Không biết với người Tây phương khi đón mừng năm mới thì tâm trạng họ ra sao, còn với người Á Đông nói chúng, cách riêng con dân đất Việt thì phút giao thừa mừng đón năm mới thì ắp đầy sự thiêng thánh. Sự thánh thiêng này có lẽ bắt nguồn từ một nền văn hóa vốn luôn gắn bó với cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với mãnh đất thân thương là nơi chôn nhau cắt rốn. Chính vì thế mà dù có đi xa thì ba ngày Tết cũng quyết tìm về với quê nhà, về với gia đình. Sự thánh thiêng này, theo thiển ý cũng có thể bắt nguồn từ nơi cuộc sống lam lũ, vất vả, khó khăn, khiến cho lòng người khi có dịp là dâng trào niềm hy vọng. Và có dịp nào tốt cho bằng dịp đầu năm để nuôi dưỡng, ấp ủ niềm hy vọng cũng như giúp nhau giữ niềm niềm hy vọng.

Như thế, chúng ta có thể nói rằng có hai tâm tình chính của dịp đón năm mới. Thứ nhất đó là hướng về nguồn để sống niềm cảm tạ tri ân với các đấng bậc sinh thành, với Trời đất và với các bậc thánh thần trên cao. Thứ hai đó là hướng về tương lai với khát mong, hy vọng sẽ được nhiều phúc lộc, may lành hơn năm cũ. Một trong những cách thế mà Kitô hữu Công giáo chúng ta thể hiện hai tâm tình này đó là xin lễ tạ ơn, cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ và xin bình an năm mới.

Sống niềm cảm tạ tri ân: Nền tảng của động thái tri ân cảm tạ đó là nhìn nhận những gì mình đang là, đang có đều do bởi đã lãnh nhận. Cha mẹ, ông bà, tiên tổ là cội nguồn hữu hình mà đã là người thì đều biết và chân nhận đó là nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Với lôgich “chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ, có tiên”, nên cứ vào dịp đón năm mới, người ta đều hướng về tiên tổ, mẹ cha, ông bà để tỏ lòng thảo hiếu, tri ân.

Người có niềm tin thì ngoài nguồn cội hữu hình còn biết hướng tâm hồn lên, không chỉ tạ ơn trời cao mà còn tạ ơn cả đất mẹ. Dù rằng vẫn có đó nhiều nghi lễ cúng bái phảng phất sự mê tín, nhưng tự bên trong tấm lòng của những người dâng hương, cúng lễ, luôn là tâm tình cảm tạ tri ân.

Có thể nói rằng một số hành vi cảm tạ tri ân của bà con ngoài Kitô giáo dành cho đất trời là nhằm làm đẹp lòng các thần thánh, để khỏi bị các ngài đoán phạt, không thi ân nữa, nghĩa là còn vấn vương đôi nét sợ hãi. Trái lại, động thái cảm tạ tri ân Thiên Chúa của Kitô hữu hoàn toàn không có nét sợ hãi, vì Đấng ban ơn lành là Người Cha nhân hậu. Và việc cảm tạ tri ân luôn hướng đến việc sử dụng ân ban đúng thánh ý của Người để ân ban phát sinh hiệu quả tốt đẹp cho bản thân và tha nhân.

Nuôi dưỡng niềm hy vọng: Dĩ nhiên đối tượng của niềm hy vọng luôn là những sự may lành, những điều tốt đẹp. Không kể một vài trường hợp bất thường, thì chẳng một ai lại đi trông mong những sự chẳng hay cho mình. Và dịp xuân về những sự mong ước ấy được thể hiện qua các lời chúc xuân, không chỉ là sang năm mới được hưởng phúc lộc thọ dư đầy mà còn mong sẽ được vạn sự như ý. Những phong bì lì xì đỏ thắm trao tặng là một cách thế thể hiện. Ngoài ra người ta lại còn cẩn trọng một cách kỹ lưỡng, đó là tránh gây cho nhau những điều chẳng hay, chẳng may hoặc điều xúi quẩy trong ba ngày đầu xuân bằng những kiêng cử này nọ, mặc dù có những sự kiêng cử có khi rất là mê tín. Dù sao đi nữa thì chúng cũng nói lên ý hướng là muốn sự tốt lành cho nhau.

Bước vào xuân mới, năm Canh Dần, với hình ảnh con vật đầy sức mạnh, đầy dũng khí và qua một vài ngạn ngữ cũng như chuyện dân gian liên quan đến chú hỗ hay còn gọi là ông Ba mươi, chúng ta cùng ngẫm nghĩ đôi điều:

Cũng như sư tử, loài hỗ được phong là chúa tể sơn lâm vì chính sự dũng mãnh của nó. Chúng ta ai cũng đều mong ước Chúa ban những sự tốt đẹp cho năm mới. Nhưng Thiên Chúa lại muốn ban điều tốt nhất cho loài người chúng ta đó là Nước Trời. Và Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, nghĩa là phải biết gắng công, nỗ lực hết mình. Là kho tàng vô giá chôn giấu trong ruộng, là viên ngọc quý…nên chúng ta không thể có Nước Trời nếu không can đảm bán đi tất cả những gì mình có (x.Mt 13,44-46).

“Mãnh hỗ nan địch quần hồ”. Dù có sức mạnh tuyệt luân nhưng ông cọp vẫn khó đương đầu với đoàn sói dữ. Sự kiện này nhắc nhớ chúng ta phải biết khiêm nhu canh phòng các chước mưu ma quỷ cám dỗ. Ỷ lại vào sức riêng mình thì sẽ có ngày ngã gục trước kẻ thù xảo quyệt là ma quỷ. Như thế bên cạnh việc nỗ lực kiếm tìm điều thiện hảo, chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận sự hạn chế và bất toàn của mình để rồi luôn cậy trông vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này: Không có Thầy, chúng con sẽ không làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5).

“Hỗ dữ không ăn thịt con”. Câu ngạn ngữ này khiến chúng ta cần suy xét lại tấm lòng của chúng ta đối với nhau qua cách ăn ở, cung cách hành xử. Tình người không dừng lại ở tình đồng loại “bầu ơi lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay ở nghĩa đạo “tứ hải giai huynh đệ” mà phải tiến đến chỗ nhìn nhận nhau là anh chị em có cùng một cha trên trời với sự hiệp thông liên đới “huynh đệ như thủ túc”.

“Hỗ chết để da, người ta chết để tiếng”. Năm mới mà nói đến cái chết thì quả là xúi quẩy theo quan niệm dân gian. Nhưng chúng ta là con cái Chúa, chúng ta không thể sống chỉ vì những sự ở đời này, cho dù đó là những thiện hảo nhưng chúng hữu hạn và rồi sẽ qua đi. Sống hôm nay mà biết nghĩ đến ngày mai. Tìm hạnh phúc ở đời này mà biết nghĩ đến hạnh phúc đời đời. Đó chính là nét phân biệt giữa người có niềm tin và người vô tín. Nói gì cho xa, chỉ vẻn vẹn dăm ba ngày, thì dịp đón xuân mới với các lễ hội, gặp gỡ, trò vui, tiệc tùng… rồi sẽ qua đi, một thực tế mà chúng ta đã biết qua nhiều dịp xuân về trước đây. Thậm chí nhiều thiếu niên tuổi 14 trở lên, đến ngày mồng Ba Tết đã thường tâm sự với tôi: “Thưa cha Tết này buồn chết được!”. Và cái điệp khúc ấy rồi sẽ lặp lại trong dịp xuân này. Quả thật các em chưa hiểu rằng niềm vui do mình tự kiếm tìm cho bản thân để hưởng cách ích kỷ thì sẽ chóng qua và sau đó là nỗi trống trải. Niềm vui đích thật và kéo dài lâu đó là niềm vui khi chúng ta thật lòng và gắng công làm cho ai đó hạnh phúc. Và đó chính là hạt giống ươm trồng hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

Năm mới lại về. Xin tạ ơn Chúa. Xin tri ân các đấng bậc sinh thành dưỡng dục là cha mẹ tổ tiên ông bà. Xin các bậc tiền nhân phù trì chúng con và dâng ước nguyện đầu xuân của chúng con lên Thiên Chúa. Ước gì tâm tình đầu xuân và cả thái độ sống của chúng ta trong ba ngày Tết được kéo dài suốt cả năm Canh Dần này.