Tôi đến Jordan, đi trong buổi chiều tà, ánh nắng xiên lá khoai xuống những vùng đồi núi trập trùng sỏi đá. Đất đai của Israel trù phú và màu mỡ bao nhiêu thì đất đai ở đây cằn cỗi bấy nhiêu. Cây cối của Israel, nhất là cam, quýt, chuối và ôliu đang trong mùa thu hoạch um tùm trĩu quả, san sát hai bên đường đi, người ta chẳng rào chắn gì cả. Bước vào Jordan là thấy núi đá, thấy sa mạc cằn cỗi. Đặc biệt ngay từ biên giới Israel đi sang du khách còn nhìn thấy những hình ảnh rất kinh điển mà ta mường tượng chỉ có trong Kinh Thánh hay từ thời xa xưa lăm lắm. Đó là người phụ nữ trên đầu đội bình nước,hai tay hai nách hai đứa con nhỏ. Tôi cũng bắt gặp một người đàn ông cõng con trên vai ….tất cả đều đi trong sa mạc khô khằn giữa buổi chiều tà. Chắc hẳn họ đang về nhà. Mà nhà của họ chính là những căn lều thô sơ giống như của dân du mục.Tôi bắt gặp bầy chiên, bầy dê đi ăn về, người chăn chiên đi trước, chú chó chăn cừu nhởn nhơ đàng sau. Tôi cũng thấy một đàn lạc đà băng qua sa mạc… tiếc là máy chụp hình của mình quá nhỏ, và xe buýt chạy quá nhanh không kịp lấy tất cả những hình ảnh đó vào ống kính để chia sẻ.

Rồi tôi lên núi Nebo, nơi Môsê đứng nhìn về đất hứa. Đồng bằng Giêricô màu mỡ trong tầm mắt. Bản đồ chỉ rằng chỉ còn 26 cây số nữa là vào đến thành Giêricô. Một phần thưởng tuyệt vời của Thiên Chúa sau 40 năm nhọc nhằn và lầm lũi trong sa mạc, trải qua gần hai thế hệ. Rồi sáng nay đọc Thánh Vịnh, câu điệp ca nói rằng; “Ước gì chúng ta được nghe tiếng Chúa để được vào chốn yên nghỉ của Người.” Cho thấy lòng dân mong chờ biết bao niềm vui được ở gần bên Chúa.

Câu Thánh Vịnh này lại nhắc cho khách hành hương ngày lên núi Tabor, núi Biến Hình. Đường lên núi thật đẹp. Người ta làm đường bên những sườn núi, xe buýt lớn không lên được, mọi người phải ngồi chờ ở trạm đi taxi lên, mỗi xe chỉ chở được khoảng tám hay chín người. Chúng tôi cũng chờ như bao đoàn hành hương khác. Giữa những người đang chờ đợi này có một đoàn rất đặc biệt, đó là những gia đình người Pháp họ đi chung với nhau mang theo cả con cái, một bầu đoàn thê tử đủ cả. Bọn trẻ cùng cha mẹ chúng bắt đầu ca hát, mới đầu chỉ những bài hát tiếng Pháp, rồi sau đó duyên nợ thế nào bọn trẻ đến gọi chúng tôi nhập cuộc, thế là cùng hát. Tiếng Pháp tôi đâu có biết, hai chị em chúng tôi hát tiếng Việt… mọi người chẳng hiểu gì ( chắc chắn rồi !), nhưng nhìn ánh mắt của họ và nhìn vào cách của họ cảm nhận qua tiếng vỗ tay tôi thấy thật gần để đến với nhau qua âm nhạc. Không những hát mà còn múa cộng đồng với nhau nữa… niềm vui tràn ngập trên lưng chừng đồi Taborê. Rồi cũng đến giờ lên núi, chia tay với bọn trẻ. Hai tiếng đồng hồ chờ đợi thật nhanh, hành hương để cùng đi, để cùng gặp gỡ và chia sẻ… có lẽ Chúa cũng chỉ mong hành hương là như thế mà thôi. Cho nhau niềm vui, thế là đủ. Đường lên núi gấp khúc, những khuỷu tay này nối tiếp khuỷu tay kia trên đường lên núi. Đèo Ngoạn Mục ở Đà Lạt chẳng ăn thua gì với con đường này. Dưới kia thung lung phì nhiêu và màu mỡ, trên này mây trắng giăng lưng chừng…

Rồi tôi cũng được đến nơi Môisê, Êlia và Thầy Giêsu gặp nhau, được dâng thánh lễ trên đồi lộng gió. Đi tìm bước chân nào Thầy còn để lại đâu đây. Và thoang thoảng trong gió, nghe đâu đây như có lời mời gọi ở lại của Phêrô.Nhìn quanh để coi ai là người được Chúa Cha chúc phúc với lời: Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng…Có lẽ lời yêu thương này Cha không chỉ nói với một mình Giêsu mà với cả loài người mà Cha đã dựng nên. Rồi như người trong mơ giữa cảnh tiên bồng này. Tôi như thấy Phêrô hấp tấp, cuống quýt, líu ríu chậy tới hối hả nói còn chờ gì nữa mà không xin dựng lều ở đây. “Ước gì chúng ta được nghe tiếng Chúa để được vào chốn yên nghỉ của Người.” Có lẽ mọi người đã nghe được tiếng mời gọi của Ngài nên trên đường xuống núi tôi bắt gặp khách hành hương líu ríu cười nói trong nhau. Và mọi người bình an ra về như cùng được Đức Giêsu đồng hành trên đường xuống núi như các môn đệ xưa.