Lá thư Canada: CHUYỆN TÌNH CỜ

Ngày 12 tháng Ba, trong lúc phe các nhà quân tử chúng tôi mải mê bàn chuyện quốc sự và phe các người đẹp tíu tít nấu bếp thì anh John la lớn tiếng: Bà con ơi, đã có khói trắng trên nóc nhà nguyện Sistine ở Roma nè, đã có tân giáo hoàng ! Thế là cả làng bỏ hết mọi việc rồi dán mắt vào máy truyền hình. Giáo triều Roma đã làm cả thế giới đứng tim vì phải hơn một giờ đồng hồ sau khi có khói trắng thì vị tân giáo hoàng mới xuất hiện. Ai vầy nè? Nghe xướng danh thì mới biết đó là Hồng Y Jorge Bergoglio của nước Á Căn Đình. Thế là mọi điều tiên đoán đều sai hết. Các cụ còn nhớ tháng trước người Canada chúng tôi đoán rằng Hồng Y Marc Ouellet ở Quebec sẽ làm giáo hoàng không? Nay thì niềm hy vọng này đã tan biến. Thật đúng y như câu nói vẫn có ở Roma là vị hồng y nào bước vào phònh họp mà có dáng dấp giáo hoàng thì thế nào lúc bước ra sẽ vẫn là hồng y. Đức tân Giáo Hoàng không hề có trong danh sách tiên đoán. Trước ngày bầu, người ta đoán giáo hoàng sẽ là Hồng Y Scola của xứ Ý ở Âu Châu, hay Hồng Y Turkson xứa Ghana ở Phi Châu, hay Hồng Y Ouellet ở Bắc Mỹ, bây giờ các tiên đoán đều sai hết.

Chỉ mấy phút sau khi công bố tin mừng thì thân thế sự nghiệp của tân giáo hoàng được loan báo ngay. Tôi thích hệ thống tin học này quá. Nháy mắt là có liền. Theo nguồn tin của Roma thì vị tân giáo hoàng xưa nay nổi tiếng là sống đơn giản, khiêm nhường và yêu thương người nghèo. Khi làm Tổng Giám mục ờ Buenos Aires, ngài đã không sống trong biệt thự lộng lẫy dành cho chức vụ mà sống trong một căn hộ tầm thường với một ông cha già, đã di chuyển bằng xe bus, đã tự nấu ăn lấy. Xưa nay, trong 1.200 năm dài, các giáo hoàng đều gốc Âu Châu, nay Ngài là giáo hoàng đầu tiên gốc Mỹ Châu. Ngài nhận danh hiệu Francis, tiếng VN đọc là Phan Xi Cô, là tên một vị thánh sống phục vụ người nghèo ở Ý vào cuối thế kỷ 12, danh hiệu này xưa nay chưa hề có trong các triều đại giáo hoàng. Nhiều người tự hỏi phải chăng một mùa xuân mới đang tới ?

Toàn bộ dân làng đã ngồi trước máy truyền hình, mắt thì chăm chú xem các diễn tiến lịch sử đang xảy ra tại đền thờ St Peter ở Roma, và tai thì nghe lời diễn nghĩa của anh John. Mãi rồi dân làng mới nhớ tới bữa ăn tối, mới ngồi vào bàn ăn. Và mãi rồi chuyện tân giáo hoàng mới tạm chấm dứt. Và mãi rồi đề tài Ngày Lễ Mẹ vào tháng Năm mới được đem ra bàn.

Theo lệ làng thì phe liền ông chúng tôi sẽ phụ trách việc nấu ăn ngày Lễ Mẹ. Phe liền ông nấu ăn đãi phe liền bà. Trưởng ban tổ chức là ông ODP. Ông này tài ba và mưu trí y như ông Từ Hoè vậy. Chưa biết ông sẽ cho nấu những món gì. Phe các bà có vẻ nôn nóng lắm về thực đơn bữa ăn này. Chị Ba Biên Hòa giao hẹn trước là họ không thích ăn món thịt ngựa.

A, đây là lời yêu cầu vừa mang tính chất thời sự vừa gay cấn đây. Các cụ còn nhớ tháng trước bên Anh quốc đã ầm lên việc siêu thị bán thịt bò trộn thịt ngựa không? Từ việc ầm ĩ này, báo chí mới đi tìm hiểu và đã phanh phui ra nhiều điều kinh ngạc lắm, các cụ biết chứ? Ngay tại Toronto nay có chỗ công khai bán thịt ngựa, thế mà tôi không biết. Đó là nhà hàng La Palette ở đường Queen. Nhà hàng mang tên Tây, nhưng do chủ nhân là người nói tiếng Anh. Ông đầu bếp tên Brook Kavanagh cho biết ông vẫn nấu món thị ngựa với cà rốt và táo, thiên hạ ai cũng khen. Thịt ngựa ngon như thịt bò mà. Phóng viên báo Toronto Star bèn làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ngay trên đường, và ghi chép như sau: Anh Brian James, 23 tuổi: Tôi vẫn nhậu thị bò, thịt heo, thịt gà. Nếu ai mời món thịt ngựa, tôi sẽ ăn liền. Cô Kristen Corbet, 31 tuổi và ông Stephanie Nadler 50 tuổi, cả hai cũng trả lời y chang: Tôi ăn tuốt. Chỉ có anh Logan Thayalan, 30 tuổi là không ăn: Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên ăn thịt ngựa vì nó là con vật thân yêu, ai lại nỡ giết nó mà ăn thịt. Nhật báo Metro ngày 4 tháng Ba đã làm một cuộc phỏng vấn mở rộng. Báo này hỏi: Xin cho biết thịt con nào ngon nhất ? Kết quả: gà 132 điểm, bò 128 điểm, cá 125 điểm, heo 122 điểm, thỏ 92 điểm, kangaroo 72 điểm, ngựa 67 điểm, chó 0 điểm. Qua bảng cho điểm này thì ta thấy dân Canada ăn bất cứ thịt con nào, kể cả ngựa, trừ thịt chó mà thôi.

Nghe đến đây thì anh H.O. giơ tay phát biểu: Bảng xếp hạng trên đây không đúng. Bảng này cho thịt chó 0 điểm, tức là ở Canada không có ai ăn thịt chó cả. Điều này sai. Chúng tôi là dân Canada gốc Việt vẫn thích ăn thịt chó nè. Bạn tôi năm ngoái về thăm VN, khi sang đã mang lậu vào Canada một đùi thịt chó đông lạnh. Ông giấu cái đùi thịt chó này trong vali quần áo. Chời ơi, đùi thịt chó đông lạnh, khi về tới nhà thì nó hết đông lạnh, chúng tôi làm mấy món rồi nhậu ngay. Chời ơi, thịt chó VN luộc ăn với mắm tôm chanh ớt và riềng với lá mơ, ngon cách gì! Chời ơi, món nhựa mận thịt chó nấu với mắm tôm và riềng mẻ, nhậu với bún, ngon quên chết!

Xin tạm ngưng món thịt chó để trở về món thịt ngựa Canada. Theo thống kê thì nơi giết ngựa nhiều nhất để lấy thịt là tỉnh bang Alberta. Báo in hàng chữ lớn: Thịt ngựa số một ! Big Business in Alberta ! Năm 2007, vì chậm tiến, Hoa Kỳ đóng cửa các cơ sở sản xuất thịt ngựa. Canada thì vẫn tiếp tục và trở thành cơ sở sản xuất thịt ngựa lớn nhất Bắc Mỹ. Mỗi năm Canada nhập cảng 100.000 con ngựa từ Hoa Kỳ.Thịt ngựa Canada được xuất cảng sang Pháp, Nga, Tàu và Ý. Không nghe nói sang Hoa Kỳ. Cụ nào thèm thịt ngựa thì xin kính mời tới Canada nha. Nó được đánh giá là vừa ngon vừa bổ như thịt bò. Nên ăn các cụ ạ. Có tờ báo ở đây còn cho biết: Ở Canada khi hạ thịt, người ta chỉ lấy thịt, tim, lá lách, và miếng mỡ ở cổ ngựa. Mỡ này dùng làm mỹ phẩm cho các bà các cô. Họ dám vất cái ngầu pín đi, thật phí của trời và đáng tiếc hết sức. Một con ngựa nặng 500 kí lô, khi làm xong, phần xử dụng chỉ còn 350 kí.

Ông ODP nghe chị Ba Biên Hòa lo sợ về việc phe liền ông chúng tôi sẽ đãi món thịt ngựa, thì ông cười ha ha. Ông trấn an ngay: Ngày lễ của các bà thì phe liền ông chúng tôi phải làm cho các bà vui, không bao giờ dám làm cho các bà sợ. Xin các bà an tâm.

Và để chuẩn bị ngày lễ lớn đó thì ngay từ bây giờ, phe các nhà quân tử chúng tôi xin bắt đầu chương trình học tập về những cách để làm đẹp lòng các bà. Cách đầu tiên là phải biết sợ vợ. Tôi xin kể một câu chuyện của nhà văn Mây Cao Nguyên đăng trên báo Con Ong Texas số tết vừa qua. Bài báo rất dài, tôi chỉ xin trích một đoạn về gốc tích Sự Sợ Vợ, như thế này:

. .. Có một đôi vợ chồng được giải nhất trong cuộc thi’ Gia đình hòa thuận sau 60 năm chung sống’. Một phóng viên tờ báo đã phỏng vấn về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. Người chồng cho biết như sau: Đó là kinh nghiệm khi hai chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật. Nàng cỡi một con ngựa đi dạo. Khi con ngựa của nàng vấp ngã, nàng nhẹ nhàng nói: Một lần. Đi một đoạn đường nữa, con ngựa của nàng lại vấp ngã, lần này nàng vẫn nhẹ nhàng nói: Hai Lần. Khi con ngựa của nàng vấp ngã lần thứ ba, nàng im lặng rút súng ra và bắn chết con ngựa. Tôi thấy như vậy là tán ác quá liền lên tiếng phản đối thì nàng nhìn vào mắt tôi rồi nói: Một lần ! Từ đó chúng tôi luôn luôn sống hòa thuận suốt 60 năm qua…

Phe các bà nghe xong thì ai cũng ồ lên một tiếng lớn: Làm gì có chuyện đó!

Ông ODP thấy phe các bà chú ý theo rõi câu chuyện thì thích lắm. Ông nói tiếp: Lời khuyên các ông chồng rút ra từ câu chuyện này là;

Muốn cho yên cửa yên nhà

Vợ gọi chồng dạ, bẩm bà con đây

Nói đến đây xong thì ông ODP cười hắc hắc rồi nói lớn: Nào các ông trong làng, hãy giơ tay lên và cùng tôi hô lớn: Xin thề sợ vợ! Và các nhà quân tử đều hô: Xin thề. Hô xong thì cả làng bò ra cười. Vui qúa là vui.

Rồi cụ bà B.95 lên tiếng: Phe đàn bà chúng tôi xưa nay vẫn được coi là hiền lành và dốt nát, làm gì có bà vợ nào dữ tợn như cái bà bắn ngựa trong chuyện ông vừa kể đâu.

Anh John bèn lắc đầu rồi giơ tay xin ngắt lời Cụ B.95 ngay: Cháu không đồng ý về việc cụ bảo các bà vợ dốt nát. Không đâu. Cháu biết một câu chuyện dân gian chứng minh các bà VN thông minh vô cùng. Rằng có một bà già kia sống cu ky một mình và nhờ có vốn làm ăn ngày xưa nên bây giờ bà cụ sống ung dung và rủng rỉnh. Bọn cán bộ địa phương muốn làm tiền nên một hôm chúng bày cớ vào khám nhà. Chúng lục ra được một thùng nấu rượu ngày xưa nằm trong xó bếp. Chúng buộc tội bà dám nấu rượu lậu và lập biên bản buộc tội bà cụ phá kế hoạch rượu quốc doanh. Bà già nhất định không chịu.Thấy chúng mỗi lúc một hung hăng nên cuối cùng bà già nói: Tôi sẽ ký vào biên bản này nếu các anh lập thêm một biên bản nữa. Chúng hỏi biên bản về cái gì, bà già đáp tỉnh bơ: Biên bản ghi rằng các cán bộ đột nhập nhà tôi và định hiếp dâm tôi. Bọn chúng liền giẫy lên: Đâu, chúng tôi hiếp dâm bà hồi nào đâu ? Bà già liền nhìn mặt chúng rồi nói: Các anh buộc tội tôi nấu rượu lậu vì có dụng cụ nấu rượu, thế còn các anh, anh nào cũng có đầy đủ dụng cụ để hiếp dâm mà vào nhà tôi thì sao đây? Các anh chưa hiếp chứ không phải là không hiếp. Các quan cán bộ biết bà già thuộc thứ dữ không bắt nạt được bèn làm phép chuồn.

Phe liền ông chúng tôi thì vỗ tay râm ran vì cho là câu chuyện nghe rất có lý đã nói lên được sự thông minh của bà cụ, còn phe các bà thì cũng khen câu chuyện hay nhưng không thích bàn về chuyện hiếp dâm. Các bà xin nói sang chuyện khác. Chị Ba Biên Hòa xin trở về câu chuyện bầu giáo hoàng ở Roma vì còn đang nóng hổi. Ai cũng đồng ý. Cả làng lại miên man bàn luận. Nhân việc được xem nhiều diễn tiến ngoạn mục trên đài, người đẹp Cao Xuân bàn sang chuyện những phát minh kỳ diệu của ngành truyền thông hiện nay, từ điện thoại đến truyền thanh truyền hình. Cô nói: một biến cố cách xa nửa vòng trái đất mà chì ít giây sau thì cả thế giới đều biết, đều nghe, đều thấy. Qủa là phép lạ. Ai cũng gật gù với lời cô Huế.

Ông bồ chữ ODP là người phát biểu sau cùng. Ông xin đúc kết. Ông ca ngợi nhận xét của cô Cao Xuân rất chí lý. Quả thực ngành truyền thông đã đi những bước nhảy vọt, như những phép lạ. Nhưng không phải nó luôn luôn phục vụ tích cực. Nhiều khi nó có những phản ứng tiêu cực mà ta phải đề phòng. Tôi xin lấy một việc rất nhỏ mọn và cụ thể để chứng minh, như cái máy điện thoại chẳng hạn. Tôi biết có nhiều việc chết người do cái máy điện thoại gây ra.

Nghe đến đây thì ai cũng giật mình. Làm sao mà máy điện thoại có thể giết người được? Ông để cho dân làng ồn ào một lúc rồi ông mới cười hà hà:

Chứng cớ nhiều lắm. Điển hình số một là cái chết ngày 2.5.2011 của ông trùm Osama Bin Laden của nhóm khủng bố al-Qaeda. Sau biến cố 11-9-2001, Bin Laden trốn biệt tăm, Mỹ tài giỏi như vậy mà không hề tìm ra được chỗ anh ta ẩn náu. Mãi 10 năm sau, vì Bin Laden muốn ra một tuyên cáo gửi thế giới, anh ta liên lạc với một đàn em thân tín. Anh đã sơ ý dùng điện thoại, màng lưới tình báo Mỹ đã bắt được làn sóng này từ vệ tinh, và đã tìm ra nơi ẩn náu của Bin Laden. Bin Laden đã bị hạ sát.

Chuyện số 2 là chuyện cái chết ngày 20.10.2011 của Tổng Thống Muammar Gaddafi xứ Lybia. Khi thành phố Sirte căn cứ cuối cùng sắp bị thất thủ thì Gaddafi và đoàn cận vệ lên đường tháo chạy. Trên đường trốn chạy này, Gaddafi cho ghi âm lời tuyên bố của mình qua điện thoại vệ tinh để sau đó sẽ phát qua kênh truyền thông. Hệ thống tình báo của liên quân bắt được làn sóng điện thoại, đã phân tích và tìm ra nơi trú ẩn của ngài Gaddafi. Găddafi đã bị hạ sát.

Chuyện số ba là chuyện ông lãnh tụ Dzhokhar Dudayev của nước Chechnya trong thời gian chống Nga. Nga dùng tiền mua chuộc được một thân cận của Dudayev. Tên này cho biết Dudayev có thói quen chỉ huy dân quân bằng điện thoại vệ tinh. Cơ quan tình báo Nga liền giăng một màn lưới viễn thông định vị dày đặc, và cuối cùng đã bắt được tín hiệu, họ đã tổng hợp và phân tích, và cuối cùng là Dudayev bị lọt lưới.Vị kế nhiệm của Dudaev là Aslan Maskhadov cũng phạm một lầm lỗi tương tự, cũng chỉ huy bằng điện thoại vệ tinh nên cũng đã bị Nga bắt sống.

Thấy cả làng ai cũng chăm chú nghe, ông ODP bèn diễn nghĩa: Đó, bà con thấy chưa. Giá mà các ‘ vĩ nhân’ trên đây đừng động tới cái điện thoại, cần gì thì sai vợ con hay tay chân thân tín đi truyền lệnh bằng miệng, thì đâu có gặp thần chết.

Dân làng vỗ tay khen mấy chuyện hay qúa.

Mà chưa hết chuyện điện thoại đâu, ông ODP kể tiếp. Trên đây là chuyện điện thoại bên Tây, tôi còn có chuyện điện thoại bên ta, ly kỳ hơn nhiều. Đó là chuyện thày tử vi và tướng số nổi tiếng Huỳnh Liên ở Saigon. Trước 1975 thày Huỳnh Liên là một trong những thày coi tướng số rất đông thân chủ và rất giầu có. Cơ sở chính của thày ở đường Phan Thanh Giản Saigon. Thầy có tậu thêm một khu nhà vườn ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, để lâu lâu thày về đây tĩnh dưỡng với bà nhỏ. Sau 1975 thày cũng như nhiều thày khác tuyên bố bỏ nghè tướng số vì theo chinh thể mới thì tướng số bị xếp vào hạng mê tín. Thày về Lái Thiêu sống với bà bé. Được ít lâu sau, nghề xem tướng số được sống lai, vì người dân càng khổ thì càng tin vào tướng số. Ngay cả các quan cán bộ cũng mê coi tướng số. Một buổi sáng kia cái điện thoại trên lầu chẳng may bị hư, thày bèn sai bà vợ nhỏ về Saigon tìm mấy người cháu biết về điện lên sửa. Thày nghĩ phải nhờ con cháu sửa thì mới tin cậy được. Buổi chiều thì hai người cháu lên tới nơi và bắt tay làm việc ngay. Hai cháu cho biết bà vợ nhỏ của thày có việc nên sẽ về ngày hôm sau. Thày ra lệnh chị người làm bắt gà làm cơm đãi khách. Chị lui hui dưới bếp bỗng nghe có tiếng động khác thường trên gác bèn chạy lên coi. Lên tới nơi thì trời ơi, chị thấy một anh cháu đang dùng dây điện xiết cổ thày. Thày như đã tắt thở. Chị người làm bèn chạy xuống đường hô hoán. Cùng lúc đó có mấy xe dân quân từ chiến trường bên Cao Mên về tới nhà. Mấy anh dân quân bắn súng chỉ thiên báo tin chiến thắng cho bà con hay. Hai anh thợ trên lầu nghe tiếng súng nổ thì nghĩ rằng công an đang kéo tới vây bắt mình nên vội vàng bỏ chạy. Khi công an vào tới nhà thì thày Huỳnh Liên đã chết. Két sắt nơi thày cất dấu vàng bạc vẫn còn y nguyên. Đồ đạc trong nhà vẫn còn y nguyên. Chỉ có 2 anh thợ điện là biến mất. Công an cũng không phải mất công tìm kiếm hai kẻ sát nhân này vì áo ngoài của hai anh cởi ra lúc làm việc vẫn còn treo gần đó với đầy đủ căn cước và giấy tờ.

Việc này được tường thuật đầy đủ trên báo địa phương, tờ Sông Bé, số đầu tháng 10 năm 1992.

Được biết khi còn sống, thày không tin bà vợ bé bao nhiêu nên tay hòm chìa khóa thày luôn giữ bên mình. Và do vậy ai cũng thắc mắc là không biết bà vợ bé của thày có liên hệ gì tới việc giết nguời và định cướp của này không.

Rồi ông ODP kết luận: Một câu hỏi vẫn hiện ra trong đầu tôi là chả lẽ thày tướng mà không biết trước được cái số mình sẽ bị giết chết mà đề phòng sao? Và, giá mà cái điện thoại đừng có hỏng thì đâu có xảy ra vụ án. Nó không trực tiếp liên hệ tới cái chết của Thày Huỳnh Liên nhưng nó là nguyên nhân. Các bạn có đồng ý với tôi không?

Nghe ông ODP hỏi, bà cụ B.95 lên tiếng, bà không trả lời nhưng bà phát biểu: Các bạn ơi, nay trời đang vào xuân, giáo hội Công Giáo cũng đang vào xuân với tân giáo hoàng, xin các bạn ngưng chuyện chết chóc. Xin nói sang chuyện gì tươi mát mùa xuân đi. Anh John đâu, xin anh một tiếng cười nào.

Anh John đáp ngay: Cháu có chuyện ngày xưa học chữ Hán. Những bài học đầu rất vui vì ông thày bảo rằng thuở xưa chữ viết của Tàu là những chữ tượng hình, viết chữ mà như vẽ hình. Như chữ khẩu là miệng thì họ vẽ cái miệng, chữ nhật là mặt trời thì họ vẽ mặt trời, chữ nguyệt là mặt trăng thì họ vẽ mặt trăng. Học như thế này thì vui và dễ nhớ qúa. Bữa đó ông thày hỏi lại cháu là tiếng Anh có loại chữ tượng hình như vậy không, cháu nghĩ mãi mới chỉ tìm ra được hai chữ tượng hình trong tiếng Anh. Nghe đến đây thì cả làng ngạc nhiên hết sức, xưa nay chưa hề thấy sách vở nào nói về việc này. Để cho cả làng ngạc nhiên một chập rồi anh mới nói: Đây là phát hiện của riêng tôi. Hai chữ Anh-văn viết theo lối tượng hình là hai chữ này:

- eye là mắt. Đây rõ ràng là 2 con mắt có sống mũi ở giữa.

- Boob là vú. Rõ ràng cả 3 chữ đều vẽ bộ ngực đàn bà nhìn từ 3 hướng khác nhau: Chữ thứ nhất là B, hình 2 vú nhìn từ trên xuống. Rồi hai chữ tiếp theo là oo, đây là 2 vú nhìn thẳng trước mặt. Còn chữ thứ 3 la b. Đây là hai vú nhìn tử bên cạnh.

Lần đầu tiên nghe và thấy sự lạ thì cả làng thích quá, ai cũng vỗ tay khen cái anh chàng rể này thông thái qúa chừng. Và mọi người đòi nghe nữa. Anh John liền lắc đầu bảo anh hết chữ và hết chuyện rồi.

Làng bèn xin ông ODP chuyện thời sự. Ông bồ chữ ODP kể ngay: Ttn thời sự nóng hổi là tin bầu cử giáo hoàng ở Roma thì ai cũng biết rồi vì vừa xem trực tiếp truyền hình. Rồi tin cái anh Bắc Hàn điên khùng định chơi trò nguyên tử dọa thế giới thì ai cũng biết, chuyện này cũ rồi. Còn chuyện VN với cái màn CSVN xin dân góp ý sửa hiến pháp thì không có gì mới, vì ai cũng biết họ đang đóng kịch dân chủ để đánh lừa thế giới. Sức mấy mà họ dám sửa điều 4 hiến pháp, tổ sư của họ là ngài Nguyễn Minh Triết mấy năm trước đã nói rằng bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát. Bản chất của CS là dối trá và đánh lừa mà. Thôi, tôi bỏ qua mấy cái tin đã cũ rồi nha. Bây giờ tôi xin trình bà con một tin thời sự tôn giáo, còn nóng hổi, liên hệ tới vinh quang của người VN hải ngoại. Đó là tin Ông Trần Thái Hoàng ở San Jose vừa được bầu làm chủ tịch văn phòng trung ương của Phong trào Cursillo toàn quốc Hoa Kỳ. Các cụ có nghe tới tên Cursillo bao giờ chưa ? Thưa đây là một phong trào học đạo và sống đạo của Công Giáo, chủ tâm canh tân bản thân và xã hội. Chỉ giữ đạo bằng việc đi nhà thờ và đọc kinh thì chưa đủ. Phải chứng minh việc yêu Chúa yêu tha nhân bằng việc làm. Đây là một phong trào giáo dân sống đạo có tầm vóc quốc tế có gốc từ năm 1944 ở Tây Ban Nha. Hiện nay phong trào sống đạo này đã lan ra khắp thế giới. Tại Brazil, phong trào này có 3.5 triệu hội viên. Phong trào tới Mỹ năm 1962. Năm 1963 phong trào tới Canada và Phi Luât Tân. Phi Luật Tân hiện có một triệu hội viên. Từ Phi Luât Tân phong trào Cursillo đã vào VN năm 1965. Hiện ở Mỹ có hơn một triệu hội viên, sinh hoạt trong các giáo phận. Văn phòng điều hành trung ương đặt tại Texas. ÔngTrần Thái Hoàng, gốc thuyền nhân VN hiện ở San Jose, sẽ chỉ huy chương trình đạo đức này toàn thể nước Mỹ. Da trắng da đen da vàng gì cũng do ông chỉ huy hết. Xin chúc mừng ông Trần Thái Hoàng, tuổi trẻ mà tài cao đức trọng.

Tin thời sự cuối cùng là một tin rất nhỏ bé, rất địa phương nhưng tôi muốn đem trình bà con vì nó mang tính chất ‘rất Canada’. Đó là tin ông Nguyễn Đông, 55 tuổi, dân Canada gốc Việt, bị tòa Canada kết án vì dám hành hạ súc vật. Chuyện xảy ra từ mùa hè năm 2011: có 3 con sóc chạy vào phá vườn rau của ông. Ông dùng cái xẻng làm vườn đuổi đánh. Người hàng xóm trông thấy liền gọi cảnh sát. Cảnh sát tới ngay, họ lập biên bản và đem ông ra tòa. Ông phải hầu tòa nhiều lần vì hội bảo vệ súc vật lớn tiếng kết án ông tàn ác vì ông đã dám đánh chết một con, đánh gẫy chân một con, con thứ ba chạy thoát. Mãi đầu năm nay tòa mới kết thúc vụ án. Ông Đông phải nộp $1.365 cho cơ quan đã chữa trị cho con sóc bị ông đánh gẫy chân, và ông phải làm việc thiện nguyện 100 giờ cho một cơ quan cộng đồng. Bài học rút ra từ vụ án này là ở Canada bạn chớ có đụng đến con sóc con chồn, dù nó có chạy vào vườn của bạn. Bạn không muốn nó ở trong vườn thì bạn phải gọi điện thoại cho mấy cơ quan bảo vệ súc vật. Họ sẽ rước nó đi chỗ khác !

Kể đến đây xong thì ông ODP xin chấm dứt phần tin thời sự. Thấy dân làng còn muốn nghe thêm nữa nên Chị Ba Biên Hòa lên tiếng: Các chuyện bác kể bao giờ cũng hấp dẫn. Xin bác vui lòng kể tiếp, chuyện gì cũng được. Ông ODP không lắc đầu nhưng ra dáng suy nghĩ tìm chuyện. Chị Ba liền gợi hứng: Kỳ tết vừa qua tôi thấy bác có một thùng lớn báo xuân, vừa báo ở Canada, vừa báo ở Âu Châu vừa báo ở Mỹ. Trong cái núi báo tết này bác thích bài nào nhất ? Mắt ông ODP tự nhiên sáng lên. Ông bảo câu hỏi của chị đã giúp tôi tìm ra câu trả lời. Và ông ODP thao thao ngay. Rằng trong cái rừng báo tết này tôi thích nhất bài viết của nhà văn tiền chiến Ngọc Giao ( 1911- 1997) mà báo Saigon Nhỏ của bà Hoàng Dược Thảo ở California đã trích đăng lại. Nhà văn Ngọc Giao nói về gốc tích của bài thơ nổi tiếng ‘ Hai sắc Hoa Ti Gôn’ của T.T.Kh. Lời này khác hẳn lời nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vũ Ngọc Phan ( 1907- 1987 ) khi giới thiệu bài thơ nhiều huyền thoại này.

Theo Vũ Ngọc Phan: Cửa toà soạn sắp đóng thì một người đàn bà có nét đẹp rất buồn, bận bộ áo dài đen, mang kính đen, vào đặt bản thảo lên bàn thư ký rồi ra đi, lẳng lặng không một lời…

Theo nhà văn Ngọc Giao thì toà soạn nhận bài thơ trên đây là tòa soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội. Năm 1937 ông đang làm việc ở tòa soạn này. Ông Ngọc Giao viết rằng: hôm đó đã đến giờ tan sở, văn phòng chỉ còn lại 2 người là nhà văn Trúc Khê và ông. Trúc khê thì còn mải mê với việc dịch cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ nên chưa về, còn ông đã đứng lên, ra gần tới cửa thì nghe tiếng kèn đám ma ngoài đường. Xưa nay ông vẫn sợ tiếng kèn buồn thảm này nên ông ngồi xuống cái ghế chờ cho đám tang đi qua hẳn rồi mới ra về. Trong lúc chờ cho đám tang đi qua thì ông nhìn quanh chỗ ngồi, ông ghé mắt nhìn giỏ rác ở dưới chân. Ông thấy một tờ giấy vo lại. Ông tò mò cúi xuống lượm lên coi. Đây là trang giấy vở học trò, chữ viết bằng bút chì, chữ đậm chữ nhạt, chép một bài thơ. Càng đọc bài thơ càng hút hồn ông. Cái gì vầy nè ? Bài thơ hay thế này mà tại sao lại bị ném vào giỏ rác. À, ông hiểu rồi. Xưa nay theo lệ thì các bài gửi đăng báo thì phải viết trên giấy hẳn hoi và phải viết bằng bút mực, bài này chép trên giấy học trò và bằng bút chì, nên chắc anh thư ký đã cho là không trúng cách nên không thèm đọc, anh đã vo lại và ném vào giỏ rác vất đi. Nhà văn Ngọc Giao đã đem bài thơ vào cho Trúc Khê đọc và Trúc Khê cũng cho là bài thơ hay hết sức. Ngọc Giao liền gọi ông thợ in lên và dặn rằng phải in ngay bài thơ này.

Vậy bây giờ ta tin Vũ Ngọc Phan hay Ngọc Giao? Lời giới thiệu của Vũ Ngọc Phan là lời chung chung, lời viết dựa theo ý bài thơ. Lời thơ buồn thì ông tưởng tượng ra tác giả mặc áo đen, đeo kính đen… Và không thấy chỗ nào ghi Vũ Ngọc Phan làm việc ở Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Nếu có thì nhà văn Ngọc Giao phải nói tới chứ. Còn lời giới thiệu của Ngọc Giao thì chứng tỏ ông là ngườc trong cuộc, người cầm bài thơ từ giỏ rác lên, người đã trao đổi ý kiến với nhà văn Trúc Khê, người đã tự tay giao cho thợ in.

Văn đàn VN xin cám ơn đám tang. Nếu không vì tiếng kèn ò e buồn thảm khiến Ngọc Giao phải nén ở lại tòa soạn thì làm gì ông lượm được bài thơ xuất sắc này.

Cuộc đời có nhiều chuyện tình cờ, tình cờ mà hóa đại sự, phải không cơ?

TRÀ LŨ