MARIA BỔNG BAY VỀ TRỜI

Mây se lụa trắng hơn không áo này?
Đoá hoa trong chiếc khăn tay,
Giữ riêng một chút hương bay thì thầm.”
(thơ Đoàn Vị Thượng)

Lc 1: 39-56

Cho mắt em trong, để em đắm nhìn trời xanh, nghiêng bóng. Mây se lụa trắng, để ta thì thầm giữ chút hương bay. Hương bay cho mây thì thầm, nay đón Mẹ về, hồn xác đê mê trong huy hoàng. Ánh sáng. Có đoàn thần thánh dàn chào. Chúc tụng. Như trình thuật xưa rày vẫn biểu hiện.

Trình thuật, thánh Luca nay dọi chiếu tâm tình của triều thần thánh đón Mẹ về với Chúa, trong vinh quang. Đón Mẹ về, triều thần thánh đón chào theo cung cách rất khác biệt. Đón Mẹ về, là đón chào Mẹ của Thiên Chúa, Đấng hiến trọn đời mình cho ý định của Chúa được thực thi. Và, nhờ Mẹ biết nói lời “Xin Vâng” quyết tận hiến cuộc đời mình cho công trình của Chúa, Mẹ đã được cất nhắc về với triều thần thánh cao sang ngõ hầu sẻ san vinh quang Chúa. Con của Mẹ.

Đón chào Mẹ, Hội thánh đón chào và tôn vinh vai trò đặc biệt của Mẹ như đã minh định: “Bằng vào động thái gắn bó với ý định của Cha. Và, nhờ vào công trình đồng công cứu độ, mà Con của Mẹ đã thực hiện nối kết với Chúa Thánh Thần, khiến Mẹ trở nên mẫu mực cho Hội thánh, về niềm tin. Về lòng mến Chúa. Mẹ là thành viên duy nhất, rất cao cả, thể hiện vai trò mẫu mực ấy cho Hội thánh.” (GLHTCG #967)

Tin Mừng, nay ghi lại sự việc Mẹ ghé viếng người chị họ cùng chung tâm trạng chờ đón Đấng Thánh, mà Mẹ chấp nhận cưu mang. Trình thuật, còn hàm ngụ mọi yếu tố góp phần vào vị thế cao cả của Mẹ, trong Nước Trời.

“Maria vội vã lên đường”, cung cách hăng say ra đi đến với người khác, mà phục vụ. Người khác ở đây và lúc này, là người chị họ cũng nôn nóng đón chờ Mẹ, đón chờ thành viên Nước Trời lành thánh, đến viếng thăm. Nhất nhất, là bài học để đời, cho mọi người tuân theo. Cũng thế, dù còn trong lòng Mẹ, Bào Thai Giêsu đã thôi thúc Mẹ hiền ra đi phục vụ mọi người, hơn là để người khác đến với mình, mà phục vụ. Trước cảnh tình ấy, bào thai Gioan đã nhảy mừng cảm kích, hệt như thế.

“Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và Người Con mà em cưu mang cũng được chúc phúc”, lời của chị họ Êlisabét là do Thánh Thần Chúa thúc đẩy, rõ ràng nói lên một sự thật: Đức Maria đầy ơn phúc, là vị Nữ Lưu độc nhất vô nhị, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng cứu độ, vì tính ngoan hiền, rất đáng chúc phúc.

Cảm kích trước tấm thịnh tình của em họ, bà Êlisabét lại đã thốt lên, lời thần thánh:“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu của Đức Chúa đến với tôi, thế này!” (Lc 1: 43), đây là lời cảm kích của mọi thành viên Hội thánh, vào mọi lúc. Nhất là lúc dân con dự Tiệc biết hân hoan san sẻ Lời Chúa. San sẻ bẻ Bánh. San sẻ chén cứu độ trần gian, cùng với Ngài.

Nay, đến lượt Mẹ dâng lời chúc tụng qua lời kinh “Ngợi Khen” mà Hội thánh vẫn thực hiện vào các buổi kinh chiều mỗi ngày. Lời kinh, ngập tràn những suy tư về điều kỳ diệu Chúa làm cho Mẹ.

“Ngài đoái thương phận hèn tớ nữ của Ngài”, ca tụng điều đó, là bởi Mẹ biết mình chỉ là cô thôn nữ mọn hèn không tên tuổi, nhưng nhờ Thánh Thần Chúa biến đổi, Mẹ trở thành Đấng thánh cao cả hơn các thánh nam nữ, để nói lên điều Chúa muốn phán dạy: mọi kẻ mọn hèn được Chúa cất nhắc, đều không do tài cán của riêng mình, nhưng do Ngài lựa chọn. Ban ơn. Chúc phúc.

“Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”, lời Mẹ không là lời ngạo mạn, cao xa. Mà là, cảm tạ rất khiêm tốn. Lời ấy nay thành sự thật, kể từ lúc Mẹ lên tiếng. Sự thật là, kẻ hèn mọn tớ nữ là Mẹ, được Chúa cất nhắc chọn lựa làm Mẹ Đấng Cứu độ, rất Giêsu. Ơn cao dày, Chúa chỉ phú ban cho ai biết hạ mình làm kẻ mọn hèn, mà thôi.

Chúa chọn Mẹ là Đấng mọn hèn, điều này chứng tỏ Chúa vẫn đoái hoài nhìn đến những ai tầm thường. Yếu đuối. Nghèo khó. Những người bị đẩy lùi khỏi xã hội nhiễu nhương. Những kẻ bị khai thác/bóc lột ở thế giới gian trần. Hèn mọn là như họ, nhưng lại được lĩnh nhận tình yêu Chúa chăm sóc.

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”, “ Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”, “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, Ngài đuổi về tay không”, những người như thế, nay rày ở đâu? Họ là ai? Có chức vụ gì trong Hội thánh Chúa? Đó là những câu hỏi đặt ra cho chúng ta, vào buổi này.

Mẹ là Mẹ Hiền cao cả, không chỉ vì Mẹ được chọn là Mẹ Thân Mẫu của Chúa, nhưng còn vì Mẹ dám chấp nhận mọi thử thách và trọng trách Chúa trao. Chấp nhận, trong tin yêu phó thác. Chấp nhận, cả những gì sẽ xảy đến tiếp theo sau. Trước khi chấp nhận ý định của Chúa, Mẹ chẳng lo sợ rủi ro, đau đớn có thể xẩy đến do vai trò Chúa đặt để.

Giống như Con Thân Yêu của mình, Mẹ biết từ bỏ tất cả để toàn bộ con người của Mẹ thành nơi trống rỗng ngõ hầu Thần Linh Chúa đến mà chiếm ngự. Mẹ tận hiến trọn đời mình, triệt để phục vụ thánh ý Chúa, mà thôi. Chính nhờ tính khiêm nhu hạ mình tột bực, Mẹ được cất nhắc lên bậc cao sang vị vọng, đối với thế giới phàm trần. Rày trông ngóng.

Điều cao cả nơi Mẹ, được thánh Phaolô tỏ bày ở bài đọc 2, qua thư gửi cho giáo đoàn Côrinthô, thánh Phaolô nói về sự sống lại của Chúa là điểm then chốt cho giá trị niềm tin, ta vẫn có. Tin vào Đức Kitô, Con Chí Ái của Mẹ, Đấng mặc lấy xác phàm loài người, và đã chết trên thập giá, đích thực là Đầu Hết giữa những kẻ được Chúa cho sống lại. Ngài, là Đấng được Chúa cất nhắc ngự bên phải Chúa Cha. Là, Hoa quả đầu mùa dành cho ai dám chết vì tình thương yêu, phục vụ.

Thánh Phaolô viết tiếp:“Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình.” (Cr 15: 22) Xem như thế, Đức Kitô là Đầu. Trên hết mọi sự. Kế đến, là Mẹ Ngài. Tức, Mẹ Thiên Chúa.

Hôm nay, dân con Đức Chúa đến với Mẹ để vui hưởng hạnh phúc Chúa phú ban. Đến, để rồi sẽ hướng về ngày cánh chung hôm ấy mọi người sẽ lại được sẻ san hạnh phúc triền miên, với Mẹ. Với Chúa. Từ nay đến đó, dân con Chúa sẽ kêu cầu Mẹ nhớ mọi người trong hành trình, ở trần thế. Kêu cầu Mẹ giùm giúp kết hiệp mọi người về cùng Con của Mẹ. Kêu cầu, để người người trở nên giống Mẹ biết lắng nghe lời gọi mời làm con Chúa. Kêu cầu, để nhận biết ý định của Chúa, mà tuân hành. Để rồi, sẽ bắt chước Mẹ nói lời “Xin Vâng” vô điều kiện. Xin Vâng, khi Chúa kêu mời mọi người ra tay hợp tác công trình cứu độ, Ngài khởi xướng.

Trong tư thế ứng đáp lời mời của Chúa, ta sẽ lại ca vang lời cung chúc, nhớ Mẹ mà hát:

“Mẹ ơi! mẹ hướng về đây
Là chốn đầy yêu thương
Là chốn con tìm nguồn sống
Ngoài kia trời đã mờ phai
Giờ phút này chắc ai
Ngồi lắng trông con ngày mai.”
(Hoàng Trọng – Chiều Nhớ Mẹ)

Mừng lễ Mẹ, đàn con vẫn mong Mẹ hướng về chốn yêu thương. Về, để con của Mẹ kiếm tìm nguồn sống có Chúa. Có Mẹ. Vì “ngoài kia trời đã phôi phai”. Nhạt mờ tình yêu, nhung nhớ. Nhớ Chúa. Yêu nhân loại. Ngoài kia, thiên hạ vẫn dửng dưng sống như không biết có Mẹ “ngồi lắng trông con ngày mai”. Vẫn đoái hoài, tình Mẫu tử. Rất Maria.

“Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ”
Lũ chuồn chuồn giỡn nắng, đuổi nhau bay.
Nhưng thỉnh thoảng, tiếng nhạc đồng buồn tẻ,
Của vài người cưỡi ngựa, đến xua ngay.”
(trích thơ “Trưa Hè” của Anh Thơ)

Lc 12: 32-48

Trưa hè, trên đê thẳm. Không người đi. Vắng vẻ. Đến là buồn tẻ, chốn đời người. Trời trong, mây giợn trắng. Tiếng nhạc đồng. Người cưỡi ngựa. Những xua ngay, đến phát sợ. Sợ, như đàn chiên bé nhỏ, có Chúa trấn an vui ban Nuớc của Ngài, nay hạnh phúc.

Tin Mừng, nay có thánh sử giãi bày niềm vui say hạnh phúc không nằm ở những chốn có vật-chất chất-chồng nhiều lo lắng. Và, Chúa lại dạy thêm: hãy nai nịt thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng mà chờ đón tương lai mai ngày, rày sẽ đến. Tương lai đến, là đến với tình huống có Chúa ở cùng, chẳng cần tích lũy của cải/tiền bạc, đồ hư nát. Tương lai mai ngày, là ngày Thầy bất chợt đến vào buổi canh hai/canh ba, đã tỉnh thức.

Tin Mừng, nay Chúa dạy mọi người hãy thận trọng vì ta không thể biết trước được khi nào thì Thầy đến. Ngài đến trong tư thế rất bất chợt. Đột xuất, như kẻ trộm. Chẳng đoán trước. Khi biết được, thì sự việc cũng quá trễ. Nên lỡ dở.

Dụ ngôn Tin Mừng Chúa kể về tình thương yêu, phục vụ, còn hồi hộp, hoành tráng nhiều hơn thế. Hồi hộp, bởi bản chất của thương yêu phục vụ là ý niệm của giàu sang/cao quý hơn cửa nhà, tài sản mà mình tạo sẵn. Cao quý hơn, vì yêu thương - phục vụ bày tỏ chất lượng cuộc sống, cần chăm sóc. Thực tế ở đời, nhiều người chỉ biết lưu tâm chăm sóc mỗi đất đai/vườn tược, mình làm chủ. Làm chủ thứ tài sản tưởng chừng như quý giá. Nhưng thực tế, đâu dài lâu?

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói rõ: như Abraham nhận thức, cuộc sống của ta là như hành trình vào nơi không ai biết mình đi đâu, sẽ làm gì. Nên, cũng chẳng cần thận trọng hoặc mua bảo hiểm/bảo kê, cho vững bụng. Mà, là đức tin như thánh Phaolô nhận xét: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Và, ông đã ra đi mà không biết mình đi về đâu.” (Dt 11: 8)

Thật ra, ai cũng muốn tự mình kiểm soát cuộc sống của riêng mình. Ngõ hầu chuẩn bị cho tương lai, mai ngày. Nhưng thực tế, thì lại khác. Giống như Abraham, ta chẳng tài nào biết được hành trình cuộc sống sẽ đưa ta đi về đâu. Chẳng ai biết được điểm kết đoạn, chặng đường dài. Nhiều năm tháng. Điểm ấy, có thể là điểm kết cuộc, trong đau buồn. Có khóc than. Và, chỉ khi nào tới nơi. Ta mới biết. Nhưng, lúc ấy cũng quá trễ. Nên, hối tiếc nhiều. Tiếc, cho tháng ngày đã qua, không nghe Lời Chúa dạy. Tiếc cho mình. Tiếc cho người. Một tiếc nuối, như mọi nuối tiếc mà ta thường có.

Hành trình Chúa nói ở Tin Mừng, không là cuộc lữ hành theo nghĩa có vận động, di chuyển. Mà, là cung cách và chất lượng, cũng như ý hướng của cuộc sống. Ta đang mang. Hành trình ấy, gồm tất cả kinh nghiệm sống ta sẽ có. Cả những tình huống xảy đến với mỗi người, để ứng phó. Hành trình ấy, cũng là những người ta từng gặp. Chạm mặt. Dù, mình đã chọn hay không. Hoặc, chỉ những tình cờ kéo đến. Và, ta vẫn phải đáp ứng. Đối đầu. Tất cả, là điểm khởi đầu để ta dấn bước. Đạt thành công. Cũng có thể là ân huệ và cơ hội giúp ta đáp trả sự thật. Tình thương yêu phục vụ để Chúa đi dần vào đời mình.

Cuộc sống, giống một hành hương. Di hành về quê hương ta hằng yêu dấu. Vẫn luôn chuyển động. Chuyển động, để hướng về khung trời khác tốt đẹp hơn. Hệt như Abraham và gia đình vẫn sống trong lều tạm, nhưng “trông đợi một thành có nền móng do chính Chúa tạo mẫu. Dựng xây.” (Dt 11: 10)

Trong cuộc sống thiết thực, ai cũng được bảo đảm là cuộc sống an ninh/an toàn cho mình. Nhưng niềm tin nơi Chúa, lại đề xuất cho mọi ngưòi chương trình hoàn toàn khác. Chương trình để sống theo cung cách thấm nhuần tình thương yêu và phục vụ cho Vương Quốc của Chúa. Có Chúa. Cuộc sống ở chốn sáng có công lý và an bình, do Chúa tạo mẫu. Dựng xây.

Cuộc sống có Chúa, là sống đích thực những điều Chúa răn dạy. Để, ta có thể dung nạp của cải chân phương. Đích thực. Của cải không bằng vật chất. Tục lụy. Nhưng, gồm giá trị cao quý Chúa dành để cho ta. Để rồi, ta sẽ lại san sẻ cho người khác. Những người vẫn đồng hành với ta, trong Nước Trời.

Cuộc sống có giá trị san sẻ, sẽ thôi thúc ta vào mọi lúc. Thôi thúc ta ra đi gặp Chúa, Đấng Cứu Độ. Đức Chúa, nay không còn ngư nơi cao xa, khó đạt. Nhưng đã hiển hiện nơi những người anh/người chị đang thiết tha, mong chờ. Chờ, ta giùm giúp. Mong người người biết sẻ san, những gì cần thiết mà họ không bao giờ đạt. Gặp Chúa, qua những người anh/người chị như thế, ta sẽ thấy mình từng sống với Ngài mà không biết. Sống với Ngài, ngang qua những người cần được ta thương mến. Phục vụ. Thương mến, phục vụ trong suốt chuyến di hành về quê hương yêu dấu, vẫn gọi là hành hương.

Trong nhận thức quyết tâm về một hành hương đầy ắp giá trị của yêu thương - phục vụ, ta cứ ngẩng đầu hiên ngang, tiến vế phía trước. Tiến và bước, miệng ca vang lời tự hào, có lời ca mà rằng:

“Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.”
(Nguyễn Đức Quang – Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ)

Hùng cường đi lên, không chỉ di hành về với quê hương ngạo nghễ. Ở trời Nam. Nhưng, là hiên ngang bước vào Nước Trời có dân con Chúa, cùng chung sức. Sánh vai. Miệt mài, hầu thực hiện điều Chúa căn dặn. Trong yêu thương. Hiền hoà. Nhiều quyết tâm.

Lm Phan Đỗ thục Linh
Mai Tá diễn dịch