Phong trào Văn Thân (Bài 3)
MỘT SỐ NHẬN XÉT
• Nếu coi các sĩ tử thời Nho học giống như là các sinh viên đang theo học bậc cao đẳng thời đại ngày nay, thì có thể nói, phong trào Văn Thân ở nước ta vào nửa sau thế kỉ 19 là phong trào sinh viên tranh đấu chính trị đúng nghĩa đầu tiên ở nước ta và so với các phong trào sinh viên tranh đấu trên toàn thế giới thì đây cũng là phong trào sớm sủa nhất, kéo dài nhất, bạo lực nhất và cũng gây nên chết chóc nhiều nhất cho đồng bào vô tội.
• Vua quan cũng như các Văn Thân và nhiều vị thủ lãnh Cần Vương đều thuộc giới Nho học. Hiểu theo nghĩa rộng, tất cả đều thuộc giới Văn Thân và đương nhiên họ đều thù ghét Pháp và đạo Gia Tô. Tuy nhiên, vì ở thế chính quyền, vua và các quan phải tự chế hành động trong khuôn khổ luật pháp, nhất là phải tuân thủ những hiệp ước đã kí với Pháp. Từ khi kí vào hòa ước có điều khoản cho phép giảng đạo và giữ đạo, thì chính thức không còn bách hại đạo nữa, mặc dù ở địa phương vẫn có một số quan quân sách nhiễu dân đạo, ngấm ngầm yểm trợ hoặc là làm ngơ cho Văn Thân tấn công các làng đạo.
• Các Văn Thân là dân giả; họ không vướng mắc “vòng cương tỏa”, không có địa vị và quyền lợi phải giữ gìn. Vì thế mỗi khi thấy nhà vua kí một nhượng ước với Pháp, họ liền tỏ ra bất bình, không còn kính trọng, tin tưởng và tuân lệnh nhà vua nữa. Họ không đếm xỉa tới những gì triều đình kí với Pháp. Và vì chưa đủ khả năng đánh Pháp thì họ trút hết căm thù lên giáo dân. Họ mặc tình truy nã, sát hại người theo đạo GiaTô, bất kể nam phụ lão ấu, Tây hay ta. Những đội quân do các Văn Thân cầm đầu đông hàng ngàn người vây đánh một làng đạo ít người hơn nhiều, có nơi chỉ vài trăm người. Làng đạo nào bị tấn công bất ngờ hoặc không đủ sức tự vệ sẽ bị giết sạch, đốt sạch. Nếu ở thời đại ngày nay, hành động đốt sạch, giết sạch này sẽ bị quốc tế lên án là tội diệt chủng, giống như vụ người Hutu diệt chủng người Tutsi ở nước Rwanda, Phi châu vào năm 1994.
• Đại đa số người theo đạo Gia Tô vẫn tùng phục chính quyền, không chống lại nhà vua. Nhưng khi Văn Thân dồn họ vào đường cùng, không được vua quan bảo vệ, một số làng đạo bất đắc dĩ phải xử dụng quyền tự vệ; một số làng đạo không đủ sức tự vệ, vì có linh mục chính xứ là người Pháp cho nên quân đội Pháp đã tới giải cứu. Chính những hành động tàn sát dã man của Văn Thân đã đẩy dân đạo bất đắc dĩ phải chạy về phía kẻ đã cứu mạng họ.
• Trước nguy cơ bị tiêu diệt, nếu một tập thể giáo dân do một linh mục thừa sai người Pháp trông coi thì dễ được quân Pháp cứu giúp, nhưng nếu linh mục phụ trách là người bản xứ thì tình cảnh khốn đốn hơn, có khi phải cùng với giáo dân kêu lên quan. Hình thức đòi “công lí” này rất có thể bị coi là “tụ chúng hiếp quan”. Trong bộ sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu đã kể lại một vụ như sau: “Tỉnh Quảng Trị có linh mục người nước ta tên là Lê Án “mưu tụng giao thoa tụ chúng hiếp quan”, (làng Xuân Hòa kiện, tra ra tên Án thú nhận). Triều đình theo luật “giáo toa” định tội mãn trượng lưu (đánh 100 trượng và phát lưu 3000 dặm). Khi ấy các cố đạo và dân đạo phạm pháp, quan Soái nước Pháp thường đưa thơ xin ta tra hỏi, cứ chiếu theo lời hòa ước và luật lệ trị tội” (Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. Quyển V. Trang 203. motgoctroi.com).
• Các ông Văn Thân thời đại ngày nay vẫn đang viết lách với giọng điệu căm thù đạo Gia Tô không thua kém các Văn Thân hồi thế kỉ 19. Có ông hằn học viết: “Đáng lẽ…nên viết Văn Thân xử tội người Công Giáo mới đúng, chứ còn viết Văn Thân đổ tội cho người Công Giáo thì trật lất”. Xem ra, vì quá thù hận khiến cho các ông Văn Thân thế kỉ 19 cũng như các ông Văn Thân thời đại ngày nay vừa mất sáng suốt vừa độc ác hơn cả người Cộng sản. Người Cộng sản ra tay không hề khoan nhuợng, nhưng thường khi họ còn biết phân biệt ai mới là thành phần nguy hiểm cần tiêu diệt. Gs. Trần Văn Giàu, một đảng viên Cộng sản kì cựu, đã nhận định về Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh năm 1874 như sau,: "Không thể chối cãi rằng phong trào 1874 ở Nghệ Tĩnh là phong trào yêu nước, do Văn-thân yêu nước khởi xướng. Nhưng cũng không thể chối cãi rằng các nhà Văn-thân yêu nước đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việt 'sát Tả' là điều kiện thứ nhất của việc 'bình Tây', không biết phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả những người đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ 'gìn giữ văn minh Nho giáo' cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt-nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. 'Bình Tây' thì chắc mọi người dân đồng ý, còn 'sát Tả' thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng; các nhà Văn-thân khởi nghĩa vô hình trung đã tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp." ((Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt- nam, tập I, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, nxb T.P.Hồ Chí Minh, 1993, tr. 369. Dẫn bởi Gs. Lê Hữu Mục trong bài “Cụ Sáu Đối Diện Với Văn Thân”. dunglac.info).
• Sự kiện vua Tự Đức yêu cầu quân Pháp giúp đánh quân Văn thân của thầy trò Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh năm 1874 và sự kiện Tôn Thất Thuyết, khi được lệnh kéo quân từ Sơn Tây xuống tới Thanh Hóa, thì ông tuyên bố đánh Pháp, rồi mới đi tiễu trừ quân Văn thân ở Nghệ An, chứng minh đánh Tây và giết hại người theo đạo Gia Tô là hai việc khác nhau. Nếu Văn thân chỉ đánh Pháp thì Tôn Thất Thuyết không đánh Văn thân và Vua Tự Đức cũng không xin quân Pháp giúp dẹp Văn thân.
• Đến khoảng giữa thế kỉ 19 rồi mà giới Văn Thân nước ta vẫn không giao thiệp với thế giới và chỉ biết một thứ tương quan “quốc tế” theo chiều dọc: trên ta là “thiên triều”, tức là nước Tầu, dưới ta là các “em út” Miên, Lào. Các Văn Thân mù tịt về mối bang giao quốc tế theo chiều ngang, các quốc gia coi nhau ngang hàng, được quy định trong Công ước bang giao quốc tế mà các nước tây phương đã kí với nhau tại Vienna năm 1818. Cho nên khi người Pháp đã kí với triều đình nhà Nguyễn những hòa ước mà thấy giới Văn Thân bất xét các điều khoản đã kí, lại kéo nhau đi tàn sát các làng đạo, nhất là giết hại các giáo sĩ Pháp là công dân của họ, rồi lại thấy triều đình kêu gọi quân Tầu và các loại giặc khách Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen vào đề chống lại quân Pháp, khiến họ có thêm lí do cho những hành động quân sự . Về điểm này, Gs. Tôn Thất Thiện nhận xét: “Có thể nói rằng lúc đất nước đang phải đối đầu với một loạt vấn đề mới thì cả nước như con cóc ngồi dưới đáy giếng khuôn mẫu Khổng giáo Trung Hoa” (Tôn Thất Thiện. Các Vua Nhà Nguyễn , Giới Văn Thân Và Sự Bại Vong Của Việt Nam. Dunglac.info).
• Câu hỏi chính yếu thường được nêu lên và cũng là câu hỏi gây tranh luận gay gắt, đó là: Nước mất tại ai? Giới Văn Thân thế kỉ 19 đã có câu trả lời rõ ràng và mãnh liệt bằng hành động đốt sạch, giết sạch những người theo đạo Gia Tô.
Còn các ông Văn Thân thời hiện đại (là những kẻ cho rằng hễ đã là tín đồ Thiên Chúa giáo thì không có cái gì tốt cả; đã không có cái gì tốt mà lại có rất nhiều tội, nhất là tội phản quốc, cho nên đáng phải bị loại trừ hoặc là phải bị giết chết hết) đương nhiên cũng có ngay câu trả lời, tuy dù mấy ông không có thể ra tay hành động giết người như các ông Văn Thân thời xưa. Một ông có bằng Tiến sĩ tại Sorbonne, Pháp, đã viết như sau: “VN đi vào qũy đạo của nước Pháp, từ đầu đến cuối, các giáo sĩ đã đóng một vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nước Pháp đánh chiếm miền đất xa xôi…từ đây, họ có quyền thỏa mãn” (Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 – 1897. Trang 357).
Đang khi đó, Gs. Yoshiharu Tsuboi, cũng lấy Tiến sĩ tại Pháp, lại có ý kiến khác. Vị giáo sư người Nhật Bản này cho rằng các giáo sĩ Pháp chỉ là một trong số 4 nhóm người phải chịu trách nhiệm trong việc Pháp đánh chiếm Việt Nam: Một là Triều đình Paris; hai là các viên chức ngoại giao và quân sự Pháp hoạt động ở Việt Nam, nhất là các sĩ quan Hải quân nuôi mộng làm Thống đốc, Toàn quyền…; ba là các giáo sĩ muốn truyền đạo; bốn là các thương nhân phiêu lưu muốn lợi nhuận. Theo các tài liệu lịch sử, nhóm người thứ hai - các viên chức ngoại giao và quân sự Pháp - là nhóm thủ phạm chính (Xem Yoshiharu Tsuboi, l'Empire Vietnamien face à la France et à la Chine 1847-1885, Paris (bản dịch tiếng Việt Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Hội sử học Việt Nam Hà Nội 1992).
Câu trả lời của Gs. Y. Tsuboi đầy đủ hơn. Lịch sử cho thấy: những nước lớn và đông dân hơn Việt Nam nhiều cũng đã không thoát khỏi nạn bị thực dân Âu châu. Nước Tầu bị “liệt cường xâu xé”. Ấn độ bị Anh cai trị (có câu: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”). Indonesia bị khống chế bởi nước Hòa Lan bé xíu…Trường hợp những nước này, chắc chắn không cần có các giáo sĩ Pháp tiếp tay mà bọn thực dân vẫn áp đặt được quyền thống trị. Đang khi đó, Thái Lan tuy nhỏ và yếu, nhưng vì đã khôn khéo mở cửa cho tất cả mọi nước vào làm ăn buôn bán, cho nên tránh được họa mất nước; còn Nhật Bản thì Minh trị Thiên Hoàng sáng suốt và cương quyết nghe theo đề nghị của những nhà ái quốc tân học, vội vàng canh tân xứ sở. Nhờ thế mà Nhật Bản không bị xâm lăng, ngược lại còn trở nên hùng mạnh mau chóng, đến nỗi họ có khả năng đánh bại Hạm đội Bắc Hải của Nga hoàng tại Eo Đối Mã năm 1905.
Mất nước là tại người Pháp, nhưng mà cũng tại ta. Phía Việt Nam, có thể kể ra 4 nhóm thủ phạm chính: Một là các vua; hai là các quan lớn triều đình và giới quan lại địa phương; ba là giới Văn Thân và bốn là các thân hào làng xã. Nhóm thứ hai nắm rất nhiều quyền hành và họ là cản trở lớn nhất trong các nỗ lực canh tân đất nước, dẫn tới tình trạng suy yếu, khiến không đủ lực để bảo vệ được đất nước trước tham vọng của thực dân Pháp. Nhóm thứ ba là các Văn Thân; họ phủ nhận quyền lãnh đạo cùa nhà vua, tự ý thành lập lực lượng vũ trang đi chém giết, đốt phá các làng đạo, nhất là việc sát hại các giáo sĩ Tây phương khiến cho quân Pháp lấy cớ bên ta vi phạm hiệp ước để can thiệp quân sự và khi thấy có thể thắng lợi quá dễ dàng, họ lấn tới luôn.
Tóm lại, vào các thế kỉ 18, 19, trước cao trào các nước Âu châu đi chiếm thuộc địa, do họ có nền kĩ nghệ, thương mại, quân sự…tân tiến vượt bậc, thì những nước, dù to và đông dân, mà cứ tiếp tục duy trì hệ thống cai trị mục nát, triều đình tối tăm, hủ lậu và sợ mất địa vị, quan lại tham ô, xã hội loạn lạc và dân tình đói khổ thì không mất nước mới là lạ. Thực dân đế quốc thời đại nào cũng biết cách tìm ra lí do để xâm lăng, để thỏa mãn tham vọng của chúng. Lịch sử là một sự lặp lại. Ngày nay, Cộng sản Hà Nội cũng đang đưa nước ta lâm vào tình cảnh bi đát giống như tình cảnh nước ta hồi giữa thế kỉ 19.
Các ông Văn Thân cũ cũng như mới cứ phóng đại quá đáng trách nhiệm làm mất nước của những cuộc vận động, những bức thư viết bởi một số rất ít giáo sĩ Pháp có óc thực dân như ; Huc, Chamison, Libois, Gm. Pellerin, Gm. Puginier… Mặc dù, phải nhìn nhận rằng: hành động dính líu tới thực dân của mấy ông giáo sĩ Pháp ấy vừa trái với chỉ thị của Bộ Truyền giáo, vừa để lại tiếng xấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nhưng thực ra, những thứ đó chẳng là gì so với tham vọng và quyền lợi vật chất của thực dân Pháp. Khi người Pháp muốn cứ thì họ đánh chiếm. Lí do tôn giáo chỉ là cái cớ mà phía Việt Nam đã vụng về tạo ra cho họ. Không có cớ này thì họ cũng kiếm ra cớ khác. Khi cần thì họ xử dụng lí do tôn giáo. Xong việc rồi thì các viên chức cũng như các tướng tá Pháp không ngần ngại nói xấu các giáo sĩ và giáo dân.
Căn cứ vào cuốn L’expansion colonial de la France, étude économique, politique et géographie sur les établissements francais d’outre-mer. Paris 1886, Gs. Nguyễn Văn Trung viết: “Còn về tôn giáo, ông (Lanessan) đã cho chúng ta thấy rõ ý định của người Pháp trong chính sách ưu đãi Đạo Thiên Chúa giáo không phải vì mục đích tôn giáo nhưng vì mục đích chính trị. Nhưng không phải vì chống chính sách ưu đãi Thiên Chúa giáo mà ông gạt bỏ mọi ý định lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị. Vấn đề là lợi dụng làm sao mà không hại đến chính trị, và cũng không xét có hại cho đạo hay không”. Trong chú thích, Gs. Trung nói rõ thêm: “Tìm hiểu chính sách lợi dụng tôn giáo của người Pháp, chứng cớ là tại sao người Pháp và nước Pháp thời đi thực dân là một nước chống Thiên Chúa giáo, bài bác giáo sĩ (antiréligieux, anticlérical) trục xuất hàng ngàn tu sĩ, nhưng khi sang Việt Nam thì lại rất là ưu đãi Công Giáo, và cử cả một hạm đội đến để bênh vực một thừa sai bị bạc đãi” (Nguyễn Văn Trung. Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam Thực Chất Và Huyền Thoại. Nam Sơn, Sài Gòn. 1963. Trang 119).
• Các ông Văn Thân thế kỉ 19 cũng như các ông Văn Thân thời hiện đại vì quá hận thù người theo đạo Gia Tô cho nên không bình tĩnh và không công bằng trong xét xử. Chẳng hạn như các ông tố cáo giáo dân tiếp tay cho Pháp, đi lính cho Tây mà không thấy tỉ lệ giáo dân đi lính cho tây hay làm “công chức” cho Tây, từ thế kí 19 cho tới thời Đệ nhất Cộng hòa, không bao giờ vượt trội so với tỉ lệ người bên lương, hay Phật tử. Hãy lấy một thí dụ: Trong cuốn Việt Nam Giáo Sử. Quyển 1. Trang 519 và 520, tác giả Phan Phát Huồn đã dẫn sách Vie de Mgr Puginier (P.225) nói rằng, sau khi hạ thành Hà Nội ngày 20.11.1873, F. Garnier “đi mộ ở các tỉnh được 14.000 thân binh trong số đó có 2.000 Công Giáo…”. Tỉ lệ là 1/7. Cứ 1 giáo dân đi lính cho tây thì 6 người lính khác là ai, theo đạo gì?
• Sử sách xưa nay thường cho là giới Văn Thân yêu nước còn vua Tự Đức và triều đình thì hèn yếu vì đã lần lượt kí những hòa ước nhục nhã, nhượng bộ kẻ thù.
Phải công nhận giới Văn Thân có lòng ái quốc, thấy nước nhà bị quân Phấp xâm lăng, họ đã đứng lên chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, trước kẻ địch có khả năng hơn hẳn về vũ khí tân tiến, giới Văn Thân chỉ có nhiệt tình mà không có sự hiểu biết và đánh giá đúng đắn về tình hình thế giới, về đất nước và về thực lực của mình. Đang khi đó, lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng là thay vì tìm kế sách đoàn kết toàn dân thì giới Văn Thân lại phát động tấn công các làng đạo và sát hại một cách tàn ác thường dân vô tội theo đạo Gia Tô, bất kể già trẻ lớn bé. Tuy lấy khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, Văn Thân đã không đánh được thằng Tây nào, nhưng “sát tả” thì hết sức dữ dội. Đó là một sai lầm tai hại đưa tới máu và nước mắt cho một thành phần dân tộc, làm phân hóa và suy giảm nội lực quốc gia trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Văn Thân yêu nước nhưng hành động không sáng suốt như thế, chẳng những không cứu được nước, mà còn góp một phần làm cho mau mất nước vào tay kẻ thù. Ông “vua cách mạng” Lênin nói: Nhiệt tình cách mạng + ngu dốt = phá hoại.
Quan đại thần và cũng là nhà ngoại giao chuyên nghiệp hàng đầu Phan Thanh Giản đã phải than thở:
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu tỉnh đồng bào mau kịp bước,
Hết lời năm nỉ chẳng ai tin !
Thời đó, đâu phải chỉ có một mình Cụ Phan Thanh Giản chủ trương canh tân mà còn khá nhiều những nhà tân học khác nữa, như các ông: Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền…, hoặc các linh mục như Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuyên, Nguyễn Hữu Thơ, Đoạn Trinh Hoan, Trần Ngọc Vịnh, Lê Văn Huấn…(Xem Nghiêm Đức Thảo và Hoàng Đình Hiếu. Những Chiến Sĩ Cần Vương Cô Đơn. dunglac.info)
Thế cho nên sử gia Trần Trọng Kim đã gọi vụ nổi dậy năm 1874 của thầy trò Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ An là “Văn Thân Nổi Loạn ở Nghệ Tĩnh” và phê bình như sau: “Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn rở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sđd. Bản điện tử. Trang 215. Motgoctroi.com).
• Có một số tác giả tiếc xót vì Phong trào Văn Thân đã không thành công. Theo các tác giả này, nếu Phong trào Văn Thân thành công thì vận nước đã đổi thay theo chiều hướng cách mạng tiến bộ. Chúng tôi không tán đồng quan điểm này. Bởi vì, như trên đã chứng minh, Văn Thân tuy có lòng ái quốc, nhưng ái quốc một cách mù quáng, thiển cận. Đối nội thì không khôn ngoan đoàn kết mọi tầng lớp. Đối ngoại thì không mở lòng để chấp nhận học hỏi những tiến bộ khoa học kĩ thuật của Tây phương, nhất là chưa đủ khả năng để tiếp thu những tư tưởng tự do dân chủ Tây phương. Giả như Phong trào Văn Thân thành công thì họ vẫn đi theo con đường quân chủ chuyên chế và vẫn thần phục Trung Hoa, nhất là về mặt tư tưởng, văn hóa. Tuyệt nhiên không hề thấy giới Văn Thân thế kỉ 19 tỏ ra dấu hiệu tiến bộ, hay là muốn đi theo tân học gì cả.
• Rất tiếc, hồi giữa thế kỉ 19, giới Văn Thân đã không có ai bình tĩnh và sáng suốt đủ để nghe lời trần tình của nhà tân học Nguyễn Trường Tộ: “Nói tóm lại, bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường đều là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình pháp không tha để cho đạo giáo được trong sạch. Còn ai yên phận tuân theo pháp luật thì để cho họ tự nhiên có hại gì đâu? Đồng hành mà không nghịch nhau là được, cần gì bắt phải nhất tề những cái mà tạo vật không thể nhất tề, cũng không cần thiết phải nhất tề, để làm tổn thương hòa khí?” (Nguyễn Trường Tộ. Di Thảo 2. Giáo môn luận. Bàn về tự do tôn giáo. Ngày 11 tháng 2 năm Tự Đức 16 tức 29 tháng 3 năm 1863. Dunglac.org).
• Ngày nay, sang thế kỉ 21 rồi, thế mà ngòi bút của các ông Văn Thân thời đại vẫn tiếp tục ngùn ngụt ngọn lửa căm thù và giả điếc làm ngơ trước những ý kiến xây dựng của những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Một trong những ý kiến đó là ý kiến của sử gia Trần Gia Phụng (không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo) sau đây:
“Tuy nhiên cần phải chú ý là không phải toàn thể giáo sĩ, hay toàn thể tín đồ Thiên Chúa giáo người Việt, đều hợp tác với Pháp. Cũng cần phải chú ý thêm rằng trong hàng ngũ những người hợp tác với Pháp, không phải hoàn toàn chỉ là những người theo đạo Thiên Chúa…. Cần phải chú ý tới tất cả các khía cạnh trên, để nhấn mạnh đến một điều là những người hợp tác với Pháp, hay những người phản bội quốc gia dân tộc, hoàn toàn là những hành vi cá nhân của người đó, chứ không phải vì người đó theo một tôn giáo nào. Người Việt Nam cần tách bạch điều này để tránh bị lợi dụng, khích động, rồi đi đến chia rẽ, phân hóa, chỉ có lợi cho những thế lực phi quốc gia dân tộc”. (Trần Gia Phụng. Bước Đầu Truyền Giáo Tại Việt Nam. Tuyển tập Gia đình Thánh Tự 1957 – 2007. Trang 131-133).
*Trần Vinh
Tháng 6.2013
MỘT SỐ NHẬN XÉT
• Nếu coi các sĩ tử thời Nho học giống như là các sinh viên đang theo học bậc cao đẳng thời đại ngày nay, thì có thể nói, phong trào Văn Thân ở nước ta vào nửa sau thế kỉ 19 là phong trào sinh viên tranh đấu chính trị đúng nghĩa đầu tiên ở nước ta và so với các phong trào sinh viên tranh đấu trên toàn thế giới thì đây cũng là phong trào sớm sủa nhất, kéo dài nhất, bạo lực nhất và cũng gây nên chết chóc nhiều nhất cho đồng bào vô tội.
• Vua quan cũng như các Văn Thân và nhiều vị thủ lãnh Cần Vương đều thuộc giới Nho học. Hiểu theo nghĩa rộng, tất cả đều thuộc giới Văn Thân và đương nhiên họ đều thù ghét Pháp và đạo Gia Tô. Tuy nhiên, vì ở thế chính quyền, vua và các quan phải tự chế hành động trong khuôn khổ luật pháp, nhất là phải tuân thủ những hiệp ước đã kí với Pháp. Từ khi kí vào hòa ước có điều khoản cho phép giảng đạo và giữ đạo, thì chính thức không còn bách hại đạo nữa, mặc dù ở địa phương vẫn có một số quan quân sách nhiễu dân đạo, ngấm ngầm yểm trợ hoặc là làm ngơ cho Văn Thân tấn công các làng đạo.
• Các Văn Thân là dân giả; họ không vướng mắc “vòng cương tỏa”, không có địa vị và quyền lợi phải giữ gìn. Vì thế mỗi khi thấy nhà vua kí một nhượng ước với Pháp, họ liền tỏ ra bất bình, không còn kính trọng, tin tưởng và tuân lệnh nhà vua nữa. Họ không đếm xỉa tới những gì triều đình kí với Pháp. Và vì chưa đủ khả năng đánh Pháp thì họ trút hết căm thù lên giáo dân. Họ mặc tình truy nã, sát hại người theo đạo GiaTô, bất kể nam phụ lão ấu, Tây hay ta. Những đội quân do các Văn Thân cầm đầu đông hàng ngàn người vây đánh một làng đạo ít người hơn nhiều, có nơi chỉ vài trăm người. Làng đạo nào bị tấn công bất ngờ hoặc không đủ sức tự vệ sẽ bị giết sạch, đốt sạch. Nếu ở thời đại ngày nay, hành động đốt sạch, giết sạch này sẽ bị quốc tế lên án là tội diệt chủng, giống như vụ người Hutu diệt chủng người Tutsi ở nước Rwanda, Phi châu vào năm 1994.
• Đại đa số người theo đạo Gia Tô vẫn tùng phục chính quyền, không chống lại nhà vua. Nhưng khi Văn Thân dồn họ vào đường cùng, không được vua quan bảo vệ, một số làng đạo bất đắc dĩ phải xử dụng quyền tự vệ; một số làng đạo không đủ sức tự vệ, vì có linh mục chính xứ là người Pháp cho nên quân đội Pháp đã tới giải cứu. Chính những hành động tàn sát dã man của Văn Thân đã đẩy dân đạo bất đắc dĩ phải chạy về phía kẻ đã cứu mạng họ.
• Trước nguy cơ bị tiêu diệt, nếu một tập thể giáo dân do một linh mục thừa sai người Pháp trông coi thì dễ được quân Pháp cứu giúp, nhưng nếu linh mục phụ trách là người bản xứ thì tình cảnh khốn đốn hơn, có khi phải cùng với giáo dân kêu lên quan. Hình thức đòi “công lí” này rất có thể bị coi là “tụ chúng hiếp quan”. Trong bộ sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu đã kể lại một vụ như sau: “Tỉnh Quảng Trị có linh mục người nước ta tên là Lê Án “mưu tụng giao thoa tụ chúng hiếp quan”, (làng Xuân Hòa kiện, tra ra tên Án thú nhận). Triều đình theo luật “giáo toa” định tội mãn trượng lưu (đánh 100 trượng và phát lưu 3000 dặm). Khi ấy các cố đạo và dân đạo phạm pháp, quan Soái nước Pháp thường đưa thơ xin ta tra hỏi, cứ chiếu theo lời hòa ước và luật lệ trị tội” (Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. Quyển V. Trang 203. motgoctroi.com).
• Các ông Văn Thân thời đại ngày nay vẫn đang viết lách với giọng điệu căm thù đạo Gia Tô không thua kém các Văn Thân hồi thế kỉ 19. Có ông hằn học viết: “Đáng lẽ…nên viết Văn Thân xử tội người Công Giáo mới đúng, chứ còn viết Văn Thân đổ tội cho người Công Giáo thì trật lất”. Xem ra, vì quá thù hận khiến cho các ông Văn Thân thế kỉ 19 cũng như các ông Văn Thân thời đại ngày nay vừa mất sáng suốt vừa độc ác hơn cả người Cộng sản. Người Cộng sản ra tay không hề khoan nhuợng, nhưng thường khi họ còn biết phân biệt ai mới là thành phần nguy hiểm cần tiêu diệt. Gs. Trần Văn Giàu, một đảng viên Cộng sản kì cựu, đã nhận định về Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh năm 1874 như sau,: "Không thể chối cãi rằng phong trào 1874 ở Nghệ Tĩnh là phong trào yêu nước, do Văn-thân yêu nước khởi xướng. Nhưng cũng không thể chối cãi rằng các nhà Văn-thân yêu nước đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việt 'sát Tả' là điều kiện thứ nhất của việc 'bình Tây', không biết phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả những người đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ 'gìn giữ văn minh Nho giáo' cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt-nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. 'Bình Tây' thì chắc mọi người dân đồng ý, còn 'sát Tả' thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng; các nhà Văn-thân khởi nghĩa vô hình trung đã tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp." ((Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt- nam, tập I, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, nxb T.P.Hồ Chí Minh, 1993, tr. 369. Dẫn bởi Gs. Lê Hữu Mục trong bài “Cụ Sáu Đối Diện Với Văn Thân”. dunglac.info).
• Sự kiện vua Tự Đức yêu cầu quân Pháp giúp đánh quân Văn thân của thầy trò Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh năm 1874 và sự kiện Tôn Thất Thuyết, khi được lệnh kéo quân từ Sơn Tây xuống tới Thanh Hóa, thì ông tuyên bố đánh Pháp, rồi mới đi tiễu trừ quân Văn thân ở Nghệ An, chứng minh đánh Tây và giết hại người theo đạo Gia Tô là hai việc khác nhau. Nếu Văn thân chỉ đánh Pháp thì Tôn Thất Thuyết không đánh Văn thân và Vua Tự Đức cũng không xin quân Pháp giúp dẹp Văn thân.
• Đến khoảng giữa thế kỉ 19 rồi mà giới Văn Thân nước ta vẫn không giao thiệp với thế giới và chỉ biết một thứ tương quan “quốc tế” theo chiều dọc: trên ta là “thiên triều”, tức là nước Tầu, dưới ta là các “em út” Miên, Lào. Các Văn Thân mù tịt về mối bang giao quốc tế theo chiều ngang, các quốc gia coi nhau ngang hàng, được quy định trong Công ước bang giao quốc tế mà các nước tây phương đã kí với nhau tại Vienna năm 1818. Cho nên khi người Pháp đã kí với triều đình nhà Nguyễn những hòa ước mà thấy giới Văn Thân bất xét các điều khoản đã kí, lại kéo nhau đi tàn sát các làng đạo, nhất là giết hại các giáo sĩ Pháp là công dân của họ, rồi lại thấy triều đình kêu gọi quân Tầu và các loại giặc khách Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen vào đề chống lại quân Pháp, khiến họ có thêm lí do cho những hành động quân sự . Về điểm này, Gs. Tôn Thất Thiện nhận xét: “Có thể nói rằng lúc đất nước đang phải đối đầu với một loạt vấn đề mới thì cả nước như con cóc ngồi dưới đáy giếng khuôn mẫu Khổng giáo Trung Hoa” (Tôn Thất Thiện. Các Vua Nhà Nguyễn , Giới Văn Thân Và Sự Bại Vong Của Việt Nam. Dunglac.info).
• Câu hỏi chính yếu thường được nêu lên và cũng là câu hỏi gây tranh luận gay gắt, đó là: Nước mất tại ai? Giới Văn Thân thế kỉ 19 đã có câu trả lời rõ ràng và mãnh liệt bằng hành động đốt sạch, giết sạch những người theo đạo Gia Tô.
Còn các ông Văn Thân thời hiện đại (là những kẻ cho rằng hễ đã là tín đồ Thiên Chúa giáo thì không có cái gì tốt cả; đã không có cái gì tốt mà lại có rất nhiều tội, nhất là tội phản quốc, cho nên đáng phải bị loại trừ hoặc là phải bị giết chết hết) đương nhiên cũng có ngay câu trả lời, tuy dù mấy ông không có thể ra tay hành động giết người như các ông Văn Thân thời xưa. Một ông có bằng Tiến sĩ tại Sorbonne, Pháp, đã viết như sau: “VN đi vào qũy đạo của nước Pháp, từ đầu đến cuối, các giáo sĩ đã đóng một vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nước Pháp đánh chiếm miền đất xa xôi…từ đây, họ có quyền thỏa mãn” (Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 – 1897. Trang 357).
Đang khi đó, Gs. Yoshiharu Tsuboi, cũng lấy Tiến sĩ tại Pháp, lại có ý kiến khác. Vị giáo sư người Nhật Bản này cho rằng các giáo sĩ Pháp chỉ là một trong số 4 nhóm người phải chịu trách nhiệm trong việc Pháp đánh chiếm Việt Nam: Một là Triều đình Paris; hai là các viên chức ngoại giao và quân sự Pháp hoạt động ở Việt Nam, nhất là các sĩ quan Hải quân nuôi mộng làm Thống đốc, Toàn quyền…; ba là các giáo sĩ muốn truyền đạo; bốn là các thương nhân phiêu lưu muốn lợi nhuận. Theo các tài liệu lịch sử, nhóm người thứ hai - các viên chức ngoại giao và quân sự Pháp - là nhóm thủ phạm chính (Xem Yoshiharu Tsuboi, l'Empire Vietnamien face à la France et à la Chine 1847-1885, Paris (bản dịch tiếng Việt Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Hội sử học Việt Nam Hà Nội 1992).
Câu trả lời của Gs. Y. Tsuboi đầy đủ hơn. Lịch sử cho thấy: những nước lớn và đông dân hơn Việt Nam nhiều cũng đã không thoát khỏi nạn bị thực dân Âu châu. Nước Tầu bị “liệt cường xâu xé”. Ấn độ bị Anh cai trị (có câu: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”). Indonesia bị khống chế bởi nước Hòa Lan bé xíu…Trường hợp những nước này, chắc chắn không cần có các giáo sĩ Pháp tiếp tay mà bọn thực dân vẫn áp đặt được quyền thống trị. Đang khi đó, Thái Lan tuy nhỏ và yếu, nhưng vì đã khôn khéo mở cửa cho tất cả mọi nước vào làm ăn buôn bán, cho nên tránh được họa mất nước; còn Nhật Bản thì Minh trị Thiên Hoàng sáng suốt và cương quyết nghe theo đề nghị của những nhà ái quốc tân học, vội vàng canh tân xứ sở. Nhờ thế mà Nhật Bản không bị xâm lăng, ngược lại còn trở nên hùng mạnh mau chóng, đến nỗi họ có khả năng đánh bại Hạm đội Bắc Hải của Nga hoàng tại Eo Đối Mã năm 1905.
Mất nước là tại người Pháp, nhưng mà cũng tại ta. Phía Việt Nam, có thể kể ra 4 nhóm thủ phạm chính: Một là các vua; hai là các quan lớn triều đình và giới quan lại địa phương; ba là giới Văn Thân và bốn là các thân hào làng xã. Nhóm thứ hai nắm rất nhiều quyền hành và họ là cản trở lớn nhất trong các nỗ lực canh tân đất nước, dẫn tới tình trạng suy yếu, khiến không đủ lực để bảo vệ được đất nước trước tham vọng của thực dân Pháp. Nhóm thứ ba là các Văn Thân; họ phủ nhận quyền lãnh đạo cùa nhà vua, tự ý thành lập lực lượng vũ trang đi chém giết, đốt phá các làng đạo, nhất là việc sát hại các giáo sĩ Tây phương khiến cho quân Pháp lấy cớ bên ta vi phạm hiệp ước để can thiệp quân sự và khi thấy có thể thắng lợi quá dễ dàng, họ lấn tới luôn.
Tóm lại, vào các thế kỉ 18, 19, trước cao trào các nước Âu châu đi chiếm thuộc địa, do họ có nền kĩ nghệ, thương mại, quân sự…tân tiến vượt bậc, thì những nước, dù to và đông dân, mà cứ tiếp tục duy trì hệ thống cai trị mục nát, triều đình tối tăm, hủ lậu và sợ mất địa vị, quan lại tham ô, xã hội loạn lạc và dân tình đói khổ thì không mất nước mới là lạ. Thực dân đế quốc thời đại nào cũng biết cách tìm ra lí do để xâm lăng, để thỏa mãn tham vọng của chúng. Lịch sử là một sự lặp lại. Ngày nay, Cộng sản Hà Nội cũng đang đưa nước ta lâm vào tình cảnh bi đát giống như tình cảnh nước ta hồi giữa thế kỉ 19.
Các ông Văn Thân cũ cũng như mới cứ phóng đại quá đáng trách nhiệm làm mất nước của những cuộc vận động, những bức thư viết bởi một số rất ít giáo sĩ Pháp có óc thực dân như ; Huc, Chamison, Libois, Gm. Pellerin, Gm. Puginier… Mặc dù, phải nhìn nhận rằng: hành động dính líu tới thực dân của mấy ông giáo sĩ Pháp ấy vừa trái với chỉ thị của Bộ Truyền giáo, vừa để lại tiếng xấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nhưng thực ra, những thứ đó chẳng là gì so với tham vọng và quyền lợi vật chất của thực dân Pháp. Khi người Pháp muốn cứ thì họ đánh chiếm. Lí do tôn giáo chỉ là cái cớ mà phía Việt Nam đã vụng về tạo ra cho họ. Không có cớ này thì họ cũng kiếm ra cớ khác. Khi cần thì họ xử dụng lí do tôn giáo. Xong việc rồi thì các viên chức cũng như các tướng tá Pháp không ngần ngại nói xấu các giáo sĩ và giáo dân.
Căn cứ vào cuốn L’expansion colonial de la France, étude économique, politique et géographie sur les établissements francais d’outre-mer. Paris 1886, Gs. Nguyễn Văn Trung viết: “Còn về tôn giáo, ông (Lanessan) đã cho chúng ta thấy rõ ý định của người Pháp trong chính sách ưu đãi Đạo Thiên Chúa giáo không phải vì mục đích tôn giáo nhưng vì mục đích chính trị. Nhưng không phải vì chống chính sách ưu đãi Thiên Chúa giáo mà ông gạt bỏ mọi ý định lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị. Vấn đề là lợi dụng làm sao mà không hại đến chính trị, và cũng không xét có hại cho đạo hay không”. Trong chú thích, Gs. Trung nói rõ thêm: “Tìm hiểu chính sách lợi dụng tôn giáo của người Pháp, chứng cớ là tại sao người Pháp và nước Pháp thời đi thực dân là một nước chống Thiên Chúa giáo, bài bác giáo sĩ (antiréligieux, anticlérical) trục xuất hàng ngàn tu sĩ, nhưng khi sang Việt Nam thì lại rất là ưu đãi Công Giáo, và cử cả một hạm đội đến để bênh vực một thừa sai bị bạc đãi” (Nguyễn Văn Trung. Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam Thực Chất Và Huyền Thoại. Nam Sơn, Sài Gòn. 1963. Trang 119).
• Các ông Văn Thân thế kỉ 19 cũng như các ông Văn Thân thời hiện đại vì quá hận thù người theo đạo Gia Tô cho nên không bình tĩnh và không công bằng trong xét xử. Chẳng hạn như các ông tố cáo giáo dân tiếp tay cho Pháp, đi lính cho Tây mà không thấy tỉ lệ giáo dân đi lính cho tây hay làm “công chức” cho Tây, từ thế kí 19 cho tới thời Đệ nhất Cộng hòa, không bao giờ vượt trội so với tỉ lệ người bên lương, hay Phật tử. Hãy lấy một thí dụ: Trong cuốn Việt Nam Giáo Sử. Quyển 1. Trang 519 và 520, tác giả Phan Phát Huồn đã dẫn sách Vie de Mgr Puginier (P.225) nói rằng, sau khi hạ thành Hà Nội ngày 20.11.1873, F. Garnier “đi mộ ở các tỉnh được 14.000 thân binh trong số đó có 2.000 Công Giáo…”. Tỉ lệ là 1/7. Cứ 1 giáo dân đi lính cho tây thì 6 người lính khác là ai, theo đạo gì?
• Sử sách xưa nay thường cho là giới Văn Thân yêu nước còn vua Tự Đức và triều đình thì hèn yếu vì đã lần lượt kí những hòa ước nhục nhã, nhượng bộ kẻ thù.
Phải công nhận giới Văn Thân có lòng ái quốc, thấy nước nhà bị quân Phấp xâm lăng, họ đã đứng lên chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, trước kẻ địch có khả năng hơn hẳn về vũ khí tân tiến, giới Văn Thân chỉ có nhiệt tình mà không có sự hiểu biết và đánh giá đúng đắn về tình hình thế giới, về đất nước và về thực lực của mình. Đang khi đó, lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng là thay vì tìm kế sách đoàn kết toàn dân thì giới Văn Thân lại phát động tấn công các làng đạo và sát hại một cách tàn ác thường dân vô tội theo đạo Gia Tô, bất kể già trẻ lớn bé. Tuy lấy khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, Văn Thân đã không đánh được thằng Tây nào, nhưng “sát tả” thì hết sức dữ dội. Đó là một sai lầm tai hại đưa tới máu và nước mắt cho một thành phần dân tộc, làm phân hóa và suy giảm nội lực quốc gia trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Văn Thân yêu nước nhưng hành động không sáng suốt như thế, chẳng những không cứu được nước, mà còn góp một phần làm cho mau mất nước vào tay kẻ thù. Ông “vua cách mạng” Lênin nói: Nhiệt tình cách mạng + ngu dốt = phá hoại.
Quan đại thần và cũng là nhà ngoại giao chuyên nghiệp hàng đầu Phan Thanh Giản đã phải than thở:
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu tỉnh đồng bào mau kịp bước,
Hết lời năm nỉ chẳng ai tin !
Thời đó, đâu phải chỉ có một mình Cụ Phan Thanh Giản chủ trương canh tân mà còn khá nhiều những nhà tân học khác nữa, như các ông: Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền…, hoặc các linh mục như Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuyên, Nguyễn Hữu Thơ, Đoạn Trinh Hoan, Trần Ngọc Vịnh, Lê Văn Huấn…(Xem Nghiêm Đức Thảo và Hoàng Đình Hiếu. Những Chiến Sĩ Cần Vương Cô Đơn. dunglac.info)
Thế cho nên sử gia Trần Trọng Kim đã gọi vụ nổi dậy năm 1874 của thầy trò Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ An là “Văn Thân Nổi Loạn ở Nghệ Tĩnh” và phê bình như sau: “Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn rở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sđd. Bản điện tử. Trang 215. Motgoctroi.com).
• Có một số tác giả tiếc xót vì Phong trào Văn Thân đã không thành công. Theo các tác giả này, nếu Phong trào Văn Thân thành công thì vận nước đã đổi thay theo chiều hướng cách mạng tiến bộ. Chúng tôi không tán đồng quan điểm này. Bởi vì, như trên đã chứng minh, Văn Thân tuy có lòng ái quốc, nhưng ái quốc một cách mù quáng, thiển cận. Đối nội thì không khôn ngoan đoàn kết mọi tầng lớp. Đối ngoại thì không mở lòng để chấp nhận học hỏi những tiến bộ khoa học kĩ thuật của Tây phương, nhất là chưa đủ khả năng để tiếp thu những tư tưởng tự do dân chủ Tây phương. Giả như Phong trào Văn Thân thành công thì họ vẫn đi theo con đường quân chủ chuyên chế và vẫn thần phục Trung Hoa, nhất là về mặt tư tưởng, văn hóa. Tuyệt nhiên không hề thấy giới Văn Thân thế kỉ 19 tỏ ra dấu hiệu tiến bộ, hay là muốn đi theo tân học gì cả.
• Rất tiếc, hồi giữa thế kỉ 19, giới Văn Thân đã không có ai bình tĩnh và sáng suốt đủ để nghe lời trần tình của nhà tân học Nguyễn Trường Tộ: “Nói tóm lại, bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường đều là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình pháp không tha để cho đạo giáo được trong sạch. Còn ai yên phận tuân theo pháp luật thì để cho họ tự nhiên có hại gì đâu? Đồng hành mà không nghịch nhau là được, cần gì bắt phải nhất tề những cái mà tạo vật không thể nhất tề, cũng không cần thiết phải nhất tề, để làm tổn thương hòa khí?” (Nguyễn Trường Tộ. Di Thảo 2. Giáo môn luận. Bàn về tự do tôn giáo. Ngày 11 tháng 2 năm Tự Đức 16 tức 29 tháng 3 năm 1863. Dunglac.org).
• Ngày nay, sang thế kỉ 21 rồi, thế mà ngòi bút của các ông Văn Thân thời đại vẫn tiếp tục ngùn ngụt ngọn lửa căm thù và giả điếc làm ngơ trước những ý kiến xây dựng của những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Một trong những ý kiến đó là ý kiến của sử gia Trần Gia Phụng (không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo) sau đây:
“Tuy nhiên cần phải chú ý là không phải toàn thể giáo sĩ, hay toàn thể tín đồ Thiên Chúa giáo người Việt, đều hợp tác với Pháp. Cũng cần phải chú ý thêm rằng trong hàng ngũ những người hợp tác với Pháp, không phải hoàn toàn chỉ là những người theo đạo Thiên Chúa…. Cần phải chú ý tới tất cả các khía cạnh trên, để nhấn mạnh đến một điều là những người hợp tác với Pháp, hay những người phản bội quốc gia dân tộc, hoàn toàn là những hành vi cá nhân của người đó, chứ không phải vì người đó theo một tôn giáo nào. Người Việt Nam cần tách bạch điều này để tránh bị lợi dụng, khích động, rồi đi đến chia rẽ, phân hóa, chỉ có lợi cho những thế lực phi quốc gia dân tộc”. (Trần Gia Phụng. Bước Đầu Truyền Giáo Tại Việt Nam. Tuyển tập Gia đình Thánh Tự 1957 – 2007. Trang 131-133).
*Trần Vinh
Tháng 6.2013