tim. Hoạt động để mở rộng Vương Quốc Ngài cho đến tận cùng trái đất, thể theo Thánh Ý Chúa Cha. Đó là niềm khao khát hằng ngự trị trong Đan Viện Cát-Minh.

 

Đó là ánh sáng soi rõ đời sống các “tu huynh ẩn sĩ”. Họ đã sống trong cô tịch của Núi Cát-Minh; giờ đây, họ cũng được gọi sống như thế giữa lòng các thành thị.

 

Nếp sống ẩn tu

 

“Ước gì mỗi người hãy sống cô tịch trong phòng mình, ngày đêm gẫm suy Luật Chúa và tỉnh thức cầu nguyện, ngoại trừ khi bận công việc khác cách chính đáng”. Các ẩn sĩ được gọi sống cô tịch để cầu nguyện liên lỉ. Xin hãy hiểu cho đúng điều nầy. Vấn đề không phải là luôn tưởng nhớ đến Chúa bằng trí óc. Bởi vì, như thánh Têrêxa của Chúa Giêsu đã dạy, để tiến tới trên con đường cầu nguyện, “không phải là nghĩ tưởng nhiều mà là yêu mến nhiều”.

 

Cầu nguyện liên lỉ, trước hết là trong mọi hoàn cảnh đều liên lỉ quy hướng tâm hồn về Đấng mình yêu. Đó là một ơn mà Chúa ao ước ban cho những ai sẵn sàng đón nhận.

 

Là ẩn sĩ, họ cũng sống với nhau như anh em. Họ đã là anh em nhờ phép Thánh Tẩy. Nay họ càng trở nên anh em ngày một hơn nữa. Mỗi ngày việc cử hành Thánh Thể quy tụ họ lại và xây dựng họ thành cộng đoàn. Họ kết hợp nhau nhờ sự dự phần vào lời nguyện ngợi khen và chuyển cầu của Giáo Hội.

 

Qua các buổi gặp gỡ trao đổi, họ cũng tìm hiểu rõ hơn sự cao cả và những đòi hỏi của ơn gọi. Họ cùng nhau thực hiện một kinh nghiệm. “Họ giúp nhau sửa lỗi và bổ túc những thiếu sót của mỗi người”. Việc này nếu được thực hành trong đức ái, sẽ là cách rất tốt để giúp khám phá ra “tất cả đều là anh em”, bởi vì tất cả đều là đối tượng của lòng thương xót Chúa.

 

Bốn đặc điểm của nếp sống ẩn tu

 

1- Trước tiên, bạn vào dòng Cát-Minh, không phải để có một cuộc sống yên ổn. Bởi lẽ đã quyết sống trong Chúa Giêsu Kitô thì không thể nào không đương đầu với cuộc “chiến đấu tâm linh”. Vũ khí cần dùng, chính là những điều mà thánh Phaolô đã kể ra: tin tưởng và hy vọng, tìm cách yêu mến Thiên Chúa và người thân cận trong mọi hoàn cảnh và không ngừng nương tựa vào Lời Thiên Chúa.

 

2- Bạn cũng còn phải “lao động” (ban đầu chỉ có lao động chân tay, nhưng về sau cũng có lao động trí óc và làm việc tông đồ), vừa để chiến đấu tốt hơn, vừa để “ăn tấm bánh, chén cơm, do tay mình làm ra”.

 

3- Bầu khí thông thường sẽ là “thinh lặng”, với mức độ nhặt nhiệm tùy theo từng thời điểm trong ngày. Dù sao, rõ ràng bạn được kêu gọi đừng để tâm trí bị phân tán vào những chuyện vô ích và hãy nghiệm ra rằng, “ở trong thinh lặng và hy vọng” mà bạn múc được sức mạnh.

 

4- Sau hết, cần đặt mối tương quan giữa vị “Tu Viện Trưởng” – người chịu trách nhiệm về cộng đoàn – với các anh em, dưới dấu chỉ của Đức Tin. Vị Tu Viện Trưởng phải đặt mình “làm tôi tớ các anh em” như Chúa Giêsu Kitô. Phần các anh em khác, phải nhìn vị Tu Viện Trưởng như người được Chúa Kitô đặt trên họ để giúp họ đáp lại ơn gọi.

 

Sau cùng, xin bạn đừng bao giờ tự nhủ: “Đã tạm đủ rồi!”, bởi lẽ tình yêu không có giới hạn. Còn phải hành động cách khôn ngoan và biết nhận định đúng, con tim hướng về Chúa Giêsu Kitô, trong niềm mong đợi Ngài trở lại.

 

Hởi các Bạn Trẻ, xin đừng ngại ngùng đọc nguyên văn bản Quy Luật. Chỉ cần mười phút là đọc xong. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé kiểu Rôma ấy hẳn có những chi tiết khiến bạn ngạc nhiên, mang dấu vết của thời quá khứ. Thế nhưng nếu bạn lưu lại trong đó ít lâu, nếu bạn suy gẫm bản văn, bạn sẽ hiểu rõ hơn nếp sống đã được Thánh Thần tác động, nếp sống Cát-Minh hôm qua và hôm nay.

 

Tu huynh Dominique Stercks

Đan sĩ Cát-Minh

V.- CUỘC SỐNG ẨN SĨ

 

Cuộc sống thường nhật

 

Trời chưa sáng. Sự thinh lặng của đêm trường còn bao trùm mặt đất, nhưng rồi sẽ tỉnh giấc để lao vào những công việc hằng ngày. Đó đây, ánh sáng đã bắt đầu chiếu qua các khung cửa sổ. Từ xa xa vang lên một “hồi chuông”...

 Đó là tiếng chuông của Đan Viện Cát-Minh. Mỗi ngày, đúng vào giờ đó, có lẽ đã từ hằng bao thế kỷ, hồi chuông kêu gọi các thầy – hoặc các chị - đến với công việc hàng đầu của con người là cầu nguyện: “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Mẹ Ngài, mời anh em đến cầu nguyện ngợi khen Chúa...!” Đó cũng là khởi đầu một ngày mới trong Đan Viện Cát-Minh.

 Về nếp sống hằng ngày của các đan sĩ Cát-Minh – nam cũng như nữ - đôi khi người ta có những ý nghĩ kỳ lạ, và thường hơn, người ta chẳng có chút ý nghĩ gì! “Họ làm gì trong đó?...”

 Rồi khi đến gần họ, người ta ngạc nhiên thấy mình đang ở giữa những con người cũng như mình, không tốt hơn cũng không xấu hơn những người khác, cũng ăn cũng uống, cũng ngủ nghỉ, làm việc, cũng đau khổ và cười vui, như mọi người khác. Họ cũng giống như bao người bên cạnh, cũng quét nhà, tưới rau, đi bác sĩ nha sĩ, cũng đọc báo, đóng thuế...

 Như tất cả mọi người, đúng vậy! Nhưng cũng khác biết bao! Bởi vì nơi họ, nếu mọi sự đều giống mọi người đi nữa, thì mọi sự lại diễn ra cách khác: từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, Thiên Chúa ở đó, thật gần gũi, Ngài được nhận ra trong niềm tin tinh tuyền, một cách vô hình nhưng lại là bạn đồng hành chí thiết, không hề rời xa.

 Thiên Chúa được họ ngắm nhìn, yêu mến, phục vụ. Thiên Chúa hằng được tưởng nhớ tới luôn. Mọi sự vật được tỏa chiếu một ánh sáng mới: đó là “Thiên Chúa”! Bạn hãy thay đổi cách nhìn của bạn, rồi cả thế giới chung quanh bạn sẽ đổi thay theo...

 Những giòng chữ này cố gắng trình bày cho bạn về dòng Cát-Minh. Lần dở từng trang, bạn sẽ có thể khám phá ra tâm hồn Cát-Minh. Hẳn đó là điều chính yếu. Nhưng không phải chỉ có thế thôi.

 Dòng Cát-Minh cũng còn là một dòng nhập thế. Dù đôi mắt có bị Thiên Chúa thu hút đến đâu, dù cuộc leo núi có đòi buộc phải lột bỏ hết mọi thứ, chính trong chiều sâu của cái thường nhật mà những khát vọng của mình được sống, và chính ở đó, trên mảnh đất cuộc sống, vận mệnh của họ được thực hiện.

 Vậy thì ở trong Đan Viện Cát-Minh người ta sống cái thường nhật đó như thế nào?

 

Điểm dị biệt đối với nam đan sỉ Cát-Minh

 Trước tiên, chúng ta hãy loại bỏ cái ý tưởng có thể xảy đến trong đầu óc là có một sự khác biệt căn bản giữa các nam tu và các nữ tu Cát-Minh: các nữ tu thì “sống kín”, còn các nam tu thì không. Thỉnh thoảng người ta gặp được các nam tu trên các nẻo đường, với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, còn các nữ tu thì chẳng bao giờ.

 Sự thật quả đúng như vậy, nhưng bạn hãy bình tâm: cả nam lẫn nữ đan sĩ Cát-Minh, không ai có chút ý tưởng than thân trách phận về điểm nầy hết. Các nam tu đã lựa chọn. Đối với họ, điểm khác biệt quá lắm cũng chỉ liên quan đến mô hình của môi trường. Thế nhưng điều chính yếu, họ “hoàn toàn ở trên cùng một làn sóng”.

 Điều chính yếu đó là họ đã được trao ban trong đoàn sủng ban đầu của nếp sống tu trì nầy và chính đoàn sủng đó chi phối toàn bộ chương trình cuộc sống của họ. Quy Luật Cát-Minh đầu tiên ra đời năm 1209. Theo đó, các nam tu sĩ Cát-Minh đầu tiên đã tự xác định mình như là “những tu huynh ẩn sĩ của Mẹ Maria trên Núi Cát-Minh”.

 Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là những ẩn sĩ sống thành cộng đoàn trong ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria. Đó là điểm chính yếu đủ để quy định cả một cung cách sống ngay giữa cái thường nhật. Điều mà Thánh Têrêxa Avila ngày kia đã gọi là “nuestro modo de proceder” (cách sống của chúng ta).

 

Ẩn sĩ

 Có một sự đánh giá cao đối với cuộc sống thinh lặng và cô tịch. Ở thế kỷ 13, đan sĩ Cát-Minh thường sống trong hang động của mình, “ngày đêm suy gẫm luật Chúa ngoại trừ khi bận công việc khác cách chính đáng", và đàng khác, công việc bận rộn đó cũng phải được thực thi trong thinh lặng trong mức độ có thể được.

 Như vậy, bầu khí bình thường của một ngày trong đan viện Cát-Minh là sự thinh lặng. Một sự thinh lặng tốt đẹp mang lại nhiều bình an cho tâm hồn. Bạn không thể tưởng tượng được một câu chuyện nói lớn tiếng trong hành lang Đan Viện Cát-Minh là điều lạc điệu và mất lịch sự đến mức nào!

 Những thúc bách của cuộc sống thời nay và ngay cả chính sứ vụ nữa, đôi khi bắt buộc phải phá vỡ sự thinh lặng tốt đẹp ấy. Thế nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm nếu có ai nghĩ rằng sự phá vỡ ấy được tiếp nhận như một dịp xả hơi. Ngược hẳn lại... lúc ấy phải có cả một nghệ thuật để, xuyên qua những dấn thân ồn ào nhất, vẫn giữ được lòng mình cho Thiên Chúa, như một việc cầu nguyện được tiếp nối, một tình thân thiết không gì có thể làm tan vỡ.

 Qui Luật Đan Viện Cát-Minh qui định: “Sức mạnh của bạn ở trong thinh lặng và hy vọng”.

 

Nếp sống cộng đoàn: huynh đệ tỉ muội

 Cuộc sống trôi qua trong cùng một ngôi nhà. Vào những giờ nhất định, họ cùng nhau quy tụ cử hành phụng vụ trong cùng một nhà nguyện. Các bữa ăn tập họp trong cùng một phòng ăn. Khi nhóm tu nghị hoặc chia sẻ định kỳ, họ hội họp thảo luận cùng một dự tính.

 Những buổi giải trí giúp họ tạo niềm hiệp thông trong thư giãn, với những trao đổi, trò chơi, đi dạo. Các chị nữ tu nhiệt tình tham dự những buổi giải trí đó không quên mang theo giỏ đồ khâu của họ. Còn các nam tu sĩ lại thích nói chuyện thao thao bất tuyệt, trong khi vẫn cúi xuống trên các giõ mang theo để nhặt rau gọt khoai.

 Nếp sống cô tịch và cộng đoàn, hai thực thể có vẻ loại trừ nhau. Thế nhưng ngược lại chúng giúp giữ một thế cân bằng tốt đẹp cho cuộc sống. Thinh lặng và cô tịch giúp luôn nghĩ tưởng đến Thiên Chúa, tránh được cảnh lúc nào cũng loay hoay, bận rộn, tránh được những câu chuyện dài dòng vô ích, và như thế, tránh khỏi việc phung phí thời giờ và năng lực tâm linh.

 Còn đời sống cộng đoàn lại là phương thuốc tốt nhất chống lại nguy cơ sống khép kín, tự quy chiếu về mình cách ích kỷ. Đó cũng là phương thế để thường xuyên kiểm tra tính trung thực của sự tự hiến và phẩm chất của tình bác ái huynh đệ.

 

Vai trò Đức Trinh Nữ Maria

 Đức Mẹ Maria là “Nữ Vương Tuyệt Tác” của Đan Viện Cát-Minh. Ngay từ đầu, các tu sĩ Cát-Minh đã nhìn thấy nơi Mẹ Maria là người Mẹ, người Chị, người Bạn và là Mẫu Mực. Đức Mẹ Maria trầm lặng, “suy niệm mọi sự trong lòng”. Đức Mẹ Maria, Mẹ của Sự Sống, đang lặng lẽ ban Chúa Giêsu cho thế giới. Ở nơi phòng tiệc ly, Đức Mẹ Maria đã hiệp thông với các tông đồ đầu tiên. Phải, Đan Viện Cát-Minh quả là một “dòng thuộc Mẹ Maria”.

 Mấy nét trên đây đã vắn tắt giúp bạn thoáng thấy bầu không khí một ngày trong Đan Viện Cát-Minh. Thế nhưng, cụ thể hơn, một ngày như thế xảy ra thế nào?

 

(CÒN TIẾP)