Tư liệu Thánh Kinh (30): Đền thờ

Đền thờ của Sa-lô-môn: Khi dân Ít-ra-en chinh phục được Ca-na-an, họ không còn di chuyển nhà tạm nữa. Mà đặt tại Si-lô đã lâu. Hòm Giao Ước đã được đem vào trận chiến và bị quân Phi-li-tinh chiếm giữ. Nhưng vì nó đem lại cho bọn họ nhiều phiền phức nên họ đã đem trả lại. Sau cùng, Vua Đa-vít đem nó về Giê-ru-sa-lem. Ngài cho mua một miếng đất ngay phía bắc thành phố, và dự tính xây một đền thờ thường trực kính Thiên Chúa ở đấy. Nhưng dù rất tha thiết đối việc ấy, ngài không được dịp thực hiện nó. Như chính ngài đã giải thích cho dân, thì điều đó là ‘vì ta là một chiến binh, từng đổ biết bao nhiêu là máu’.Bởi thế, ngài đành nhận phận gom góp vật liệu để đó mà thôi. Sa-lô-môn, con trai ngài, mới là người xây dựng đền thờ đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem.

Đền thờ này không lớn so với tiêu chuẩn ngày nay, nhưng hẳn nó phải là tòa nhà lớn nhất, cho đến lúc đó, người Do Thái chưa bao giờ từng xây. Kích thước của nó chừng 9 x 27 mét và cao 13.5 mét. Không đền thờ nào khác có kích thước như thế đã được tìm ra, dù một đền thờ Ca-na-an mới đào thấy ở Kha-xo, và một đền thờ thuộc thế kỷ thứ 9 trước CN mới tìm thấy ở Xi-ri, cũng có kiểu cách ba phòng như vậy. Đền thờ rất tương tự về sắp xếp như kiểu mẫu của nhà tạm.

Các thầy cả qua một cổng chính rộng để vào đền thờ. Rồi tới phòng chính, tức nơi thánh. Trong đó, có bàn thờ dâng hương, bàn bánh tiến, và năm cặp trụ đèn.

Phòng bên trong cũng giống như nhà tạm là nơi cực thánh. Có lẽ nhờ các bậc thang từ nơi thánh để vào nơi này. Nó chứa hai kê-ru-bim bằng gỗ ô-liu và mạ vàng. Đó là biểu hiệu sự che chở của Thiên Chúa đối với đồ vật quan trọng nhất của nơi cực thánh, tức Hòm Giao Ước (xem Tabernacle).

Tường của các phòng đều được ghép bằng ván tuyết tùng, được chạm trổ hình hoa, cây chà là và kê-ru-bim, và cẩn vàng. Từ bên trong tòa nhà, người ta không thấy gạch đá. Nơi cực thánh được đốt sáng mờ mờ nhờ ánh sáng cửa sổ và các trụ đèn. Nhưng nơi cực thánh, nghĩa là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì không có cửa sổ, nên hoàn toàn tối đen. Hương được đốt trong chính đền thờ, nhưng các hy lễ thì diễn ra ở sân bên ngoài. Chỉ có các thầy cả và các thầy Lê-vi mới được phép vào trong đền thờ.

Trình thuật đầy đủ về việc đền thờ đã được xây cất và trang trí ra sao đã được kể lại trong sách 1 Các Vua các chương 5-7. Mọi kỹ năng và tài nguyên Vua Sa-lô-môn có thể huy động được đều đã dành cho việc xây cất và trang trí đền thờ. Vì đó là đền thờ Thiên Chúa. Ngay những viên đá cũng đã được đẽo gọt tại hầm đá ‘để không một tiếng động nào do búa, rìu hay bất cứ dụng cụ bằng sắt nào được phát ra trong lúc đền thờ đang được xây cất’. Khi hoàn tất, Sa-lô-môn tổ chức một lễ thánh hiến trang trọng. Tầng mây hiện diện của Thiên Chúa tràn đầy đền thờ và chính Sa-lô-môn hướng dẫn buổi lễ: ‘Lạy Chúa, Chúa đã đặt mặt trời vào bầu trời, nhưng Chúa lại đã chọn sống trong mây và bóng tối. Giờ đây, con xây tòa nhà uy nghi này cho Chúa, một nơi để Chúa sống mãi mãi’. Từ lúc này trở đi, trung tâm thờ phượng là đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, dù sau này mười chi tộc tách ra, để thành lập vương quốc Ít-ra-en phía bắc, đã lập ra các đền thờ khác tại nhiều nơi khác nhau. Đền thờ của Vua Sa-lô-môn cuối cùng đã bị Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon phá hủy khi ông ta chiếm được Giê-ru-sa-lem năm 587 trước CN. Các vật dụng còn lại bằng đồng, vàng và bạc được đem về Ba-by-lon. (2Sm 6; 7; 24:18-25; 1Sb 28:2-3; 1V 5-8; 12; 2V 16:5-9; 24:10-13; 25:8-17).

Đền thờ của Dơ-rúp-ba-ven (Đền thờ thứ hai): Khi Ky-rô cho phép người Do Thái hồi hương từ Ba-by-lon về Giê-ru-sa-lem năm 538 trước CN, ông ta truyền cho họ phải xây lại đền thờ. Ông cũng trao lại cho họ mọi vàng bạc châu báu Na-bu-cô-đô-nô-xo đã cướp khỏi đền thờ của Sa-lô-môn. Họ khởi công tái thiết tức khắc, nhưng chẳng bao lâu đã nản chí. Chỉ sau khi được hai tiên tri Khác-gai và Da-ca-ria thúc đẩy, họ mới hoàn tất được vào năm 515 trước CN.

Dù nó đứng vững 500 năm, nhưng ta biết rất ít về ngôi đền thờ này. Chắc chắn nó cũng theo mẫu thiết kế của đền thờ Sa-lô-môn, nhưng chắc thua xa vẻ tráng lệ của nó. Khi nhà cai trị Xi-ri là An-ti-ô-khô IV cấm các hy lễ tại đền thờ vào năm 168 trước CN và làm ô uế bằng cách dâng hy lễ cho thần ngoại giáo tại đấy, một cuộc nổi dậy đã xẩy ra (cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê). Sau đó 3 năm, đền thờ đã được tái thánh hiến, một biến cố ngày nay vẫn được tưởng niệm bằng lễ Hanukkah (Xem Feasts and Festivals). Đền thờ này đã bị tướng Pompey của La Mã hủy diệt năm 63 trước CN. (2Sb 36:22-23; Er 1; 3-6).

Đền thờ của Hê-rô-đê: Năm 19 trước CN, Hê-rô-đê Đại Đế bắt đầu công trình xây một đền thờ mới tại Giê-ru-sa-lem. Ông ta muốn lấy lòng thần dân và gây ấn tượng với thế giới Rô-ma về toà nhà vĩ đại của mình. Khoảng năm 9 trước CN, thì toà nhà chính hoàn tất, nhưng công trình vẫn tiếp diễn nhiều năm sau. Xây với cùng một họa đồ như đền thờ Sa-lô-môn, nhưng đền thờ này hoành tráng hơn nhiều. Nó cao hơn đến hai lần và phủ nhiều vàng đến độ chói lọi dưới ánh mặt trời.

Nét đáng nể nhất là chiếc nền cao vĩ đại (platform) của đền thờ, ngày nay vẫn còn, trên đó khách hành hương tụ họp và các hy lễ được dâng lên. Các tường của nền cao này vươn tới tận đỉnh đồi, bao trùm một diện tích 35 mẫu Anh. Ở tận cùng phía nam, nó cao hơn mặt đất từ 30 đến 45 mét. Một trong các góc phía nam của nền cao ấy có lẽ là cái ‘đỉnh cao’ mà ma qủy bảo Chúa Giê-su gieo mình xuống.

Một dẫy nhà có mái (nơi hai thánh Phao-lô và Gio-an giảng dạy dân chúng) chạy quanh khuôn viên bên ngoài. Cổng ra vào chính ở phía nam và dẫn vào Sân Dân Ngoại. Bất cứ ai cũng được vào phần này của đền thờ. Nhưng các yết thị bằng tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh ngăn cấm những ai không phải là Do Thái không được vào sân trong của đền thờ. Vi phạm qui luật này kết quả chắc chắn phải chết. Sách Tông Đồ Công Vụ chương 21, khi mô tả việc Thánh Phao-lô bị bắt, cho ta một ý niệm về những cảm quan nóng bỏng gây ra do gợi ý cho rằng người không phải là Do Thái ‘đã làm ô uế nơi thánh’. Sân kế tiếp là Sân Phụ Nữ. Đây là chỗ sâu nhất phụ nữ được phép vào đền thờ. Đàn ông được phép vào sâu hơn, đến tận Sân Ít-ra-en, và họ còn có thể vào cả Sân Thầy Cả nữa để diễn hành quanh bàn thờ vào ngày Lễ Lều.

Người Rô-ma phá hủy đền thờ này trong cuộc nổi dậy của người Do Thái năm 70 CN, và các châu báu của nó bị đem hết về Rô-ma. (Mt 4:5-6; Mc 13:1; Cv 3:11).

Việc thờ phượng của người Do Thái trong đền thờ: Thời Tân Ước, đền thờ vẫn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Ít-ra-en. Từng đoàn hành hương đổ về đấy trong những ngày lễ hội. Nó cũng là trung tâm giảng dạy về tôn giáo. Và, cũng như thời Cựu Ước, các thầy cả phục vụ tại đền thờ thi hành các nghi lễ và hy lễ theo luật.

Mỗi ngày đều bắt đầu với việc đọc các đoạn Thánh Kinh và các lời cầu nguyện. Các nghi thức chính là hy lễ sáng và chiều. Rồi các thầy cả ngỏ lời với người thờ phượng bằng lời chúc lành cổ xưa: ‘Xin Chúa chúc phúc cho anh em và chăm sóc anh em; Xin Chúa nhân từ và đầy ân nghĩa đối với anh em; Xin Chúa đoái thương anh em và ban cho anh em sự bằng an’.

Các ca khúc được ca đoàn của các thầy Lê-vi tại đền thờ hát lên, nhưng đôi khi dân chúng cũng cùng chung tiếng, nhất là trong buổi diễn hành dưới ánh đuốc vào ngày Lễ Lều.

Phúc âm Lu-ca mô tả cuộc viếng thăm đền lần đầu tiên của Chúa Giê-su lúc còn thơ dại, để dự Lễ Vượt Qua. Phúc âm Gio-an thì ghi lại rằng khi lớn lên, Chúa Giê-su thường tới Giê-ru-sa-lem dự các ngày lễ, và phần lớn lời giáo huấn trong phúc âm ấy diễn ra tại Giê-ru-sa-lem, trong khuôn viên đền thờ. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các kẻ theo Người cũng đã gặp nhau và giảng dạy tại đó. (Lc 2:41-49; Ga 2:13-25; 5:7-8; 10:22-38; 12:12 và tiếp theo; Cv 2:46; 3; Mc 14:58).