Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam (Phần III)

LTS : Bài nghiên cứu dưới đây của Giáo Sư Tôn Thất Thiện, được đăng trong nguyệt san Thông Luận số 191, ra ngày 17/04/2005, đề cập đến nhiều vấn đề như văn hóa Khổng Nho, Văn Thân, Công Giáo.

VietCatholic xin trích đăng lại bải khảo cứu giá trị này với mục đích cung cấp thêm tài liệu cho những ai muốn hiểu thêm về lý do tại sao triều đình và lớp sĩ phu Việt Nam đã không giữ được nền độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, nội dung các bài nghiên cứu được trích đăng từ các mạng lưới điện toán khác không nhất thiết phản ảnh quan điểm và lập trường của VietCatholic.

Riêng với người Công Giáo, đây là tài liệu giải thích vì sao vua quan nhà Nguyễn, nhất là Văn Thân đã nhân danh văn hoá Khổng Nho để tàn sát người Công Giáo.


Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam (Phần III)

Phần III

Thế kỷ XIX mục kích một sự phát triển rất mạnh về khoa học kỹ thuật và kinh tế dẫn đến sự tranh đua bành trướng thế lực và ảnh hưởng giữa các cường quốc Âu châu. Trung Quốc bị Anh, Nhựt Bản bị Hoa Kỳ, dùng "ngoại giao bằng pháo hạm" ép buộc "mở cửa", và các cường quốc Âu châu ép Trung Quốc chấp nhận "nhượng địa". Việt Nam được Pháp chú ý đến từ thời chúa Nguyễn Phước Ánh, nhưng vì bận rộn nội bộ, đến triều Napoléon III Pháp mới thực sự hành động. Năm 1859, Napoléon III cho lập "Hội đồng Nam Kỳ" để vạch kế hoạch xâm chiếm Việt Nam. Triều đình vua Tự Đức phải đương đầu với vấn đề này.

Trước ý đồ xâm chiếm của Pháp, Việt Nam có ba phương thức đối lại :

1. Chống đối trực tiếp bằng quân sự : chiến. Muốn chiến, phải mạnh về cả quân sự lẫn kinh tế. Muốn mạnh phải có kỹ thuật cao, kinh tế phát triển, tài chánh dồi dào, nghĩa là phải canh tân.

2. Tránh giao tranh : hòa. Muốn hòa, phải chấp nhận một số điều kiện của địch.

3. Trì hoãn : thủ. Muốn thủ, trong nuớc phải đủ điều kiện để kéo dài chiến tranh, nghĩa là phải đoàn kết chặt chẻ, kỹ luật cao, có hậu cần vững chải, và phải có khả năng gia tăng phú, cường, nghĩa là phải canh tân.

Các vấn đề trên đã được vua Tự Đức đưa ra "đình nghị", nghĩa là đưa ra triều đình bàn cãi. Cuộc "đình nghị" quan trọng nhất là bàn cãi về nghị hòa của đại tá Rigault de Genouilly, tháng 6-1859, và của thiếu tướng Page tháng 1-1860. Trong những tiếp xúc từ triều Gia Long đến đầu triều Tự Đức, Pháp xin bốn điều chính: được tự do truyền giáo, tự do thuơng mãi, đặt trú sứ ở Huế, nhường cho Pháp một phần đất nào đó để bảo đảm cho sự thi hành hòa ước. Tất cả những quan điểm về chiến, hòa, thủ đều được đưa ra mổ xẻ tường tận trong dịp này.

Nói chung, quan điểm chiến được đại đa số chủ trương. Theo họ, ở vùng Đà Nẵng thì chiến thuyền Pháp nhiều mà đã vào sâu trong sông "có thể vây đánh được", vậy nên "đợi họ vào sâu nữa, rồi lần lượt tiểu trừ"; ở Gia Định thì chiến thuyền họ ít, mà "ở xa ngoài biển, khó nỗi tiến bức". Cho nên nên cùng họ đánh một trận trên đất, "toàn thắng rồi lần lượt tiểu trừ". Nếu hòa thì "bỏ cấm đạo, cho thông thương, họ được lập nhà thờ, lập phố chợ, trăm đều giảo hiểm sẽ từ chữ hòa mà sinh ra". [...].

Phe chủ hòa có khâm sai ở Nam Kỳ, Nguyễn Bá Nghi, là người luận lý hợp lý, hợp tình hơn cả. Nhân vua hỏi, Nguyễn Bá Nghi thực tình tâu : "Tôi vốn nghe nói tàu Tây đi mau như bay, súng Tây bắn thủng được mấy thước thành đá, xa được mấy mươi dặm, tôi vẫn chưa tin. Đến năm Thiệu Trị, tàu Tây đến Đà Nẵng, bắn phá năm chiếc thuyền đồng của ta chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, bấy giờ tôi quyền chức bố chánh Quảng Nam, chính mắt trông thấy, mới tin là thiệt. Ba bốn năm lại đây, binh ta không phải là không dũng, súng ta không phải là không mạnh, đồn lũy của ta không phải không dầy, thế mà thua họ, cũng chỉ vì tàu súng của họ hơn ta xa vậy. Các quan quân-thứ không biết người biết mình, cứ cưỡng mà đánh nên ngày nay mới thế... tôi cho là đánh, giữ đều không được, phải hòa chứ không thì không xong cuộc... Người Tây biết ta không thiệt tình, e lại ép lấy thêm đất, khi ấy công không được, thủ không được, mà hòa cũng không được..." (Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), tr. 157).

Trong số đại thần, người chủ hòa mạnh hơn cả là ông Phan Thanh Giản, người điều đình hiệp ước 1862.

Trong phe chủ trương thủ, người đại diện nổi bật nhất là Nguyễn Tri Phương. Ông tâu rằng : "Người Tây thủy quân, lục quân nương đỡ nhau, khó mà hơn họ được. Ta thì thủy chiến đã không tiện, còn về lục chiến thì họ súng ống đã tinh lại đánh giỏi, quân ta khiếp sợ sinh ra bần rùn, nên cũng không thể địch nổi.... Tình thế như vậy, giữ còn chưa được, nói đánh sao nên ? Vậy xin đem binh lực hiện có, dự bị cho nghiêm mà đợi, để làm kế trì cữu, rồi lo trù liệu lương hướng, gặp cơ hội sẽ động, ấy là cớ hoàn toàn vậy".

Phản ứng của vua Tự Đức phản ảnh quan điểm của phe chủ chiến, tức phe đa số. [...] Vua bác bỏ hai điều khoản xin đặt sứ quán và xin cho giáo sĩ tự do giảng đạo. Sự bác bỏ này khiến Pháp kéo quân tiến chiếm thành Gia Định...

Rõ ràng là chiến không thắng được, mà hòa thì đa số triều đình và Nho sĩ không chịu, chính vua cũng đồng quan điểm với họ, nhất là sau khi Pháp chiếm ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ. Cuối cùng vua chọn giải pháp nửa chừng và chấp nhận chiến lược "trì cữu" của Nguyễn Tri Phương, nghĩa là chịu lép, nhưng khi có dịp sẽ chiến để phục hưng.

Qua những sự kiện này, ta thấy vua Tự Đức không coi việc mất sáu tỉnh Nam Kỳ, và nhất là sau khi ký hòa ước 1874 chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi đất nước còn lại, như là mất hẳn. Vua có một kế hoạch lâu dài do Nguyễn Văn Tường vạch ra. Đó là chiến lược "hòa để thủ, thủ để mưu chiến", chấn chỉnh nội bộ, chuẩn bị một cuộc chiến đấu trường kỳ, đợi thời vận. Kế hoạch này đặt trọng tâm vào "tự cường", sự thông hiểu, kiên nhẫn, và kỷ luật của giới Nho sĩ và nhân dân, và dựa vào sự trợ giúp của Trung Quốc. Ở đây có một điểm tế nhị về chiến lược "thủ để mưu chiến" mà vua cùng triều thần không thấy vì không biết gì về quan niệm về bang giao quốc tế của người Tây phương. Không chấp nhận hòa có nghĩa là tiếp tục chiến, người Pháp hiểu như vậy. [...]

Không chú ý đến những gì xảy ra ở ngoài là một quan niệm sai lầm. Theo giáo sư Tsuboi, quan niệm này trở thành phổ biến vì các sử gia Việt Nam, như Lê Thành Khôi, lặp lại những gì mà các giáo sĩ thời đó đã viết. Sự thực là các vua không đẩy được khối Nho sĩ bảo thủ vây quanh. Vua Minh Mạng đã rất chú tâm đến các cường quốc Tây phương; ông đã bảo giáo sĩ Jacquard dịch cho ông đọc những chuyện về Ấn Độ và Napoléon. Năm 1838, khi thấy Trung Quốc bị xâm lăng, ông có ý định thay đổi chính sách. Vì vậy ông gởi một sứ bộ đi Âu châu để do xét tình hình. [...] Năm 1844 vua Thiệu Trị cũng phái người đi Âu châu mua một chiếc thuyền chạy hơi. Vua Tự Đức cũng tò mò về kỹ thuật Tây phương, hay những biến chuyển chính trị ở ngoại quốc. Từ sau khi mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đến khi băng, ông ý thức được nhu cầu canh tân, nhưng không làm được những cải tổ lớn vì triều đình chống đối, và giới Nho sĩ "ngăn chặn". [...]

Năm 1863 vua Tự Đức phái hai ông Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp chuộc lại ba tỉnh Miền Đông. Khi về, hai ông thuật lại, trong phúc trình "Tây Hành Nhựt Ký", về những gì mắt thấy tai nghe trong thời gian thăm viếng, đặc biệt là sự mô tả các "thiết kiều" và "thạch lộ". Thay vì tìm hiểu, các quan trong triều đình cho rằng các ông đi xa về nói khoác. [...] Năm 1878, ông Nguyễn Tăng Doãn, nhân dịp đi sứ sang Pháp về kể lại những kỹ thuật và văn minh Tây phương liền bị đình nghị giáng chức vì đã kể những chuyện "hoang đường". [...]

Về miền Bắc thì, để lấy lại quyền hành sau những vụ xáo trộn do Jean Dupuis và Francis Garnier gây ra, vua phải chấp nhận hòa ước 1874. Nhưng hòa ước này cũng không được tôn trọng, Nho sĩ miền Bắc, trong đó có cả các quan triều đình, đã tự động kéo nhau đến đốt phá làng mạc và giết chóc người Công giáo, rồi còn kêu gọi người Tàu vào giúp. [...]

Vì vua Tự Đức không bảo đảm được sự tôn trọng hiệp ước, đặc biệt bảo vệ sinh mạng và tài sản của người Công giáo tại đất Bắc, nhất là các giáo sĩ ngoại quốc, quân Pháp đã đánh chiếm Bắc Kỳ năm 1874, rồi chiếm Thuận An, uy hiếp kinh đô, buộc triều đình Huế ký hòa ước bảo hộ, tháng 8-1883. Việt Nam thật sự mất hết chủ quyền. Người đứng đầu phong trào chống đối hòa ước này là Tôn Thất Thuyết, lúc đó là phụ chính vì vua Tự Đức đã băng hà. Các vua Dục Đức và Hiệp Hòa lần lượt bị truất phế, Thuyết đưa các vua Kiến Phúc, rồi Hàm Nghi lúc đó đang còn nhỏ tuổi lên thay. Sự chống đối của Thuyết dẫn đến cuộc đột kích thất bại đêm 4 và 5-7-1885, Pháp chiếm kinh thành, kể cả cung điện, rồi truy nã vua Hàm Nghi. Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi và đày vua Hàm Nghi đi Algérie. Đây là hậu quả của những hàng động nóng nảy và chủ quan của giới Văn Thân, không biết lượng sức người. Từ tháng 7-1885, quyền lãnh đạo đất nước hoàn toàn nằm trong tay người Pháp.

Giới Văn Thân chống đối các hòa ước là một việc tự nhiên : nó xuất phát từ khí khái, tự ái dân tộc, khi thấy nước nhà bị ngoại xâm. Nhưng trong thực tế, vì thiếu trang bị và huấn luyện quân đội ta bị Pháp đánh tan dễ dàng, và mất luôn cả nước. Người được cử ra để điều đình với Pháp, Nguyễn Trọng Hiệp, đã tỏ ra rất là khó xử. Sau khi đã mất đồn Thuận An và kinh đô bị uy hiếp, đại diện Pháp, ông Harmand, nói thẳng thừng rằng : "Tôi cho các ông 48 giờ để chấp nhận hay từ chối toàn bộ những điều kiện chúng tôi đưa ra... Nếu bác bỏ, các ông phải sẳn sàng đón chờ những tai họa vô cùng lớn... Đế quốc An Nam, vua, các hoàng tử sẽ bị diệt. Ngay cả tên An Nam cũng sẽ không còn". (Nguyễn Thế Anh, sđd, tr. 66). Không những thế, tướng de Courcy, chỉ huy quân Pháp, còn đề nghị dẹp bỏ luôn chế độ quân chủ đi và thôn tính luôn Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Hiệp chỉ còn biết nhân danh triều đình ký hòa ước chấp nhận bảo hộ của Pháp với niềm an ủi tuy bị tước hết chủ quyền, nhưng vẫn còn vua, như vậy nước Việt Nam vẫn còn tồn tại. [...]

Đang lúc lâm nguy, cả vua lẫn giới Văn Thân đều mong chờ vào sự giúp đỡ của thiên triều, nhưng Trung Quốc cũng bị Tây phương, trong đó có Pháp, đánh bại và phải chấp nhận ký những hiệp ước bất bình đẳng. [...]

Trong khi đó đất Bắc Kỳ không phải là hậu cần của nhà Nguyễn, và ở đó nhiều người còn quyến luyến nhà Lê, nên dùng danh nghĩa phục hưng nhà Lê luôn luôn có người hưởng ứng. Đây là một lo ngại lớn của triều đình Huế. Nhưng, trước mắt vua Tự Đức và triều đình, cũng như quân dân ở Bắc, sự giúp đỡ của Trung Quốc là rất cần thiết để chống lại quân Pháp và phục hưng các vùng đất đã bị mất. Chính vì thế, Việt Nam cần giữ Bắc Kỳ để thông thương với Trung Quốc. Quan niệm này ăn sâu trong tâm trí họ, và mãi đến năm 1885, lúc Trung Hoa ký hòa ước Thiên Tân với Pháp, công khai bỏ rơi Việt Nam, cả triều đình lẫn các Nho sĩ mới hiểu rằng ngay cả Trung Quốc cũng còn bị Pháp cưỡng chế dễ dàng thì mong chờ cứu trợ của Trung Quốc là chuyện mơ mộng hão huyền.

Trong việc này, cũng như trong sự lựa chọn chiến lược "thủ để mưu chiến", chung quy là vua, triều đình, cũng như giới Văn Thân, chỉ bang giao với Trung Quốc mà không hay biết gì về hệ thống bang giao quốc tế đang thông dụng giữa các quốc gia Âu châu, được quy định trong các công ước quốc tế về ngoại giao được chấp nhận tại Hội Nghị Vienna năm 1818 và sau đó. Theo hệ thống này (còn được áp dụng ngày nay) các quốc gia đều bình đẳng, trao đổi sứ thần với nhau, và các sứ thần này đại diện cho quốc trưởng của họ, được quyền đối xử kính trọng và miễn tố, cùng quyền diện kiến quốc trưởng sở tại. Phần khác các chính phủ sở tại có bổn phận bảo vệ sinh mạng và tài sản của công dân các nước khác ở trên đất mình; vi phạm điều này là xúc phạm đến "danh dự hay quyền lợi trọng yếu" và cho phép nước bị xúc phạm có lý do chính đáng để gây chiến.

Những quan niệm trên đây hoàn toàn xa lạ đối với vua, quan và giới Nho sĩ Việt Nam thời đó. Họ được đào luyện theo văn hóa Khổng giáo mô hình Trung Quốc. Họ chỉ quen thuộc với một hệ thống bang giao quốc ngoại theo chiều dọc, và chỉ một chiều : trên là Trung Quốc (Thượng quốc, nước lớn, mạnh hơn, văn minh hơn); dưới là Việt Nam (Phiên quốc, nhỏ hơn, yếu hơn, văn hóa kém hơn); dưới Việt Nam là các Phiên quốc nhỏ hơn, yếu hơn, văn hóa kém hơn (Cao Mên, Lào, tù trưởng các sắc tộc khác). Không có bình đẵng giữa các quốc gia, do đó không có đại diện tại kinh đô của nhau, chỉ có lệ Phiên quốc theo định kỳ gởi sứ sang cống phẩm vật cho Thượng quốc, và mỗi khi Phiên quốc thay đổi triều đại thì Thượng quốc phái sứ, có khi chỉ là viên chức cấp tỉnh, sang phong tước cho vua mới.

Cho nên ta thấy các vua từ vua Gia Long xuống, không chấp nhận tiếp sứ thần của các nước Tây phương, không cho họ diện kiến vua, và không chịu cho họ mở trú sứ quán ở kinh đô Huế. Cho đến sau khi ký hòa ước 1874 vua Tự Đức vẫn kiếm cớ thoái thác không tiếp sứ thần Pháp. Với các kiều dân Pháp và các giáo sĩ, vua quan ta cứ dựa vào "phép nước" để giết họ vì vi phạm các dụ cấm đạo.

Trong văn hóa Việt Nam, thương mãi là một lãnh vực bị khinh khi. Sự sắp loại theo thứ tự quan trọng sĩ, nông, công, thương. Chuyện trong xã hội Việt Nam thương mãi chiếm địa vị rất thấp là chuyện phổ cập. Trong các thế hệ trước, và ngay cả ngày nay, thành đạt thường có ý nghĩa là học thi đỗ làm quan-công chức hay chiếm những địa vị được xã hội quý nể - giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên - thay vì làm con buôn. Thành kiến của giới Nho học đối với thương mãi rất sâu.

Bá tước Kleckowski, tham vụ Tòa đại sứ Pháp ở Bắc Kinh, trong một cuộc tiếp xúc với hai thượng quan Việt Nam năm 1857, khi đề cập đến thương mãi, hai vị quan này nói : "Người Anh chết đói trên đảo của họ nên phải đi buôn khắp nơi. Điều đó dễ hiểu. Nhưng người Pháp ? Họ chỉ bịa chuyện, vì họ quá giàu để phải đi buôn, họ xấu lắm nên mới đi truyền bá tà đạo của họ, và đầu độc dân chúng tôi với những sai lầm tai hại của họ" (Tsuboi, sđd, tr. 60). [...]

Nếu ở cấp vua và triều đình, là cấp có nhiều cơ hội tiếp xúc với ngoại quốc, mà còn phản ứng tiêu cực như vậy, thì ở cấp thấp hơn, quan lại trung cấp và thấp, Nho sĩ, dân chúng không hề có dịp tiếp xúc với ngoại nhân, còn mù mờ hơn nữa. Có thể nói rằng lúc đất nước đang phải đối đầu với một loạt vấn đề mới thì cả nước như con cóc ngồi dưới đáy giếng khuôn mẫu Khổng giáo Trung Hoa.

(Còn tiếp)