“Rồi buổi u sầu, em với tôi”

“Nhìn nhau cũng đủ, lãng quên đời.

Vai kề một mái, thơ phong nguyệt,

Hạnh phúc xa xa, mỉm miệng cười.”

(thơ Đinh Hùng)

Lc 16: 1-13

Mỉm miệng cười, khi anh hạnh phúc? U sầu rồi, em đến với tôi? Hạnh phúc với u sầu, vẫn cứ là thơ phong nguyệt. Nhìn nhau rồi cười mỉm, có còn là tình tự của người nhà Đạo, mãi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử Luca lại đã kể về một tình tự ở đời người, vẫn rất thật, từ thời xưa. Thời, mà ngôn sứ Amos có dịp ghé vương quốc Israel chốn giàu sang, vào khi ấy. Nhưng, đằng sau sự giàu sang kinh tế/chính trị/tôn giáo ấy, ông thấy cả một bầu trời buồn bã, đầy bất công. Bất công ở chỗ: người nghèo vẫn bị bóc lột. Người thấp cổ bé họng, vẫn chẳng có tiếng nói, với một ai. Lời ông viết, nay ta vẫn thấy dẫy đầy, trên thực tế. Thực tế, là ngày nay người người sống với nhau, vẫn lừa đảo. Gian lận. Vẫn phá bỏ nhiều giá trị cao quý, vĩnh cửu.

Hai ngàn năm qua, nền văn minh các nước vẫn cứ tiến. Nhưng giá trị cao quý/vĩnh cửu lại đã suy đồi. Đảo lộn. Người nghèo vẫn cứ nghèo. Kẻ giàu lại giàu thêm. Cán cân phúc lợi ở xã hội, nay lỏng lẻo. Nhiều lãng phí. Con người ngày nay chỉ biết quan tâm đến chuyện làm giàu. Chẳng lý gì đến người nghèo đói. Chẳng biết gì chuyện thương yêu. Hiện tượng giết người cướp của, xảy ra như cơm bữa. Ai nấy đều nhận thấy tham nhũng với bất công, cứ lan rộng, ở xã hội. Nhưng họ vẫn dửng dưng, làm như không biết. Dù các Đạo giáo có cảnh báo, nhưng nhiều người lại quả quyết: giàu nghèo đâu là chuyện Hội thánh, mà sao các ngài cứ bận tâm. Để mắt?

Rõ ràng, Chúa từng nói: “Người giàu có, thật khó vào được Nước trời.” (Mt 19: 24) Khó ở đây, không vì người đó vẫn quyết tâm làm giàu, bằng nhiều cách. Mà là, muốn được mệnh danh là giàu sang/phú quý, chừng như người người vẫn thích chọn kiểu tích lũy tiền của, mà lẽ đáng ra những thứ ấy, phải được phân phối đồng đều cho hết mọi người. Cũng thế, không một ai có thể nói mình rất kính yêu Đức Chúa, nhưng lại không lý gì đến người đồng loại, đang cùng khốn. Khó nghèo. Giàu có với bất công, tuyệt nhiên không thể là chuyện hoà đồng ở Nước Trời. Bởi, bất công với người đồng loại tức: chối bỏ tình thương yêu, là đặc trưng sự sống của dân con Chúa.

Ngày nay, vấn đề kinh bang tế thế là chuyện tế nhị vì nó luôn đụng chạm/đòi hỏi mọi người phải thực hiện công bằng xã hội, tôn trọng phẩm giá cá nhân, thực thi quyền căn bản của con người. Nghĩa là: những chuyện khiến mọi người –kể cả các tín hữu Đức Kitô cũng như cộng đoàn dân con Đức Chúa- cần quan tâm. Bởi thế nên, đã là nhân tố tạo bất công/kỳ thị, tự khắc đã chối từ mọi thứ tình đang thôi thúc mọi người cần thực hiện trong cuộc sống xã hội.

Với xã hội tư bản, là xã hội được xây dựng trên thi đua/cạnh tranh, ai ai cũng quyết ganh đua để sống còn. Và, trong bất cứ cuộc đua ganh/giành giựt, dù có chánh nghĩa, bao giờ cũng chỉ một số ít người đắc thắng mà thôi, còn lại là những người thua, đếm rất nhiều. Dù rằng, ta có gọi ganh đua/đắc thắng là những hên xui/may rủi” kiểu xổ số đi nữa, thì tình huống chụp giựt tài sản của nhau, vẫn dẫy đầy như chuyện thường ngày ở huyện. Với huyện nhà Đạo lại khác: yêu thương/nhịn nhường vẫn phải là những đặc trưng, cần cổ vũ.

Lại nữa, ta không thể chấp nhận coi đó là chuyện bình thường ở huyện được, khi vẫn còn rất nhiều người đang sống ở các khu nhà ổ chuột, tăm tối. Cứ quần quật làm việc ngày hơn 12 tiếng, suốt tuần. Vẫn có người cứ phải chịu cảnh đói khát/lầm than, suốt năm trường. Cứ bán máu. Ở đợ. Làm thân nô lệ tình dục, suốt cuộc sống.

Cũng không thể gọi đó là “chuyện bình thường ở huyện”, khi vẫn còn một số “đại gia” cứ nhởn nhơ “ăn trên ngồi chốc”. Phè phỡn. Vui chơi. Phung phí tiền bạc. Khai thác/bóc lột mồ hôi nước mắt của kẻ bần hàn. Trong khi đó, những người có cuộc sống dưới mức trung bình, mà phẩm giá cho phép, cứ ê hề. Không thể là “chuyện bình thường” được, khi cả đến con dân nhà Đạo, bằng cách này cách khác, đang góp phần dựng xây cảnh bất công. Ra như vẫn khuyến khích/thúc đẩy con cháu ngoi trèo lên đẳng cấp cao sang, quyền quý. Rất giàu sang.

Vấn đề đặt ra hôm nay, không phải là quyết tâm cổ súy sự đồng đều toàn diện. Tuyệt đối. Khó thực hiện. Trên thực tế, ở nhiều lãnh vực, đa phần dân chúng vẫn sống không đồng đều. Nhưng, về mặt phẩm giá và quyền bình đẳng giữa mọi người, phải như thế. Vả lại, không ai có thể tự cho mình “hơn hẳn” người khác, cách ngạo mạn. Là dân con theo Chúa, có ý thức, ta không thể nhân nhượng trong suy đồi nhân phẩm, chí khí của người khác, hoặc cách này cách khác. Càng nhận lãnh nhiều quà tặng, từ đâu đó, ta càng phải biết sẻ san cho những người đang có nhu cầu nhiều hơn ta.

Bài đọc 2, tác giả thư gửi cho Timothê cũng đã khuyến khích đồ đệ hãy nguyện cầu cho những vị đang cầm quyền, ở nhiều nơi. Cầu, là cầu nguyện cho họ biết sử dụng đúng đắn quyền hành mình nắm giữ, để giúp đỡ những người ở dưới, được sống trong an lành. Hội thánh không thể tự đồng hoá đặt mình vào với giới cầm quyền ở bất cứ nơi đâu, trên thế giới. Chí ít, là khi giới chức ấy áp đặt chính sách bất công/kỳ thị, lên dân lành.

Trình thuật, nay bàn về cung cách quản cai khi điều hành mọi việc trong cuộc sống thực tế, ở đời. Quản gia, là người nắm trọng trách quản trị/điều động đồ vật/tài sản cho chủ mình. Vị quản gia được Chúa kể ở trình thuật là người bê tha. Xấu xa. Anh phá tán tài sản của chủ một cách phung phí. Nên, khi biết mình sẽ bị cho nghỉ, bèn tìm cách ổn định tương lai, cho riêng mình. Và chủ khen anh “đã hành động khôn khéo”, tức biết sử dụng cung cách bất công, hầu tránh kỷ luật. Dĩ nhiên, khi kể truyện, Đức Giêsu không có ý đề cao tính bất lương của người làm công cho chủ. Ngài chỉ muốn người nghe hôm ấy chú ý đến thái độ “nhìn xa trông rộng” của “con cái thế gian”, thôi.

Tựa như tác giả có thư cho Timôthê, trình thuật hôm nay nhấn mạnh đến khía cạnh sáng suốt, biết phân tách/suy tính khả dĩ giải quyết những việc cần đến trí óc. Đó là ý nghĩa của lời Chúa khi thánh sử viết: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo tình thân thương bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào chốn vĩnh cửu.” (Lc 16: 9)

Đề cao cung cách giải quyết mọi việc trong giao tế với đời, Đức Giêsu căn dặn mọi người hãy nhớ rằng: mình chỉ là quản gia trông nom tài sản của chủ, chứ không là người thủ đắc tài sản ấy. Điều đó có nghĩa: ta chẳng có quyền trên bất cứ thứ gì mình đang tạm thời sử dụng. Là người Công giáo đích thực, hiểu điều Chúa khuyên dạy, ta không thể nói như người đời, rằng: “Tiền của tôi, tôi muốn làm gì thì làm chứ!”.

Tựu trung, câu mà mọi người cần hỏi về cuộc sống rất thành công, không là: “Anh/chị gầy dựng được bao nhiêu cơ đồ, của cải?” Mà là: “Anh/chị có sử dụng tiền tài/của cải mình tạm thời sở hữu, với mục đích tạo phúc lợi chung cho mọi người, không?” Đó mới là ý nghĩa của Lời Chúa khi Ngài căn dặn đồ đệ: hãy tạo tình thân thương bạn bè, ở truyện kể hôm nay.

Trong hiểu biết điều Chúa dạy, ta lại hát lên lời ngợi ca hăng say, những ngày trước, mà rằng:

“Vì những hồng ân Chúa thương ban tràn lan,

Vì những kỳ công Chúa ra tay oai hùng…

Chúng con xin ngợi khen Cha!

Chúng con xin tạ ơn Người!

Bây giờ và mãi mãi,

Allêluia!”

(Thành Tâm – Xin Ngợi Khen Cha)

Hãy cứ ngợi khen. Cảm tạ Cha. Về những điều Ngài dạy dỗ. Dạy ta tinh anh. Sáng suốt. Rất khôn khéo. Dạy cả chuyện yêu thương người đồng loại. Ở đời. Suốt nhiều thời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

“Buồn ơi trong đêm thâu,”

Ôm ấp giùm ta nhé

Người em thương mưa ngâu

Hay khóc sầu nhân thế…”

(Trịnh Công Sơn – Ướt Mi)

(Yn 12: 24-25)

Mỗi khi đi vào vùng trời những phiếm, là đã phiếm về lòng Đạo, giữa đời. Hoặc, phiếm về nhạc đời có Đạo. Đạo làm người. Làm, con dân Đức Chúa. Bần đạo lại nhớ đến nhạc phụ của mình. Nhạc phụ bần đạo, tuy chả khi nào chịu phiếm, dù chuyện đời. Hoặc lời thơ. Ý nhạc. Nhưng cụ rất thích nhạc đời có nghĩa đạo. Tuy, không theo Chúa. Đặc biệt, cụ thích nhất giọng ca của Thanh Thúy.

Có một lần, bần đạo mon men đến gần nhạc phụ để hỏi lý do làm sao cụ lại thích giọng ca “liêu trai”, như thế. Thì, cụ tủm tỉm cười, rồi bảo: “Đấy anh xem. Tìm đâu ra trên cái cõi đời này, ai mà có được giọng ca thiên phú, đến là thế.”

Nhạc phụ của bần đạo không nói rõ giọng Thanh Thúy đặc biệt ở điểm nào. Nhưng suy cho cùng, bần đạo thấy nhạc phụ mình rất có lý. Bởi, giọng đặc biệt trời cho không giống ai, thì đời này chỉ đếm được vài ba giọng, như của Edith Piaf, nước Pháp; Céline Dionne, của Canada, Joan Sutherland của Úc, vv.. thế thôi.

Về người ca sĩ tên Thanh Thúy, bần đạo lại bắt gặp vài nhận định từ các bạn viết và lách ở các nơi, như lời phát biểu của nhà thơ kiêm nhà giáo là Nguyên Sa Trần Bích Lan, có lần nói:

“Thanh Thuý là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ…” (x. Ngọc Lan, Chuyện trò trên mạng, điện báo Người Việt 04/08/2010 )

Ngoài ra, phóng viên Ngọc Lan cũng thêm vào đó một nhận định:

“Tôi không diễn tả được giọng ca Thanh Thúy là như thế nào, chỉ biết rằng nghe Thanh Thúy hát, mình bỗng có một cảm giác da diết và khắc khoải đến lạ lùng. Và chỉ có Thanh Thúy mới hát được như vậy.

Giọng hát Thanh Thuý luôn mang đến cho người nghe một cảm giác vừa bồng bềnh, phiêu lãng, vưa du dương, chất ngất những nỗi niềm, những tái tê, nên nhắc đến Thanh Thúy, người nghe lại liên tưởng đến “tiếng hát liêu trai”, hay “tiếng hát khói sương”, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Nhắc đến Thanh Thúy, người ái mộ không chỉ nhắc đến giọng hát, nhắc đến những bài ca khiến người nghe phải thổn thức, mà nhắc đến Thanh Thúy, người ta còn phải nhắc đến một thái độ nghiêm túc, chừng mực đối với hôn nhân, đối với cuộc đời.” (x. Ngọc Lan, Ca sĩ Thanh Thúy, nửa thế kỷ ca hát, Người Việt 04/08/2010 ).

Còn đây, là chính bộc bạch của nghệ-sĩ-có-giọng-hát-vượt-thời-gian, như sau:

“Tôi nghĩ ông trời cho tôi một giọng hát, và cho tôi thêm điều tốt may mắn là gặp toàn những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Tôi luôn nghĩ mọi chuyện là do Trời sắp đặt. Cuộc đời không ai không trải qua những sóng gió. Nhưng phải luôn nghĩ đó là cuộc đời. Mình nghĩ mình hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc. Tôi sinh ra đã thiếu thốn tình cha. Mẹ lại mất sớm. Nên gia đình, với tôi là tất cả. Tôi quan niệm ông Trời đã cho mình điều gì thì mình hãy chấp nhận, ngay khi có cả những gợn sóng bùng lên.” (Thanh Thúy, Chuyện trò trên mạng, bđd)

Nhận ra giọng ca hay định dạng cuộc đời, nhiều người cũng nhận định, tựa như thế. Giống như đời. Thế còn, nhà Đạo vốn thành thạo, với quả quyết của thánh nhân, trong Kinh Sách, thì sao?

Còn nhớ, Phaolô thánh nhân từng tâm tình với người bạn đồng hành cùng là đệ tử mang tên Timôtê, như sau:

“Hãy tránh những đam mê tuổi trẻ;

hãy theo đuổi công chính,

lòng tin,

lòng mến,

bình an,

làm một với những ai kêu cầu Chúa

với lòng trong sạch.”

(2 Ti 3: 22-23)

Về đời người. Hạnh phúc/sướng vui hay “buồn đêm thâu”, rất khổ não. Đâu nào do giọng ca “liêu trai”/buồn bã, nó vận vào người. Cũng chẳng vì ông Trời vẫn quan phòng, hoặc tiền định, đâu vì thế. Có đâu vì, lời ca bay bướm hoặc rất buồn. Rất lê thê. Não nề. Như lới hát, ở bên dưới:

“Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về

Nghe não nề…

Mưa kéo dàu lê thê những đêm khuya,

Lạnh ướt mi

Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Cho đi là mưa bão có kéo dài cả cuộc đời, nhiều ê chề. Ướt. Đến, lê thê đi nữa. Hoặc dù cuộc đời mình, thật ra vẫn cứ là:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi,

buồn dâng lên đôi môi

buồn đau hoen ướt mi ai rồi

buồn đi trong đêm khuya

buồn rơi theo đêm mưa..”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Mưa có rơi. Đời có buồn. Rất “ướt mi”. Hoặc, vẫn cứ là khi “rớt trong một cuối đông”, cuộc đời đi nữa, thì đời người vẫn cứ hiện rõ ở đâu đó, niềm vui như Lời Thầy hằng biểu tỏ:

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất,

Ai ghét sự sống mình nơi thế gian này,

thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời.”

(Yn 12: 25)

Tất cả là như thế. Những vui/buồn, một đời. Đều vẫn vậy. Vấn đề là, mình có bắt gặp và hiểu biết Lời Hằng Sống. Chúa vẫn nói. Thế thôi. Thật sự, thì điều mà các thân nhân ở ngoài đời hay trong Đạo vẫn quả quyết về ý định của Đức Chúa, rất rõ rệt. Nhưng, người đời xem ra chưa nhật biết rõ.

Chưa nhận rõ, nhiều khi chỉ vì người đời vẫn căn cứ vào những mộng tưởng, hoặc ảo giác. Mộng và ảo, chỉ vật vờ nằm ở nỗi vu vơ. Lờ mờ. Chưa hiện rõ. Người đời, vẫn cứ mộng tưởng. Nên, thấy mình còn quá nhỏ, trong nhận định về hạnh phúc/sướng vui, của đời người. Thế nên, người người cần nhận định. Học hỏi. Được hướng dẫn. Cho phải phép. Học về những nghịch thường trong cuộc đời, tỉ như: muốn tường tận Sự Thật, phải khiêm hạ. Chấp nhận mọi yếu kém, rất thiếu sót. Của chính mình.

Người người chỉ nắm bắt được Sự Thật hiển nhiên về cuộc đời, và người đời, nếu biết nhận ra Thiên Chúa là Tất Cả. Cả, về Quyền Uy. Sức mạnh. Bản Chất. Và, khi người đời nhận chân ra Sự Thật về Bản Chất của Đức Chúa. Và, đưa Ngài vào cuộc sống, rất hiện thực. Thì khi ấy, mới tiếp cận được với Ngài. Mới ăn uống, hít thở. Thực hiện những điều cao quý, trước mặt Ngài.

Có lẽ, lý do mà người người chưa đạt hạnh phúc, là bởi chưa học biết và thực hiện những điều cao cả trong công trình của Đức Chúa. Chưa biết rằng, Quyền Uy Sức Mạnh của Thiên Chúa, là để cho con người sử dụng. Trong yêu thương. Nhận lãnh. Nói tóm lại, chưa thực hiện được chữ YÊU. Trong cuộc đời. Thì, có làm gì đi nữa, vẫn như thế. Vẫn hát lên, những câu rên, như ở dưới:

“Còn mưa trong đêm nay,

Lòng em buồn biết mấy

Trời sao chưa thôi mưa

Ôi mắt người em ấy

Từ đây thôi mờ,

Nước mắt buồn mi em ngây thơ…”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thôi mưa. Thôi mờ. Nước mắt buồn. Đâu phải vì “Trời sao chưa thôi mưa”. Cho bằng, lòng người vẫn cứ rên thưa. Buồn mi em. Ngây thơ. Nếu bạn và tôi, ta chưa gặp được hạnh phúc/phúc hạnh, chẳng vì “ông Trời vẫn sắp đặt”! Cho bằng, vì mải nghe mải tìm hạnh phúc ở đâu đó. Chứ, không tìm Đức Chúa của những phúc hạnh/hạnh phúc ở phần sâu thẳm, của chính mình. Ở những nối kết với Đức Chúa. Ngang qua Cha, Con và Thánh Linh.

Và Ba Ngôi Đức Chúa, vẫn nối kết với con người để thể hiện mỗi ước vọng của mọi người. Uớc vọng về một quan hệ đằm thắm. Rất kết thân. Với Chúa. Với mọi người. Chính đó mới là mục đích. Là, ý nghĩa của mọi sướng vui. Phúc hạnh. Trong đời.

Nhận ra được nỗi sướng vui. Phúc hạnh. Là, nhận lãnh những chuyện rất nho nhỏ, ở đời thường. Có nối kết. Như, nhận định của người viết có tên là Ngô Phan Lưu với truyện kể, ở bên dưới. Rất minh hoạ. Về “tờ lịch gỡ mỗi ngày”, sau đây:

“Nhà tôi treo một “bloc” lịch to nơi phòng khách. Mỗi sáng thức dậy. Tôi gỡ một quăng bỏ đi. Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu cò, và coi đấy như lời dạy buổi đầu ngày, của các bậc tiền bối. Không biết ai sao, chứ riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm.

Ví như, sáng Thứ Hai tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, thấy tờ mới có câu của Tuerenne, như sau: “Tôi có ý kiến muốn tặng bạn: đó là, mỗi khi bạn muốn nói, hãy làm thinh.”

Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ…và thấy có lý, hay lắm. Qua hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng. Đúc kết cả một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người. Và, ngày hôm đó, tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành có nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu, dĩ nhiên là không nổi!

Đến sáng Thứ Ba, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch gặp câu nói của Swift: “Nổi giận là tự gánh giùm tội lỗi, của người khác!”

Chí lý! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, các câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó, gặp nhiều bực mình, mà tôi đâu có thèm giận. Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cám ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!

Rạng đông ngày Thứ Tư, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con nguời lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”. Chết rồi, có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn. Yêu đời hơn. Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!

Sang ngày Thứ Năm, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ của Ba Tư: “Lưỡi dài thu ngắn đời sống!” Nói lắm, chỉ được cái “ngu to”, chỉ được cái “rước hoạ vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!

Đến ngày Thứ Sáu, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khkác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!” Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài đuợc! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chơ thời gian nữa hẵng hay!

Sáng ngày Thứ Bbẩy, lại ló câu của Cervantès: “Ăn to thì di chúc nhỏ”. Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là của G.Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo.” Trời đất!

Người kể ở trên tuy quan niệm rằng “thằng điên trong tay áo, là chính mình. Rớt từ ống tay. Rồi bèn cảm ơn tờ lịch gỡ mỗi ngày. Đâu cần phải đi thư viện…” Nhưng bần đạo lại nghĩ khác. Chẳng ai điên, ở trong đời. Hoạ chăng, là chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ và chưa gặp, cả những gì là hạnh phúc. Sướng vui. Thăm thẳm một cuộc đời.

Gặp, như thấy được luồng sáng quắc, mà tác giả khác là Thomas Merton, một tu sĩ thuộc dòng khắc kỷ, từng khẳng định, ở tờ lịch nào đó, rất như sau: “Ở trung tâm mỗi hữu thể của chúng ta, vẫn có vùng ánh sáng thần khiết. Một vùng mà tội lỗi. Ảo tưởng. Và gì nữa, vẫn không thể xâm phạm được.”

Nếu bắt gặp, cho dù là tờ lịch có giòng chữ, của ai đó. Hay gặp, chính Triết Nhân của đời người, hẳn là ta sẽ không còn những lời lê thê, như câu hát ở trên đó. Rất “ướt mi”, như sau:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi

Lòng ai như chơi vơi

Người ơi, nước mắt hoen mi rồi

Đừng khóc trong đêm mưa,

Đừng than trong câu…”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Đúng thế. Đừng có mà than như câu ca. Là đà, nhiều nuối tiếc. Hãy như tác giả Jean-Paul Ribes, có lời bạt cho sách “Đức Đạt Lai Lạt ma nói về Chúa Jésus”, nay xin trích:

“Thật vậy nếu phải đồng hành (cả một đời) đi tìm Thần Khí, thì cả việc đọc lẫn việc chú giải các bản văn, như chúng ta biết, sẽ không đủ.

Dấu ấn của Tinh thần nằm ở nội tâm, trong chiều sâu thinh lặng của mỗi người. Người ta chỉ có thể đạt đến bằng sư trầm tư. Chiêm niệm.” (x. Le Dalai Lama parle de Jésus, Vĩnh An dịch Thiện Tri Thức 2003, tr.9)

Phải chăng “Dấu Ấn của Tinh Thần, nằm ở nội tâm”, mới đúng là niềm phúc hạnh. Sung sướng cho con người. Ở đời thường. Hỏi rồi, hãy tự tìm câu giải. Hết thắc mắc.

Trần Ngọc Mười Hai

Tuy vẫn còn thắc mắc.

Nhưng đã tỏ con ngươi.

Con của Chúa.

Con của người.