Trong Cách Mạng Tháng Mười và những năm sau trong thời nội chiến Nga (1917-192), tại Nga và cả tại Ba Lan, thuật ngữ Chủ Nghĩa Bônsêvích Do Thái hết sức thịnh hành và là lợi khí của Phe Trắng chống lại Phe Đỏ, với hàm ý Cách Mạng Tháng Mười và cả phong trào Cộng Sản đều bị chủ nghĩa Xion của người Do Thái giật dây, qua những nhân vật Do Thái như Trotsky chủ động. Chưa hết, thuật ngữ này, mấy chục năm sau, đã được Đức Quốc Xã dùng làm chiêu bài biện hộ cho chính sách của họ và nhất là biện hộ cho cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô lúc ấy, một chiêu bài rất dễ được người ta tin theo.

Bônsêvích và Sự Hiện Diện của Người Do Thái

Căn cứ vào lịch sử, người Do Thái vốn là một thiểu số bị bách hại trong Đế Quốc Nga, trước Cách Mạng Tháng Mười, qua chính sách phân biệt chủng tộc và những cuộc tàn sát (pogroms) đây đó. Chính vì thế, trong khoảng từ 1881 tới 1920, hơn 2 triệu người Do Thái đã phải rời bỏ Nga đi nơi khác. Xua đuổi, trục xuất, giam cầm, đánh đập là số phận hàng ngày của người Do Thái trên đất Nga dưới sự thống trị của nhà Romanov. Khuynh hướng chung của người Do Thái, dĩ nhiên, là tham gia các tổ chức ý thức hệ nhằm đem lại thay đổi từ từ hay thay đổi cách mạng trong Đế Quốc. Một trong các tổ chức đó chính là Đảng Bônsêvích. Có người cho rằng, trước ngày nổ ra cuộc Cách Mạng Thánh Mười, Bônsêvích có 10,000 đảng viên, thì trong đó đã có 364 người là Do Thái rồi. Những người lãnh đạo hàng đầu của Đảng, từ 1917 tới 1919, ít nhất có Grigory Zinoviev, Moisei Uritsky, Grigory Sokolnikov, và Leon Trotsky.

Staline sau này có ra lệnh loại bỏ người Do Thái ra khỏi các vai trò lãnh đạo. Nhưng việc này phần lớn tiến hành để trả đũa sự bội phản của Trotsky qua việc viên lãnh tụ này đào ngũ và thành lập ra Đệ Tứ Quốc Tế. Có người cũng cho rằng Staline muốn chứng tỏ mình “cùng” chính sách với Hitler trong việc diệt trừ người Do Thái…

Thực vậy, đối với Quốc Xã của Hitler: chủ nghĩa Bônsêvích chính là cuộc nổi loạn của các giống dân Do Thái, Slav và Mông Cổ chống lại các phần tử Đức tại Nga. Nó là một cuộc nổi loạn của những tên du mục chuyên thù hận tất cả những gì là cao cả, anh hùng, lành mạnh nòi giống. Mọi điều vĩ đại tại Nga đều do các phần tử Đức, có giòng máu Đức, tạo nên. Cuộc Cách Mạng Tháng Mười đã quét sạch mọi phần tử thuộc nòi Aryan đó…

Những tâm tình tiêu cực trên thực ra không riêng gì của Hitler hồi ấy. Trước khi Hitler thực sự lên cầm quyền, tại cả Anh lẫn Mỹ, rất nhiều người đã chia sẻ các tâm tình bài Do Thái trên đây. Đại sứ Mỹ tại Nga, David R. Francis, năm 1918 phúc trình rằng phần lớn lãnh tụ Bônsêvích là người Do Thái. Đặc biệt nhất là Winston Churchill, người, trong một bài báo gửi cho tờ Illustrated Sunday Herald ngày 8 tháng 2 năm 1920, cho rằng: “Không cần phải nói quá phần đóng góp trong việc tạo ra chủ nghĩa Bônsêvích và việc nổ bùng Cách Mạng Nga bởi những người quốc tế này mà phần đông là người Do Thái vô thần. Đây chắc chắn là phần rất lớn; có khi vượt xa mọi đóng góp khác. Chỉ trừ trường hợp nổi tiếng là Lenin ra, đa số các khuôn mặt lãnh đạo đều là người Do Thái cả”.

Ngày nay, ai cũng rõ các nhận định trên phần lớn là thiên lệch, ít nhất cũng là cường điệu dựa trên định kiến nhiều hơn sự thực. Chỉ có điều, theo Churchill, những người tham gia và chủ động Cách Mạng Bônsêvích là những người Do Thái vô thần, với hàm ý có những người Do Thái không phải là vô thần. Thử hỏi: liệu có chăng một thứ Do Thái Giáo “vô thần” hay một thứ vô thần tôn giáo (religious non-theism)? Có người trả lời rằng: ít nhất, trên thực tế, có những người vô thần Do Thái vẫn tự coi mình là người Do Thái Giáo, và họ có lý. Vì quả trong Do Thái Giáo, các nhân tố văn hóa đã góp phần tạo ra thành tố vô thần (non-theist) cho tôn giáo Do Thái.

Bài phát biểu của Giáo Sĩ Sobel trước Ủy Ban Đối Thoại Tôn Giáo Giữa Người Do Thái Giáo Và Người Công Giáo tại San Paolo, Brazil, tháng Giêng năm 1982 (1) với việc nhấn mạnh tới vị thiên sai chỉ có tính phàm trần và lo thiết lập một Vương Quốc, tuy là của Thiên Chúa, nhưng chỉ để phục vụ lợi ích phàm trần, hình như đã củng cố cho nhận định trên. Thời Staline thống trị Liên Bang Xô Viết và Thế Giới Công Sản, không thiếu người Do Thái coi hắn là Đấng Thiên Sai.

David Ben-Gurion

Quan điểm thiên sai kiểu này cũng là quan điểm của người dành độc lập và sáng lập ra nhà nước Israel hiện đại, David Ben-Gurion. Ông là đại biểu cho thứ Do Thái Giáo Không Thiên Chúa. Khi đã về hưu và lui về Sa Mạc Negev để tiếp tục triết lý cách mạng của mình, Ben-Gurion có dành cho hệ thống truyền hình Do Thái một cuộc phỏng vấn dài 6 tiếng đồng hồ. Cuộc phỏng vấn sau đó đã được Thomas R. Bransten thuộc cơ sở Macdonald Unit Seventy-Five London hiệu đính và xuất bản năm 1970.

Trong cuộc phỏng vấn này, Ben-Gurion nhìn nhận giá trị của Thánh Kinh, ông bảo: “Tất cả những gì khiến ta trở thành Do Thái, kể cả ý lực đôi khi đẩy ta thăm dò quá bên kia các đường ranh cổ truyền, đều phát xuất từ Thánh Kinh một cách trực tiếp. Về kích thước, ta là con số không trong tư cách dân tộc và sẽ luôn là như thế. Nếu không phải là con cái của Sách, ai biết tới chúng ta? May lắm, ta chỉ có được địa vị của một ghi chú cuối sách lịch sử”. Nhưng liền sau đó, ông long trọng tuyên bố mình là người vô tôn giáo. Không những thế, ông còn coi thần học đã đảo ngược trật tự sự việc. Vì theo ông, không phải con người đã được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa mới được “tạo” nên theo hình ảnh con người, như một giải thích đối với mầu nhiệm họ hiện diện trên trần gian.

Đối với vấn nạn được Spinoza đặt ra: Làm sao có việc Thiên Chúa là đấng phổ quát mà lại chọn một Dân Riêng? Ben-Gurion cho hay: ông không bàn tới khía cạnh siêu hình, nhưng sứ điệp Dân Riêng có nghĩa về phương diện thế tục, thuần lý và lịch sử khi ta đảo ngược diễn trình để mô tả hành vi Ápraham và miêu duệ ông “chọn lựa” Đấng Thiên Chúa mà chính họ đã tạo ra. Nói cách khác, con người có trước, rồi mới đến các vị thần của họ. Điều này không làm giảm năng lực của Vị Thiên Chúa của Người Do Thái trong việc thực hiện điều tốt cũng như giá trị sứ điệp công chính của Thánh Kinh. Theo quan điểm thế tục, trong Sách Thánh của mình, Người Do Thái muốn nói: “Trong tư cách một dân tộc, chúng tôi có nhiệm vụ làm mẫu mực cho Vị Thiên Chúa mà chúng tôi đã chọn, hành động phù hợp với đường lối của Người, những đường lối mà chính chúng tôi đã xác định ra, và tận hiến đời chúng tôi để biến mảnh đất mà chúng tôi đã định cư và đã coi như hồng phúc của Người dành cho chúng tôi thành mảnh đất phồn thịnh song song với các giới điều luân lý của chúng tôi”. Ông bảo: theo nghĩa này, Người Do Thái có thể coi mình như một Dân Tự Chọn (2). Thiên Chúa không chọn họ, họ đã chọn Người và tự chọn mình.

Ở một đoạn sau, ông nói thêm: “Xin cho tôi nói rõ: bản thân tôi vốn không tin vào Vị Thiên Chúa mà Sách Torah giả thiết. Tôi muốn nói: tôi không thể ‘hướng về Thiên Chúa’ hay cầu nguyện với một Đấng Quyền Năng siêu nhân ở tít tắp trên trời. Gần đây, có người hỏi tôi: trong những lúc căng thẳng, tôi có ‘chuyện trò’ với Thiên Chúa hay không và tôi đã làm người đối thoại ngỡ ngàng khi tôi hỏi ngược lại: ‘Thiên Chúa có máy điện thoại hay không?’ Ấy thế nhưng, dù triết lý của tôi duy thế tục, song tôi tin tưởng xâu xa vào Vị Thiên Chúa của Giêrêmia và Êlia. Thực vậy, tôi coi đó là một phần trong gia tài Do Thái và người Do Thái có nhiệm vụ bám chắc vào quan niệm này về Thiên Chúa”.

Thì ra, Thiên Chúa của Ben-Gurion không hẳn là Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác, của Giacóp, của các tổ phụ và các tiên tri nói chung mà của Giêrêmia và Êlia một cách có chọn lọc. Vì theo ông, Êlia đi 40 ngày đêm tới Núi Hôrép, sống trong hang động, hy vọng được nghe Thiên Chúa phán. Nhưng ông không thấy Người phán trong gió lớn, trong động đất cũng như trong lửa. Song ông nghe thấy Người nói rất “thinh lặng”, rất nhỏ tiếng trong chính ông! Ben-Gurion kết luận: mỗi con người đều có lương tâm và khả năng bên trong mình biết biện phân điều đúng và điều sai.

Thiên Chúa và Thánh Kinh, theo hàm ý của Ben-Gurion, chỉ là tên khác của lương tâm con người. Ông nhấn mạnh: “Tôi không phải người tôn giáo, cũng như đa số những người đầu tiên xây dựng nên Israel hiện đại đều không phải là tín hữu. Song, lòng say mê của họ đối với mảnh đất này phát sinh từ Sách Các Sách. Đó là lý do tại sao những người xã hội chủ nghĩa của phong trào Bilu đã tập họp dưới danh nghĩa Ezra. Và đó cũng là lý do tại sao, mặc dù tôi bác bỏ thần học, song cuốn sách quan trọng nhất trong đời tôi chính là Sách Thánh”. Nhưng thật ra, Sách Thánh của ông không phải là Sách ghi chép lại lời linh hứng của Thiên Chúa mạc khải, mà trần trụi chỉ còn là sách dạy “chủ nghĩa tranh đấu luân lý vốn lên bản sắc cho người Do Thái và vốn làm cho họ được người ta cảm phục cũng như ghét bỏ bất cứ nơi nào họ sinh sống”.

Ben-Gurion cho rằng người Do Thái là người tranh đấu, nghĩa là họ có tinh thần thiên sai. Họ không phải là những nhà truyền giáo (có giáo đâu mà truyền?), họ không tìm cách khuyên người ta trở lại, nhưng họ tự bất từ nhân (merciless) với chính mình. Thánh Kinh khắc ghi trong họ cái bất mãn thần thánh, một thứ bất mãn tốt nhất đã dẫn họ tới các sáng kiến của một cuộc sống khai phá, mà tệ nhất đã trao họ vào bàn tay bách hại của đồng loại. Nỗi bất mãn ấy không bao giờ cho phép họ vui hưởng một thứ tầm thường dễ chịu.

Ông hiểu thiên sai hoàn toàn theo nghĩa thế tục, xem ra không khác Đấng Thiên Sai của giáo sĩ Sobel là mấy. Ông bảo: “Ngày nay, tại Israel, chắc chắn chúng tôi đều là thiên sai. Người Do Thái cảm thấy mình có một sứ mệnh ở đây; họ có cảm thức mạnh về sứ mệnh. Thiết lập chủ quyền đã được gắn liền với ý niệm cứu thoát. Điều ấy đã xác định ra sự sống còn của người Do Thái và đó chính là cốt lõi của ý thức tôn giáo, luân lý và quốc gia Do Thái”.

Ông bảo cuốn sách quan trọng nhất đời ông là Sách Thánh, nhưng đó là Sách Thánh được não trạng duy thế tục đọc và giải thích. Ông nói: “Một quan điểm thế tục về Thánh Kinh phải khảo sát định đề về người Do Thái như một Dân Riêng. Tôi tin chắc rằng hoàn cảnh cụ thể trong lịch sử đã đảo ngược lại điều thuật ngữ kia hàm ý. Tôi nghĩ người Do Thái chọn Thiên Chúa chứ không như Torah dạy chính Người chọn chúng ta”.

Không lạ gì, theo Ben-Gurion, khi người Do Thái đem chủ nghĩa tranh đấu có tính thiên sai của họ ra thế giới bên ngoài, họ trở thành cả “những cố vấn đáng ca ngợi của nhân loại lẫn những thằng sở khanh (villains) của xã hội. Trong thời đại ta, Freud và Marx là cả hai hạng người đó đối với một phần nhân loại đáng kể”.

Điều ấy dễ hiểu, vì mục tiêu của những người như Ben-Gurion, Freud và Marx là “chúng ta đang ở trong diễn trình viết ra một Torah mới không do các luật sĩ mà do các người khai phá và nông dân, nghệ sĩ và khoa học gia, kiến trúc sư, thầy giáo, kỹ sư, nhà làm luật, cán bộ hợp tác xã, công dân thuộc đủ giai tầng. Mọi người sẽ cùng nói ngôn ngữ Môsê và ngay cả những nhà tư tưởng tự do cũng sẽ thâm cứu Sách Thánh (ấy), nguồn của linh hứng, cung cấp cho ta cả cái nhìn quá khứ lẫn cái nhìn tương lai”. Theo ông, Sách Thánh ấy sẽ kể lại câu truyện chinh phục sa mạc của người Do Thái hiện đại, sa mạc Negev. Đối với ông, cái sa mạc mà lượng nước mưa hàng năm không quá 2.54cm ( 1 inch) có giá trị biểu tượng cao hơn Giêrusalem. Và muốn tái lập thẩm quyền Do Thái, điều quan trọng là khai phá Negev, chứ đừng mất công đòi lại cổ thành Giêrusalem xưa cũ. Vì Negev “đem lại cho người Do Thái vận hội vĩ đại nhất để họ đạt được mọi sự cho chính họ từ nguyên khởi. Đây là phần sinh tử của ơn giải thoát của ta tại Israel. Bởi vì sau cùng, khi con người làm chủ được Thiên Nhiên họ sẽ làm chủ được chính họ. Đó chính là ý nghĩa, một ý nghĩa không có tính huyền nhiệm nhưng có tính thực tiễn, tôi đã dùng để định nghĩa ơn giải thoát của ta”.

Một ơn giải thoát hoàn toàn vật chất. Dĩ nhiên, Ben-Gurion là một nhà cai trị, nhấn mạnh tới việc khai phá là việc một nhà cai trị cần làm. Nhưng dựa vào Thánh Kinh để mà nói đến ơn giải thoát như thế, sau khi đã rời chính trường, rõ ràng là hàm hồ và cố tình bóp méo Thánh Kinh, Sách mà ông coi là quan trọng bậc nhất đời ông.

Ben-Gurion hay lên tiếng đả kích Liên Xô. Nhưng là Liên Xô của Staline, một Liên Xô đã quay lưng lại với những đồng chí cộng sản Do Thái từng góp công lớn vào sự thành công của Cách Mạng Tháng Mười, trong đó có Trotsky. Ben-Gurion muốn Liên Xô quay về với Trotsky, người từng hứa hẹn sẽ tạo ra “một thiên đường dưới thế” trong đó “mọi của cải trần gian, mọi đất đai cùng biển cả, tất cả mọi thứ này sẽ trở thành tài sản chung của toàn thể nhân loại”…Theo Trotsky: “Người ta luôn khao khát một đời sống thanh cao hơn, công chính hơn, nhưng họ bảo: ‘phải có một thiên đường như thế, ít nhất cũng ở một thế giới khác, một thế giới mầu nhiệm chưa ai biết’. Nhưng ta bảo họ: chúng tôi sẽ tạo ra một thế giới như thế bằng đôi tay lao công của mình ngay tại đây, tại cõi đời này, trên mặt địa cầu này, dành cho tất cả mọi người, cho con cái cháu chắt chúng tôi và cho muôn đời!”.

Những người Do Thái như Ben-Gurion hay Trotsky không đại diện cho toàn thể các thế hệ người Do Thái, nhưng họ quả đại diện cho một số rất lớn, nếu không muốn nói cho đại đa số người Do Thái thời nay. Những người này, như nhận định của Winston Churchill trong bài báo đã trích dẫn, đã rẫy bỏ niềm tin của cha ông và đã loại khỏi tâm trí họ mọi niềm hy vọng linh thiêng vào một thế giới đời sau. Còn nhớ, người viết, nhân chuyến qua thăm Đất Thánh năm 2009, có rẽ qua Phi Trường Hồng Kông, ở đấy lần đầu tiên, được chứng kiến cảnh những người Do Thái Chính Thống tụ tập nhau ngay tại phòng đợi của Phi Trường, mặt hướng về Giêrusalem, và cùng nhau say sưa cầu nguyện lớn tiếng. Một thanh niên Do Thái đang ở tuổi quân dịch thấy thế, nói với người viết: một bọn ăn bám! Bọn tao làm trối chết để nuôi cho bọn nó đẻ con, bọn ăn bám! Thiển nghĩ đó không phải là nhận định đơn độc. Thái độ của đại đa số đồng bào anh trên chuyến phi cơ hôm ấy từ Hồng Kông tới Tel Aviv khi được hỏi về những người chính thống trên cũng thuộc cùng một băng tần.

Nghĩ cho cùng, từ thời Đức Kitô, đại đa số người Do Thái cũng chỉ có một niềm hy vọng thiên sai giống nhau: một vị cứu tinh đến để giải phóng họ, không phải khỏi tội lỗi, mà khỏi ách thực dân, đem lại cho họ một hoàng kim thời đại như triều Đavít và Salômông, và thống trị thế giới như lời tiên đoán của Isaia: đem ánh sáng đến cho thế giới. Bất kỳ, đấng ấy là cố vấn đáng ca tụng của nhân loại hay một tên sở khanh của xã hội, như Ben-Gurion nghĩ. Niềm hy vọng đó đã được Ủy Ban Trung Ương Chi Nhánh Petersbourg của Liên Đoàn Do Thái Quốc Tế nói lên, lúc Trotsky và đồng bọn sắp thành công lật đổ được chế độ Nga Hoàng: “Hỡi con cái Israel! Giờ chiến thắng tối hậu của ta đã gần kề. Ta đang đứng ở ngưỡng cửa chỉ huy toàn thế giới. Điều ta chỉ dám ước mơ trước đây nay đang sắp thành hiện thực. Chỉ mới gần đây đang yếu đuối và bất lực, nay, nhờ các tai ương của thế giới (chứ không do ơn của Giavê), ta có thể ngẩng cao đầu hãnh diện… Bronstein (Trotsky), Apfelbaum (Zinovieff), Rosenfeld (Kamaneff), Steinberg… cũng như hàng ngàn người khác đều là những đứa con chân thực của Israel. Sức mạnh của ta vô giới hạn. Tại các thành thị, các Ủy Viên và Ủy Ban… đều do người của chúng ta điều khiển…”

Sau Cách Mạng Tháng Mười, sự hiện diện của người Do Thái trong hàng ngũ Cộng Sản Liên Xô càng ngày càng gia tăng, theo một ỷ lệ bất cân xứng. Như trên đã nói, điều ấy một phần do lý do lịch sử: các tàn bạo của chế độ Nga Hoàng đã đẩy người Do Thái về chủ nghĩa Bônsêvích. Nhưng có người không nghĩ như thế, họ mang trường hợp nước Mỹ ra để chứng minh. Nước Mỹ chào đón mọi người và luôn dành cho mọi người cơ hội thăng tiến đồng đều. Bằng chứng cụ thể là cộng đồng Do Thái tại Mỹ, sau một thời gian ngắn, rất ngắn, đã trở thành một cộng đồng phồn thịnh nhất trong lịch sử “lưu đày” của con cháu Ápraham. Nhưng Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ cũng là Đảng có tỷ lệ Do Thái hết sức bất quân bình. Julius Hammer, M.D., gốc Do Thái, vốn là đồng sáng lập ra Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ. Theo P. Treger, ít nhất 19% Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Mỹ là người Do Thái và không dưới 40% ban lãnh đạo Liên Đoàn là người thuộc sắc tộc này (3). Đến độ, Tổng Thống Richard Nixon, năm 1971, đã phát biểu rằng: “Trong cuộc âm mưu của Cộng Sản, chỉ có hai người không phải là Do Thái, đó là Chambers và Hiss…Mọi người khác đều là người Do Thái và cuộc âm mưu đó tạo nên cả một hỏa ngục cho chúng tôi”. Ông muốn nói tới Whittaker Chambers và Alger Hiss và việc lột mặt nạ thành công âm mưu Cộng Sản nhằm phá hoại nước Mỹ vào tiền bán thế kỷ 20, một thành công làm ngôi sao Nixon chói ngời trên nền trời chính trị Hoa Kỳ (4).

Bách Khoa Từ Điển Do Thái

Tuy nhiên, phần lớn những điều viết trên đây là do những nguồn không phải là Do Thái, nên bị nhiều người nghĩ là phiến diện, nhằm bài Do Thái. Nhưng Encyclopedia Judaica, ấn hành tại Giêrusalem năm 1971, do chính người Do Thái soạn tác, cũng đã xác minh các điều trên. Dưới mục “Chủ Nghĩa Cộng Sản” (cuốn 5, trang 792), người ta đọc thấy: “Phong trào và ý thức hệ Cộng Sản đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người Do Thái, nhất là trong các thập niên 1920, 1930 và trong cũng như sau Thế Chiến II”. Qua trang 793, Từ Điển này cho hay: “Các trào lưu Cộng Sản trở nên phổ biến gần như trong mọi cộng đồng Do Thái. Tại một số quốc gia, người Do Thái trở thành các phần tử lãnh đạo trong các Đảng Cộng Sản hợp pháp cũng như bất hợp pháp…” đến nỗi Quốc Tế Cộng Sản phải chỉ thị cho người Do Thái đổi tên để khỏi rơi vào “tuyên truyền của phe hữu rằng Cộng Sản chỉ là một âm mưu xa lạ của người Do Thái”.

Encyclopedia Judaica cũng mô tả vai trò nổi bật của người Do Thái trong việc tạo ra Liên Bang Xô Viết. Ở trang 794, Từ Điển này liệt kê những người Do Thái nổi bật trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng Sản Nga: Maxim Litvinov (sau này là ngoại trưởng Liên Xô), Grigori Zinoviev, Lwev Kamenev, Jacob Sverdlov, Lazar Kaganovich, và Karl Radek, và nhiều người khác. Nhà tổ chức của Cách Mạng là Trotsky, người có nhiệm vụ chuẩn bị một ủy ban đặc biệt, lấy tên là Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng, để lên kế hoạch và tổ chức một cú đảo chính nhằm đem người Cộng Sản lên nắm chính quyền. Cũng theo Từ Điển này, trong số 5 ủy viên của Ủy Ban này, thì hết 3 là người Do Thái. Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não cai trị nước Nga ngay sau Cách Mạng Tháng 10, có 4 ủy viên Do Thái trong tổng số 7 ủy viên (trang 797). Bộ luật đầu tiên của chính phủ Xô Viết là đạo luật chống kỳ thị Do Thái (trang 798).

Tiến sĩ Stanislaw Krajewski, một người Ba Lan gốc Do Thái, từng là đoàn viên của Công Đoàn “Đoàn Kết” từ lúc khởi đầu năm 1980 tới tận năm 1990, và là một trong các sáng lập viên của Hội Đồng Kitô Hữu và Người Do Thái Giáo Ba Lan cũng như Hội Thân Hữu Ba Lan Do Thái, đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo Hội Đồng Kitô Hữu Và Do Thái Giáo Quốc tế, trong “Jews, Communism, and Jewish Communists” có trình bày mười luận đề về vấn đề này.

Mười luận đề đó như sau: 1/ Chủ nghĩa Mácxít tạo ra một chương mới cho lịch sử thế giới, cho lịch sử Ba Lan và Hung Gia Lợi và cho cả lịch sử Do Thái nữa. 2/ Những người bài Do Thái đã cường điệu một cách thô thiển sự can dự của người Do Thái vào chủ nghĩa Cộng Sản, bóp méo sự kiện, và giải thích chúng theo các lý thuyết âm mưu; người Do Thái cũng là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản. 3/ Những người Do Thái Cộng Sản ít khi để ý tới các quan tâm Do Thái và thường ngưng không còn là Do Thái nữa. 4/ Một số người từ bỏ tính Do Thái của mình sau đó đã trở lại. Con số những người Do Thái Cộng Sản, và vai trò của họ, quan trọng đến nỗi các người Do Thái khác không thể làm ngơ. 5/ Vấn đề sâu sắc nhất phát sinh từ đặc tính gần như tôn giáo của một số người Do Thái Cộng Sản. 6/ Không hề có một chủ nghĩa cấp tiến chuyên biệt của Do Thái, nói cách khác, không hề có một “chủ nghĩa Cộng Sản Do Thái”. Người Do Thái trở thành cộng sản là do các cơ chế tổng quát. 7/ Không phải Do Thái Giáo hay truyền thống Do Thái mà là hoàn cảnh xã hội đã khiến người Do Thái can dự vào chủ nghĩa Cộng Sản. 8/ Tham dự vào sự ác có thể khởi đầu với những ý định cao thượng và vô vị lợi. 9/ Trách nhiệm tinh thần có thể gián tiếp. Các cộng đồng Do Thái mới xuất hiện ở Đông Âu nên đối diện với gia tài do việc tham gia vào chủ nghĩa Cộng Sản của người Do Thái tạo ra. Tuy nhiên, nhận phần trách nhiệm tinh thần của người Do Thái không làm cho người không phải là Do Thái ít trách nhiệm hơn. 10/ Cần có những cuộc nghiên cứu khách quan để minh xác phạm vi cũng như bản chất của việc người Do Thái tham gia Cộng Sản. Các hậu quả thảm khốc của huyền thoại “chủ nghĩa cộng sản Do Thái” đầy tính bài Do Thái không nên đặt ra bất cứ cấm kỵ nào.

Chủ Nghĩa Cộng Sản Do Thái hay Người Do Thái Cộng Sản

Tóm lại là cần có những cuộc nghiên cứu khách quan, dù có vì vậy mà người Do Thái bị kết tội là đồng minh hay là cha đẻ của chủ nghĩa Cộng Sản. Tác giả nhìn nhận tính lưỡng nghĩa trong thuật ngữ “chủ nghĩa Cộng Sản Do Thái”, nó vừa là hư cấu vừa là thực tại: hư cấu vì thực sự nó chỉ là một huyền thoại. Điều có thực là sự hiện hữu và tầm quan trọng của những người Do Thái Cộng Sản. Thành thử theo tác giả, không nên nói tới chủ nghĩa cộng sản Do Thái mà chỉ nên nói tới những người Do Thái Cộng Sản, trong đó có Adolf Warski, một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Ba Lan, vốn là ông cố của tác giả.

Có lẽ yếu tố ấy khiến Krajewski trở thành người nghiêng hẳn về quan điểm vừa nói: chỉ có người Do Thái Cộng Sản, chứ không có chủ nghĩa Cộng Sản Do Thái, hay đúng hơn, người Do Thái như một toàn thể không ủng hộ, hay không đẻ ra chủ nghĩa Cộng Sản, dù sự hiện diện của họ ngay từ buổi đầu hết sức trổi vượt. Thực vậy, theo ông, chủ nghĩa cộng sản, hay đúng hơn chủ nghĩa cấp tiến cánh tả tương đối rất phổ biến nơi người Do Thái, nhất là tại Đông Âu: không chọn chủ nghĩa Xion, những người rời bỏ các cộng đồng cổ truyền ủng hộ cánh tả cách mạng. Đôi khi cả hai. Nền văn hóa thế tục Do Thái chủ yếu theo cánh tả. Điều còn quan yếu hơn: người Do Thái rất quan trọng trong các phong trào cộng sản, trong hàng ngũ lãnh tụ cách mạng cả trước lẫn sau Cách Mạng Tháng Mười. Ông trích dẫn Alfred Jensen, một chuyên gia Thụy Điển về Nga từng quả quyết rằng “gần 75% các lãnh tụ Bônsêvích là người gốc Do Thái” (5). Tại Ba Lan, Krajewski cho hay ngay sau Thế Chiến II, phần lớn các tổ chức Do Thái ủng hộ cộng sản, coi cộng sản như con đường tiến thân.

Nói thế rồi, Krajewski cho rằng những người bài Do Thái đã cường điệu một cách thô thiển các sự kiện trên, bóp méo chúng và giải thích chúng theo nghĩa âm mưu, để chống lại người Do Thái và làm chiêu bài tận diệt họ trong các phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã. Chứ thực ra người Do Thái cũng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Thí dụ, những người Do Thái vẫn tiếp tục sinh hoạt các ngành nghề đặc trưng Do Thái, bất kể là tôn giáo, chính trị hay theo chủ nghĩa Xion đều bị coi là kẻ thù của người cộng sản, kể cả những người cộng sản Do Thái. Krajewski cũng trưng trường hợp cộng sản dựng đứng huyền thoại “âm mưu Trốtskít/Duy Xion” như chủ nghĩa chống cộng của Do Thái”.

Thực ra, hai luận chứng này chỉ nói lên khía cạnh cực đoan vô thần của cộng sản không chấp nhận các phần tử phản động kiểu những người Do Thái “chính thống”; và bản chất độc trị của cộng sản không chấp nhận bất đồng chính kiến. Chứ đệ tứ quốc tế của Trotsky cũng không hơn gì đệ tam quốc tế của Staline. Các phong trào bài Do Thái ở Liên Xô chỉ lên cao dưới thời Staline, sau khi Trotsky ra mặt chống đối.

Còn về sự quan trọng của sự hiện diện đông đảo của người Do Thái trong phong trào cộng sản thì sao? Krajewski nhìn nhận đây là một hiện tượng xã hội, chứ không phải chỉ là việc của một nhóm cá nhân: các giải pháp cánh tả hết sức trổi vượt trong các giới Do Thái; cả phe Xion cánh tả cũng tin vào chủ nghĩa xã hội và phương thức cách mạng tương tự như cộng sản. Điều đáng chú ý là sự kiện người Do Thái nắm giữ các chức vụ trọng yếu tại Ba Lan hậu chiến, cũng như tại các nước Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc và Lithuania. Con số này “rất đông”: theo bản tin của Sở Điện Tín Ba Lan đặt tại London, thì năm 1945 “tất cả các chức vụ chính thức trong các bộ và các cơ quan nhà nước đều do người Do Thái nắm giữ” (6), nhất là trong ngành an ninh, đến nỗi hình ảnh “Do thái trong lực lượng an ninh” đã trở thành hình ảnh tiêu chuẩn, khiến thuật ngữ “Giai cấp thống trị Do Thái” trở thành quen thuộc ngay cả trên môi miệng những người không hề bài Do Thái. Krajewski cho rằng cảm tưởng ấy một phần vì trước đây người Do Thái vốn được coi là nạn nhân nay bỗng nhiên ở vị thế cầm quyền, nên vị thế ấy dễ trở thành lộ liễu, khiến ai cũng thấy. Tuy nhiên, Krajewski đồng ý cho rằng các nhà nghiên cứu nên tìm hiểu thêm về hiện tượng đông đảo này, một hiện tượng ông vẫn coi là không có tính quyết định để biện minh cho thuật ngữ “chủ nghĩa Do Thái Cộng Sản”.

Đối với Krajewski, đặc tính trong liên minh giữa người Do Thái và các nhà cai trị cộng sản chưa được xác định dù sự hợp tác của họ với những người cộng sản chiến thắng xem ra khá tự nhiên. Ông cho rằng, điều đáng lẽ họ nên tránh là lòng nhiệt thành gần như có tính tôn giáo của họ đối với chức vụ nắm giữ trong chế độ cộng sản. “Cách mạng được một số người Do Thái quan niệm theo ngôn ngữ gần như thiên sai. Tính cách cuồng tín của những nhà cách mạng lúc ban đầu không thua kém gì các giáo phái tôn giáo cực đoan khác. Đảng trở thành gia đình, Staline trở thành Đấng Thiên Sai. Để hiểu hiện tượng cộng sản, ta phải nhìn nó như một phong trào gần như tôn giáo. Các nhà trí thức Do Thái cánh tả khi bình luận về Marx, đã coi công trình của ông ta như Sách Thánh”. Họ áp dụng cả phương thức biện chứng pilpul (7) của Talmud để nghiên cứu các tác phẩm của ông. Thậm chí, sau cơn khùng điên của Staline, nhiều người sống sót vẫn không mất niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói chủ nghĩa thiên sai thế tục là chìa khóa để hiểu những người Do Thái này. Krajewski coi đây là vấn nạn hết sức xâu xa, một ưu tư lớn cho người Do Thái, vì nó cho thấy con đường cùng của lòng mộ mến tôn giáo nơi người Do Thái và của lòng hoài mong Đấng Thiên Sai khi trót hướng chúng về những vị thần giả tạo.

Nhưng ông không coi là có một chủ nghĩa cấp tiến riêng của Do Thái, không hề có một chủ nghĩa cộng sản của Do Thái, chủ nghĩa cộng sản không có bản chất Do Thái. Nhưng ông vẫn tự hỏi liệu có những yếu tố nào trong truyền thống Do Thái ảnh hưởng tới ý thức hệ và thực hành cộng sản chăng? Krajewski cho rằng như một nhóm, người Do Thái không tạo ra chủ nghĩa cộng sản, dù họ nổi bật trong số các nhà sáng lập của nó; các cộng đồng có tổ chức của Do Thái cũng không ưa chủ nghĩa cộng sản, dù một số cá nhân Do Thái ưa chủ nghĩa ấy. Theo ông, nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản có từ thời cổ Ai Cập và Trung Hoa và trong tư tưởng chính trị của Platông hay nói theo Erich Fromm: “Chủ nghĩa Mácxít và các hình thức xã hội chủ nghĩa khác là hậu duệ của chủ nghĩa thiên sai tiên tri, của các phái thiên niên kỷ trong Kitô Giáo, của chủ thuyết Tômít thế kỷ 13, của chủ thuyết không tưởng thời Phục Hưng, và của phong trào ánh sáng thế kỷ 18” (8). Tuy nhiên, có nhiều điểm tương tự nhau giữa Do Thái Giáo và chủ nghĩa cộng sản, khiến người ta coi chủ nghĩa này như có bản chất Do Thái. Nhiều tác giả nhấn mạnh tới gia tài văn hóa Do Thái, nhất là chủ nghĩa thiên sai, các truyền thống tiên tri, việc nhấn mạnh tới công bằng xã hội, mệnh lệnh phải làm cho thế giới ra công chính. Nhưng theo Krajewski, đó không phải là trọn truyền thống Do Thái. Ông lại trở về với nhận định căn bản của mình: không có chủ nghĩa cấp tiến Do Thái, chỉ có những người cấp tiến Do Thái. Chính hoàn cảnh xã hội đã khiến người Do Thái can dự vào chủ nghĩa cộng sản. Hoàn cảnh vô vọng được thăng tiến nghề nghiệp cách thỏa đáng trong một xã hội nặng chủ nghĩa bài Do Thái đã tạo ra nơi người Do Thái niềm tin cho rằng cần phải có cách mạng để thay đổi trật tự xã hội. Tình thế tiền chiến tại Âu Châu lúc ấy chỉ có chủ nghĩa cấp tiến cánh tả là tranh đấu cho nhu cầu này. Những người cấp tiến cánh hữu hoàn toàn bài Do Thái. Krajewski trưng thêm bằng cớ là tại Israel hiện nay, đảng Cộng Sản đa số là người Ả Rập. Điều ấy cho thấy yếu tố hoàn cảnh xã hội, chứ không phải lý do Hồi Giáo cực đoan hay đặc điểm Ả Rập đã tạo ra sự kiện đó. Tuy nhiên, theo Krajewski, dù các cá nhân tham gia phong trào cộng sản có lý do riêng của họ, nhưng hành động của họ vừa có tính bản thân vừa phản ảnh vị thế hay điều kiện do việc thuộc về một nhóm tạo ra. Đối với người Do Thái, lý do tham gia phản ảnh điều kiện xã hội của người Do Thái nói chung. Theo nghĩa này, họ đã mang mầu sắc Do Thái vào các phong trào cách mạng cánh tả.

Chính vì thế, theo Krajewski, người Do Thái có trách nhiệm tinh thần đối với di sản tham gia phong trào cộng sản của đồng bào họ. Trọn bộ nhà Israel đều thuộc chung một Giao Ước. Nguyên tắc sách Talmud buộc chúng ta “chịu trách nhiệm lẫn cho nhau” (Kol Israel arevim ze ba-ze). Xét như thế, khó có thể chối bỏ rằng ý thức hệ cộng sản và cả thực hành cộng sản đã tạo nên vấn nạn cho mọi người Do Thái. Giống như trong một gia đình, một phần tử xấu làm mọi phần tử khác cảm thấy xấu hổ. Tình gia đình càng mạnh thì cảm nhận trên càng nặng nề. Xét ngay về phương diện hoàn toàn thế tục, sự kiện có quá nhiều người Do Thái can dự vào tội ác cộng sản đủ làm giống nòi họ bất an.

Thực ra, đối với những người không phải là Do Thái, sự kiện trên hết sức bất an ở điểm cắt bỏ khỏi gia tài độc thần với các truyền thống thiên sai, tiên tri, công bằng xã hội… cái phần “hình như thượng” vốn là đỉnh điểm của niềm tin Do Thái, của nền văn hóa lâu đời Do Thái và qui cái gia tài ấy theo hướng ngược lại để phục vụ thần tài, quyền lực, thịnh vượng kinh tế, thiên đường hạ giới thì hậu quả chỉ có thể là hỏa ngục cộng sản như 70 năm lịch sử Liên Xô và 50 năm lịch sử các nước Đông Âu cũng như Trung Hoa và Việt Nam đã chứng tỏ. Tiếc thay, tại Do Thái hiện nay, chủ nghĩa Xion đang đi vào con đường ấy và tiếc hơn nữa là cả những người tôn giáo của truyền thống độc thần độc đáo và lâu đời nhất của nhân loại cũng phụ họa theo.

Ghi chú

(1) Xem Ý Niệm Thiên Sai Trong Do Thái Giáo (Vietcatholic 1/12/2010)

(2) Trang 124

(3) P. Treger: From Yiddish Roots to the Frontiers of Jewish Culture, Fall 1997, p. 18)

(4) Lời tuyên bố này được ghi âm tại Tòa Bạch Ốc và được Văn Khố Quốc Gia công bố năm 1999 (nguồn: N.Y. Times, Oct. 7, 1999 và Newsweek, Oct. 18, 1999, p. 30)

(5) K. Gerner, ‘Degrees of Anti-Semitism: the Swedish Example’, in Jews and Christians, Who is Your Neighbour after the Holocaust?, ed. M. Bron Jr. (Acta Sueco-Polonica, No. 2) (Uppsala, 1997).

(6) K. Kersten, Polacy, żydzi, komunizm, p. 79.

(7) Pilpul (nghĩa rộng: phân tích sắc cạnh) có ý nói tới phương pháp nghiên cứu Talmud bằng cách phân tích bản văn một cách thấu đáo, một là nhằm giải thích các dị biệt về ý niệm giữa các qui luật khác nhau, hai là nhằm điều hòa các mâu thuẫn biểu kiến lúc đọc các bản văn khác nhau.

(8) Fromm, Marx’s Concept of Man, cited in M. Lasky, Utopia and Revolution (London, 1977), p. 66.