PHẦN BA: LỜI CHÚA CHO THẾ GIỚI (VERBUM MUNDO)

"Chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Chính Con Một vốn là Thiên Chúa, Đấng ở gần tâm hồn Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Người”(Ga 1:18)

Sứ Mệnh của Giáo Hội: Công Bố Lời Chúa cho Thế Giới

Lời Chúa đến từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha

Thánh Gioan đã phát biểu một cách mạnh mẽ sự nghịch lý căn bản trong đức tin của Giáo Hội. Một đàng, ngài nói rằng “chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1:18; xem 1 Ga 4:12). Trí tưởng tượng của ta, các ý niệm của ta hay ngôn từ của ta không hề bao giờ xác định được hay nắm được thực tại vô biên của Đấng Tối Cao. Người luôn luôn là Deus semper maior (Thiên Chúa luôn luôn cao cả). Ấy thế nhưng, Thánh Gioan cũng bảo ta rằng Ngôi Lời quả thực đã “trở nên xác phàm” (Ga 1:14). Con Một duy nhất, Đấng hằng ở với Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa, Đấng “chưa có ai thấy bao giờ” (Ga 1:18). Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), để ban cho chúng ta các hồng ân ấy (xem Ga 1:17); và “từ nguồn viên mãn của Người, ta nhận được hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16). Trong Tự Ngôn Tin Mừng của mình, Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Ngôi Lời từ lúc ở với Thiên Chúa cho tới khi trở nên xác phàm và trở về cùng Chúa Cha với nhân tính của chúng ta, mà Người đã mặc lấy mãi mãi. Trong việc từ Thiên Chúa mà đến và trở về cùng Thiên Chúa này (xem Ga 13:3; 16;28; 17:8, 10), Chúa Kitô được trình bày như Đấng “nói với ta” về Thiên Chúa (xem Ga 1:18). Thực vậy, như Thánh Irênê thành Lyons từng nói, Chúa Con “là Đấng mạc khải Chúa Cha” (310). Có thể nói rằng Chúa Giêsu thành Nadarét là “người chú giải” Thiên Chúa, Đấng “chưa ai thấy bao giờ”. “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15). Ở đây, ta thấy ứng nghiệm lời tiên tri Isaia về tính đầy hiệu quả của lời Chúa: như mưa và tuyết từ trời rơi xuống để tưới và làm cho trái đất ra mầu mỡ, lời Chúa cũng thế “sẽ không tay không trở về với Ta, nhưng sẽ hoàn thành điều Ta dự trù, và sẽ thịnh nở trong điều vì đó ta đã gửi lời ấy đến” (xem Is 55:10 và tiếp theo). Chúa Giêsu Kitô là chính lời dứt khoát và có hiệu quả ấy, một lời đã đến từ Chúa Cha và trở về cùng Người, hoàn toàn thực hiện được ý Người trong thế giới.

Công bố cho thế giới “Lời” của hy vọng

Lời Chúa đã ban xuống trên ta sự sống Thiên Chúa, một sự sống đã hiển dung khuôn mặt thế giới, làm mọi sự nên mới (xem Kh 21:5). Lời của Người làm ta dấn thân không phải chỉ như người nghe mạc khải Thiên Chúa, mà còn là sứ giả của nó nữa. Đấng Chúa Cha đã sai đến để thực hiện ý của Người (xem Ga 5:36-38; 6:38-40; 7:16-18) lôi kéo chúng ta tới Người và làm chúng ta thành một thành phần trong cuộc sống và sứ vụ của Người. Thần Khí Đấng Phuc Sinh ban cho ta sức mạnh để công bố lời Chúa khắp nơi bằng chính chứng tá cuộc sống chúng ta. Điều này đã được cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cảm nghiệm, họ thấy lời Chúa được truyền bá nhờ giảng dạy và làm chứng (xem Cv 6:7). Ở đây, ta có thể nghĩ riêng tới cuộc đời của Tông Đồ Phaolô, người được chiếm cứ hoàn toàn bởi Chúa (xem Pl 3:12) - “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20) - và bởi sứ mạng của Người: “vô phúc cho tôi nếu tôi không công bố Tin Mừng!” (1 Cor 9:16). Thánh Phaolô biết rõ rằng điều được mạc khải nơi Chúa Kitô thực là ơn cứu rỗi cho mọi người, giải phóng họ khỏi ách nô lệ tội lỗi hầu được hưởng tự do dành cho con cái Thiên Chúa. Điều được Giáo Hội công bố cho thế giới chính là Lời của Hy Vọng (xem 1 Pr 3:15); để có thể sống trọn vẹn từng giây phút, con người cần “niềm hy vọng lớn lao” vốn là “Thiên Chúa, Đấng có khuôn mặt con người và đã “yêu ta đến tận cùng’ (Ga 13:1)” (311). Đó là lý do tại sao Giáo Hội, tự bản chất, vốn có tính truyền giáo. Ta không thể giữ riêng cho ta các lời có sự sống đời đời từng được ban cho ta nhờ cuộc gặp gỡ của ta với Chúa Giêsu Kitô: chúng được dự kiến dành cho mọi người, mọi người đàn ông và mọi người đàn bà. Mọi người ngày nay, bất luận biết hay không biết, đều cần sứ điệp này. Cũng như vào thời tiên tri Amos, xin Chúa làm trổ sinh giữa chúng ta lòng thèm khát lời Chúa (xem Am 8:11). Trách nhiệm của chúng ta là phải nhờ ơn Chúa, chuyển giao cho người khác điều chính chúng ta đã tiếp nhận được.

Lời Chúa là nguồn suối sứ mệnh của Giáo Hội

Thượng Hội Đồng đã mạnh mẽ tái khẳng định nhu cầu phải có một cuộc canh tân trong Giáo Hội đối với ý thức truyền giáo vốn có nơi Dân Chúa từ buổi đầu. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi việc giảng giải có tính truyền giáo của họ như một cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất đức tin của họ: Thiên Chúa mà họ tin chính là Thiên Chúa của mọi người, Thiên Chúa duy nhất chân thật, Đấng đã tự mạc khải trong lịch sử Israel và sau cùng nơi Con Một của Người. Như thế, Con Một này đã đưa ra lời đáp trả mà mọi con người, cả nam lẫn nữ, vốn chờ mong trong hữu thể sâu thẳm của họ. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cảm thấy rằng đức tin của họ không phải là thành phần của một truyền thống văn hóa đặc thù, khác biệt từ dân tộc này qua dân tộc khác, nhưng thay vào đó, nó thuộc lãnh vực chân lý, là điều liên quan đến mọi người như nhau.

Một lần nữa, cũng chính Thánh Phaolô đã dùng cả đời mình mà làm sáng tỏ ý nghĩa của sứ mệnh Kitô Giáo và tính phổ quát nền tảng của nó. Ở đây, ta có thể nghĩ tới đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ liên quan tới Hội Đồng Arêôpagô ở Athêna (xem 17:16-34). Vị Tông Đồ Dân Ngoại mở cuộc đối thoại với nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau vì ngài ý thức rõ rằng mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng ai cũng biết nhưng không biết rõ, Đấng mọi người đều biết, nhưng biết một cách mù mờ, thực sự đã được mạc khải trong lịch sử: “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (Cv 17:23). Trên thực tế, sự mới mẻ trong lời công bố của Kitô Giáo là thế này ta có thể nói với mọi dân tộc: “Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra. Bằng người thật. Và giờ đây, đường dẫn tới Người đã được mở ra. Tính mới lạ của sứ điệp Kitô Giáo không hệ ở một ý niệm mà là một sự kiện: Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra” (312).

Lời Chúa và Nước Chúa

Thành thử, không nên coi sứ mệnh của Giáo Hội như một yếu tố tùy thích hay phụ thuộc trong đời sống Giáo Hội. Đúng hơn, nó hàm nghĩa để cho Chúa Thánh Thần hội nhập ta vào chính Chúa Kitô và do đó, chia sẻ cùng một sứ mệnh riêng của Người: “Như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con đi” (Ga 20:21) để chia sẻ lời Chúa bằng trọn cả đời sống ta. Chính lời Chúa đang thúc đẩy ta hướng về anh chị em chúng ta: chính lời Chúa đang soi sáng, thanh tẩy, làm ta hồi tâm; ta chỉ là đầy tớ của nó.

Như thế, ta cần khám phá ra như mới tính khẩn trương và vẻ đẹp của việc công bố lời Chúa cho Nước Chúa hiện đến, Nước mà chính Chúa Kitô đã rao giảng. Nhờ thế, ta càng hiểu rõ hơn điều, mà các Giáo Phụ biết rất rõ, là việc công bố Lời Chúa lấy Nước Chúa làm nội dung (xem Mc 1:14-15), Nước mà theo thuật ngữ đáng ghi nhớ của Origen (313), vốn là chính con người Chúa Giêsu (Autobasileia). Người ban tặng sự cứu rỗi cho mọi người thuộc mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận ánh sáng Chúa Kitô cần chiếu rọi đến bao nhiêu mọi lãnh vực của đời sống con người: gia đình, trường học, văn hóa, việc làm, việc giải trí và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội (314). Đây không hẳn là vấn đề rao giảng lời an ủi, mà đúng hơn là lời làm gián đoạn, là lời mời gọi người ta trở lại và là lời mở lối cho cuộc gặp gỡ với Đấng mà nhờ Người một nhân loại mới đang nở hoa.

Mọi người đã rửa tội đều có trách nhiệm đối với việc công bố này

Vì toàn Dân Chúa đều là người được “sai” đi, nên Thượng Hội Đồng tái khẳng định rằng “sứ mệnh công bố lời Chúa là trách nhiệm của mọi môn đệ Chúa Giêsu Kitô căn cứ vào Phép Rửa của họ” (315). Không một người tin Chúa Kitô nào lại có thể cảm thấy mình được miễn chuẩn khỏi trách nhiệm này, một trách nhiệm vốn phát sinh từ sự kiện ta thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô một cách bí tích. Phải làm sống lại một ý thức về điều ấy trong mọi gia đình, mọi giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào trong Giáo Hội. Như thế, trong tư cách một mầu nhiệm hiệp thông, Giáo Hội hoàn toàn có tính truyền giáo và tùy theo bậc sống riêng của mình, mọi người đều được kêu gọi đóng góp rõ ràng vào việc công bố Chúa Kitô.

Phù hợp với sứ mệnh đặc thù của mình, các giám mục và linh mục là những người đầu tiên được kêu gọi sống một cuộc sống hoàn toàn phục vụ lời Chúa, công bố Tin Mừng, cử hành các bí tích và đào tạo tín hữu trong việc nhận thức Thánh Kinh một cách chân chính. Các phó tế cũng phải cảm thấy mình được kêu gọi hợp tác vào trách vụ phúc âm hóa này, phù hợp với sứ mệnh riêng của họ.

Trong suốt lịch sử Giáo Hội, lối sống thánh hiến vốn nổi bật trong việc minh nhiên đảm nhiệm trách vụ công bố và rao giảng lời Chúa trong công tác missio ad gentes (sai đi tới các dân tộc, tức truyền giáo) và trong nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã luôn sẵn sàng thích ứng với các tình thế mới cũng như can đảm và mạnh dạn tiến bước vào những con đường mới mẻ để đương đầu với các thách đố mới nhằm công bố lời Chúa cách hữu hiệu (316).

Giáo dân cũng được kêu gọi thực thi vai trò tiên tri riêng của mình, một vai trò phát sinh trực tiếp từ Phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, nơi họ sinh sống. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng bày tỏ “lòng quí mến, biết ơn và khích lệ lớn lao nhất đối với công tác phục vụ việc phúc âm hóa mà rất nhiều tín hữu giáo dân, nhất là nữ giới nói riêng, đang cung cấp một cách quảng đại và đầy dấn thân trong các cộng đoàn của họ trên khắp thế giới, theo gương Thánh Nữ Maria Mađalêna, chứng nhân đầu hết của niềm vui Phục Sinh” (317). Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận với lòng biết ơn các phong trào trong Giáo Hội và nhiều cộng đoàn mới mẻ đang là một lực lượng lớn lao cho việc phúc âm hóa trong thời đại ta và là một động viên lớn cho việc khai triển thêm nhiều cách mới để công bố Tin Mừng (318).

Sự cần thiết của truyền giáo ( "missio ad gentes")

Khi kêu gọi mọi tín hữu công bố lời Chúa, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tái khẳng định nhu cầu cần có dấn thân dứt khoát vào việc truyền giáo, cả trong thời đại ta nữa. Giáo Hội không thể nào tự giới hạn công tác mục vụ của mình vào việc chỉ chăm sóc những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô rồi. Việc vươn tay ra truyền giáo là dấu chỉ rõ ràng một cộng đoàn Giáo Hội nào đó đã trưởng thành. Các Nghị Phụ cũng nhấn mạnh rằng lời Chúa là sự thật cứu rỗi mà mọi người thuộc mọi thời đại cần được nghe. Vì lý do đó, nó cần được minh nhiên công bố. Giáo Hội phải ra đi để gặp mỗi người trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần (xem 1 Cor 2:5) và tiếp tục việc bênh vực có tính tiên tri đối với quyền và sự tự do được nghe lời Chúa của người ta, trong khi vẫn không ngừng tìm ra những phương cách hữu hiệu nhất để công bố lời Chúa, dù liều mình bị bách hại” (319). Giáo Hội cảm thấy có bổn phận phải công bố cho mọi người nam nữ lời cứu rỗi (xem Rm 1:14).

Việc công bố và việc tân phúc âm hóa

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi tiếp nhận các lời có tính tiên tri của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đã có nhiều cách khác nhau để nhắc nhở tín hữu nhớ tới nhu cầu phải có một mùa truyền giáo mới cho toàn thể Dân Chúa (320). Ở bình minh thiên niên kỷ thứ ba, không những vẫn còn nhiều người chưa biết Tin Mừng, nhưng ngay cả một số đông Kitô hữu vẫn cần lời Chúa một lần nữa được công bố một cách đầy thuyết phục cho họ, để họ cảm nhận được một cách cụ thể sức mạnh của Tin Mừng. Nhiều anh chị em của ta “đã được rửa tội, nhưng chưa được phúc âm hóa một cách tạm đủ” (321). Trong nhiều trường hợp, có những dân tộc có thời rất phong phú về đức tin và ơn gọi, nhưng nay đang mất dần căn tính của mình vì ảnh hưởng của nền văn hóa bị thế tục hóa (322). Nhu cầu tân phúc âm hóa, một nhu cầu mà vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi cảm nhận một cách sâu xa, cần được tái khẳng định một cách dũng cảm, trong niềm chắc chắn rằng lời Chúa là lời hữu hiệu. Vốn chắc chắn về lòng trung thành với Chúa của mình, Giáo Hội không bao giờ mỏi mệt trong việc công bố tin mừng của Phúc Âm và mời gọi mọi Kitô hữu khám phá như mới sự quyến rũ trong việc theo chân Chúa Kitô.

Lời Chúa và chứng nhân Kitô hữu

Các chân trời mênh mông trong sứ mệnh của Giáo Hội và sự phức tạp trong tình hình ngày nay đòi phải có những cách thế mới để thông truyền lời Chúa cách hữu hiệu. Chúa Thánh Thần, Đấng chủ đạo của mọi việc phúc âm hóa, luôn hướng dẫn Giáo Hội của Chúa Kitô trong hoạt động này. Ấy thế nhưng, điều quan trọng là mọi hình thức công bố, trước nhất, phải ghi nhớ mối tương quan nội tại giữa việc thông truyền lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Tính khả tín của việc công bố của ta tùy thuộc điều ấy. Một đàng, lời Chúa phải thông truyền mọi điều chính Chúa đã nói với ta. Đàng khác, điều không thể nào miễn chước được là bằng việc làm chứng, ta phải làm cho lời kia được khả tín, kẻo nó chỉ xuất hiện như một thứ triết lý đẹp đẽ hay một điều không tưởng, thay vì là một thực tại có thể sống và ban sự sống. Tính hỗ tương giữa lời Chúa và việc làm chứng này phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình qua việc nhập thể của Lời Người. Lời Chúa đến với mọi người “qua cuộc gặp gỡ và làm chứng chân chính của người trưởng thành, qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè và trong tình đồng hành của cộng đoàn Giáo Hội” (324).

Có một tương quan gần gũi giữa lời chứng của Sách Thánh, trong tư cách tự chứng thực lời Chúa, và việc làm chứng bằng đời sống các tín hữu. Điều này bao hàm và dẫn tới điều kia. Việc làm chứng của Kitô hữu thông truyền lời đã được chứng thực trong Sách Thánh. Về phần mình, Sách Thánh giải thích việc làm chứng mà Kitô hữu được mời gọi đưa ra bằng chính cuộc sống họ. Những ai gặp được các chứng nhân khả tín của Tin Mừng như thế sẽ hiểu được rằng lời Chúa hữu hiệu biết bao đối với những ai tiếp nhận nó.

Trong hành động qua lại giữa chứng nhân và lời Chúa, ta hiểu được điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi. Trách nhiệm của ta không giới hạn vào việc gợi ra các giá trị chung cho thế giới; đúng hơn, ta cần tiến tới chỗ minh nhiên công bố lời Chúa. Chỉ bằng cách đó, ta mới trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Tin Mừng được các chứng nhân bằng đời sống công bố chẳng chóng thì chày cũng phải được lời của sự sống công bố. Không có việc phúc âm hóa thực sự nếu thánh danh, giáo huấn, cuộc đời, các lời hứa, Vương Quốc và mầu nhiệm Chúa Giêsu Thành Nadarét, Con Thiên Chúa, không được công bố” (325).

Sự kiện việc công bố lời Chúa đòi phải có sự làm chứng bằng đời sống là một dữ kiện vốn hiện diện một cách rõ ràng trong ý thức Kitô hữu từ buổi đầu. Chính Chúa Kitô đã là một chứng nhân trung thành và chân thực (xem Cv 1:5; 3:14), chính Người đã làm chứng cho Sự Thật (xem Ga 18:37). Ở đây, tôi muốn nhắc lại man vàn chứng từ mà chúng ta đã có hồng ân nghe được trong suốt cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Chúng ta hết sức cảm động được nghe các câu truyện của những người sống đức tin của mình và làm chứng một cách xuất sắc cho Tin Mừng dù dưới các chế độ thù nghịch với Kitô Giáo hay trong các tình thế bị bách hại. Không hoàn cảnh nào như thế làm ta sợ hãi. Chính Chúa Giêsu đã nói cùng các môn đệ của Người: “Tôi tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15:20). Vì lý do này, tôi muốn cùng với toàn hể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa một ca khúc ngượi khen vì chứng tá của nhiều anh chị em chúng ta, những người, ngay trong thời đại ta, đã hiến mạng sống mình để thông truyền sự thật về tình yêu Thiên Chúa từng được mạc khải cho ta trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội đối với các Kitô hữu đã không lùi bước trước trở ngại và cả bách hại nữa vì Tin Mừng. Tôi cũng ôm hôn với tình âu yếm anh em sâu đậm các tín hữu của mọi cộng đồng Kitô Giáo, nhất là tại Á Châu và Phi Châu, những người hiện đang liều mạng sống của mình hay kỳ thị xã hội vì đức tin của mình. Ở đây, ta gặp tinh thần đích thực của Tin Mừng, một tinh thần từng công bố là hạnh phúc bất cứ ai chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu Kitô (xem Mt 5:11). Làm thế rồi, một lần nữa chúng ta kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy bảo đảm nền tự do lương tâm và nền tự do tôn giáo, cũng như khả năng được phát biểu đức tin của người ta cách công khai (326).