Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy Tư Lời Chúa qua cuộc sống
Suy niệm Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Thường Niên Năm B 12.02.2012


“Thành phố ngợp, ngày nao chiều gió dậy,”

“Gương mặt ấy, lời yêu thuở ấy.”

(dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Mc 1: 40-45

Thành phố với lời thơ yêu thương “chiều gió dậy” là gương mặt của tình yêu vẫn thấy ở trình thuật thánh Máccô. Trình thuật thánh Máccô, có lời thơ yêu trải dàn khắp dân gian, không ở nơi hoang sơ dân dã cạnh đất miền Galilê, nhưng còn ở văn bản đời thường, như bản văn viết mà tác giả Megan McKenna để ra nhiều chương/đoạn phản ánh tư tưởng của bậc hiển thánh rất Máccô.

Một trong các bản văn mà tác giả này ghi rõ lời yêu thương giống hệt Tin Mừng Máccô như sau:



“Rất nhiều lần, có người mải tìm cho ra ý nghĩa của đời mình. Ông và bầu bạn muốn sống theo cung cách có dáng vẻ tự do, ân sủng ngõ hầu tôn trọng mọi người. Bầu bạn vẫn cố thuyết phục ông bền đỗ trong cuộc kiếm tìm ấy. Và, họ định cùng nhau tìm đến Bậc Thày nhân hiền để vấn kế và xin Thày nhận họ làm đồ đệ, để theo Ngài.

“Ông có dịp đi ngang thôn làng có nhiều người ở. Và cùng đám đông quần chúng ở lại lắng nghe lời Thày. Ít lâu sau, đồ đệ lại cũng ra đi trình diện với mọi người để xin khai tâm, theo chân Thày. Tập tục thời bấy giờ cho thấy Bậc Thày đưa ra nhiều câu vấn ý cốt nghe lời đáp hầu có quyết định xem các ứng viên theo Thày có đạt ý nguyện thành dân con đeo đuổi đời rong ruổi cùng Thày đi thuyết giáo, không.

“Đương nhiên, đồ đệ nào mà chẳng muốn được Thày chấp nhận tham gia đoàn người giảng rao, nên mới nói: “Trình Thày, bọn con đây muốn theo chân Thày học hỏi cung cách sống và làm việc cho đúng cách.” Bậc Thày nhìn họ, rồi bảo: “Sao anh em biết rõ lòng mình muốn theo Tôi?” Sao anh em hiểu được điều mình ước muốn?”

“Đồ đệ thay nhau đáp: “Chính lời Thày đã khích lệ chúng con. Và, đó là điều bọn con tin tưởng, nay muốn nó thành hiện thực.” Bậc Thày lặng thinh trong giây lát như muốn tập trung nguyện cầu chỉ một lúc, rồi hỏi: “Có thật anh em vẫn quyết như thế không? Hay, còn ý định nào khác khi đồng hành, cùng với Tôi?” Họ đáp: “Đó là điều chắc chắn.” Trong phút chốc, Bậc Thày thoạt nhìn họ với vẻ ái ngại, đoạn bảo: “Thôi được, anh em cứ theo Tôi. Nhưng, nếu anh em có để mất tất cả những gì mình nắm vững thì sao? Và, một khi nhận ra điều này, anh em có còn tiếp tục nữa hay không?” Bọn họ đáp: “Dứt khoát vẫn như vậy! Dù mọi chuyện ra tồi tệ thế nào đi nữa, chúng con không đổi ý.” Và, họ được đón vào đoàn nhóm đồ đệ theo chân Thày chỉ giáo.

Nhưng về sau, có lúc họ thấy rất chán ngán, buồn nản và bất ưng như mọi người, tức những người cũng đưa ra cùng một câu hỏi để che giấu và phủ nhận mọi sự xảy đến với họ. Nỗi bất ưng cứ thế tăng dần và lan nhanh, đôi lúc thấm nhập mọi người trong nhóm. Và, khi họ không còn biết nguyên do của nỗi niềm ấy nữa, thì chính là lúc họ coi đó như một đau xót khiến họ phải bộc lộ ra ngoài. Bộc lộ, đến độ niềm đau thương đã trở thành sắc màu sống sượng đến rỉ máu.

Họ lại nhất quyết bỏ tất cả ở đằng sau, chỉ vì sự kiện ấy và tiếp tục lại kiếm tìm. Lại, mải miết kiếm tìm, giống như trước. Dù sao, họ cũng chỉ làm có mỗi việc là những kiếm và tìm, suốt một đời. Trong tìm kiếm, họ tin mình sẽ đạt cùng đích, như Bậc Thày hằng bày tỏ, với họ. Tuy lời Thày trở thành điệp khúc miên trường khi lời Thày phát biểu đã ra như câu thần chú, to/nhỏ vẫn không ngừng. Vẫn dấy lên niềm hy vọng cùng hãi sợ, ở nơi họ. Và, họ nhớ lại lời Thày trước kia từng hỏi: “Có thật, là anh em đã mất hết mọi thứ, không? Có thật, anh em muốn đến với Tôi chỉ để học hỏi lối sống cho đúng cách, không? Có thật như thế không?



Đó cũng là câu hỏi được thánh Máccô đưa ra hôm nay. Ở trình thuật này. Đó còn là tên gọi của chương trình nay được thảo: bỏ tất cả để rồi tìm chẳng được gì. Bởi, khi viết trình thuật này, tác giả Máccô luôn nhấn mạnh đến cụm từ “mọi sự” và “hư vô.” Chứ không phải, “tất cả” và “chẳng gì cả”. Có nghĩa là, tất cả mọi sự rồi ra sẽ hư luống.

Nhà thơ nữ Kathy Galloway, xuất xứ từ đất miền Iona, Tô Cách Lan, cũng viết lên cùng giòng chảy rỉ máu rất Máccô như sau:



“Chớ trở về khung trời nhỏ của riêng ai

Ở đất miền êm ả chốn hình hài.

Ngày rời bão tố kiếm hồn nơi sân vắng,

Cùng người thân an nghỉ chốn bồng lai.



Nơi sân vắng hồn thiêng thân yêu ấy,

Diễm lệ hơn ngự uyển vườn người năng lui tới,

Ngập những cỏ dại, lại nghèo hèn đầy chiến chinh,

Cứ đòi người chăm bới chốn nhà mình.



Kiếm tìm hồn quý phái lại hiếm quý

Thấy đời mình mở ngỏ ở chân trời.

Với khóc than, doạ dẫm rồi đau đớn,

Để người tìm lại thấy những kêu ca.



Hãy lưu lại cùng người yêu nay ít thấy,

Thuở yên bình trả giá vẫn nhiều hơn,

Bởi con trẻ thân thương không đùa giỡn

vẫn khóc ròng nhiều tiếng người vẫn mất.



Đừng hãm giam một chân trời riêng tư ấy

Của chốn miền nóng cháy ở nhiều nơi

Chẳng nơi nào có thể vực cuộc sống,

Có ánh mắt em nhìn cuộn giá băng.”



Trình thuật hôm nay, thánh Máccô còn diễn tả tâm tình gặp gỡ giữa Chúa với người phung cùi. Đọc truyện, người người thật chẳng biết bệnh nhân phung cùi đã nghĩ gì? Làm gì? Xử thế ra sao khi gặp Chúa? Và, ai ai cũng nghĩ đó là cuộc hội ngộ rất thực tiễn. Hội ngộ, nay là thực tại xảy đến với người trong cuộc chưa từng thấy, nhưng vẫn đến. Và, một khi sự thực xảy đến rồi, cũng đừng sợ. Hãy cứ hiên ngang đến mà sờ chạm vào thực tại. Bởi nếu không, chính thực tại căn bệnh cũng sẽ sờ chạm ngay thân xác hoặc thân phận của ta thôi.

Đọc trình thuật, người người sẽ tự hỏi: dù bệnh phong nay “thoát xác” khỏi con nguời mình, thì bệnh nhân kia chắc vẫn thấy khó lòng mà sống tiếp những ngày sau đó. Khó nhất, là khi anh nhận ra bệnh vẫn còn đeo đuổi anh, bằng hình ảnh/hoặc ý nghĩ nơi anh, như trước kia.

Đọc trình thuật, hẳn có người lại sẽ hỏi: giả như bệnh nhân kia biết thân xác mình nay đã sạch, hỏi rằng cuộc sống của họ sẽ ra sao? Dù, từ nay anh ta không là “cùi hủi” như trước, nhưng vẫn sợ. Sợ, bị tẩy trừ khỏi cộng đoàn mình chung sống. Sợ, nếp sống do cộng đoàn định đoạt vẫn không yên. Sợ hơn nữa, khi người của Chúa chưa học được cung cách của Bậc Thày Nhân Hiền, là chẳng bao giờ tẩy trừ hoặc tống khứ ai ra khỏi “Nước” của Ngài. Trái lại, Ngài vẫn luôn tiếp nhận mọi người, dù lành lặn hay bệnh hoạn, vẫn đỡ nâng. Và hỏi rằng: dân con Nước Trời ở trần thế có làm được như thế không?

Cảm nhận thực trạng rất khó này, cũng nên ngâm lên lời thơ xưa được trích dẫn, mới hôm nào:



“Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu,

Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.

Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;

Cành biếc run run chân ý nhi.”

(Xuân Diệu – Thu)



“Chân ý nhi”, phải chăng là thực trạng của người bệnh, nay cảm nhận? “Trên đầu hạnh”, có là “hư vô bóng khói” vẫn cứ tin. Tin Chúa, là Ngài chẳng tẩy trừ hoặc tống khứ bất cứ ai. Tin rằng, người nào đó có tật/có bệnh, vẫn vô tư/hiền lành/mẫn cán, đáng được ơn.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.

Mai Tá phỏng dịch.

Chuyện Phiếm đọc trong tuần Thứ 6 Mùa thường niên năm B 12.02.2012



“Trong cơn gọi hồn đời nghe xa xôi lắm,

Gót chân đi chưa mòn đường tin nay đã phai dần.”

(Lê Hựu Hà – Liên Khúc Mùa Đông)

(2Ph 3: 17-18)

Mỗi lần đi xa, là bần đạo thường hay về chốn đồng xanh cỏ nội để huớng mắt nhìn về cõi vắng xa, mà ngẫm xem “đường tin” của mình có “phai dần”, chăng. Bảo rằng, đây là thói tật không hay lắm, cũng không sai. Nhưng không làm thế, e rằng lòng mình lại cứ hát thêm những “lời buồn”, như sau:



“Trong quan tài buồn, hồn nghe thêm trống vắng,

Tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thầm.

Trong cơn gọi hồn đời nghe xa xôi lắm,

Gót chân đi chưa mòn đường tin nay đã phai dần.”

(Lê Hựu Hà – bđd)



Thật ra, thì lòng dạ bần đạo không đến nỗi như ca từ bài hát của nghệ sĩ trẻ như đã “khớp”. Khớp cuộc tình nào đó, nên phải “hét” lên những lời như sau:



“Nước mắt ấy đã lau khô rồi,

Đôi môi ấy đã quen tiếng cười.

Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi,

Người tình cũ, đã xa ta rồi.”

(Lê Hựu Hà – bđd)



Nghệ sĩ đời, mỗi chuyện để mất đi “người tình cũ”; hoặc: “người tình (ấy) đã xa ta rồi”, đều thế cả. Kẻ tin Đạo, lại vẫn gọn gàng hai chữ “tin” - “yêu”, thật da diết. Không tin hoặc không yêu, lại sẽ được coi như điều mà ca từ người sĩ trẻ nay vẫn hát:



“Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa,

Yêu đương biết nói sao cho vừa,

Cuộc tình đủ để em vui đùa,

Đọa đày đoá, giờ đã đến mùa…”

(Lê Hựu Hà – bđd)



Phải nói thêm, rằng: bần đạo nay vẫn có thói tục và thói tật không hay khác, đó là: cứ trích dẫn trong bài phiếm mình viết, những lời ca nghe qua khá “đoạ đày”, “tiếc nhớ”, với yêu đương. Gọi đó là thói tật hay thói tục, để nói lên rằng thói quen ấy bần đạo chỉ mới có, dạo gần đây thôi. Nên, mới đặt tên cho nó là phiếm Đạo, lạo xạo chuyện đời, rất tản mạn. Tản và mạn, để rồi lại lân la chuyện của người đời những yêu đương tình Chúa, rất vui tươi.

Vui chuyện yêu đương và đương yêu, để cùng nghệ sĩ trẻ sang cung điệu vui như sau:



“Tôi chia em trọn kho tàng,

Tôi chia anh trọn kho tàng.

Mình quý mến nhau là xâu chuỗi màu,

Cùng tin yêu thương là châu báu…

Yêu thương đây là môi cười,

Tôi xin chia phần cho người,

Từng ánh mắt vui từng câu ấm lòng

Từng câu yêu thương hằn trên môi.”

(Lê Hựu Hà – bđd)



Hôm nay, bần đạo lại một lần nữa, dám nói lên lời bảo rằng sẽ “chia nhau trọn kho tàng”, rất béo bở/để đời, đó là: tình Chúa với đời. Tình ấy, bần đạo vẫn kiếm tìm đây đó để sẻ san cho đúng phép, đúng thời rồi mới thôi.

Và mai đây, bần đạo lại sẽ tiếp tục san sẻ ý tứ và ý từ của bạn bè gần xa, có những ưu tư han hỏi rất ý lực, là đoạn thư gửi đấng bậc chủ lực ở báo đạo Sydney ra mỗi tuần, rằng:



“Thưa, chả giấu gì cha, con là thừa tác viên Thánh thể khá đặc biệt ở chỗ: vốn liếng đạo đức tuy không nhiều, nhưng con có kinh nghiệm khá dồi dào về thực thi sứ vụ thừa tác với bà con trong xứ đạo ở đây. Kinh nghiệm của con, là: nhận xét khá lạ rút từ khi trao Mình Chúa cho các tín hữu trẻ người Việt mình. Ý con muối nói, là: nhiều lần trao Mình Chúa con xướng câu “Mình Thánh Chúa Kitô”, thấy nhiều cô thay vì thưa “Amen”, lại cứ đáp: “Cho em xin!” hoặc: “Mô Phật!” (có lẽ cô là Phật tử thuần thành vừa trở lại Đạo chăng?) Nhưng câu hỏi hôm nay con đặt ra là: khi trao Mình Chúa cho người trong xứ, con biết có người từng ăn ở với bạn đời khác phái khá rối rắm như các anh chị không có phép cưới mà vẫn ngang nhiên lên rước lễ. Trong những trường hợp như thế, là thừa tác viên Thánh thể, cha bảo con phải làm gì? Cứ trao cho họ, như không biết chuyện hay sao? Xin cha thêm lời chỉ giáo để con bớt áy náy. Con nguyện cảm tạ ơn cha khuyên dạy.” (Lại một câu hỏi của tín hữu chẳng đề tên cùng tuổi)



Lại nói thêm ở đây, là: bần đạo trích và dịch câu chuyện ở trên, chỉ để tải thông tin hữu ích cho bạn nào biết không nhiều về luật đạo cũng như giáo lý Hội thánh, có từ ngàn xưa đến bây giờ. Sở dĩ phải rào đón như thế để mọi người yên tâm. Bần đạo nay dám xin bầu bạn đọc tiếp lời đáp trả của đấng bậc ở Sydney, như sau:



“Phải thú thật, đây là vấn đề khá tế nhị khi đưa ra câu trả lời thoả đáng. Vì tính cách tế nhị, nên xin đi thẳng vào vấn đề bằng câu hỏi: Ai là người không nên rước Chúa, đây?



Để trả lời, luật Hội thánh có đoạn viết rất rõ: “Ai bị “dứt phép thông công” hoặc biết rõ luật cấm áp đặt cho mình nhưng vẫn cứng đầu sống trong tình trạng mắc tội trọng rất nặng, đều không được phép rước Chúa.” (x. Giáo luật số 915)



Giáo luật còn nhấn mạnh: “Những người cố tình phạm lỗi như thế” gồm cả người mà anh/chị ghi nói trong câu hỏi vừa đặt ra. Chẳng hạn, những người ăn ở với nhau trong tình trạng mà luật đời gọi là “không chính thức”, tức không có đám cưới đám hỏi gì đúng phép; hoặc, chỉ làm đám cưới ngoài nhà thờ sau khi đã ly dị một lần rồi, và những người đồng tính luyến ái sống với nhau bất kể luật đạo, vv…



Thêm vào đó, còn có trường hợp: nhiều vị ngoại Đạo, không tính đến các vị theo Chính thống, sống trong tình cảnh nào đó (như có đề cập trong giáo luật số #844) cũng không được phép rước Chúa.



Thừa tác viên Thánh thể trao mình Chúa không tài nào xét đoán chủ quan về lỗi phạm của một ai hết, nếu sự thể là ai đó biết rõ có người sống trong tình trạng rối rắm phản lại luật của Chúa và Giáo Hội Ngài, cũng đủ để phán đoán là mấy người như thế không nên rước Chúa vào lòng. Trong trường này phải làm sao?



Ngày 20 tháng Sáu năm 2000, Hội Đồng Tòa Thánh chuyên về Giáo Luật có đưa ra Phán quyết dạy rằng: ai đã ly dị và tái giá bằng đám cưới ngoài nhà thờ, đều rơi vào luật cấm không được rước Chúa như có nói ở điều 915 trong Giáo luật.



Phán quyết của Hội đồng Tòa thánh còn đề ra tiêu chuẩn giúp thực hiện thủ tục, tức những điều áp dụng cho người được nói đến ở trên. Phán quyết của Hội Đồng trước tiên đề cập đến việc nghiêm cấm những người đang trong tình trạng mắc tội trọng không được rước Chúa “là có từ luật của Chúa và vượt phạm vi các điều luật của Giáo hội.” Như thế có nghĩa: Giáo hội chỉ áp dụng những gì Chúa khuyên dạy thôi.



Phán quyết trên còn tiếp: ngay từ đầu, tín hữu có bổn phận tự kiểm xem mình có tràn đầy ơn Chúa không đã. Mọi người đều tuân giữ điều 916 Giáo luật, có nói: “Ai biết rõ mình đang mắc tội trọng đều không được rước Chúa vào lòng nếu trước đó không đến tòa giải tội để được tha mọi lỗi phạm.”



Nếu người nào rước Chúa dù luật Hội thánh có cấm nhưng không biết, hãy nên đến gặp linh mục để được cắt nghĩa tại sao không nên làm thế: “Thường thì đức khôn ngoan khuyến khích Thừa tác viên Thánh thể tránh từ chối trao Mình Chúa cách công khai, khiến mọi người nhìn thấy. Đấng bậc mục tử cũng nên phấn đấu giải thích cho đương sự hiểu ý nghĩa của luật Đạo, có như thế họ mới hiểu cặn kẽ, mới giữ luật.” (Phán Quyết đoạn #3)



Giả như đương sự được bảo cho biết về luật Đạo, mà vẫn cứ khăng khăng lên rước Chúa thì mục tử “phải chỉ thị cho phó tế hoặc thừa tác viên Thánh thể về cách xử trí trong trường hợp cụ thể.” (Phán Quyết số #3).



Nếu linh mục hoặc các thừa tác viên buộc phải chối từ không cho ai đó rước lễ, cũng nên biết thêm điều mà Phán Quyết trên nói rõ: “Tuy nhiên, trường hợp các biện pháp cẩn trọng khác không thành công hoặc tự mình thấy không thể được, thì thừa tác viên Thánh thể phải từ chối trao Mình Chúa cho người nào công khai không xứng đáng rước Chúa. Nhưng làm gì đi nữa, cũng nên chú ý đến tính bác ái và tìm dịp thuận để giải thích lý do tại sao mình từ chối. Các thừa tác viên phải thẳng thắn, biết rõ giá trị của việc từ chối cách mạnh mẽ như thế là vì lợi ích của Giáo hội và các linh hồn.” (Phán Quyết số 3).



Không cần lý giải dài dòng, ai cũng biết rõ đây là vấn đề tế nhị khó thực hiện suông sẻ. Nhưng vẫn là việc cần thiết hầu duy trì tính nghiêm trang của Bí tích Thánh Thể, sự thánh hóa hôn nhân và tôn trọng mọi người trong cộng đoàn đang phấn đấu sống theo giáo luật bằng một giá khá đắt. Và, những ai không ở trong tình trạng rối rắm vẫn được khuyến khích rước Chúa, bởi làm thế là để tôn trọng giá trị của Bí tích Thánh thể.” (X. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 12/6/2011, tr. 10)



Lý lẽ là như thế. Lề luật là như vậy. Như thế và như vậy, mới trói buộc dân con mọi người vào với thói tục mà người người gọi là “luật chữ Đỏ”, ở phụng vụ. Ở đời người, cũng có luật và có lệ. Nhưng, nào mấy ai bỏ lòng mình để sống vì lề luật. Cho luật lệ. Kể gì lý lẽ. Có chăng họ vẫn sống hết mình đã, lý sự sau. Đó mới là vấn đề. Là, vấn đề của con người và cuộc đời.

Cần nói thêm ở đây, vẫn một điều, là: phàm những chuyện xảy đến với con người, ở đời, mà nếu người người cứ câu nệ vào lề luật hoặc cứ lý sự để sống, thì vị ấy sẽ trở thành các cụ cứ sống trên mây, hay “tháp ngà” của lý lẽ. Nhà Đạo cũng thế, hễ điều gì liên quan đến giáo lý/giáo luật đều là chuyện hệ trọng. Đấng bậc nào cũng thận trọng suy xét, lý giải rồi mới đáp trả. Bằng không, làm sao gọi các cụ là đấng bậc được. Thế nhưng, thực tế ở đời vẫn có những chuyện “tréo cẳng ngỗng” mà người đời thường đặt cho cái tên rất cúng cơm là “những chuyện coi vậy mà không phải vậy. Tệ hơn vậy”. Tức, có những sự việc mà người đời dựa vào đó để sống, không màng lý sự. Càng không phải là lề luật.

Sống Đạo thực tế, là: sống lưu tâm/lưu ý đến thực tế dễ thấy, chứ không chỉ mỗi luật và lệ. Dù luật ấy là luật Đạo hay luật đời. Thực tế cuộc sống hôm nay, người người đều thấy rất nhiều dấu hiệu của sự suy giảm con số những người lui tới tòa giải tội, để xưng thú. Họ còn thấy rõ sự thể khác, là: ở trời Tây hay đây đó, số người dự Tiệc Thánh mỗi tuần nay giảm sút đến mức báo động.

Nhiều người còn tự hỏi: đã gọi là dự Tiệc Thánh mà sao ta không được ăn Mình Chúa, uống máu Chúa, kể cũng lạ! Khác nào được mời dự tiệc sinh nhật của vua quan/lãnh chúa với đại gia, mà chẳng được ăn uống tuỳ thích, mà chỉ ngó nhìn rồi vỗ tay, hầu tiếp hoặc giúp vui cho giới chức tha hồ thưởng lãm.

Hãy suy và cứ tưởng về trường hợp chủ nhà mời người dự tiệc Sinh Nhật hoặc ngân khánh kim khánh, mà lại cứ kiểm xem người đến dự có để bụng rỗng, sạch mọi hoá chất rồi mới cho ngồi vào bàn cụng ly, tiếp gắp món cao lương mỹ vị, chăng? Cả khi chủ nhà tiếp gắp cho thực khách, rồi lại bảo: “Đây là đặc sản quý hiếm, mời anh/mời chị cứ việc xơi!...” Nhưng, bất chợt thấy người được mời tự dưng biến sắc/thất thần vì lý do nào đó, như chưa kịp chuẩn bị cho tình huống được tiếp được gắp, lại thôi sao? Gặp trường hợp ấy, lại cứ bảo: “Biết thế, chẳng mời cho xong”… sao? Trường hợp, có bạn bè/người thân vừa ốm dậy, nghe biết bạn mình lập đám, không mời vẫn cứ đến, thì sao?

Bần đạo vốn dĩ không là đấng bậc, cũng chẳng là gì cả, chỉ lèn quèn “phó thường dân Nam Bộ” hoặc giáo dân hạng thứ, rất một đống, nên không dám bon chen, leng keng sử dụng môi miệng giải đáp gì về triết/thần lẫn giáo luật, mà chỉ dám phiếm và phiếm, thôi. Phiếm loạn “cào cào” để bầu bạn thấy khích lệ mà sưu tra, tìm đến chư vị có trách nhiệm mà hội ý có quyết định riêng, thế thôi.

Minh định thế rồi, nay bần đạo lại sẽ theo thói quen rất thường, là: trở về chốn thư giãn với truyện kể, để thấy được tia ánh loé lên ở cuối đường mòn tìm kiếm, rất nên làm. Dạo gần đây, bần đạo lại về với thói quen hôm trước, rất xa xưa là: tìm chốn vô tư, vô sự mà thư thả để “giãn” với thiên nhiên vạn vật, đã bắt gặp giòng chảy âm nhạc rất “đồng quê” của nghệ sĩ tầm cỡ “thượng thừa” rất Bê-Thô-Ven có giao hưởng khúc “Đồng Quê”, rất số 6.

Nhớ thời còn mãi đũng quần ở trường Dòng, đồng môn/đồng Đạo thấy lời bạt dân gian, viết rằng: “Tác giả Giao Hưởng Khúc số 6 này từng tản bộ nhiều giờ trong rừng hoặc công viên cạnh thành Vienne vui hưởng giờ phút linh thiêng với thiên nhiên đến độ âm thanh và ánh sáng vạn vật đã thẩm nhập hồn mình từ lúc nào, không biết…”

Lại nữa, nhà nghiên cứu nhạc cổ điển lại thêm:



“Động thái linh đạo của nhạc sĩ Bê-thô-ven vừa phiếm thần (tức cho rằng mọi sự đều là Thần thiêng) vừa thần phiếm (tức Thần thiêng chính là mọi sự). Nói thế có ý bảo: Bê-thô-ven chẳng bao giờ chuẩn bị để đưa con người đầy sáng tạo ngụp lặn với thiên nhiên/vạn vật mà từ bỏ chính mình cũng như tính thụ động của Đông Phương kỳ bí. Cuộc đời và sự nghiệp của Bê-thô-ven dựa trên sinh hoạt tích cực có khả năng biến hoá rất lạ kỳ. Lạ, ở cuộc sống mẫu mực thiêng liêng, rất sáng giá!” (x. Burnett James 1970, Symphony No 6 in F Major, EMI Records, England)



Về với vạn vật, rất gần lời khuyên của thánh nhân hiền lành vẫn cứ nhủ:



“Anh em hãy coi chừng

kẻo bị kẻ phạm pháp lầm lạc lôi cuốn,

không còn đứng vững nữa.

Nhưng hãy lớn lên trong ân sủng

và hiểu biết Đức Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời.”

(2Ph 3: 17-18)



Lời thánh nhân khuyên, lâu nay vẫn trích dẫn và đề cập trong nhiều trường hợp có vấn đề khác với ở trên. Nhưng, thiết tưởng cũng nên coi đó như nguyên tắc làm bằng trong mọi sự. Chí ít, là sự thể rất thực tế ở đời, trong đó nhiều ý kiến/lập trường về “thần thiêng thánh đức”, rất thân thương.

Dù sao đi nữa, hãy cứ tạo cho mình thứ bình an tự tại, để rồi tự hoá giải nhiều sự việc, mà thư giãn, sống vui hơn. Thư giãn và thư thả, để thả hồn rong chơi chốn bụi trần có nhiều điều vui như truyện kể để hỗ trợ, rất bên dưới:



“Chàng trai nọ khi xưa có tiếng ngoan đạo nhưng nay luôn đi trễ hoặc thỉnh thoảng vẫn bỏ lễ ngày của Chúa vì nhiều lý do. Hôm ấy đang vội đi nhà thờ, gặp ngay người hành khất hôi thối ngồi bên ngoài cứ năn nỉ xin dăm ba đồng mua cơm gạo ăn cho đỡ đói. Chàng trai bèn lấy cớ để thoái thác chuyện lễ lạy hôm ấy, bèn nói với người hành khất:

-Hôm nay tôi sẽ không đi nhà thờ bỏ tiền giúp xứ nữa và đồng ý cho anh số tiền này với điều kiện anh không mua cơm bánh nhưng hãy ghé tiệm rượu uống cho tiêu sầu, đồng ý chứ?

-Không dám đâu! Em đây, bỏ rượu đã từ lâu, nay xin chịu.

-Thế cũng được. Thôi, anh hãy nhận số tiền này mà mua thuốc hút.

-Dạ cũng không, em bỏ thuốc từ lâu rồi nay hút vào chỉ thêm mệt.

-Ừ cũng được. Thay vì hút thuốc, uống rượu tôi đề nghị anh vào nhà thờ dự lễ, cầu nguyện…

-Chuyện ấy cho em xin. Em hết muốn đi nhà thờ nữa rồi. Vào đó lại gặp cha với cố chỉ khuyên xưng tội, rồi lại giảng với giải bắt em lễ lạy, đến lúc em chịu đi rồi lại khuyên hãy bỏ tiền nhà thờ nuôi mấy ông cố già, làm sao kham.

-Thôi thì thế này: yêu cầu chót tôi đề nghị là: tôi sẽ cho anh tiền với điều kiện: gặp vợ tôi, anh phải nói hết sự thật tại sao anh ra nông nỗi này, thế được không?

-Gì chứ, chuyện ấy thì được.

Cả hai bèn đi tìm vợ của chàng trai vốn dĩ ngoan đạo nay hay thoái thác. Gặp vợ, chàng trai bèn phân bua:

-Em ơi! Ra đây anh giới thiệu người có kinh nghiệm ăn nhậu, hút sách lẫn nhà thờ nhà thánh, nay ra nông nỗi này, chỉ vì không chịu nổi mấy cha tối ngày cứ bắt giáo dân xưng tội với đi lễ không à. Có đúng không, anh cứ nói cho bà ấy đi . Tiền anh đây!

-Đúng. Em có làm gì nên tội? Chỉ như mọi người, mà sao mỗi mình em mắc tội nghèo?”



Thư thả và thư giãn xong, ta về với “ao ta” mà hát lời ca nghệ sĩ trẻ hôm trước cứ luôn miệng:



“Hãy để trôi qua đi bao nhiêu tháng năm,

Đừng bận tâm, dẫu đắng cay ngọt bùi.

Cuộc đời như cơn mê, ru ta ngất ngây

Hãy cùng nhau sống hết bao hôm nay.

Cuộc đời không chen đua, không mua tước danh,

Để còn say với gió thơm ruộng đồng.

Một ngày sao cho xong, cho qua hết đi,

Đừng buồn chi, với ước mơ làm gì.”

(Lê Hựu Hà – bđd)



Quả y như rằng, sống ở đời, cũng đừng nên chen đua, mua tước danh. Đừng bận tâm ai đúng/ai sai, trong sống Đạo! Cũng đừng bỏ công phí sức tìm xem ai đáng được rước Chúa ai không, mà hãy sống Đạo giữa đời hoặc sống với người đời nhưng vẫn luôn giữ được Đạo làm người. Nói tóm lại, nên sống Đạo làm con Chúa, rất thương yêu. Thế, mới đáng phục. Mới đích thực là con Chúa. Rất quả cảm.



Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn quyết tâm sống đời đi Đạo

có Chúa có anh em,

có Đức Chúa

sống trong lòng người anh/người chị

cùng con em

của chính mình.