Mọi năm mùa Giáng Sinh bắt đầu từ tháng Mưòi Hai, năm nay tại Toronto thành phố lớn nhất Canada này, mùa Giáng Sinh đã bắt đầu ngay từ trung tuần tháng Mười Một, khởi sự từ cuộc diễn hành rước Ông Già Santa Claus từ ngoại biên vào thành phố. Đây là một lễ hội văn hóa truyền thống, với bao nhiêu xe hoa, bao nhiêu ban nhạc, bao nhiêu đoàn thể. Điều đặc biệt là tất cả mọi người tham dự, từ ông già bà già đến các đấng con nít nhi đồng, ai cũng tươi cười, gặp nhau là ai cũng ôm hôn rồi chúc Merry Christmas. Cả một thành phố 3 triệu dân này đã bừng lên những tiếng reo hò. Ông già Santa Claus ngồi trên xe cao chót vót, luôn luôn vẫy tay chào mọi người, và nói lời chúc mừng lễ Giáng Sinh và năm mới. Tôi thấy em bé nào cũng đều hướng về ông già Santa Claus với những nét nhìn đắm đuối. Chắc em nào cũng đang nghĩ trong đầu đây là ông già sẽ chui ống khói mang quà xuống cho mình đêm Giáng Sinh đây.

Cả làng An Lạc của tôi vẫn theo truyền thống là đi xem cuộc rước vui vẻ này. Tôi nói là xem thôi chứ không tham gia vào việc chạy nhảy theo ông già. Ai cũng mang áo thật ấm và cái ghế xếp để ngồi chờ ông già, ông già đi lâu lắm, những 3 giờ đồng hồ lận.

Sau lễ diễn hành này, làng An Lạc của tôi về nhà anh chị John ăn trưa, vui vẻ quá sức. Cái vui thứ nhất là làng được gặp nhau đủ mặt và có bao nhiêu chuyện vui để nói, cái vui thứ hai, không ai nói ra, nhưng ai cũng sướng, đó là nghiệp đoàn bưu điện đã đình công mấy tuần, nay được lệnh quốc hội phải đi làm trở lại từ ngày 27 tháng Mười Một. Nghiệp đoàn bưu điện hiện có tới 50.000 nhân viên, 8.000 ở nông thôn và 42.000 ở thành phố. Ngày xưa khi tôi mới đến Canada thì được một người bạn Canada cho biết : Ở Canada bạn không phải sợ cái gì cả, trừ mấy nghiệp đoàn bưu điện và xe bus. Chị Ba Biên Hòa chủ nhà nói : Phải vậy chứ, tháng 12 là tháng mọi người gửi quà gửi thiệp cho nhau, chẳng lẽ năm nay các anh bưu điện trói tay chúng tôi sao ?

Ở Canada có một biệt lệ rất hay về việc các thư gửi Ông già Santa Claus. Các em bé nhi đồng vừa biết viết là nhiều em viết ngay cho ông già để xin quà, bao thư chỉ cần đề ‘ kính gửi Ông Già Santa Claus ở Bắc Cực’ và không cần dán tem, là thư tới tay ông già liền. Canada có một bộ phận nhận các loại thư này, thư nào đặc biệt sẽ được phúc đáp. Bởi đó mới sinh ra một câu chuyện nổi tiếng vẫn còn truyền miệng ở đây. Rằng có một em bé kia cha mẹ nghèo lắm, em liền viết thư cho ông già kể cảnh đói rách và xin ông cho 100 đồng. Nhân viên bưu điện đọc thư này ai cũng cảm động và thương em bé nên họ đã hùn tiền làm quà phước thiện. Và họ chỉ hùn được 70 đồng mà thôi. Rồi họ gửi tiền này theo ngả bưu điện. Một tuần sau thì họ nhận được thư thứ 2 em bé gửi Ông Già Santa Claus. Em viết lời cám ơn và thêm lời này : Lần sau Ông có gửi tiền cho con xin ông đừng gửi qua bưu điện vì nhân viên bưu điện đã ăn cắp tiền. Ông gửi 100 mà con chỉ nhận được 70.

Ông ODP bồ chữ nghe tôi kể chuyện này thì cười hà hà rồi nói : Chuyện này có gốc từ Mễ Tây Cơ, của nhà văn nổi tiếng Gregorio Lopez Fuentes, mang tên ‘A Letter to God’. Truyện được nguyệt san Reader’s Digest 1974 chọn đăng trong tập ‘ The Great Short Stories of the World’. Chuyện kể anh nông dân Lencho nghèo đói sắp chết đã viết thư cho Thượng Đế xin cứu. Một nhân viên bưu điện đã đọc bức thư này, đã xúc động, và đã hô hào bạn bè góp tiền giúp Lencho, nhưng chỉ góp được 70 đồng. Nhận được tiền qua bưu điện, Lencho nổi giận, anh nghĩ rằng chắc Thượng Đế cho 100 chẵn chứ không cho lẻ 70, anh viết lá thư thứ hai cũng gửi Thượng Đế, anh nói rằng anh chỉ nhận được 70 đồng, còn 30 đồng thì bọn bưu điện khốn nạn đã ăn cắp...

Cụ Chánh tiên chỉ của làng nghe xong liền nói : Thì gốc truyện ở dưới Mexico, nó lên tới Canada thì nó phải biến thể chút ít chứ. Ai cũng cười xòa và phục cái bộ óc thông thái của bác ODP.

Chuyện thời sự thứ hai là Canada vừa phát hành tiền giấy polymer $10 mới. Đồng tiền này mang hình bà Viola Desmond. Bà này gốc Da Đen, bà là một trong những lãnh tụ chống kỳ thị đen trắng ở Canada. Khi xưa bà đã bị đuổi khỏi rạp hát chỉ dành cho da trắng ở bang Nova Scotia. Bà Desmond đã được chọn từ một danh sách dài hơn 10.000 tên những người nổi tiếng bị kỳ thị.

Nước Canada này lớn quá và nhiều chuyện quá, tôi đến Canada từ năm 1975 mà bây giờ mới nghe chuyện bà Viola Desmond và nạn kỳ thị đen trắng, cũng y như chuyện nghề dắt chó, dog walk, mà tôi mới biết. Các cụ có nghe nói về nghề này bao giờ chưa ? Năm ngoái trong một buổi nhậu, tôi nói chuyện với cả làng rằng ở Canada sao có người nuôi nhiều chó qúa, vì hằng ngày đi bách bộ, tôi thấy nhiều người dắt chó đi bộ, không phải một con mà nhiều con. Có lần tôi đếm thì thấy một ông dắt tới 7 con chó lận. Anh John nghe xong thì cười hà hà. Anh bảo cái ông dắt 7 con chó đó không phải là chủ nhân đâu, ông ta được người ta thuê dắt đấy. Ở Canada, những ai nuôi chó thì đều yêu chó như con. Người biết đi bộ thì cũng phải cho chó đi bộ chứ, cũng như phải cho chó ăn thức ăn ngon, cho chó đi tỉa lông, cho chó đi bác sĩ... Nhiều chủ nhân không có thời giờ và có sức khoẻ nên đã thuê người dắt chó đi bộ thay cho mình. Nghề này cũng lắm công phu, phải được học hỏi về chó, biết cách cho chó ăn, cho chó đi cầu, biết cách chụp ipad lúc chó đi bộ gửi về cho chủ nhân để chủ nhân an lòng... Nghề này cũng làm ra nhiều tiền, mỗi giờ dắt một chú chó đi bộ, công những 20 đô đấy các cụ ạ.

Chuyện thời sự tiếp theo là tin cháy rừng ở California. Nói là cháy rừng vì nó phát xuất từ rừng chứ các đám cháy đã lan vào thành phố, thiêu rụi mấy ngàn căn nhà, bao nhiêu người chết, thiệt hại không biết bao nhiêu tiền của. May mà nhờ các trận mưa lớn nên mới hết, chứ nếu để sức người thì coi như vô phương. Bên Canada này chúng tôi nghe tin Ông Hoàng Kiều một tỷ phú VN và chủ nhân công ty Lee’s Sandwiches của người VN đã cung cấp thực phẩm miễn phí và dài hạn cho nhiều nạn nhân và cảnh sát cùng nhiều lính cứu hỏa, chúng tôi bên này nghe tin ai cũng vui và hãnh diện về những hành động cứu trợ này. Xin hoan hô và bái phục tấm lòng bác ái của quý vị.

Một tin thời sự nữa cũng rất Canada, đó là thủ tướng Justin Trudeau của Canada, đã tới viếng mộ của bà cố ngoại 4 đời của ông ở Singapore. Họ ngoại của ông bắt đầu từ bà mẹ Margaret Sinclair, người vợ đầu tiên của cựu thủ tướng bố Pierre Trudeau. Tổ 4 đời là Thiếu tướng William Farquhar, thống đốc người Anh ngày xưa ở Singapore, 1819-1823. Lăng mộ hai cụ tổ này vẫn còn ở Singapore. Nhân dịp thủ tướng Justin Trudeau tới Singapore dự hội nghị quốc tế ASEAN, ông đã tới viếng mộ và dâng hương. Chuyện cá nhhân nhưng đã gây sự kính nể của nhiều người.

Mấy Cô Huế trong làng đòi nghe chuyện thời sự VN, ông bồ chữ ODP kể ngay : Chuyện VN thì thiếu gì, các cô cứ mở Youtube ra là có đầy. Trong cái đầy này thì mình phải biết chuyện nào là thực chuyện nào là giả. Theo tôi thì tin về ông Trịnh Xuân Thanh là có thực và hay nhất: Cứ theo phát ngôn của các ngài CSVN thì ông Thanh tự ý từ Đức về VN đầu thú, ông bị bỏ tù, và rồi ông đã trốn khỏi tù mà trở lại Đức. CSVN đã cho diễn vở kịch này hay như chuyện trinh thám vậy, trong khi chính quyền Đức thì không chịu tin như vậy . Họ bảo các anh tầm bậy, các anh sang nước chúng tôi bắt người trái phép rồi đem về VN xử tội, nay thấy chuyện này không trôi nên muốn trả lại Ông Thanh cho chúng tôi. Và các anh đóng kịch bảo ông ta trốn tù rồi chạy trở lại Đức... Chưa biết rồi sau đây vở kịch sẽ kết thúc như thế nào. Theo ông ODP thì CSVN đã thành công 100% trong việc răn đe các người chống đối : Các anh không thể chạy trốn bàn tay của Đảng. Hãy xem gương Trịnh Xuân Thanh. Đảng muốn bắt thì các anh trốn ở đâu Đảng cũng sẽ biết và sẽ bắt được , các anh có mà chạy lên trời!

Nghe đến đây thì Bà cụ B.95 xin ngưng chuyện về CSVN vì nhức đầu quá. Mấy Cô Huế thì thưa với ông bồ Chữ ODP : tháng 11 là tháng về cõi âm, xin bác kể các chuyện ma. Ông ODP xưa nay vẫn chiều ý mấy cô Huế. Ông liền trả lời ngay: Xưa nay lão gìa này không tin có ma, chưa hề gặp ma trong cuộc đời , mà chỉ gặp ma trong sách vở báo chí. Có một chuyện ma mà tôi rất thích và rất nhớ, vì đây là chuyện liên hệ tới tôi. Rằng ngày xưa còn bé tôi là đứa học trò hợm hĩnh, luôn luôn cho mình là thần đồng học giỏi. Năm đó trong tỉnh có cuộc thi lớn, tôi đi thi mà trong lòng tin rằng mình sẽ đoạt giải. Bài thi như thế này : Em hãy đọc câu chuyện sau đây và cho biết chuyện này khuyên ta điều gì, và tìm một câu ca dao hay tục ngữ thích hợp với lời khuyên đó.

... Đây là chuyện ông Dương Phủ trong sách Cổ Học Tinh Hoa. Rằng ông Dương Phủ rất hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng một buổi kia ông nghe bên đất Thục có Võ Tề là bậc đại sư rất đông môn sinh, ông bèn bỏ cha mẹ rồi lên đường tầm sư học đạo. Đi được nửa đường thì Võ Tề gặp một lão tăng. Lão tăng mới bảo Dương Phủ rằng gặp được Võ Tề cũng chẳng bằng gặp được Phật. Dương Phủ liền hỏi Phật ở đâu. Lão tăng trả lời : Anh cứ trở về, hễ gặp ai mặc áo có sắc như thế này và đi đôi dép kiểu này thì đó chính là Phật. Ông tin lời lão tăng nên đã quay trở về vì ông rất muốn gặp Phật. Suốt dọc đường ông không hề gặp một ai như lão tăng đã tả. Khi về tới nhà thì trời đã tối, đêm đã khuya. Ông bèn lên tiếng gọi cửa. Mẹ ông còn thức, nghe tiếng ông gọi thì mừng qúa bèn khoác vội chiếc áo mền và loạng quạng xỏ ngược đôi dép rồi cầm đèn ra mở cửa. Dương Phủ trông thấy me lúc đó đúng là hình dáng Đức Phật mà lão tăng đã tả.

Ông ODP kể tiếp :Tôi đọc câu chuyện này cả chục lần, suy nghĩ rất lung, rồi viết câu trả lời như sau : Bài này có ý khuyên ta không nên đi chơi đêm. Câu tục ngữ thích hợp là ‘Đi đêm có ngày gặp ma’. Tôi nộp bài thi rồi hân hoan ra về vì nghĩ mình sẽ trúng giải vì tôi là thần đồng không thể nghĩ sai được ! Ngày công bố kết quả, tôi không trúng giải mà thằng Tý hàng xóm trúng. Bài của nó được đăng lên báo. Câu trả lời của nó hoàn toàn khác câu của tôi. Nó trả lời thế này : Truyện Dương Phủ có ý khuyên ta : Cha mẹ ở nhà chính là Phật, ta chẳng cần đi mộ Phật đâu xa. Câu ca dao thích hợp với truyện này :

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu

Sự thất bại này đã làm tôi tỉnh mộng và mở mắt, có lẽ Đức Phật đã giúp tôi mở mắt. Tôi đã tỉnh mộng và biết rõ rằng tôi rất dốt, không phải thần dồng. Và tôi đã bắt đầu làm lại cuộc đời. Tôi được hạnh phúc như ngày nay là do cuộc tỉnh mộng đổi đời trên đây.

Nghe xong lời tự thuật kể về chính đời mình của ông ODP thì cả làng đã vỗ tay râm ran. Nhưng mấy cô Huế chưa thỏa mãn, mấy cô hỏi : Chúng em xin kể chuyện ma cơ mà, trong chuyện chẳng thấy con ma nào cả. Ông ODP trả lời ngay : Vị cao tăng hiện ra với Dương Phủ trong truyện không phải dưới dạng ma là gì. Chính Đức Phật lấy dạng một cao tăng để hiện ra với Dương Phủ cho Dương Phủ bớt sợ. Dương Phủ thấy việc gặp cao tăng trên đường là chuyện bình thường... Hai cô Huế liền chắp tay vái ông ODP rồi nói : Chúng em bái lậy sư phụ đã mở mắt chúng em, sư phụ cũng giống y như vị cao tăng đã mở mắt Dương Phủ.

Ông ODP thấy hai cô Huế này dễ thương quá, bèn nói tiếp : Các cô muốn chuyện ma thì đây là 2 câu chuyện ma Canada mà tôi mới đọc trên báo :

Chuyện 1 . Tối đó, một cô gái trên đường về nhà đã gặp một chàng trai cũng đang lững thững đi bộ. Cô gái lên tiếng : Anh có thể đi với em đi qua nghĩa trang trước mặt được không? Chàng trai gật đầu rồi nói : OK, em hãy đi theo Anh, anh cũng đi về đó. Cô gái cám ơn rối rít. Chàng trai đáp ngay : Không có chi, lúc còn sống anh cũng sợ ma y như em...

Chuyện thứ 2 : Một đêm kia có một chàng trai đi ngang qua một nghĩa trang. Bỗng anh nghe thấy tiếng lục cục từ nghĩa trang phát ra. Anh ngoái cổ nhìn vào thì thấy có ông già đang đục cái gì trên bia mộ. Anh ta nói vọng vào : Ông làm cái gì giữa đêm khya thanh vắng như thế này, ông làm cháu nghĩ là ma. Ông già liền đáp : Lão phải lên sửa mấy chữ trên mộ bia vì con cháu đã đề sai. Lão nằm ở dưới không thể chịu được cái sai này.

Và ông ODP xin hết chuyện ma. Cô Huế Tôn Thất nghe xong liền khen hai chuyện hay nhưng cô bảo như vậy thì từ nay bọn em không ai dám đi ngang qua nghĩa trang ban đêm vì thế nào cũng gặp người cõi âm.

Liền sau đó thì trong nhà bếp vang ra tiếng cười. Chị Ba Biên Hòa nói lớn tiếng : Như vậy là anh mắng vốn bọn liền bà chúng em nha. Cụ Chánh trên phòng ăn hỏi vọng xuống : Chuyện gì thế? Mời Chị Ba lên đây kể cho cả làng nghe. Chị Ba liền đi lên và kể rằng cái anh H.O. vừa kể chuyện về con ruồi . Rằng bữa ấy có bà vợ ở dưới bếp gọi chồng đang xem TV trên phòng khách. Anh chồng trả lời rằng mình đang phải đập ruồi. Vợ hỏi : Anh đã đánh được mấy con rồi? Ông chồng đáp : Đưọc 5 con, 2 con đực và 3 con cái. Nghe thấy thế, cô vợ liền hỏi : Làm sao anh biết được là ruồi đực với ruồi cái ? Anh chồng đáp tỉnh bơ : Khó gì! Con nào đậu ở miệng ly bia của tôi thì là con đực, còn con nào đậu ở cái phôn của em thì rõ ràng nó là con cái !

Nghe xong, cả làng lại bò ra cười, và tự nhiên quên được chuyện ma rồi chuyển sang chuyện nam nữ. Vui qúa sức. Rồi mấy bà mấy cô quay vào anh John, chàng rể da trắng trong làng, xin anh kể chuyện anh học tiếng Việt ngày xưa. Anh nói ngay : Chuyện này dài và nhiều loại lắm, bữa nay đang trong mùa Giáng Sinh tôi xin kể chuyện tôi thán phục tiếng Việt. Cái tên XMAS ngày xưa tôi nghĩ là tên tiếng Anh, ai dè tôi học tiếng Việt thì mới biết : cái gốc của nó là tiếng Việt, đó là lời cầu khấn xin Thiên Chúa mang ánh sáng và các ân sủng đến, đúng y như lời sách thánh Isaia đoạn 9 câu 1 .

XMAS = Xin Mừng Ánh Sáng + Xin Mưa Ân Sủng

Nghe anh John nói xong, tự nhiên cả làng ai cũng chắp tay thưa Amen.

Kính chúc các cụ Mùa Giáng Sinh và năm mới 2019 đầy ánh sáng và ân sủng.

TRÀ LŨ