CHÚA NHẬT THỨ III PHỤC SINH C

Nhiều người không tin vào ơn phục sinh đã phủ nhận sự phục sinh. Đối với họ, chẳng có Chúa nào sống lại, cũng chẳng có chuyện hiện hình sau khi chết. Các tông đồ và đoàn môn đệ của Chúa Giêsu đã khéo tưởng tượng. Có lẽ vì họ quá yêu thương Thầy, quá tiếc nhớ Thầy nên tâm trí họ lẩn thẩn, nhìn đâu cũng thấy bóng Thầy. Để phủ nhận việc thế giới Kitô giáo tin vào ơn phục sinh, nhất là tin vào Đấng sáng lập tôn giáo của mình đã phục sinh, người ta còn đi xa hơn khi cho rằng các tông đồ ảo giác về Chúa phục sinh. Nhưng các sách Tin Mừng, cơ sở của niềm tin Kitô giáo đều xác quyết Chúa đã phục sinh. Các sách đều nói đến ngôi mộ trống. Chúa Phục Sinh mà họ nhận thấy không là con người bất động, nhưng sống động; không câm nín, nhưng ngỏ lời, nhất là lời ban bình an và sai họ đi truyền giáo. Tất cả họ đều nhìn nhận Chúa Phục Sinh là con người thật, có thân xác thật, dấu đinh nơi tay chân, dấu lưỡi đòng nơi cạnh nương long vẫn còn rõ mồn một…

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và môn đệ của Người trên biển hồ Tibêria lúc trời rạng sáng càng là một minh chứng hùng hồn về niềm tin Phục Sinh. Ảo giác hay tưởng tượng thì không thể có tất cả những ưu điểm như mô tả:

- Suốt cả một đêm đánh bắt cá, họ không thu lượm được kết quả nào. Nhưng khi trời sáng, “Người Khách Lạ” đến với họ, ra lệnh cho họ rằng: “Hãy thả lưới bên phải thuyền, anh em sẽ bắt được cá”. Không phải người thật, làm sao có thể chỉ ra được bầy cá. Hơn nữa, sao không ảo giác lúc tối trời, mà là “khi trời sáng”. Trời đã sáng thì chắc khó ảo giác hơn lúc trời tối.

- Nếu là ảo giác, không lẽ cùng lúc, cả toán người trên thuyền đều ảo giác? Hơn nữa, cả thuyền đều nghe lời “Người Khách Lạ” cùng đồng ý thả lưới bên phải thuyền. Ngay sau đó lại là một sự thật hiển nhiên, một mẻ cá không thể kéo nổi hiện ra trước mắt họ. Kết quả của ảo giác lại là mẻ cá thật sao?

- “Người Khách Lạ” đã nhóm bếp, đã nướng cá, “có cả bánh nữa”, đã dọn một bữa điểm tâm cho tất cả những người trên thuyền đi đánh cá đêm trở về như một bà nội trợ. Đến thế mà còn cho là ảo giác mới là điều khó hiểu, mới là chuyện lạ.

- “Người Khách Lạ” còn cầm bánh và cá trao cho các ông. Không lẽ chỉ là người ảo giác lại có thể trao bánh thật?

- Rồi thầy trò cùng ngồi bên nhau, cùng ăn, cùng chia sẻ, không chỉ là những con cá nóng mới nướng, nhưng là chia sẻ niềm vui vô cùng sau những ngày thương đau của thập giá, của chết chóc, của máu, của nước mắt.

- Nhưng chưa hết, sau bữa ăn, “Người Khách Lạ” còn gọi Phêrô để chất vấn và trao nhiệm vụ cho ông. Người hỏi đi hỏi lại đến ba lần “Con có yêu mến Thầy không?”, buộc Phêrô phải ba lần đáp lại “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau mỗi lần đáp của Phêrô, Người đều trao nhiệm vụ cho Phêrô: “Con hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy”.

Quả thật, câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã làm sáng tỏ tính cách có thật về việc Chúa Giêsu sống lại. Đây không hề là ảo giác, là tưởng tượng. Nhưng đây chính là Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật đã làm người thật. Sau khi từ cõi chết sống lại, Người vẫn mang trên thân thể hiển vinh của Người y nguyên hiện trạng dấu của thập giá mà Người vừa mới trải qua.

Niềm tin Chúa Giêsu phục sinh không chỉ có bấy nhiêu bằng chứng. Cuộc đời còn lại của tông đồ đoàn, của các môn đệ càng là bằng chứng quý giá hơn. Tất cả những thị nhân ấy không ngần ngại dấn thân đến cùng để minh chứng cho niềm tin phục sinh mới là điểm đáng ghi nhận. Tất cả các ngài bất chấp mọi gian khổ, mọi thử thách, mọi bấp bênh để lang thang khắp mọi miền thế giới hân hoan loan báo cho thế giới biết Chúa của các ngài đã sống lại và sống đến vô cùng.

Bài đọc I (Cv 5, 27b-32.40b-41) hôm nay là một minh chứng. Từ những con người mới mấy ngày trước đầy yếu đuối, bạt nhược, thô thiển, nay lại mạnh mẽ, ung dung, đường hoàng, dõng dạc trước công nghị Dothái không hề pha lẫn một chút sợ sệt nào. Chính vì chân lý Phục Sinh mà các ngài đã “lột xác”, đã thay đổi đời mình, thay đổi não trạng của mình. Cái công nghị ấy đã từng giết Chúa Giêsu, cũng chính cái công nghị ấy đã nhiều lần bắt bớ các tông đồ, và ngăn cản các ngài không được rao giảng danh Giêsu, nhất là không được giảng về sự sống lại của Chúa Giêsu. Và nay, sau nhiều lần hết sức ngăn cản, cái công nghị ấy đã hạ lệnh đánh đòn các tông đồ. Nhưng càng bắt bớ, càng cấm cách, các tông đồ càng hăng say rao giảng và “lòng đầy hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu”. Trước sau gì các ngài vẫn mạnh mẽ khẳng định rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.

Chính vì vâng lời Thiên Chúa làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, tất cả các ngài không chỉ cống hiến thời gian, sức lực, sự nghiệp, sự ổn định… mà còn chấp nhận hy sinh đến cùng mạng sống mà các ngài có được. Tất cả các ngài đã chịu tử đạo vì Thánh Danh Giêsu.

Đó không là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin Phục Sinh sao? Không ai dại gì chết cho một điều không có thật. Chân lý Phục Sinh là một chân lý đời đời, không bao giờ thay đổi. Các tông đồ, rồi đến Hội Thánh qua mọi thế hệ vẫn tự hào ôm ấp niềm tin Phục Sinh để rồi sẵn sàng trao bao niềm tin ấy cho mọi con người, không trừ ai.