Tư liệu Thánh Kinh (29): Rô-ma

Khởi nguyên của thành phố Rô-ma nay chỉ còn là dã sử. Truyện kể lại rằng thành phố này được đặt tên theo người sáng lập ra nó là Romulus. Tổ tiên ông đã từ thành Trô-a điêu tàn của Hy Lạp thoát chạy tới đây. Năm ấy là năm 753 trước CN. Đấy là năm những người La Mã sau này cho là khởi đầu lịch sử của họ.

Lịch sử buổi đầu: Trong nhiều thế kỷ, Rô-ma chỉ là một thị quốc nhỏ và lao đao. Nhưng nó nằm ở một vị trí thuận lợi trên ngã ba Sông Tiber, giữa lòng Ý Đại Lợi. Thoạt đầu, nó có vua mà một số có lẽ thuộc một dân tộc bí nhiệm và hầu như đã bị lãng quên tên là Etrusca. Những vị vua này sau đó đã bị lật nhào và Rô-ma trở thành một ‘Cộng Hòa’, đứng đầu là hai ‘lãnh sự’ (consuls) được bầu cho nhiệm kỳ một năm, và một hội đồng gọi là ‘Thượng Viện’ (Senate). Sau nhiều năm xung đột, nghèo đói và chiến tranh, Rô-ma từ từ dành được đất và đến năm 275 trước CN, đã kiểm soát được toàn bộ Ý Đại Lợi.

Rô-ma lớn mạnh một phần nhờ chiến tranh, nhưng phần khác cũng nhờ chính sách liên minh qua đó tư cách công dân La Mã và các quyền lợi khác được cấp ban cho các đồng minh. Ngay từ đầu, người Rô-ma đã là những nhà tổ chức giỏi. Họ đắp nhiều đường xá tốt và thống nhất toàn bộ Ý Đại Lợi. Về tính khí, họ rất khác với người Hy Lạp. Họ không độc đáo. Nhưng rất thực tế, trung thành với quốc gia, chăm làm và có kỷ luật. Các cuộc chiến tranh: Không bao lâu sau, người Rô-ma phải giáp mặt với kẻ thù của mình là Carthage. Carthage vốn ở duyên hải Tunisia ngày nay, và kiểm soát được những hải lộ và việc buôn bán của miền Tây Địa Trung Hải. Cuộc tranh chấp sẽ phải kéo dài hơn một thế kỷ. Người Carthage có một nhà lãnh đạo thiên tài tên là Hannibal. Ông được người ta nhớ đến nhờ chiến tích anh hùng vượt qua Dẫy Núi Alps bằng voi. Ông ta xâm lăng Ý Đại Lợi và đánh bại Rô-ma ngay trên đất nhà, nhưng vì thiếu yểm trợ, nên cuối cùng phải rút lui. Người Rô-ma hủy diệt Carthage năm 146 trước CN.

Đến lúc đó, Rô-ma đã bị lôi kéo vào sự việc của Phương Đông, nơi Hannibal từng liên minh với các thù địch của Rô-ma. Người Rô-ma đánh bại An-ti-ô-khô III của Xi-ri và trao lãnh thổ của ông này tại Tiểu Á cho đồng minh của mình là Eumenes II của Péc-ga-mô. Họ hủy diệt Cô-rin-tô năm 146 và bắt đầu trực tiếp cai trị Hy-lạp. Năm 133, vị vua sau cùng của Péc-ga-mô hiến lãnh thổ của mình cho người Rô-ma. Từ lãnh thổ ấy, họ lập thành tỉnh A-xi-a.

Thế lực thế giới: Thế là Rô-ma trở thành một thế lực thế giới. Nhưng nhiều thay đổi lớn đã xẩy ra. Người Hy Lạp gây ảnh hưởng đáng kể trên kẻ chinh phục họ. Người La Mã do đó đã phải học hỏi ngôn ngữ và tư tưởng Hy Lạp, và còn sao chép phong cách Hy Lạp trong nghệ thuật và trước tác. Tuy nhiên, cũng có nhiều thay đổi xấu đi. A-xi-a chẳng hạn rất giầu, nên các viên chức La Mã bắt đầu lợi dụng địa vị mình để làm giầu riêng cho bản thân bằng cách cướp bóc các thần dân. Thượng Viện tại Rô-ma không có khả năng kiểm soát được họ. Và đó chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn. Không thể cai trị một đế quốc thế giới bằng phương thức cai trị một thành phố nhỏ. Những đạo quân lớn và việc tổ chức thường xuyên cần phải có. Những kẻ có tham vọng bắt đầu tranh dành quyền lợi. Kết quả: nhiều trận nội chiến đã xẩy ra trong thế kỷ thứ nhất trước CN. Năm 63 trước CN, tướng La Mã là Pompey chiếm Giê-ru-sa-lem. Từ ngày đó, Rô-ma có nhiều ảnh hưởng kiểm soát đối với Pa-lét-tin. Sau đó, Pompey trở thành người cổ võ cho nền Cộng Hòa, đi ngược lại Giu-li-ô Xê-da đầy tham vọng. Nhưng Xê-da đánh bại hắn, trở thành nhà ‘độc tài’, một địa vị đưa lại cho ông nhiều đặc quyền trong tình thế khẩn cấp. Xê-da là một nhà cai trị có khả năng sáng chói và uy dũng. Nhưng năm 44, ông bị hai người theo khuynh hướng Cộng Hòa là Brutus và Cassius giết chết. Bạn của Xê-da là Anthony và người thừa kế ông là Octavian đánh bại nhóm cộng hoà năm 42 tại Phi-líp-phê bên Ma-kê-đô-ni-a, một thành phố hết sức quen thuộc trong Tân Ước. Nhưng rồi hai kẻ chiến thắng tranh cãi nhau. Octavian đánh bại Anthony và đồng minh của ông ta là Cleopatra, nữ hoàng Ai Cập.

Đế quốc và các hoàng đế: Dân mỏi mệt vì bao nhiêu năm chiến tranh như thế. Nên Octavian mang bình an lại cho họ. Năm 27 trước CN, ông tiếp nhận tước hiệu Au-gút-tô. Ông cho là mình đã đem nền cộng hòa trở lại và cẩn thận che dấu quyền hành thực sự của mình. Ông duy trì quyền kiểm soát quân đội và trên thực tế, đã trở thành nhà cai trị đầu tiên của điều ngày nay ta gọi là ‘Đế Quốc’, mặc dù ông không bao giờ dùng chữ ấy. Ông thống nhất toàn bộ thế giới Địa Trung Hải dưới một chính phủ hòa bình. Người ta có thể yên ổn du hành bằng đường bộ và đường biển đến mọi nơi trong thế giới ấy. Khắp nơi đều biết ơn ông. Ông qua đời năm 14 CN.

Chúa Giê-su sinh ra dưới thời Au-gút-tô (Lc 2:1). Việc giảng dạy, cái chết và sự sống lại của Người xẩy ra dưới thời hoàng đế kế tiếp là Ti-bê-ri-ô (14-37 CN). Thánh Phao-lô du hành truyền giáo thời trị vì của Cơ-lau-đi-ô (41-54 CN) và Nê-rô (54-68 CN), vị Xê-da mà ngài xin chống án (Cv 25:11).

Người La Mã và người Do Thái: Pa-lét-tin bị người La Mã chiếm đóng thời Chúa Giê-su. Thoạt đầu họ ráng cai trị qua các vua thuộc dòng vua Hê-rô-đê. Khi viêc ấy không thành tại Giu-đê, họ phái một thống đốc La Mã tới gọi là ‘procurator’ (tổng trấn). Dù các hoàng đế đầu tiên thường thận trọng tôn trọng các cảm quan của dân bị trị, nhưng họ thấy khó có thể đương đầu với tôn giáo và chủ nghĩa quốc gia của người Do Thái. Phông-xi-ô Phi-la-tô (26-36 CN) và những người kế nhiệm ông đã làm phật lòng người Do Thái vì chính sách cai trị bạo tàn của họ, nên năm 66, đã có cuộc nổi loạn đầy tuyệt vọng chống lại Rô-ma. Khi Nê-rô chết, các tướng lãnh thù nghịch nhau đã tranh nhau chiếm quyền tại Rô-ma.Vespesian, chỉ huy quân đoàn biên giới Xi-ri, cuối cùng đã chiến thắng và trở thành hoàng đế (69-79 CN). Chính con trai ông là Titus đã kết liễu cuộc nổi loạn của người Do Thái. Ông ta hủy diệt Giê-ru-sa-lem và đền thờ của nó năm 70 CN. Cuộc sống tại Rô-ma: Đến lúc này, Rô-ma là trung tâm thế giới, một thành phố trên một triệu dân cư. Ta có được hình ảnh khá sống động về cuộc sống của nó: những tòa nhà cao và những con phố chật hẹp, đông nghẹt người, nơi người ta sống trong lo sợ bị hỏa hoạn, và những tiếng xe cộ rầm rập suốt đêm làm người ta ngủ không yên. Hoàng đế và giai cấp qúy tộc sống trong nhung lụa, nhưng cũng đầy lo sợ phập phồng. Rất nhiều người tự do và nô lệ chen chúc dọc các hè phố. Các hoàng đế cố gắng duy trì yên ổn bằng cách tổ chức những buổi nhạc kịch nhạt nhẽo từ Ai Cập và những buổi trình diễn công cộng đầy máu trong đó người và dã thú đánh nhau cho đến chết. Khi cơn hỏa hoạn lớn xẩy ra cho Rô-ma năm 64 CN, Nê-rô đổ lỗi cho các Ki-tô hữu, và hành hạ nhiều người trong số họ cho đến chết.

Cái tốt và cái xấu: Bên cạnh nhiều thành tựu lớn lao, rõ ràng vẫn có phía xấu xa trong nền văn minh La Mã. Ta dễ hiểu tại sao người La Mã lại bị ghét bỏ tại các xứ họ chiếm đóng như Pa-lét-tin chẳng hạn. Các tổng trấn như Phi-la-tô, Phê-líchhh và Phét-tô không quan tâm gì đến các vấn đề đức tin được người Do Thái Giáo và Ki-tô Giáo bàn bạc. Ấy thế nhưng Chúa Giê-su lại khen lòng tin của một người La Mã (Lc 7:1ff) và thánh Phê-rô lại thấy một sĩ quan La Mã khác là Co-nê-li-ô là người thành thật đi tìm Thiên Chúa (Cv 10:11).

Sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, các Ki-tô hữu phải đối diện với nhiều vấn đề mới. Hoàng Đế Domitian (81-96) nhất định buộc người ta phải thờ ông như thần thánh. Một Ki-tô hữu trung tín không thể vâng lệnh ông được. Rô-ma vì thế trở thành địch thù của họ. Sách Khải Huyền được viết ra lúc các Ki-tô hữu cần sức mạnh để chống đỡ cuộc bách hại của Rô-ma. Rô-ma với bẩy ngọn đồi (Kh 17:9) được tượng hình như một con điếm thích nhung lụa, giống như Ba-by-lon ngày xưa.

Xem thêm Greek and Roman Religion.