Chưa năm nào làng An Lạc của tôi ăn tết vui như năm nay. Đó là do công ông trưởng ban tổ chức tài ba và giầu kinh nghiệm, Ông Từ Hoè. Ông bây giờ là hội viên viễn cư nhưng ban đầu thì ông ở Toronto với Cụ Chánh tiên chỉ, ông là một trong những người đã lập ra làng này. Ngay từ đầu ông đã giữ việc tổ chức lễ tết cho làng. Biết mọi người nhớ mong nên năm nay ông về làng 3 tuần để vui chơi ăn tết với mọi người. Việc đầu tiên là ông dựng cây nêu giữa sân. Năm nào ông cũng bảo cây nêu là một nét văn hóa VN. Trên ngọn là một chùm chuông khánh. Mỗi lần có cơn gió to thổi thì chùm chuông khánh này kêu leng keng, tiếng leng keng này làm chúng tôi nhớ quê hương VN hết sức. Cụ già B.95 nghe tiếng chuông khánh từ cây nêu, cụ thường bảo làng ta đang mời tổ tiên về ăn tết. Dựng nêu xong thì ông lo việc gói bánh chưng và bánh tét, và chương trình ăn tết trong làng bắt đầu. Dân làng ai cũng nô nức tham gia, ai cũng muốn tỏ ra mình vẫn còn nhiều cái gốc Việt Nam trong tim và trong đầu, ai cũng muốn đến chung tiếng cười. Trong khi tham gia việc gói bánh và nấu bánh thì dân làng đã nói bao nhiêu chuyện, toàn những chuyện vui cười, phần lớn nói về con heo vì năm mới là năm Kỷ Hợi , năm của nhà Chú Thím Hợi mà. Ông Từ Hoè với quyền trưởng ban ra lệnh : Năm nay phe ta mừng tết Con Heo thì chỉ được nói chuyện về con heo thôi nha và được nói thoải mái nha. Nói xong câu này thì ông quay về phía Cụ già Bắc Kỳ B.95 rồi cười hì hì : Cháu có ý nói con lợn đấy, cụ ạ. Cháu tuy gốc Hà Nội Bắc Kỳ ngày xưa, nhưng năm 1954 vô Nam rồi cái chất Nam Kỳ nó thấm vào người, nó biến cháu thành người Saigon, lúc nào cũng nghĩ mình là dân Saigon,nói ngôn ngữ Miền Nam nhiều hơn là ngôn ngữ Miền Bắc. Cháu thường nói tiếng Heo nhiều hơn là tiếng Lợn...Cụ có thích chuyện con heo không cơ ? Cụ B.95 đáp ngay : Thích lắm, xin bác bắt đầu đi. Thế là Ông Từ Hòe thao thao liền.

Theo tử vi thì ai sinh vào năm heo, tức năm hợi thì có số nhàn nhã, vui vẻ, hạnh phúc, tiền bạc rủng rỉnh. Người ta đã làm những con heo đất để đựng tiền để dành. Con heo đất này là biểu tượng sự rủng rỉnh, có của ăn của để. Con heo là tiếng Miền Nam, còn con lợn là tiếng Miền Bắc. Ta gặp 2 tiếng này trong nhiều câu ca dao tục ngữ, như :

- Giàu nuôi chó, khó nuôi heo

- Đầu gà má lợn

- Mập như heo

- Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng

- Nuôi heo thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng

- Chăn lợn 3 năm không bằng nuôi tằm một lứa

Con lợn cũng bị dùng làm tiếng chửi : bẩn như heo, đồ mặt lợn... Và ngôn ngữ chúng ta còn đi xa hơn, con heo còn chỉ tình dục, vì họ nhà heo rất say sưa việc này. Phim con heo là phim sex, tài tử chính không phải con heo con lợn mà là liền ông liền bà.

Về mặt phong tục dân gian thì ông bà mình vẫn nói ‘ dần thân tỵ hợi tứ hành xung’ có nghĩa rằng những ai sinh vào năm con cọp, con khỉ, con rắn và con heo thì không hợp nhau. Lấy vợ lấy chồng thì phải kiêng những tuổi này.

Nói đến đây thì tự nhiên tôi nhớ tới câu chuyện đọc trên mạng của nhà văn Hưng Yên. Chuyện mang tên ‘Con cọp yêu qúy của tôi’. Xin tác giả cho phép tôi được kể chuyện này để tặng những ai mang tuổi con heo và con cọp. Rằng có anh con trai tuổi con heo yêu cô gái tên Hương tuổi con cọp. Hai người yêu nhau đắm đuối và họ có ý định tiến đến hôn nhân. Mẹ anh biết được, bèn la : Gái làng này thiếu gì sao mày không lấy mà mày lại đòi lấy cái con tuổi cọp ấy? Mày tuổi lợn mà bu lại cưới vợ tuổi cọp cho mày thì có khác nào bu giết mày ?! Anh con trai tâm sự : Hương kém tôi 3 tuổi, trông cứ mơn mởn, mỗi lần gặp nàng là tôi chỉ muốn cắn cho một cái ! Bà mẹ thì dứt khoát không cho lấy vì bà luôn bảo rằng ông bà đã dạy: có thờ có thiêng có kiêng có lành. Bố anh con trai thì trung lập và có vẻ ngiêng về phiá cho con trai tuổi heo và ưng cho anh lấy cô gái tuổi cọp. Ông nói với vợ : Nó đã nhất dịnh như thế thì mình cứ đi hỏi con đó cho nó. Biết đâu thằng này chẳng hơn người ta, tôi nghe kể heo rừng mà thuộc loại ‘lăn chai’ thì cọp cũng chả làm gì dược’. Bà mẹ thì dứt khoát không, bà luôn bảo : Ai lại đi cưới con gái tuổi dần về cho con mình, có mà điên !

Chàng trai đang sống trong tình trạng đau khổ này thì bỗng vị cứu tinh hiện ra. Đó là một ông cậu, em của mẹ từ Hà Nội về chơi ăn tết. Ông này là người có ăn học và uy tín. Vừa bước vào nhà thì ông cậu đã thấy bà chị đang bù lu bù loa, còn thằng cháu thì mếu máo nức nở. Ông hỏi đầu đuôi sự việc. Nghe xong, ông cậu cười cười rồi hỏi cháu : Cháu định lấy cái con Hương ở xóm Giữa chứ gì? Vừa rồi đi đường cậu cũng gặp nó, con này được, đã thắt đáy lưng ong lại còn mảnh mày hay hạt...Rồi ông quay vào bà chị : Chị mà được đứa con dâu như thế là qúy lắm rồi, còn đòi chi nữa! Còn cái vụ tuổi tác, hạp với không hạp, nó xưa quá rồi chị ơi ! Cứ tin vào mấy ông thày bói thì có ngày phải đổ thóc giống ra mà ăn, hoa hồng không trưng đi trưng hoa cứt lợn à...

Ông cậu là người có học, nói câu nào chắc nịch câu đó. Cậu ở chơi vài ngày rồi về tỉnh. Cuối năm đó, anh con trai rước được con cọp yêu qúy về nhà.

Và sau này, anh con trai đã sung sướng kết luận : Không vào hang hùm sao bắt được cọp, quả đúng như vậy. Tôi không chỉ vào hang hùm một lần, mà đã mò mẫm vào nhiều lần. Cứ thế, rỉ rả tôi khều ra được gần một tá cọp con, con nào con nấy đều rất dễ thương, còn con cọp mẹ thì càng ngày càng hiền khô à !

Ông bồ chữ ODP nghe chuyện đến đây thì góp ý : Chuyện vợ chồng là chuyện duyên số, chuyện ông trời đã định, không ai cãi lại được. Chuyện anh tuổi heo trên đây lấy được cô tuổi cọp là do ông trời đã định như vậy. Cần chứng minh ư? Tôi xin kể chuyện một ông quan lấy một cô ăn mày. Rằng có một thư sinh kia nghe ở đình làng có một ông thày tướng nói đúng như thần nên đã ra coi. Thư sinh hỏi ông thày tướng là về sau anh sẽ cưới ai. Ông thày xem mặt xem tay anh một chập rồi chỉ cô ăn mày đang ngồi trong xó đình : Về sau anh sẽ lấy cô kia làm vợ. Nghe xong thì anh thư sinh giận ông thày lắm vì chàng sắp đi thi, một tương lai huy hoàng đang hiện ra trước mặt, lẽ nào anh lại lấy con bé lọ lem kia làm vợ. Đêm đó anh nảy ra một ý : phải trừ hậu họa, anh phải diệt nó. Thế là nửa đêm anh lẻn ra đình, tìm một hòn đá lớn đến đập vào đầu con bé cho nó chết luôn. Xong việc về nhà, anh tiếp tục học hành, rồi ít lâu sau anh đi thi. Khóa đó anh đỗ cao và được bổ làm quan. Rồi anh lấy vợ. Vợ anh rất đẹp, là con gái một quan đại thần. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, giầu sang phú qúy. Một hôm cô vợ trẻ đẹp của anh gội đầu, anh thấy trên đầu vợ có một vết thẹo rất lớn, liền hỏi. Cô vợ cứ thực kể lại, rằng ngày xưa thiếp mồ côi cha mẹ, phải đi ăn mày, đêm về ngủ trong xó đình. Một đêm kia có một tên ăn trộm trốn vào đình, nó thấy thiếp nó sợ thiếp tố cáo nên nó bèn lấy cục đá lớn đập vào đầu thiếp rồi bỏ chạy. Máu chảy chan hòa, thiếp lăn ra bất tỉnh. Việc này đến tai quan phủ. Quan động lòng thương cho cứu chữa và mang thiếp về dinh nuôi dưỡng. Vì quan không có con nên quan đã nhận thiếp làm con nuôi. Quan đó chính là cha thiếp bây giờ. Nghe xong thì ông quan trẻ là thư sinh ngày xưa đã té ngửa, ông không ngờ lời thày tướng ngày xưa đúng như vậy.

Xin hết chuyện duyên số trời định và xin tiếp chuyện con heo.

Thấy chuyện con heo viết trên mạng hay qúa, ông Từ Hoè cũng xin góp chuyện. Ông không kể chuyện thời nay, mà chuyện thời xưa, cách đây 100 năm. Không phải ông bịa mà là chuyện do một nhà văn uy tín kể, chuyện có chép trong sách rõ ràng. Đó là chuyện Cụ Trương Vĩnh Ký kể chuyện cô gái bán heo.

Rằng có chị liền bà xồn xồn kia gánh hai con heo đi chợ bán. Dọc đường gặp một gã liền ông có máu dê theo tán tỉnh. Gã lên tiếng : Giá mà ai kia cho mình hun cái chéo áo một cái thì mình sẽ cho 5 quan. Chị bán heo nghĩ bụng : cho hun chéo áo thì không hại gì, liền cho. Gã kia hun xong liền mở túi áo trao 5 quan ngay. Đi một chặp gã kia lại lên tiếng : Giá mà ai kia cho bóp vú một cái thì mình sẽ cho 5 quan nữa. Chị liền nghĩ chỉ cho bóp vú thì cũng chẳng hại gì, liền cho. Anh kia bóp xong liền mở túi lấy ra 5 quan trao ngay. Đi một chặp nữa gã kia lại lên tiếng : giá mà ai kia cho mình ‘múm vô vàm’ một cái mình sẽ cho chục quan. Chị kia nghĩ múm vô vàm một chút cũng không hại chi, liền chịu. Gã liền ông liền dẫn chị vào bụi bên đường, múm vô vàm một chút rồi lấy ra, đưa chục quan, xong việc ra đi như thường. Đang lúc chị đàn bà ngây ngất lòng dạ như lửa đốt, gã máu dê kia lại lên tiếng : Giá mà ai kia cho mình vô sâu chút nữa mình sẽ cho 20 quan.. Chị kia chịu liền. Thế là hai bên lại dắt nhau vô bụi cây. Anh ta chỉ cho vô nửa chừng rồi lấy ra ngay, và trao 20 quan. Lại lên đường. Lần này anh chàng mắc dịch kia đi lên phía trước. Chị xồn xồn liền đuổi theo rồi nói : Cho vô hết đi, mình cho luôn cặp heo này. Anh ta làm y lời. Lúc anh ta định lấy ra thì chị ta kéo ghì anh ta xuống rồi nói : Thôi làm cho thẳng bữa đi, rồi về nhà tui cho luôn cả con heo mẹ... Chuyện chép năm 1914.

Cụ Vương Hồng Sển, một học giả lão thành Miền Nam, đọc xong chuyện này thì thấy hay nhưng thấy lấn cấn về 3 tiếng ‘ múm vô vàm’ nên ra tay tìm hiểu. Cu tra Tự Điển Khai Trí Tiến Đức thì thấy MÚM là mím môi làm cho má phồng lên. Cụ chưa thỏa mãn, cụ tra thêm Tự Điển Huỳnh Tịnh Của thì MÚM hay MẤM là châm vào, chớm vào. Còn VÀM là cửa sông, miệng sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Tra xong và hiểu xong 3 chữ ‘Múm Vô Vàm’, Cụ Vương phá ra cười và tỏ vẻ hả hê quá sức. Cụ hết lấn cấn, cụ hiểu rõ ràng hành động của anh chàng máu dê kia với chị bán heo nhiều máu xấu này. Hoá ra anh ta đã vào sâu trong hang cọp...

Ông Từ Hoè nghe Cụ Trương Vĩnh Ký và cụ Vương Hồng Sển gọi cửa thiên đàng của phái nữ là ‘Vàm’, là cửa sông, thì không chịu cái tên này. Ông bảo nó quý như vậy sao lại gọi là cửa sông! Bây giờ nó có nhiều tên đẹp lắm, như cửa thiên đàng, tam giác vàng, tam giác hồng, nghe thơ mộng biết bao. Cha ông ta ngày xưa còn nói hay hơn nữa :

Người xinh cái dáng cũng xinh

Người dòn cái tỉnh tình tinh cũng dòn.

Các bạn nghe rõ chưa, những tên mỹ miều trên đây thì chỉ là cái tên, con cái tên trong câu ca dao ‘ cái tỉnh tình tinh cũng dòn’ vừa là tên cũng vừa là cung điệu âm nhạc, vừa là phẩm chất thức ăn. Sao mà tổ tiên ta tài giỏi như vậy !

Xin hết ý về danh xưng của cái Vàm để nghe tiếp chuyện học giả Vương Hồng Sển. Việc múm vô vàm gay cấn trên đây làm cụ Sển liền nhớ tới chuyện ngày xưa còn trẻ khi cụ làm thư ký cho Tòa Sứ Pháp. Chính cụ kể : cụ ngồi chung phòng với Dương Văn Minh cũng chức thư ký như cụ, đây chính là Dương Văn Minh đã đảo chính cụ Diệm năm 1963 và đã đầu hàng VC năm 1975. Anh thư ký Vương Hồng Sển phụ trách bàn công văn. Để phân biệt các loại văn thư, trên bàn anh để 3 tấm bảng lớn ghi Entrée, Sortie, Urgent. Sợ nhiều người không hiểu nên anh ghi thêm hàng chữ Việt nhỏ ở dưới là CHO VÔ, CHO RA, CHO RA LUÔN. Cụ và Dương Van Minh thường nhìn mấy chữ tiếng Việt này mà cười hằng ngày. Cụ kết luận về việc này nhân chữ Múm Vô Vàm trên kia, rằng ta muốn hiểu thanh cũng được mà hiểu tục cũng được, nó tùy theo hoàn cảnh, tục ở chốn phòng the và thanh ở chốn nha môn văn phòng, tuy nó vẫn là nó.

Ông Từ Hoè kể đến đến đây thì bình luận: Cụ Sển đã nói sai khi bảo rằng tục ở chốn phòng the. Trong phòng the thì không có việc gì là tục cả, các bạn có đồng ý với tôi về ý kiến này không. Tôi quên tên của một danh nhân đã nói câu lịch sử này. Để đền việc quên này, nhân năm con heo, tôi xin kể một chuyện khác, chuyện đề cao tình nghĩa vợ chồng.

Rằng một cặp vợ chồng heo kia yêu nhau rất tha thiết. Ban đêm con heo đực lúc nào cũng thức để trông coi cho con heo cái ngủ. Nó sợ thừa lúc chúng ngủ say thì người ta sẽ đến bắt con heo cái đi xẻ thịt. Nhờ thế mà con heo cái được ăn được ngủ thoải mái nên càng ngày càng béo càng trắng, nhưng cũng vì vậy mà con heo đực càng ngày càng gầy đi vì mất ngủ.

Rồi một hôm heo đực tình cờ nghe được lời ông chủ bảo ngưới nái heo là ông muốn làm thịt con heo cái béo tốt này để ăn tết. Nghe xong, con heo đực buồn vô cùng, và từ hôm đó trở đi nó bỏ hẳn thóí quen nhường ăn và canh ngủ cho con heo cái. Nó mập ra và to lớn hơn trước.

Rồi ngày tết gần kề, ông chủ dẫn anh nái heo đến. Lúc định bắt con heo cái thì ông thấy nó gầy còm còn con heo đực thì béo tốt, ông liền đổi ý. Con heo đực đã chết thay cho con heo cái là vợ nó. Ông thần bếp đã làm tờ trình với Ngọc Hoàng : Nó hy sinh chết thay người yêu.

Ngoài ra, xưa nay chúng ta chỉ thấy con heo là nguồn thực phẩm cho các bữa ăn mà ít ai biết rằng con heo còn có thể biến hóa vào cơ thể chúng ta nữa. Khoa học đã chứng minh một số bộ phận của con heo có thể được sử dụng để thay thế những bộ phận hư hỏng của con người. Đây là phương pháp thay thế bộ phận, y khoa gọi là ghép dị chủng, xenotransplantation.

Xin hết chuyện heo, để nói chuyện bàn thờ tổ. Năm nay trên bàn thờ tổ tiên, ông Từ Hoè đã xếp đĩa trái cây theo kiểu của ông, xưa đĩa trái cây thường gồm 4 loại qủa mang nghĩa ‘cầu vừa đủ xài’, ông Từ Hoè đã nói với cả làng : cầu vừa đủ xài thì cầu làm gì, cầu cho năm mới phải dư xài chứ. Do đó ông chỉ xếp có 3 loại qủa : Trái mãng cầu, trái dưa và trái xoài, tổ tiên sẽ hiểu ý chúng ta là ‘cầu dư xài’, và cho dân làng ta dư giả. Chúng ta có dư thì sẽ có phương tiện giúp đỡ những người bần hàn ở quê hương, những em thiếu nhi phải lội suối đi học, những dân làng đói khổ và bệnh tật ở miền Bắc...Cả làng vỗ tay râm ran.

Chưa hết, năm nay ngoài bánh chưng bánh tét đem về, ông Từ Hoè còn tặng cho mỗi dân làng một bức tranh. Các cụ có đoán ra là bức tranh gì không cơ ? Thưa là bức tranh ‘Con Lợn’ của họa sĩ nổi tiếng Đông Hồ ngày xưa. Các cụ nhớ bức họa này rồi chứ? Hình con heo mẹ da trắng hồng, béo tốt, con mắt lim dim, cái mõm tủm tỉm cười, và năm chú lợn con, con xanh con đỏ con trắng con tím con vàng chen chúc dưới chân. Toàn bức tranh nói lên sự hạnh phúc của một gia đình sung mãn, dư xài.

Năm mới Kỷ Hợi, kính chúc các cụ đầy hạnh phúc, nhà cụ nào cũng có con heo đất đầy tiền rủng rỉnh ...

TRÀ LŨ