NGƯỜI VIỆT-NAM KHAO KHÁT HÒA BÌNH



Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành Thông Điệp ‘Pacem in Terris’ (Hòa Bình trên Thế giới, ban hành ngày 11.04.1963), trong đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề nghị Hòa Bình phải được xây dựng trên sự thật, công lý, tình yêu và tự do, khi viết ‘Sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 01.01.2003’, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại và giải thích: « Điều kiện cần thiết của hòa bình, tức là bốn yêu sách chính xác của trí khôn con người: chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Chân Lý làm nền tảng cho hòa bình nếu tất cả mọi người ý thức cách lương thiện rằng, ngoài những quyền lợi của mình, mình cũng có những bổn phận đối với kẻ khác. Công Lý sẽ xây dựng hoà bình nếu mỗi người tôn trọng cách cụ thể những quyền lợi kẻ khác và ra sức thực hiện trọn vẹn những bổn phận mình đối với kẻ khác. Tình Yêu sẽ là chất men hòa bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần. Sau hết, sự Tự Do sẽ nuôi dưỡng hoà bình và làm cho hòa bình sinh hoa quả nếu, trong việc chọn những phương tiện để tới đó, các cá nhân theo lý trí và can đảm gánh lấy trách nhiệm những hành vi của mình. »

Trên Quê hương yêu dấu Việt-Nam, tại Giáo phận Nha Trang, năm 1969, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’ năm 1969, đã viết: « Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái. »

Tại thủ đô Hà nội, từ mười tháng nay, tín hữu Công giáo vẫn cầu nguyện trên phần đất mà Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã mua hầu xây nhà thờ cho bổn đạo Giáo xứ Thái Hà để dâng Thánh Lễ và kinh nguyện. Nhưng, chánh quyền địa phương tìm cách chia đất đai đó cho những công việc riêng tư. Do đó, các cuộc cầu nguyện hiệp thông với Giáo xứ Thái Hà lan rộng khắp 26 Giáo phận Việt-Nam và trên khắp thế giới, những nơi có người Việt-Nam sinh sống.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Thông điệp Hòa Bình 01.01.1968 đã hô hào: « Chúng ta hãy sẳn sàng võ trang thứ khí giới đặc biệt cho Hòa Bình: đó là Cầu Nguyện.» Ngài tin tưởng nhờ đó mà có những cuộc ‘canh tân thiệng liêng và chánh trị’.

I. CHÂN LÝ hay SỰ THẬT.

“Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8-32).

Theo thư của DCCT Việt-Nam gởi cho các Linh mục Việt-Nam ngày 30.08.2008, chúng ta được biết: « Vào năm 1928, Đức Cha Francois Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội, đứng tên mua giúp Dòng Chúa Cứu Thế một lô đất, khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng với tổng diện tích 61.455m2. Sau đó, DCCT đã đứng tên sở hữu là Les Pères Rédemptoristes (xem bằng khoán điền thổ số 42, ngày 16/8/1944).

Năm 1943, Nhà Dòng chuẩn bị xây dựng Nhà thờ (đã có bản vẽ và giấy phép xây dựng của Thành phố Hà Nội) trên khu đất mà hiện nay Công Ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng. Tuy nhiên, từ năm 1943-1946, xảy ra chiến tranh liên miên, và nhất là nạn đói 1945, việc xây dựng Nhà thờ đã không thể thực hiện được.

Ngày 22.05.1944, Đức Giám mục Francoise Chaize đã làm giấy nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Trên mảnh đất này, Nhà Dòng đã xây dựng Tu viện, Học viện, Nhà đệ tử, Nhà nguyện và các cơ sở khác. »

Theo dỏi sự kiện này trên Xa lộ thông tin, chúng ta thu lượm những dữ kiện khác như sau:

1.- Ngày 20.07.1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt-Nam (Hiệp định Genève) ký giữa thiếu tướng Henri Delteil thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương và ông Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ Quốc phòng VNDCCH để chia đôi Việt-Nam thành hai quốc gia.

Khi đó, đa số các linh mục, tu sĩ DCCT Thái Hà di chuyển vào miền Nam đất Việt. Các Cha Giuse Vũ ngọc Bích, Denis Paquette và Thomas Côté, cùng các Thầy Clement Phạm văn Đạt và Marcel Nguyễn tấn Văn còn lưu lại. Họ sống dưới sự đối xử khắc nghiệt của nhà nước vô thần và chẳng mấy chốc đã phải chịu bách hại dã man. Ngày 07.05.1955, Thầy Văn bị bắt. Bốn năm sau, ngày 09.07.1959, Thầy qua đời trong lao tù cộng sản. Cha Paquette bị trục xuất ngày 23.10.1958. Một năm sau, Cha Thomas Côté cũng bị trục xuất. Thầy Clement Đạt bị bắt hôm 09.10.1963 và qua đời trong một trại giam tại Yên Bái ngày 07.10.1970. Cha Giuse Bích đã phải điều hành Giáo xứ một mình.

Bất chấp những phản đối đến cùng của Cha Bích, nhà cầm quyền Hà nội đã chiếm đoạt từng bước miếng đất này, từ 61.455 m2 giờ đây chỉ còn 2.700 m2. Họ đã sửa đổi Tu viện thành bệnh viện Đống Đa và phân phối, bán chác bất hợp pháp nhiều diện tích khác cho các công ty quốc doanh (xí nghiệp Dệt Thảm Len) và các viên chức chính quyền. Ngày 25.03.1994, xí nghiệp này được sáp nhập vào Công ty May Chiến Thắng. Sau đó, Công ty này biến đất chiếm của Giáo xứ Thái hà thành đất tư nhân. Hiện nay phần đất này đã có nhiều tư nhân cư trú. Đặc biệt từ giữa năm 2006 Công ty này bắt đầu cho đập phá các công trình vốn có trong khu vực mà trong đó có một số là do Giáo xứ Thái Hà xây dựng trước đây.

2. Ngày 18.08.1996, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã gửi đơn khiếu nại tới Chính quyền về việc Xí Nghiệp Dệt Thảm Len bán khu đất đó cho Công Ty Cổ Phần May Chiến Thắng. Nhưng Cha Bích đã không nhận được một trả lời về giải quyết nào từụ phía Chính quyền.

Những năm sau đó, DCCT và Giáo xứ Thái Hà tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền đề nghị chính quyền tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ. Nhưng, 12 năm đã trôi qua, chưa bao giờ các cơ quan Nhà nước đã nghiêm túc thực hiện những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của DCCT và Giáo xứ Thái Hà.

3. Ngày 05.01.2008, giáo dân nhận thấy Công ty cổ phần May Chiến Thắng vi phạm trên khu đất đang tranh chấp: phá các cơ sở của DCCT, làm đường, tiến hành xây dựng, và phản đối. Công an yêu cầu bà con giải tán và sẽ buộc Công ty May Chiến Thắng dừng thi công. Tin lời công an, giáo dân ra về. Sáng Chúa Nhật 06.01.2008, giáo dân phát hiện các cảnh sát, với roi điện, súng cắm lưỡi lê, đang triển khai đội hình bảo vệ khu đất đã chiếm dụng cho Công ty Chiến Thắng thi công trái phép.

Ý thức đây là tài sản chung của Giáo Hội, tức tốc bà con giáo dân điện báo cho nhau kéo ra khu đất bị chiếm dụng để bảo vệ và phản đối bằng cách dựng lều bạt, treo ảnh tượng và cầu nguyện bên ngoài khu đất này.

Trước sự bức xúc của giáo dân trong Giáo xứ, ngày 07.01.2008, Ủũy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ra công văn số 104/UBND-VX và, ngày 08.01.2008, lại ra tiếp công văn 122 UBND-ĐCNN, trong đó có quyết định lập Đoàn Thanh tra Liên ngành, để ‘kiểm tra, xác minh làm rõ và thông báo kết quả tới nhà thờ’. Tuy nhiên, trong tư cách là một chủ thể có liên quan quyền lợi và trách nhiệm, Giáo xứ Thái Hà đã không được có đại diện trong Đoàn Thanh tra Liên ngành và cũng không được Đoàn Thanh tra gặp gỡ, trao đổi.

Ngày 11.04.2008, Đoàn Thanh tra mời một số đại diện Giáo xứ ra Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Các đại diện Giáo xứ đã mạnh mẽ phản bác các kết luận tạm thời này. Đoàn Thanh tra cho rằng: « Ngày 24.10.1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý và việc Giáo Xứ đòi lại/xin lại đất đai mà Công ty Chiến Thắng đang quản lý là không có cơ sở để giải quyết. » Đại diện Giáo Xứ Thái Hà hỏi lại: « Chính quyền nói ngày 24.10.1961 Cha Bích mới giao đất cho nhà nước, tại sao ngày 30.01.1961 chính quyền đã có quyết định giao đất cho Xí nghiệp Dệt Thảm Len Đống Đa, tức là 10 tháng trước khi cho rằng cha Bích đã ký giấy bàn giao? » và khẳng định rằng chính quyền đã chiếm dụng đất của Giáo Xứ mà không hề có giấy tờ, và, giấy bàn giao do Cha Vũ Ngọc Bích ký là giả mạo. Cho đến khi qua đời, Cha Vũ Ngọc Bích không bao giờ ký giấy hiến phần đất nầy cho nhà nước quản lý và nhà nước cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu khu đất nầy, nên nó vẫn thuộc quyền sở hữu của DCCT và Giáo Xứ Thái Hà.

Trong khi Giáo xứ Thái Hà chờ nhận bản kết luận chính thức của Đoàn Thanh tra thì, ngày 30.06.2008, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 2476/QD-UBND. Trong quyết định đó UBND TP Hà Nội nói rằng: “Ngày 24.10.1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý nhà, đất) đã ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước”.

Ngày 14.08.2008, nhân ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, giáo dân đã cung nghinh tượng Mẹ vào ngự tại khu đất và đặt tượng Mẹ chính tại nơi xưa kia Nhà Dòng và Giáo xứ đã cung hiến cho Mẹ. Cuộc cung nghinh ấy đã không hề bị bất cứ cản trở nào từ phía lực lượng bảo vệ tại Công ty May Chiến Thắng và từ phía các cán bộ an ninh, không có bất cứ biên bản vi phạm nào được lập.

Ngày 15.08.2008, nhận thấy bức tường đối diện với tượng Mẹ có nguy cơ sụp đổ do trận mưa kỷ lục tại các tỉnh Miền Bắc vừa qua, có thể gây những tai nạn đáng tiếc cho người giáo dân tới cầu nguyện, anh chị em giáo dân đã gỡ bỏ, tạo một lối đi thông thoáng thuận tiện cho việc vào cầu nguyện. Chiều cùng ngày, dưới sự chứng kiến của các vị lãnh đạo địa phương và các cán bộ an ninh, các giáo dân trong Giáo xứ đã cung nghinh Thánh giá và một tượng Mẹ lớn hơn vào khu đất, đặt trên một bể nước, và cũng không có bất kỳ biên bản vi phạm pháp luật nào được lập.

Sau nhiều lần được cho là ‘tài liệu mật’, ngày 26.08.2008, UBNDTP Hà Nội đã gửi công văn số 680/UBND-NNĐC về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm 4 bản phóng ảnh để chứng minh cơ sở cho việc chiếm đoạt đất đai của mình, dựa theo Nghị quyết 23/2003/QH11.

Ghi chú: Nghị quyết 23/2003/QH11 có hai điểm pháp lý đáng tranh luận:

- bất hợp pháp vì vi phạm nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp vì luật chỉ có hiệu lực trong tương lai mà thôi;

- bất hợp hiến vì trái với Hiến Pháp, là một bộ luật tối cao trên tất cả các bộ luật, các quyết nghị vv… Hiến Pháp và Luật Pháp nước CHXHCN Việt-Nam minh thị về việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu bất động sản của người dân. Nếu Luật đất đai năm 1993 được áp dụng, thì Quốc Hội không cần ra Nghị Quyết số 23/2003/QH11 nêu trên.

Thật đáng tiếc, Việt-Nam không có một cơ quan như Viện Bảo hiến hay Tối cao Pháp viện để phán quyết tính cách bất hợp pháp, bất hợp hiến hay không của nghị quyết này.

4. Quyết định 2476/QD-UBND trên được DCCT và Giáo xứ Thái Hà cho là thiếu cơ sở pháp lý và không tôn trọng sự thật.

a.- Các chứng cứ của UBND TP Hà Nội không có tính cách thuyết phục là Cha Vũ ngọc Bích đã ký giấy hiến phần đất nầy cho nhà nước quản lý:

1. Quyết định cho rằng cha Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao cùng một miếng đất qua 5 văn bản vào những thời điểm khác nhau:

- Ngày 24.10.1961, “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao toàn bộ nhà đất (trừ Nhà thờ) sang Nhà nước quản lý để thực thi Thông tư số 73/TTg ngày 07.07.1962 (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008). Làm sao “Linh mục Bích” biết sẽ có Thông tư số 73/TTg ngày 07.07.1962 để ký thực thi Thông tư đó vào ngày 24.10.1961 ?

Ghi chú: Thông tư số 73/TTg ngày 07.07.1962 qui định về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị. Như vậy, khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng với tổng diện tích 61.455m2 không chịu sự chi phối của Thông tư nói trên vì đây không là đất cho thuê, vắng chủ hay bỏ hoang.

- Ngày 09.11.1961, “linh mục Bích” lại kê khai toàn bộ nhà đất do mình đang quản lý trên 6 ha? (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008)

- Ngày 10.11.1961, “Linh mục Bích” lại kê khai bàn giao tiếp khu đất trên qua Nhà nước quản lý, kể cả nhà thờ vì toàn bộ chỉ hơn 60.000m2. (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008)

- Ngày 24/11/1961 “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao khu đất Thái Hà đất sang Nhà nước quản lý trên diện tích khoảng 60.000m2 (Theo công văn số 1784/TNMT&NĐ-CS ngày 7/5/2008 của Sở Tài nguyên MT).

- Ngày 27/5/1963 (con số này bị sửa chữa), tức là hai năm sau, “Linh mục Bích” lại tiếp tục có đơn xin bàn giao qua nhà nước thống nhất quản lý với tổng diện tích hơn 60.000m2. (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008).

Do đó, một viên chức Thành phố Hà nội đã nói với nhân viên thuộc quyền giữ lại một tờ, còn xé các tờ khác đi.

b.- và Nhà Nước cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu khu nhà đất của DCCT và Giáo xứ Thái hà. Khu nhà đất này không được cho thuê thì không bị quản lý theo các chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, qui định bởi Nghị định số 19-CP ngày 29.06.1960 của Hội đồng chính phủ về chính sách đối với việc cho thuê nhà của tư nhân ở các Tỉnh, Thành phố và thị xã.

Ngoài ra, nếu ngày 24.10.1961, “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao toàn bộ nhà đất (trừ Nhà thờ) sang Nhà nước quản lý thì không cơ quan Nhà nước nào đem biên bản bàn giao này trước bạ theo qui định của Sắc lệnh số 85-SL ngày 29.02.1952 của Phủ Chủ tịch nước VNDCCH và sang tên trong địa bộ và sổ thuế. Vì chưa sang tên trong địa bộ, khu nhà đất vẫn thuộc quyền đứng tên sở hữu là Les Pères Rédemptoristes (xem bằng khoán điền thổ số 42, ngày 16.08.1944).

II. CÔNG LÝ hay CÔNG BẰNG.

1. Linh mục Giuse Vũ ngọc Bích, CSsR, đã bị các viên chức cộng sản Thành phố Hà nội đối xử bất công:

Ngày 18.08.1996, Cha đã gửi đơn khiếu nại tới giới cầm quyền về việc Xí Nghiệp Dệt Thảm Len bán khu đất của Giáo xứ Thái Hà cho Công Ty Cổ Phần May Chiến Thắng. Nhưng Cha Bích đã không nhận được một trả lời về giải quyết nào từ phía Chính quyền cho đến khi Cha được gọi về Nhà Chúa năm 2004. Việc làm này đã trái Hiến pháp năm 1992 nơi Điều 74: “Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh”.

Cha Bích rất biết mình chỉ là người quản lý và quyền sở hữu khu nhà đất thuộc về DCCT, nên làm gì có chuyện Cha đã ký những văn bản giao bất hợp lệ đó. Vì không ký những văn bản giao nhà đất của Giáo xứ Thái Hà đó, nên, Cha đã mạnh dạn gửi đơn khiếu nại vào ngày 18.08.1996.

Nghe cuộc nói chuyện giữa Cha Bích và một cựu đệ tử vào ngày 14.3.2003, chúng ta sẽ thấy Cha Bích không ký một văn kiện nào cả:

Cựu Đệ Tử: Sau khi chỉ còn một mình cha thì năm nào họ lấy nhà dòng, nhà đệ tử?

Cha Bích: Cũng năm 1959, khi Cha Coté đi rồi, nó vào và nói là bây giờ chúng tôi thiếu trường học, ở đây không còn các Cha, nhà rộng, chúng tôi xin mượn, chỉ nói miệng vậy thôi. Tôi thấy lý do cũng chính đáng, một mình thì ở làm gì. Thế là bắt đầu trao cái nhà bên kia.

Cựu Đệ Tử: Nhà dòng? Rồi họ xây cái nhà này cho cha?

Cha Bích: Chưa, bắt đầu nó lấy bên nhà Đệ Tử. Rồi tôi cứ dồn sang bên nhà dòng học sinh học được đúng một năm. Sang năm sau, nó nói: Bây giờ có một nhu cầu cấp bách hơn, là y tế. Chúng tôi xin mượn làm bệnh viện. Chính cha Michaud đã xây cái nhà đệ tử ấy. Tôi chỉ còn giữ hai phòng để ở, gần nhà ngang nối Nhà Dòng với Nhà Đệ Tử.

Cựu Đệ Tử: Như vậy là năm đầu (1959) họ lấy nhà Đệ Tử làm trường học. Sang năm sau đổi thành bệnh viện.

Cha Bích: Đúng vậy. Cái cửa nối giữa hai nhà được đóng kín. Năm 1972, nó lại vào và nói là bây giờ bệnh viện đông lắm xin linh mục cho chúng tôi mượn tất cả, rồi chúng tôi sẽ xây cho linh mục một cái nhà ở bên cạnh nhà thờ. Rõ ràng như thế. Nói vậy mà không có giấy tờ gì cả. Nó lấy để làm bệnh viện thì lấy nốt cái nhà bên này. Năm 1973 xây xong nhà cho tôi. Ngày lễ thánh Phêrô, 2 giờ, tôi dọn sang đây. Lúc đầu chỉ có một cái nhà nhỏ này. Tôi cho xây một nhà ngay hang đá, năm 1992 kỷ niệm kim khánh của tôi. Rồi cứ xây dần dần dãy nhà nối “nhà xứ” của tôi với cái nhà gần hang đá.

Cựu Đệ Tử: Như vậy cái nhà gần hang đá là do cha xây, còn dãy nhà nối liền nhà gần hang đá và nhà xứ cha đang ở là do Cha Thành, do Tỉnh Dòng xây?

Cha Bích: Không phải, tôi cho xây hết. Và tất cả chuyện mượn nhà mượn cửa là chỉ nói miệng vậy thôi.

Cựu Đệ Tử: Thưa cha, còn cái ao ở đằng sau Nhà Dòng, khu nhà nuôi bò, cái hồ tắm của bọn con, sân đá banh…?

Cha Bích: Còn cả đấy, cứ mơ mơ hồ hồ vậy.

Cựu Đệ Tử: Như vậy, bệnh viện chỉ mượn hai nhà đệ tử và nhà dòng, còn từ sân đá banh, hồ tắm mà chú Vinh chết đuối ở đó, nhà bò, nhà Préau. Trong đó có mấy cái phòng dành cho bà Paul, bà An nấu cơm cho chúng con … Tất cả đều trao cho hợp tác xã Thảm Len ? Cha Bích: Nó cứ làm một mình nó có nói gì đâu. Cái nhà bò bây giờ còn bỏ không.

Cựu Đệ Tử: Đó là cái nhà mà hiện nay cha đang đòi lại phải không? Còn cái ao ở đằng trước Nhà Dòng, vẫn thuộc Giáo Xứ chứ ? Cha đã xây tường xung quanh. Đã có lần nọ định xây cái gì đó bên bờ ao mà cha không cho ?

Cha Bích: Đúng rồi! Nó muốn xây một cái nhà… Người ta gọi là cái nhà… tiếng Pháp có từ hay lắm, cái nhà ăn, gọi là cái gì?

Cựu Đệ Tử: Cantine. Như vậy, việc đất đai của Nhà dòng Hà Nội này thì, họ chỉ nói mượn mà không có giấy tờ gì cả.

Cha Bích: Phải.

2. Nhà cầm quyền Hà nội đối xử bất công với những giáo sĩ và giáo dân Thái Hà, những đồng bào Việt-Nam.

a. Nếu cho là việc đập phá vài hàng gạch bức tường siêu vẹo có nguy cơ an toàn cho dân chúng của giáo dân Thái Hà ngày 15.08.2008 là vi phạm hình sự (phá hủy tài sản công dân), thì sao các cấp công an hiện diện tại hiện trường không can thiệp và lập ngay biên bản vi phạm pháp luật ? Nên nhớ, bức tường này đã được xây bất hợp pháp trên phần đất của Giáo xứ Thái Hà.

Ngoài ra, sau đó, Thành phố Hà nội đã cho xe ủi phần còn lại để xây vườn hoa vì mưu toan tư nhân hóa khu đất không thành công.

b. 5 giáo dân bị khởi tố về tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Tội này được qui định nơi điều 245 Bộ Luật Hình sự thì bị can phải có hành vi gây rối trật tự nơi công công. Nhưng, ở đây, sự kiện chỉ xảy ra ở trong khu khu đất của Công ty Chiến thắng.

III TỰ DO.

Đấng Tạo Hóa ban cho con người sự Tự Do. Đồng thời, Ngài cũng ban cho con người chúng ta Lý Trí để nhận biết Điều Lành nên làm và Sự Dữ nên tránh theo một Luật Thiên Nhiên. Luật này chúng ta được lãnh nhận qua sự giáo dục nơi gia đình và xã hội để biết cách xử thế tốt đẹp với nhau. Đó là những Đức Tính mà Người Việt tôn trọng để cùng sống trong Hòa Bình.

Mỗi người phải biết sử dụng quyền Tự Do của mình tới giới hạn quyền Tự Do của người, tức mỗi người biết tôn trọng quyền Tự Do của nhau.

Do lạm quyền và ham tiền, người cầm quyền bị mất sự Tự Do và Lý Trí để nhận biết đâu là Điều Lành hay là Sự Dữ khi đối thoại với đồng bào dưới quyền mình.

IV. TÌNH YÊU hay BÁC ÁI.

Tình Yêu hay Bác Aùi là chất men Hòa Bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần.

Những người (Công giáo hay không) cầu nguyện trên khu đất của Giáo xứ Thái Hà không những chỉ vì phần đất đó, nhưng họ còn cầu nguyện cho Sự Thật và Hòa Bình được tôn trọng. Với ý chỉ tốt lành đó, nên các cuộc cầu nguyện hiệp thông đã được đáp ứng ngay không những giữa người Việt-Nam, trong và ngoài nước, với nhau mà còn cả với những người ngoại quốc trên thế giới. Bằng chứng, trong bài ‘Cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ’

(http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadAllArticles.aspx?d=1&dt=30%2f10%2f2008#60517), đăng trên vietcatholic.net ngày 30.10.2008, tác giả, John Minh, kể lại sự ngạc nhiên và cảm động muốn rơi nước mắt vì trong Thánh Lễ bằng tiếng Pháp, ở một đất nước với 90% dân số theo Hồi Giáo này, chỉ có chưa đầy 0,50% theo Kiô giáo, mà người ta lại biết đến và cầu nguyện cho quê hương Việt Nam thân yêu và cho các Kitô hữu đang bị bách hại hay đau khổ ở trên thế giới.

Dĩ nhiên, người Công giáo cũng cầu nguyện Hòa Bình cho Quê hương Việt-Nam, nơi đó, Nhà Nước biết hành động thế nào để người Việt được sống trong Hạnh phúc, những người bị tù oan được trở về đoàn tụ với gia đình, những người thoát khỏi cảnh nghèo không phải bị rơi lại cảnh nghèo lần nữa.

Hôm nay, ngày 01.11.2008, Giáo Hội Công giáo mừng trọng thể Lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng tôi nghe đọc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu 5,1-12a: “… Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”, chúng tôi không khỏi nhớ đến Đức Cha Giuse Ngô quang Kiệt, các Linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà.

Hà Minh Thảo