Theo tin Tòa Thánh, tại buổi yết kiến chung trong Phòng yết kiến Phao-lô VI, thứ tư 21 tháng 8 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Chúa Thánh Thần, nhấn mạnh tới vai trò của Người trong phép rửa của Chúa Giêsu. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của ngài dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu trong phép rửa ở sông Gióc-đăng, và lan tỏa từ Người vào thân thể Người, tức là Giáo hội. Trong Tin Mừng Mác-cô, cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa được mô tả như sau: “Vào những ngày ấy, Chúa Giêsu từ Nadarét miền Galilê lên và được Gioan làm phép rửa dưới sông Gióc-đăng. Khi Người lên khỏi nước, Người thấy trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người như chim bồ câu; và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con’” (Mc 1:9-11). Đây là Tin Mừng Mác-cô.

Toàn thể Ba Ngôi đã gặp nhau vào khoảnh khắc đó, trên bờ sông Gióc-đăng! Có Chúa Cha, Đấng hiện diện với tiếng nói của Người; có Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình dạng chim bồ câu, và có Đấng mà Chúa Cha tuyên bố là Con yêu dấu của Người, Chúa Giêsu. Đây là một khoảnh khắc rất quan trọng của Mặc Khải, là một khoảnh khắc quan trọng của lịch sử cứu độ. Sẽ rất tốt cho chúng ta khi đọc lại đoạn Tin Mừng này.

Điều gì đã xảy ra mà lại quan trọng đến vậy trong phép rửa của Chúa Giêsu khiến tất cả các Thánh sử đều kể lại? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong những lời Chúa Giêsu thốt ra, ngay sau đó, trong hội đường Nadarét, rõ ràng ám chỉ đến sự kiện ở sông Gióc-đăng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi” (Lc 4:18).

Ở sông Gióc-đăng, Chúa Cha “đã xức dầu bằng Chúa Thánh Thần”; nghĩa là, Người đã thánh hiến Chúa Giêsu làm Vua, Tiên tri và Linh mục. Thật vậy, trong Cựu Ước, các vua, tiên tri và linh mục được xức dầu thơm. Trong trường hợp của Chúa Kitô, thay vì dầu vật chất, có dầu thiêng liêng là Chúa Thánh Thần; thay vì biểu tượng thì có thực tại: có chính Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu được đầy dẫy Chúa Thánh Thần ngay từ khoảnh khắc đầu tiên nhập thể. Tuy nhiên, đây là một “ân sủng bản thân”, không thể truyền đạt; giờ đây, thay vào đó, với sự xức dầu này, Người nhận được sự trọn vẹn của ân ban Chúa Thánh Thần, nhưng vì sứ mệnh của Người, với tư cách là đầu, Người sẽ truyền đạt cho thân thể Người, tức là Giáo hội, và cho mỗi người chúng ta. Đây là lý do tại sao Giáo hội là “dân vương giả, dân tiên tri và dân tư tế” mới. Thuật ngữ tiếng Do Thái “Messiah” và từ ngữ tiếng Hy Lạp tương ứng “Christ” - Christós, cả hai đều ám chỉ Chúa Giêsu, có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Người được xức dầu bằng dầu vui mừng, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Chính danh xưng “Kitô hữu” của chúng ta đã được các Giáo phụ giải thích theo nghĩa đen: “Kitô hữu” có nghĩa là “được xức dầu noi gương Chúa Kitô”. [1] Kitô hữu, được xức dầu noi gương Chúa Kitô.

Có một Thánh vịnh trong Kinh Thánh nói về một loại dầu thơm, được đổ lên đầu vị thượng tế Aaron, và chảy xuống gấu áo choàng của ông (xem Tv 133:2). Hình ảnh thơ mộng về loại dầu đang chảy xuống này, được sử dụng để mô tả hạnh phúc khi sống chung với nhau như những người anh em, đã trở thành một thực tại tâm linh và một thực tại huyền bí trong Chúa Kitô và trong Giáo hội. Chúa Kitô là đầu, là Thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta, Chúa Thánh Thần là loại dầu thơm, và Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô mà nó lan tỏa.

Chúng ta đã thấy lý do tại sao Chúa Thánh Thần, trong Kinh Thánh, được tượng trưng bằng gió và thực sự lấy tên của nó, Ruah, từ đó. Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao nó được tượng trưng bằng dầu và chúng ta có thể rút ra bài học thực tế nào từ biểu tượng này. Trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, khi thánh hiến dầu được gọi là “Chrism”, giám mục, ám chỉ những người sẽ nhận được xức dầu trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, nói rằng: “Xin cho những người được hình thành nên đền thờ của uy quyền của Chúa nhờ sự thánh thiện được truyền qua việc xức dầu này và nhờ việc tẩy sạch vết nhơ của lần sinh đầu tiên của họ được trở nên thơm tho với sự trong trắng của một cuộc sống đẹp lòng Chúa”. Đây là một cách sử dụng có từ thời Thánh Phaolô, người đã viết cho người Côrintô: “Vì chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa” (2 Cr 2:15). Xức dầu làm thơm chúng ta, và một người sống sự xức dầu của mình với niềm vui làm cho Giáo hội thơm tho, làm cho cộng đồng thơm tho, làm cho gia đình thơm tho với hương thơm tâm linh này.

Thật không may, chúng ta biết rằng đôi khi các Ki-tô hữu không lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô, mà là mùi hôi thối của tội lỗi của chính họ. Và chúng ta đừng bao giờ quên: tội lỗi khiến chúng ta xa cách Chúa Giêsu, tội lỗi khiến chúng ta trở thành dầu xấu. Và ma quỷ - chúng ta đừng quên điều này - ma quỷ thường xâm nhập qua túi. Hãy cẩn thận, hãy cẩn thận. Tuy nhiên, điều này không được làm chúng ta sao nhãng khỏi cam kết thực hiện, trong khả năng của chúng ta và mỗi người trong môi trường của mình, ơn gọi cao cả này là trở thành hương thơm của Chúa Kitô trên thế giới. Hương thơm của Chúa Kitô tỏa ra từ “hoa trái của Chúa Thánh Thần”, đó là “tình yêu, niềm vui, sự bình an, sự kiên nhẫn, lòng nhân từ, lòng tốt, lòng trung thành, sự dịu dàng, sự tự chủ” (Gl 5:22). Thánh Phao-lô đã nói điều này, và thật tốt biết bao khi tìm thấy một người có những đức tính này: yêu thương, một người yêu thương, một người vui vẻ, một người tạo ra hòa bình, một người rộng lượng, không hẹp hòi, rộng lượng, một người nhân từ chào đón mọi người, một người tốt, một người trung thành, một người hiền lành, không kiêu ngạo, nhưng hiền lành… Và ai đó sẽ cảm thấy một chút hương thơm của Thánh Thần Chúa Kitô xung quanh chúng ta, khi chúng ta tìm thấy những người này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận thức rõ hơn rằng chúng ta được xức dầu, được Người xức dầu. Cảm ơn anh chị em.

__________________________

[1] X. Thánh Cyril thành Jerusalem, Giáo lý Khai nhiệm, III,1.