Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 23 tháng Mười, 2024, trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Chúa Thánh Thần và Cô dâu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa đến với Chúa Giêsu, hy vọng của chúng ta. 10. “Chúa Thánh Thần, ân huệ của Thiên Chúa”, với việc nhấn mạnh tới khía cạnh: Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý tuần này của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Lần trước, chúng ta đã giải thích những gì chúng ta tuyên bố về Chúa Thánh Thần trong Kinh Tin Kính. Tuy nhiên, sự suy gẫm của Giáo hội không dừng lại ở lời tuyên xưng đức tin ngắn ngủi đó. Nó tiếp tục, cả ở phương Đông và phương Tây, thông qua công trình của các Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại. Hôm nay, nói riêng, chúng ta muốn thu thập một vài mẩu nhỏ của giáo lý về Chúa Thánh Thần được khai triển trong truyền thống Rôma, để xem cách nó soi sáng toàn bộ đời sống Kitô hữu và đặc biệt là bí tích hôn nhân ra sao.

Người khởi xướng chính của học thuyết này là Thánh Augustinô, người đã khai triển học thuyết về Chúa Thánh Thần. Ngài bắt đầu từ sự mặc khải này “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Bây giờ tình yêu giả định một người yêu, một người được yêu và chính tình yêu kết hợp họ. Chúa Cha, trong Ba Ngôi, là Đấng yêu thương, là nguồn gốc và khởi nguyên của mọi sự; Chúa Con là Đấng được yêu thương, và Chúa Thánh Thần là tình yêu kết hợp các vị. [1] Do đó, Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “duy nhất”, nhưng không đơn độc; Người là sự hiệp nhất của sự hiệp thông và tình yêu. Theo hướng này, một số người đã đề nghị gọi Chúa Thánh Thần không phải là “ngôi thứ ba số ít” của Ba Ngôi, mà là “ngôi thứ nhất số nhiều”. Nói cách khác, Người là Chúng ta, là Chúng ta thiêng liêng của Chúa Cha và Chúa Con, là mối dây hiệp nhất giữa những ngôi vị khác nhau, [2] chính là nguyên tắc hiệp nhất của Giáo hội, thực sự là một “thân thể duy nhất” xuất phát từ nhiều ngôi vị.

Như tôi đã nói, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm đặc biệt về những gì Chúa Thánh Thần phải nói về gia đình. Ví dụ, Chúa Thánh Thần có thể liên quan gì đến hôn nhân? Rất nhiều, có lẽ là điều cốt yếu, và tôi sẽ cố gắng giải thích lý do tại sao! Hôn nhân Kitô giáo là bí tích tự hiến, một cho một, của người nam và người nữ. Đây là cách Đấng Tạo Hóa muốn khi Người nói “Vì vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người … Người đã dựng nên nam và nữ” (St 1:27). Do đó, cặp đôi con người là việc hiện thực hóa đầu tiên và cơ bản nhất của sự hiệp thông tình yêu vốn là Ba Ngôi.

Các cặp đôi đã kết hôn cũng nên tạo thành một ngôi thứ nhất số nhiều, một “chúng ta”. Đứng trước nhau như một “anh” và một “em”, và đứng trước phần còn lại của thế giới, bao gồm cả trẻ em, như một “chúng ta”. Thật đẹp biết bao khi nghe một người mẹ nói với con mình: “Cha các con và mẹ...”, như Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu khi họ tìm thấy Người ở tuổi mười hai trong đền thờ, đang giảng dạy cho các Luật sĩ (x. Lc 2:48), và nghe một người cha nói: “Mẹ các con và cha”, như thể họ là một. Trẻ em cần sự hiệp nhất này biết bao - mẹ và cha với nhau - sự hiệp nhất của cha mẹ, và chúng đau khổ biết bao khi thiếu sự hiệp nhất này! Những đứa con của những bậc cha mẹ ly thân đau khổ biết bao, chúng đau khổ biết bao.

Tuy nhiên, để tương xứng với ơn gọi này, hôn nhân cần sự hỗ trợ của Đấng vốn là Hồng ân, thực sự là Đấng ban tặng tinh túy. Nơi nào Chúa Thánh Thần ngự vào, khả năng tự hiến được tái sinh. Một số Giáo phụ của Giáo hội La tinh khẳng định rằng, với tư cách là hồng ân hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần cũng là lý do cho niềm vui ngự trị giữa các vị, và khi nói về điều đó, các ngài không ngại sử dụng hình ảnh những cử chỉ phù hợp với đời sống hôn nhân, chẳng hạn như nụ hôn và cái ôm. [3]

Không ai nói rằng sự hiệp nhất như vậy là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là trong thế giới ngày nay; nhưng đây là sự thật của mọi sự như Đấng Tạo Hóa đã thiết kế, và do đó, nó nằm trong bản chất của chúng. Chắc chắn, có vẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn khi xây dựng trên cát hơn là trên đá; nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta biết kết quả là gì (x. Mt 7:24-27). Trong trường hợp này, chúng ta thậm chí không cần dụ ngôn, vì hậu quả của những cuộc hôn nhân được xây dựng trên cát, thật không may, là ở đó để mọi người nhìn thấy, và chủ yếu là những đứa trẻ phải trả giá. Trẻ em đau khổ vì sự chia ly hoặc thiếu tình yêu của cha mẹ! Đối với rất nhiều cặp vợ chồng, người ta phải nhắc lại những gì Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu, tại Cana ở Galilê: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2:3). Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp tục thực hiện, ở bình diện tâm linh, phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm vào dịp đó; cụ thể là, biến nước của thói quen thành niềm vui mới khi được ở bên nhau. Đây không phải là một ảo tưởng ngoan đạo: đó là những gì Chúa Thánh Thần đã làm trong rất nhiều cuộc hôn nhân, khi những người phối ngẫu quyết định cầu khẩn Người.

Do đó, sẽ không phải là điều tồi tệ nếu bên cạnh thông tin về bản chất pháp lý, tâm lý và đạo đức được đưa ra trong quá trình chuẩn bị cho các cặp đôi sắp kết hôn, chúng ta đào sâu sự chuẩn bị “tâm linh” này, Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất. Một câu tục ngữ Ý nói rằng, “Đừng bao giờ đặt ngón tay, đừng bao giờ can thiệp, giữa chồng và vợ”. Trên thực tế, có một “ngón tay” được đặt giữa chồng và vợ, “ngón tay của Chúa”: nghĩa là Chúa Thánh Thần!

_____________________________________

[1] Cfr St. Augustine, De Trinitate, VIII,10,14
[2] Cfr H. Mühlen, Una mystica persona. La Chiesa come il mistero dello Spirito Santo, Città Nuova, 1968.
[3] Cfr S. Ilario di Poitiers, De Trinitate, II,1; St. Augustine, De Trinitate, VI, 10,11.

_____________________________________

Lời kêu gọi

Thưa anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình! Hôm nay, sáng sớm nay, tôi đã nhận được số liệu thống kê về số người chết ở Ukraine: thật khủng khiếp! Chiến tranh không tha thứ; chiến tranh là một thất bại ngay từ đầu. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa cho hòa bình, xin Người ban hòa bình cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta. Và chúng ta đừng quên Myanmar; chúng ta đừng quên Palestine, nơi đang phải chịu những cuộc tấn công vô nhân đạo; chúng ta đừng quên Israel, và chúng ta đừng quên tất cả các quốc gia đang trong chiến tranh.

***

Có một con số, thưa anh chị em, khiến chúng ta phải sợ hãi: các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất hiện nay là vào các nhà máy vũ khí. Kiếm lợi từ cái chết! Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình.