Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy Tư Lời Chúa qua cuộc sống

“Anh gục đầu lên trang sách ước,”

“Chờ nghe máu chuyển một dư thanh.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mc 1: 21-28

Sách ước năm xưa, anh gục đầu. Dư thanh máu chảy, chờ nghe mãi. Sách ước năm này, Thày định ước. Ghi vào trình thuật, rất sử xanh.

Sử xanh, thánh nhân ghi là ghi lại Lời Chúa dạy có quyền uy toả sáng từ nơi Ngài. Lời Chúa dạy, là giáo huấn Ngài tích tụ không từ một trường lớp/sách vở nào, nhưng là bẩm sinh do tự Cha. Ngay từ đầu, giáo huấn của Đức Chúa do tự Cha là những điều mới mẻ khiến người nghe sửng sốt đến kinh ngạc. Và, người người xưa nay công nhận mình chưa từng nghe biết những điều như thế.

Biết như thế, nhưng vẫn tự hỏi giáo huấn mọi người học được nơi Ngài gồm những gì? Đó có là những điều được thánh Máccô trình thuật lại trong Tin Mừng vào bốn thập niên sau ngày Chúa chết và sống lại chăng?

Ngay từ đầu thế kỷ, điều Chúa huấn dạy được phổ biến rộng sâu qua hình thức truyền khẩu như chứng tích đáng tin cậy không thua gì lề luật viết thành văn. Và còn là, bằng chứng hiển nhiên, hiếm hoi và quí giá như tài liệu giáo dục do các bậc thày nhà Đạo chuyên huấn tập trí tuệ để giúp người nghe ghi tạc lời Ngài như án lệ mà các bậc thức giả trong Đạo từng chỉ dẫn, lẫn dắt dìu. Nên nhớ rằng, dân con thánh hội thời tiên khởi hầu hết đều là các vị chưa biết đọc cũng chẳng biết viết cho phải phép, nên truyền khẩu chính là hình thức chuyển tải phù hợp nhất với mọi người.

Nhiều bằng chứng cho thấy, ngay đến thánh Phaolô cũng gửi đến dân con nhà Đạo hai bản văn quan trọng để giáo dục thành viên cộng đoàn Corinthô biết đường hồi hướng trở về qua phương thức học thuộc lòng những điều thánh nhân dỗ dạy. Đó là lúc thánh nhân sử dụng nhiều phạm trù truyền thống năng nổ như: cụm từ “truyền lại” và “lãnh nhận”, hệt như trong thư gửi giáo đoàn Corinthô, có nói: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì lỗi tội của chúng ta, như lời Kinh Thánh viết, Ngài được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy và hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai như Sách Thánh từng ghi chép.” (1Cr 15: 3-5)

Trong cùng chiều hướng như thế, khi thánh nhân trích dẫn lời Kinh Thánh đều vẫn nhấn mạnh: “Như Kinh Sách từng viết”. Cụ thể như, đoạn thánh nhân nói về “Tiệc Thánh Thể”, sau đây: “Thật vậy, điều tôi lãnh nhận từ Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, là: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thày, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thày vừa làm để tưởng nhớ đến Thày." Cũng thế, cuối bữa ăn, Ngài nâng chén nói: "Đây là chén Máu Thày, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thày vừa làm để nhớ đến Thày." (1Cr 11: 23-25)

Hai đoạn trên, được coi như khẳng định căn bản của lòng tin và như chứng từ nền tảng cho mọi nghi thức phụng vụ. Đó là ký ức truyền khẩu về giáo huấn Chúa từng dạy. Thế nhưng, vấn đề là: giáo huấn Chúa dạy các thánh thuộc loại hình nào?

Rõ ràng, phương thức Chúa dùng để giáo huấn dân con mọi người lại đã không đạt tầm hiểu biết của người nghe ở Caphanaum như thánh sử Máccô xác nhận: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1: 22). Khi giảng dạy, Ngài không làm như mọi người là: trích dẫn lời của ai, về bất cứ việc gì, mà sử dụng chính Lời lẽ/ý tưởng của riêng Ngài. Đó là nguồn tư tưởng có một không hai, xuất tự nơi Ngài. Là, phương thức Ngài chuyển tải chính Con Người Ngài.

Cụ thể hơn, khi thánh Máccô viết: “Ngài giảng dạy như Đấng có thẩm quyền” thánh nhân sử dụng cụm từ bên tiếng Hy Lạp “exousia” có nghĩa như một “trợ lực”, đồng thời lại hàm ngụ ý nghĩa “Từ khởi thuỷ…” như trong sách Khởi Nguyên vẫn thấy viết. Nơi giáo huấn của Ngài, điểm độc đáo ít thấy là cung cách truyền lực cho người nghe có khả năng thực thi điều mình nhận lãnh răn dạy. Giáo huấn Ngài dạy, không thể xếp hạng theo tiêu chuẩn nào hết. Cũng không có hình thức lẫn khuôn khổ nào giống như thế. Bởi, Ngài không giảng dạy bất cứ truyền thống nào vẫn có xưa nay. Ngài chỉ liên hệ đến người nghe, là con dân mọi thời tức chúng ta. Tất cả, vẫn chỉ là “lời dạy tiên khởi” trước sau không thấy ai từng làm thế. Cũng chẳng bắt chước từ mô hình nào hết. Tư tưởng Ngài đưa ra, vẫn là ý tưởng độc đáo không ai có.

Trình thuật, nay thánh sử cho thấy chuyện xảy ra là ở Caphanaum. Caphanaum ư? Nói thế, có nghĩa rằng: phải chăng Đức Chúa và/hoặc thánh sử Máccô từng sống ở Caphanaum sao? Có thể lắm. Gần đây, nhiều nhà chú giải cho rằng thánh Matthêu, Máccô và chính Đức Giêsu có lúc cũng từng dừng lại ở Caphanaum. Caphanaum tức Kefer Nahum- là thôn làng mang tên ngôn sứ Nahum, có chừng không đầy 1500 người sống ở đó. Thánh Phêro từng sống ở đó, và Đức Giêsu cũng thường lưu lại và có thể cũng có căn hộ ở tại đây. Chính vì thế, Ngài gọi đó là thôn xóm của Ngài. Chính thực ra, Ngài là Giêsu thành Caphanaum, cũng rất đúng.

Nhiều chứng tích cho thấy: vào thế kỷ đầu đời, dân con Chúa sinh sống ở đó cũng rất lâu. Ngay nhà của thánh Phêrô có lẽ là nơi hội họp/gặp gỡ cũng rất thường của dân con đi Đạo vào đầu thế kỷ, chung quanh thập niên 60, thôi. Khai quật Qumran cũng phát hiện ra một vài bình vại tẩy uế có niên đại từ cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba. Và, cũng thấy có nền móng nơi ở xuất hiện ngay từ thế kỷ đầu. Và, có nhiều kỷ vật có đề tên “Phêrô” nữa.

Đọc Tin Mừng, người đọc sẽ ngạc nhiên không ít khi thấy 90% nội dung trình thuật thánh Máccô đều thấy có trong Tin Mừng Mátthêu. Nói đúng hơn, 50% nội dung Tin Mứng thánh Mátthêu đã ghi rõ từng lời được viết trong Tin Mừng thánh Máccô, là bản văn viết sớm nhất trong các Tin Mừng. Vậy, nếu thánh Mátthêu là người Do thái nói được tiếng Hy Lạp theo thổ âm Caphanaum, thì sao thánh nhân giữ được văn vẻ của thánh Máccô là nguồn gốc Tin Mừng? Phải chăng thánh Máccô nối kết nhiều với Caphanaum? Các nhà chú giải như F. Moloney công nhận rất có thể là như thế. Tác giả cho biết Caphanaum là chốn miền gần với Giêrusalem, theo nghĩa này.

“Người đến dùng bữa tại nhà ông…” (Mc 2: 15), tiếng Hy Lạp viết: “en to oikia autou”. Nhà đây là nào vậy? Nhà của Lêvi hay của Chúa? Điều này được thừa nhận không phải như lời kể mà như một khẳng định bảo rằng Đức Giêsu cũng có nơi ăn chốn ở tại thôn làng này. Các nhà chú giải lại bảo đó là nhà của Lêvi, nhưng xem ra các vị nói như thế là do ảnh hưởng từ Tin Mừng thánh Luca. Tuy nhiên, Lêvi để lại hết mọi thứ, trước khi lên đường theo chân Chúa! Theo ngôn từ ở Tin Mừng thánh Máccô, người đọc được khuyến khích để tin rằng Đức Giêsu đã lập buổi tiệc chào đón ngay tại nhà Ngài. Caphanaum chắc chắn là trung tâm mọi sinh hoạt mục vụ tại Galilê –căn cứ điạ mọi hoạt động mang tính mục vụ.

Thánh Mátthêu và thánh Luca lại vẫn nói: Chúa không có đến chốn miền nào để gối đầu. Có lẽ hai thánh sử khẳng định như thế là muốn nói đến giai đoạn cuối trong hành trình rao giảng của Chúa. Là thợ mộc ngành thủ công, có thể là Chúa có công việc đặt địa bàn cơ sở ở Caphanaum. Và, có lẽ cũng ở nơi đó, Ngài đã gặp đồ đệ Ngài.

Xem thế thì, khi mọi người đục một lỗ trên mái nhà để đưa người liệt xuống cho Chúa chữa, thử hỏi nhà ấy có phải là nhà của Chúa không? Khái niệm về Đức Giêsu như công nhân nghèo lang thang đây đó để giảng rao, có lẽ không đúng lắm. Đọc Tin Mừng về nơi ăn chốn ở của Đức Chúa, có lẽ cũng nên thận trọng đừng đem ý niệm sở hữu tài sản ra khỏi nhận thức về các gia đình đông con vẫn thấy có nơi các nền văn hoá Trung Đông, vào thời đó.

Nói cho cùng, có lẽ ít ra cũng nên nghĩ rằng: Chúa cũng có nơi chốn bình thường để Ngài lưu lại sau những ngày rong ruổi giảng rao. Và, nơi Ngài ở, chắc chắn được dân chúng biết rõ.

Nói cho cùng, thật cũng khó mà trở thành nhà giảng dạy độc đáo. Có quyền uy. Nhất thứ là khi đấng bậc chuyên giảng dạy lại cư ngụ gần gũi với người nghe. Bởi thế nên, trường hợp của Đấng Giảng Dạy như Đức Giêsu, đích thực là như thế. Rất đặc biệt. Độc đáo. Có một không hai.

Trong tâm tình cảm nghiệm như thế, có lẽ cũng nên về với thi ca mà ngâm nga những lời, rằng:



“Ngào ngạt hương tay một vĩ đàn,

Bàn tay hoa nở trắng không gian,

Bước chân Người tám thu hò hẹn,

Ôi đoá hồn say, phím ngọc lan.”

(Đinh Hùng – Đàn Thu Tay Ngọc)



Thi ca hay Tin Mừng, hẳn vẫn nói lên những tình tự vĩ đại của các đấng bậc có “bàn tay nở trắng không gian”. Có “bước chân người tám thu hò hẹn”, tức “những đoá hồn say phím ngọc lan”. Phím ngọc lan hay lan ngọc, vẫn là tình tự được giảng dạy xưa nay, rất mai ngày. Ở mọi nơi. Mọi thời. Mọi nơi chốn rất thiên thu. Nghìn trùng.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.

Mai Tá phỏng dịch.

Chuyện Phiếm đọc trong tuần Thứ Tư thường niên năm B 29.01.2012



“Đêm có tiếng thở dài, đêm có tiếng ngậm ngùi,”
Khu phố yên nằm, Đôi bàn chân mỏi, Trên lối về mưa bay.”

(Tùng Giang – Tôi Với Trời Bơ Vơ)

(Mc 16: 20)

Đã chắc gì, tiếng thở ấy là thứ âm thanh mà bạn nghe được về đêm! Tiếng ấy, có thể là tiếng phì phào thở hắt ra ngoài, nhưng chắc không là tiếng thở hắt, một lần rồi đi đứt! Thật ra thì, có thở hắt ra hay hít dưỡng khí vào đã không nhiều mà lại là thở hắt, thì thôi chắc bạn và tôi, ta sẽ hết cả chuyện để phiếm, và để bàn. Bàn chuyện phiếm, nay chỉ nên nói về ba tiếng thở ngắn thở dài mang dấu ấn đề tài “Tôi với trời bơ vơ”, mà thôi.

Kể cũng lạ, một đằng người nghệ sĩ vừa nghe có “tiếng thở dài”, lại thêm đôi câu hát:



“Đêm anh hát một mình,

Ru em giấc mộng lành.

Xin những yên bình,

cho loài chim nhỏ,

Cao vút trời thênh thang.”

(Tùng Giang – bđd)



Thôi thì, nay đêm nghe “tiếng thở dài” của ai đó cũng chỉ để “ru em giấc mộng lành” hay để có ước vọng lớn, cũng xin bạn và tôi, ta ngưng ngay những thở dài lai rai đến thở hắt hiu kẻo buồn chết đi được. Vâng. Nay, bần đạo chẳng muốn nghe tiếng thở nào dù dài hay ngắn, nhưng chỉ muốn nhắn bầu bạn qua câu hát:



“Anh ru em ngủ

không bằng những lời buồn anh đã viết

Anh ru em ngủ

Này lời ru tha thiết rộn ràng…”

(Tùng Giang – bđd)



Thật ra thì, chẳng biết: lời ru của bầu bạn có là “lời ru tha thiết” để bạn và tôi, ta “còn yêu thương loài người” nữa không thôi! Duy, có điều chắc là: giòng chảy chữ nghĩa mà bần viết ở đây chỉ là “lời ru em ngủ” để mình ngon giấc, thôi.

Hơn nữa, sở dĩ bần đạo thốt lên điều này, vì nhiều bạn và nhiều cái tôi, đôi lúc vẫn thương bần đạo nên mới có ý kiến phản hồi rằng: “Chuyện phiếm của bạn là thứ mà cả tôi lẫn bà xã vẫn để đầu giường để ru… cho dễ ngủ, đấy nhé!”. Ấy chết! Chuyện phiếm của bần đạo, lại chỉ để ru bầu bạn cho dễ ngủ thôi sao?

Vâng. Chính đó là “phát giác kinh khủng” mà bần đạo thỉnh thoảng vẫn nghe/biết. Thế nhưng, (lại chữ “nhưng” rất to đùng gì nữa đây!) giả như có phát giác nào khủng khiếp vốn lôi cuốn mọi người vào chốn ngủ vùi đầy chữ “nhưng” như truyện kể ở dưới để lấy hứng mà luận bàn về những dấu hiệu hoặc ám hiệu trong đời người để suy nghĩ cũng rất nên, như sau:



“2 giờ sáng, có tiếng chuông điện thoại reo trong phòng ngủ của cặp vợ chồng nọ.

Người chồng (C) nhấc điện thoại, người vợ (V) nằm im.

C: Hello… Hello?

Chồng cúp điện thoại, đinh ngủ tiếp nhưng chị vợ đằng hắng:

V: Ai thế?

C: Không biết. Chẳng thấy nói gì cả. Cúp máy.

V: Sao lại cúp máy?

C: Chắc gọi lộn số.

V: Tại sao lại có người gọi lộn số vào giờ này nhỉ?

C: Người ta gọi lộn số giờ nào mà chẳng được.

V: Thế sao lại chọn số của mình mà gọi lộn chứ?

C: Tôi không nghĩ là người ta chọn số của mình mà gọi lộn. Người ta chỉ gọi lộn...

V: Chắc đây là ám hiệu quá.

C: Ám hiệu gì? Ai đưa ám hiệu?

V: Thì "bạn" của ông chứ ai vào đây nữa.

C: Thằng cha đó đâu có phải là bạn tôi đâu mà bà nói vậy.

V: "Thằng cha" đó không phải là bạn ông?

C: Đúng thế.

V: Thế mà ông nói là không nói gì cả.

C: Đúng. Có nói gì đâu.

V: Thế tại sao ông lại biết là "thằng cha"?

C: Tôi có biết gì đâu.

V: Ông vừa mới nói, "Thằng cha đó đâu có phải là bạn tôi".

C: Thì… nói vậy cho nó tiện thôi chứ đâu có phải là… đáng lẽ tôi phải nói là…"người ta…" … "Người ta không nói gì hết".

V: Thế tại sao ông không nói như vậy?

C: Tôi đâu có biết… Nếu nói thế thì đã không có chuyện với bà.

V: Có phải đây nằm trong âm mưu của ông không?

C: Âm mưu gì?

V: Âm mưu làm cho tôi rối trí.

C: Làm sao tôi làm bà rối trí được chứ?

V: Dễ quá mà… Ông dùng chữ "thằng cha" trong khi thật ra đó là "con mẹ"… Rồi ông lại đổi sang dùng chữ "người ta" để làm cho tôi rối trí…

C: Tôi bây giờ mới là người bị rối trí. Bà nói "con mẹ" nào?

V: Làm sao tôi biết được. "Con mẹ" đó là bồ của ông mà.

C: Không có "con mẹ" nào hết. Chỉ có người ta gọi lộn số mà thôi.

V: Thế con mẹ đó có đẹp đẽ gì không?

C: Con mẹ nào?

V: Con mẹ bồ của ông chứ còn ai.

C: Bà ăn nói hàm hồ... làm gì có con mẹ nào... Người ta gọi điện thoại... lộn số... chỉ có thế thôi mà bà làm gì dữ vậy?

Chồng đứng lên ra đóng cửa sổ một cái rầm.

V: Lại ám hiệu gì nữa đó?

C: Bà nói gì? Ám hiệu gì?

V: Ám hiệu bằng cách đóng cửa sổ...

C: Tôi đóng cửa sổ lại vì thấy lạnh.

V: Thế tại sao ông không thấy lạnh và đóng cửa sổ lại trước khi ông nhận được ám hiệu bằng cú điện thoại?

C: Tôi không thấy lạnh trước khi nhận được ám hiệu.

V: Thấy chưa. Tôi nói có sai đâu!

C: Để tôi nói cho bà nghe: Không có ám hiệu... mà cũng chẳng có con mẹ nào hết... chỉ có người nào đó gọi lộn số... và tôi đóng của sổ lại vì tôi thấy lạnh... Chỉ có thế thôi. Bà làm ơn đi ngủ đi cho tôi nhờ.

Anh chồng với tay tắt đèn, miệng lẩm bẩm: "Trời đất quỷ thần!!!"

V: Ông có chắc là con mẹ ấy thấy cái ám hiệu của ông không?

C: Thấy cái gì?

V: Cái đèn, bật lên bật xuống đó.

C: Ai thấy?

V: Tại sao ông lại hỏi tôi? Con mẹ bồ của ông chứ ai.

C: (Thở dài) Thôi bà ơi, đi ngủ đi. Hai rưỡi sáng rồi.

V: Sao ông biết là hai rưỡi sáng rồi?

C: Coi đồng hồ thì biết chứ sao nữa?

V: Chứ không phải là con mẹ ấy nói trước với ông là nó sẽ gọi ông lúc hai rưỡi sáng hay sao?

C: Con mẹ nào?

V: Con mẹ đứng ngoài kia chờ ám hiệu đóng cửa sổ và tắt đèn, mở đèn của ông chứ còn ai vào đây.

C: Thôi bà ơi... không có con mẹ nào hết... không có ai chờ ai hết... chỉ có người nào đó gọi lộn số thôi... bà nghe rõ chưa? Mà tại sao bà lại có cái ý tưởng là tôi léng phéng với con nào cơ chứ? Bà biết là tôi yêu bà đến thế nào mà... Có ai hiểu cho tôi không, khổ quá... Thôi đi ngủ đi, bà ơi!

V: Thôi... tôi xin lỗi ông... có lẽ là tại tôi ghen quá...

C: Có chuyện gì đâu mà bà phải ghen với tuông! Thôi đi ngủ đi... mai tôi phải dậy sớm đi làm...

V: Tôi... tôi xin lỗi ông...

C: Thôi được rồi... đừng nghĩ đến những chuyện ấy nữa.

Chồng giả vờ ngủ. Vợ bắt đầu ngáy. Chồng nhẹ nhàng lật chăn sang một bên, đứng dậy, cởi bộ pijama trên người, để lộ bộ quần áo đã mặc sẵn, lấy mũ đội rồi rón rén ra cửa.

Có tiếng súng lên cò. Chồng hết hồn quay lại.

V: Ông mà mở cửa đi thì tôi bắn một phát nát thây ông cho mà coi!

(Truyện kể trích từ hộp thư trên mạng, mới vừa nhận!)



Kể truyện trên, người kể không có ý chứng minh rằng: sống đời người, vẫn luôn thấy “tiếng thở dài” không chỉ vào ban đêm mới thấy có, mà cả đến ban ngày cũng có luôn! Tuy nhiên, kể thế là để minh hoạ một cảnh tình hoặc tình thế trong đó người kể muốn nói rằng: sống đời thường ở huyện, người người vẫn muốn tìm ra ”ám hiệu” hay “dấu hiệu” nào đó nói lên căn tính của mình và của người, để vui thôi.

Sống đời đi Đạo, cũng có trường hợp nhà Đạo mình vẫn cứ coi động thái phụng vụ hay lời lẽ trong kinh kệ xem có dấu hiệu gì chứng minh là mình vẫn tin và yêu Chúa. Hoặc, chứng từ nào đó khả dĩ cảnh giác/cảnh tỉnh người đi Đạo hãy giữ vững niềm tin nơi Chúa là mục đích của đời mình.

Với một số bạn Đạo, có sự thể tương tự được nhà Đạo coi như “dấu ấn”/”dấu hiệu” chứng tỏ dân con Đạo Chúa, rất lành và rất thánh, vẫn đưa ra những câu hỏi tựa như câu của vị nữ lưu nọ gửi đến đấng bậc phụ trách mục giáo lý trên báo chí, như sau:



Thưa Cha, con có câu hỏi tuy không khó giải quyết nhưng sao nó cứ làm con thắc mắc nghĩ mãi không ra. Số là, mới vừa đây, con được hân hạnh tham dự buổi hội thảo với đề tài nói về cuộc sống của người Công giáo trong đó có phần nói về việc đọc kinh cầu nguyện ở nhà thờ hay đâu đó, ta luôn bắt đầu bằng việc làm “Dấu Thánh Giá”, rất bình thường. Nhưng, không hiểu là bẵng từ lúc nào, số người thực hiện điều này đã vơi dần. Nghĩa là, làm như mọi người thấy khó chịu hoặc ngượng ngập khi phải làm “Dấu Thánh Giá” trước mặt người lạ, nhất là trước bữa ăn hay tiệc tùng đình đám, ở đâu đó. Đối với con, chuyện này khiến con ngạc nhiên không ít, vì truyền thống Giáo hội ta từ nhiều thế kỷ bỗng trong phút chốc nay bị lãng quên hay bỏ sót. Con nói thế có quá đáng không? Có cổ hủ hoặc bảo thủ không, thưa cha? Vậy thì, Hội thánh ta quan niệm thế nào về chuyện này, xin cho biết. Rất ghi ơn. (Câu hỏi trên không thấy ghi tên người thắc mắc)



Hỏi, là hỏi thế, khác nào người nghệ sĩ ở trên tuy không hỏi, nhưng vẫn hát những lời rất lơ mơ, lờ mờ, vẫn hững hờ như:



“Ai cho tôi một ngày yên vui

Cho tôi quên cuộc đời bão nổi

để tôi còn yêu thương loài người…”

(Tùng Giang – bđd)



Hát hay hỏi, là nói lên một tình tự, tuy không rõ nhuộm đặc mầu đen đặc hay trắng trắng. Nhưng, đã là tình tự thì có là tình rất tự sự của người trong/ngoài cuộc, hoặc có là tâm sự đời mình của ai đó, vẫn là điều khó mà diễn tả. Bởi, sự việc có khó tả cảnh tả tình, mới được chủ nhân “bầu tâm sự” gửi đấng bậc chuyên gia nhà Đạo để vấn ý, thì việc nào việc nấy cũng sẽ được giải đáp “thẳng rọt”, “xuôi rót” như sau:



“Bản thân tôi đã viết một bài riêng về lịch sử và ý nghĩa của việc lấy “Dâu Thánh Giá”, cách đây không lâu (x. Question Time, Connor Court 2008, câu 124), nhưng câu chỉ hỏi đã tạo cho tôi cơ hội để, một lần nữa, quảng diễn thêm tầm quan trọng của động tác nói lên lòng sùng Đạo của mình.



Thói quen làm “Dâu Thánh Giá” có từ thời xưa, vào thế kỷ đầu đời của Hội thánh. Như tôi nói trong bài viết hôm ấy, một trong các chứng cứ thành văn xuất từ tác giả Tertullianô hồi cuối thế kỷ thứ 2, đã khẳng định: “Mỗi khi đi đâu hoặc có công tác gì cần phải di chuyển, bước vào hoặc ra khỏi nơi thờ phượng, cả vào lúc xỏ giày chuẩn bị ra đi hay khi đi bơi đi tắm, cả khi ngồi vào bàn ăn lẫn lúc thắp nến, cả khi ngả lưng nằm nghỉ hay ngồi xuống ghế để hội họp, tức bất cứ việc gì khiến bận tâm lo lắng, ta đều làm “Dấu Thánh Giá” trên nơi trán trên ngực và ngang vai. Các thói quen ấy, không do qui luật nào ấn định trong Kinh Sách hết, nhưng thánh truyền vẫn khuyên chúng ta nên làm thế. Thói quen ta giữ và niềm tin trong Đạo vẫn giúp ta xác tín chuyện này.” (x.Tertullianô De Cor, Mil., 3).



Như Tertullianô nói, đây không là thói quen do Hội thánh buộc mọi người làm cho bằng là đó là cử chỉ do lòng mộ đạo của dân con Chúa vẫn thực hiện ở buổi đầu. Nhưng hỏi: đâu là lý do khiến các thánh duy trì thói quen ấy suốt nhiều thế kỷ, là gì?



Rõ ràng, các thánh thời Giáo hội tiên khởi vẫn công nhận rằng: thánh giá là biểu hiệu riêng tư đặc biệt của thánh hội mình. Nói cách khác, ngang qua thánh giá ta biết được rằng chính Đức Giêsu là Đấng cứu độ trần gian và mọi người đều muốn dân con đi Đạo nhớ sự kiện có một không hai này. Với các ngài, thánh giá không là vật phẩm nhắc mọi người nhớ về cái chết nhục hình mà là sự chiến thắng quang vinh của Tình Yêu Thiên Chúa trên cả tội lỗi, nỗi chết và quỉ thần/sự dữ.



Các thánh tổ phụ thời trước coi thánh giá như biểu tượng của sự hiệp thông nối kết Đức Kitô đem đến qua cái chết và sống lại của Ngài. Các ngài quan niệm thanh dọc của thánh giá là sự nối kết trời với đất, còn thanh ngang tượng trưng cho sự kết hợp người Do thái với dân ngoại.



Chính vì lý do này mà các thánh thời giáo hội tiên khởi vẫn dựng thánh giá Chúa khắp mọi nơi, từ nhà riêng cho đến chốn phượng thờ, cả trên mộ phần người chết nữa, chỗ nào cũng ghi dấu Thánh giá ở trên đó.



Thánh Gioan Chrisostôm cắt nghiã sự việc này như sau: “Không ai thấy xấu hổ về dấu thánh thiêng ơn cứu độ là điều tốt lành trên hết mọi sự lành qua đó ta nhận ơn huệ sự sống rất hữu hiệu. Nói cho cùng, bất cứ nơi nào mình hiện diện, ta đều mang trong người trọn vẹn thập giá Đức Kitô như vương miện cao cả của đấng thánh. Thật sự, mọi thành tựu nơi ta đều ngang qua thánh giá. Cả khi ta tái sinh nên lành thánh, thì thập giá vẫn có đó. Khi nhận của ăn nhiệm mầu rất thánh, khi thực hiện công cuộc thừa tác rất thánh tiến, cũng như khi cử hành phụng vụ, nhất nhất đều là biểu hiện sự chiến thắng quang vinh của Chúa vẫn luôn hiện diện nơi ta. Điều đó cũng cắt nghĩa vì lòng sốt sắng mộ đạo mới khiến ta treo dựng thánh giá cả ở trong nhà, trên tường hoặc nơi cửa sổ. Điều đó cũng chứng minh lòng ta mộ đạo mỗi khi làm dấu thánh trên trán và trên tim mình. Chính đây là dấu hiệu của ơn cứu độ. Là, dấu chỉ sự tự do con cái Chúa. Là, dấu thánh tỏ bày lòng nhân lành Chúa đối với mọi người.” (X. Bài giảng Tin Mừng Thánh Mát-thêu đoạn 54, câu 4 )



Dấu hiệu của thập giá rất thánh lâu nay vẫn hiện diện khắp nơi trong nhà thờ. Ngay khi bước vào nhà thờ cũng như lúc rời khỏi nơi thờ phượng và cử hành phụng vụ, ta đều chấm nước thánh và làm dấu thánh giá. Và, mỗi khi cử hành bất cứ phép bí tích nhiệm mầu, ta cũng đều bắt đầu bằng việc lấy dấu Thánh giá hết. Khi rửa tội, vị chủ trì cũng như cha mẹ và vú bõ đỡ đầu thảy đều làm dấu thánh giá trên trán trẻ bé vừa chịu phép thanh tẩy. Nước rửa xối lên đầu trẻ bé cũng được thực hiện theo hình thánh giá và vị chủ trì buổi rửa tội, cũng xức dầu lên người của trẻ bé bằng hai động tác theo hình thánh giá có nhúng dầu thánh.



Khi cử hành thánh lễ, dân con tham dự vẫn thực hiện nhiều dấu thánh giá hơn nữa. Như, từ khi bắt đầu lễ cho tới khi chủ tế ban phép lành kết lễ và lúc nghe chủ tế công bố Tin Mừng của Chúa, người tham dự đều làm dấu thánh giá trên trán, trên môi miệng và trên ngực mình trước khi nghe. Và, phép lành kết thúc thánh lễ cũng được ban theo hình thức thánh giá trên người hoặc phẩm vật được làm phép.



Đằng khác, ta vẫn thấy thánh giá xuất hiện mọi nơi mọi chỗ: trên tường nhà thờ, cả bên trong lẫn bên ngoài chốn thờ phượng hoặc tại nhà riêng; trong túi áo, bao bị, cả trên chuỗi Mân Côi và vài nơi trên thế giới, ta cũng thấy thánh giá được dựng bên đường lộ, dọc các con sông nữa.



Thế nên, hãy tỏ lòng hân hoan vui sướng được đãi ngộ vì ta vẫn có thói quen làm dấu thánh bởi đây là dấu hiệu đồng hành với Hội thánh ngay từ thời tiên khởi. Bao giờ cũng thế, ta bắt đầu cầu nguyện bằng cách làm dấu thánh giá, cả khi nguyện cầu cảm tạ trên của ăn, lẫn giây phút ta ra vào nhà hoặc trước giây phút bắt đầu hành trình đi xa…



Cũng nên bảo nhau đừng ngại ngần/xấu hổ khi chứng tỏ niềm tin ta có với Chúa bằng việc làm dấu thánh giá trên của ăn, trong khách sạn, ở nhà hàng hay đâu đó trước bá quan thiên hạ. Nói cho cùng, ngay nơi công cộng, ở buổi thi đấu thể thao, ta vẫn thấy các cầu thủ/vận động viên vẫn làm dấu thánh giá trước mặt cả ngàn ngàn khán/thính giả cũng như triệu triệu người theo dõi truyền hình buổi đấu ấy.



Tắt một điều, dấu thánh giá là phù hiệu chính nói lên lý lịch cao sang của người theo Đạo. Là, biểu tượng chứng tỏ Đức Kitô toàn thắng lỗi tội và nỗi chết. Là, biểu tượng thánh thiêng chứ không là vật phẩm nhất thời hoặc cổ lỗ.” (X. John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 27/11/2011, tr. 10)



Đúng là thế. Hỏi về dấu thánh giá mà lại hỏi đấng bậc cha cố rất nhà Đạo, khác nào tra hỏi bậc thày về giáo lý với sách phần! Các thứ ấy, đức thày nào cũng nằm lòng, chẳng sai một ly đi một dặm nào hết. Có chăng, chỉ nên hỏi: các đức thày có thực hiện việc tốt lành này ở chỗ tư riêng không, mà thôi. Riêng tư/tư riêng, là không cần chứng tỏ cho mọi người biết về triết lý rất thần học có từ ngàn trước đến ngàn sau.

Nói về dấu thánh giá, chỉ là nói về dấu hiệu bên ngoài về thần học cứu rỗi được tóm gọm bằng câu tuyên xưng Ba Ngôi Đức Chúa rất hiện thực, cùng là dấu hiệu chứng tỏ lòng tin của mình, thôi. Nói cho cùng, có làm dấu hiệu gì đi nữa cũng chỉ đều như nói và hát. Nói như hát, vẫn nên chuyển đến mỗi người và mọi người những gì vui tươi, hồ hởi vẫn rất mừng. Nói và hát về thần học cứu rỗi, là đừng nói và hát những câu ca như sau:



“Đêm hiu hắt lạnh lùng,

Sầu thêm mắt muộn phiền

Soi bóng đời mình bên giòng sông cũ

Tôi với trờ bơ vơ!

Tôi với trời bơ vơ…”

(Tùng Giang – bđd)



Nói và hát, về thần học cứu rỗi bằng cử chỉ hoặc dấu hiệu trên con người, chỉ nên nói và hát những gì Chúa dạy ta làm thế với mọi người, như trình thuật thánh Máccô vẫn ghi:



“Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi,

có Chúa cùng hoạt động với các ông,

và dùng những dấu lạ kèm theo

mà xác nhận lời các ông rao giảng.”

(Mc 16: 20)



Nói cho cùng, có làm dấu thánh giá hay dấu gì đi nữa mà chẳng xác tín điều mình làm, thì cũng chỉ như người máy làm được mọi chuyện nhưng chuyện nào cũng không có hồn, chẳng tác dụng gì đến người làm hoặc người thấy. Làm thật đấy, nhưng chỉ công cốc, rất vô ích.

Nói tóm lại, gì gì đi nữa, có làm dấu thánh giá hay “dấu lạ” với mình mình hoặc với người, cũng chỉ nên làm những động tác rất “ắt và đủ”, thôi. Nói theo ngôn ngữ người đời, là nói và bảo: hãy chỉ nên vừa đủ, cả khi làm lẫn khi vui. Như châm ngôn được bạn bè truyền nhau trên mạng, rằng:



“Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn đượcngọt ngào.

Vừa đủ THỬ THÁCH để giữ mình luôn kiên cường.

Vừa đủ MUỘN PHIỀN để thấy mình thật sự là người.

Vừa đủ HY VỌNG để thấy mình Hạnh Phúc.

Vừa đủ THẤT BẠI để giữ mình mãi khiêm nhường.

Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ mình mãi nhiệt tâm.

Vừa đủ BẠN BÈ để bớt có cảm giác cô đơn.

Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng các nhu cầu cuộc sống.

Vừa đủ NHIỆT TÌNH để có thể đợi chờ trong hân hoan.

Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan thất bại!”

(trích điện thư từ bạn bè gửi rất nhiều, vào ngày 17/01/2012)



Lại nói tóm, làm gì thì làm miễn là việc làm của bạn và của tôi, vẫn vì mục tiêu khiến mọi người vui tươi, hạnh phúc như Chúa dạy. Đó mới là vấn đề. Đó chính là mục tiêu của cuộc sống, rất thánh thiêng. Anh em.



Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn xin mình xin người

chớ đặt nặng những dấu bên ngoài,

nhưng hãy chỉ quan tâm đến

điều Chúa nhắn nhủ vào giờ cuối,

thế thôi.