Tư liệu Thánh Kinh (31): Thị trấn

Sự khác biệt thời Thánh Kinh giữa thị trấn hay thành phố và một ngôi làng không hẳn do kích thước mà là do sự phòng ngự nó. Làng là chỗ định cư không có tường vây. Thị trấn thì có tường chung quanh. Chúng thường được xây trên đỉnh đồi (hay những đụn cao do các phế tích xưa tạo nên) để dễ phòng ngự. Chúng cũng cần các nguồn cung cấp nước gần đó. Tại Mơ-gít-đô, một đường hầm đã được đào từ trong thành ra tận con suối của nó, để tải nước vào bên trong khi bị vây khốn. Các thị trấn thường được thiết lập ở những khu trù phú trong nước, nơi mùa màng tốt tươi và dân cần tụ lại với nhau để tự bảo vệ chống lại kẻ xâm lăng. Chúng cũng thường được thấy tại giao điểm hay nơi gặp nhau của nhiều thương lộ.

Các thị trấn tại Ít-ra-en thời sơ khai: Các thị trấn này thường nhỏ, chỉ khoảng 6 đến 10 mẫu Anh, kích thước như quảng trường của một thành phố tân thời (640 mẫu Anh mới được một dặm vuông). Trong các bức tường của chúng, thường có từ 150 tới 250 căn nhà, với khoảng 1,000 dân sống tại đó. Nhìn từ xa, các thành Ca-na-an giống như lâu đài nhiều hơn. Khi dân Do Thái ở lều mới vào xứ này, các thám tử của họ báo cáo đã nhìn thấy những ‘thành phố có tường cao thấu trời’ (Đnl 1:28). Những thành lũy này bắt đầu có khi các bộ tộc du mục quyết định định cư vĩnh viễn ở một nơi. Trưởng bộ tộc trở thành ‘vua’ đối với chính lãnh thổ của mình. Không có chính phủ trung ương, và các vua của các thị trấn khác nhau thường hay tranh chấp và gây chiến lẫn nhau.

Để bắt đầu, dân Ít-ra-en chỉ sửa lại nhà cửa và dinh thự tại các thành phố họ chiếm được của người Ca-na-an. Họ phải học hỏi kỹ năng xây cất từ các lân bang. Trong thời bình, thường có nạn gia tăng dân số đáng kể tại các thị trấn này, do đó, nhiều người phải cắm lều ở ngoài thành, chăn nuôi gia súc và cầy cấy đất đai ở đấy.

Cuộc sống trong các thị trấn thường chật chội. Nhà cửa xây cất nghèo chất lượng, và san sát nhau. Ở những chỗ đất soải, nhà phải xây chồng lên nhau. Không có đường phố đúng nghĩa, chỉ là những khoảng trống giữa các nhà, những đường hẻm chẳng biết dẫn tới đâu nhất định. Cũng chẳng có hè phố. Đường dẫn nước thải thường là những chiếc cống lộ thiên. Bùn lầy và rác rưởi (rác, nồi niêu bể, gạch vụn dư) đầy ngập bên ngoài, đến nỗi các đường hẻm thường cao hơn tầng trệt các căn nhà. Mưa xuống là toàn bộ trở thành đầm lầy. Về mùa đông, người ta bị nhốt cứng trong ẩm thấp hôi hám. Mặt trời mùa hè có giúp đôi chút, nhưng mùi hôi thì còn đó. Nhưng đến lúc đó, dân phần lớn đã di chuyển ra ngoài, sống và làm việc ở ngoài đồng. Thời bình, họ là những người sống ngoài đồng cả đến hai phần ba một năm, chỉ ở trong thành một phần ba của năm mà thôi. Cổng có pháo đài là chỗ trống chính của mỗi thị trấn. Vào ban ngày, cổng hết sức ồn ào và náo nhiệt với đủ mọi thứ sinh hoạt: các nhà buôn tới lui, kẻ mua người bán, các bô lão họp hội đồng, người khác giải quyết các tranh chấp và nghe kiện tụng. Ăn mày, người bán dạo, công nhân, các ký lục, khách viếng thăm, thương nhân và người mua sắm, với lừa, lạc đà và ngay cả trâu bò nữa, thẩy đều tụ nhau tại cổng thị trấn.

Tại những thị trấn lớn hơn, chỗ dành cho người mua sắm nhiều hơn. Đôi khi mỗi ngành nghề có một khu riêng, nhưng không hề có những cửa hàng xây một cách chuyên biệt. Mỗi thương nhân trưng bầy hàng hóa của mình trên sạp ngay bên cạnh hè phố. Đêm đến, họ gói ghém hàng hóa đem về. Cửa thành được đóng lại và được chặn lại.

Những dinh thự quan trọng: Phần lớn các thị trấn, ngoài các căn nhà ra, còn có một hay hai dinh thự lớn hơn. Từ thời Vua Sa-lô-môn, khi chính phủ trở nên trung ương tập quyền hơn, các thành thị trở nên quan trọng hơn trong tư cách là các trung tâm hành chánh của khu vực. Tại thủ đô Giê-ru-sa-lem của mình, Sa-lô-môn có ‘hội đồng nội các’, bao gồm người đứng đầu nền hành chánh, quốc vụ khanh, quản thủ cung điện, trưởng kho bạc và bộ trưởng cưỡng bức lao động. Ông tổ chức ra 12 quận thuế khóa để thu lương thực. Việc đó đòi phải xây những công thự lớn để chứa lương thực, và cung cấp nơi ăn ở cho các người phục dịch và các viên chức hoàng gia tại các thị trấn chính của mỗi quận.

Một số các dinh thự quan trọng nhất tại Ít-ra-en liên quan tới tôn giáo. Có những trung tâm tôn giáo quan trọng không những tại Giê-ru-sa-lem, mà còn tại Đan và Bết-ên nữa. Phần lớn các thị trấn đều có đền thờ nhỏ riêng biệt với một bàn thờ, giống như các đền của người Ca-na-an (gọi là ‘các nơi cao’).

Sa-lô-môn đưa ra chế độ lao động nô lệ và cưỡng bức để thực hiện các công trình xây cất lớn. Ở Giê-ru-sa-lem, ông xây đền thờ, cung điện cho ông và vợ ông, cũng như nhiều đại sảnh đường khác (một có lẽ dùng chứa võ khí, một dùng làm tòa án). Chúng là những công thự hoành tráng bằng đá với đà và ván bằng gỗ tuyết tùng. Đền thờ hết sức đẹp đẽ, với cửa bằng gỗ ô-liu trang trí đủ hình chạm trổ, toàn bộ mạ vàng. Dân Ít-ra-en, nhờ thợ lành nghề của Tia dạy bảo, quả đã tiến một bước thật xa từ những ngày còn sống du mục trong sa mạc (dù lúc đó họ cũng đã có khả năng tạo ra nhiều công trình rất đẹp như việc làm ra nhà tạm đã chứng tỏ).

Sa-lô-môn cũng cho tái thiết và củng cố một số thành thị, để tăng cường việc phòng thủ xứ sở. Ba thành thị quan trọng nhất là Ghe-dê, Mơ-gít-đô và Kha-xo. Những bức tường kép và những cổng thành khổng lồ tại ba thành phố ấy đều được xây dựng theo một họa đồ như nhau. Có cả những nhà kho, chuồng ngựa và chiến xa.

Khi người Do Thái bị lưu đày tại Ba-by-lon, họ không thể tới đền thờ tại Giê-ru-sa-lem nữa. Thay vào đó, họ họp nhau vào ngày Sa-bát để nghe lề luật và các giải thích về nó. Khi họ hồi hương, họ xây các nhà hội địa phương dùng cho mục đích trên. Đó là các ‘hội đường’ đầu tiên của họ (tiếng Hy Lạp synagein có nghĩa là ‘gặp nhau’).

Thời Tân Ước: Khi người Hy Lạp và người La Mã tới, các thành thị được đặt kế hoạch cẩn thận hơn. Các thành phố lớn thời Tân Ước rất khác với các thành pháo đài của thời Ít-ra-en xưa. An-ti-ô-kia ở Xi-ri (thành Thánh Phao-lô đặt căn cứ) có nhiều phố xá rộng rãi, nhiều thành có vỉa hà bằng đá hoa cương, có nhà tắm, nhà hát, đền thờ và chợ búa. Ban đêm còn có cả đèn sáng nữa. Nhiều thành có những toà nhà cao, nhiều tầng, trên những con phố hẹp.

Vua Hê-rô-đê Đại Đế tái thiết Sa-ma-ri (đổi tên thành Sebaste) và Xê-da-rê theo kiểu La Mã, với phố chính chạy qua trung tâm thành phố, hai bên có quán xá, nhà tắm và nhà hát, và được những con phố nhỏ cắt ngang thẳng góc. Nhà được xây cất từng khối gồm bốn căn một. Người La Mã xây những đường dẫn nước (aquaducts) để đem nước bằng ống vào thành phố. Họ xây các nhà tắm công cộng và đưa ra hệ thống thải nước hữu hiệu hơn để đem các chất dơ và nước thải ra khỏi thành phố. Cuộc sống thành thị, ít nhất đối với người giầu, trở nên dễ chịu hơn thời trước nhiều. Người nghèo, và những ai sống xa xôi hẻo lánh, ít được hưởng những thay đổi ấy. Thời Chúa Giê-su, cảnh tượng hùng vĩ nhất tại Giê-ru-sa-lem là đền thờ vĩ đại được gia đình Hê-rô-đê xây dựng bằng đá hoa cương, với nhiều phần tường phủ vàng. Đền thờ thu hút khách hành hương từ khắp thế giới Địa Trung Hải, nhất là vào những ngày lễ hội lớn của tôn giáo. Có khoảng một phần tư triệu người sống tại kinh thành. Phố xá tấp nập quần chúng với đủ người mua kẻ bán. Các cửa tiệm và các sạp bán đủ thứ, từ các nhu yếu phẩm như dép, vải vóc, thịt cá, rau trái cho tới những hàng xa xỉ của thợ vàng, và thương nhân nữ trang, tơ lụa, vải vóc và dầu thơm. Có đến bẩy kiểu chợ khác nhau và mỗi tuần có hai ngày họp chợ. Giê-ru-sa-lem có quán ăn và tiệm rượu cho người bình dân cũng như nhiều công thự vĩ đại hơn: cung điện, khán đài vòng cung kiểu La Mã, và pháo đài Antonia.