Tư liệu Thánh Kinh (27): Tiên Tri

Các tiên tri mà sứ điệp được kể lại trong Cựu Ước đã xuất hiện trong những lúc lịch sử quốc gia gặp khủng hoảng. Họ là những người của Thiên Chúa sai tới cho những giây phút như thế và sứ điệp của họ thường liên quan tổng quát tới một thời gian và một không gian đặc thù. Các sứ điệp này vẫn tiếp tục còn giá trị và hữu dụng ngày nay vì cùng loại các hoàn cảnh ấy cứ xẩy tới xẩy lui hoài trong lịch sử.

Các tiên tri buổi đầu: Các tiên tri xuất hiện thành nhóm lần đầu tiên vào thời Sa-mu-en là người thường được miêu tả là ‘thủ lãnh sau rốt và tiên tri đầu hết của Ít-ra-en’. Quân Phi-li-tinh là mối đe dọa lớn đối với Ít-ra-en vào lúc đó. Các tiên tri đầu hết này, đầy lòng hứng khởi đối với Thiên Chúa của Ít-ra-en, đã củng cố quyết tâm của dân Do Thái muốn có tự do và độc lập. Khi chàng thanh niên Sa-un gặp các vị này, chàng bị choáng ngợp vì cảm thức của họ đối với năng lực đa năng của Thiên Chúa. Và chàng cùng tham gia vào công việc nói tiên tri đầy phấn khích này khi quyền năng Thiên Chúa chiếm hữu chàng. Phần Sa-mu-en xem ra không dính líu ngay vào những khoái ngất của nhóm người nói tiên tri này. Ông đóng vai trò quan trọng làm thủ lãnh cho dân. Ông có trách cứ dân đã đi thờ ngẫu thần và cầu xin Chúa tha thứ cho họ. (Đây cũng là các khía cạnh quan trọng trong công việc của các tiên tri sau này). Hiển nhiên, Sa-mu-en cũng có nhiều ơn phúc siêu nhiên khác. Khi Sa-un lên đường đi tìm các con lừa đi lạc của cha mình, Sa-mu-en đã có thể nói cho cậu hay người ta đã tìm thấy chúng rồi, và còn tiên đoán điều sẽ xẩy ra trên đường cậu đi nữa. Nhưng đó chỉ là những chuyện tương đối vụn vặt. Sa-mu-en được nhớ đến nhiều nhất vì sự kiện cũng như các tiên tri khác, ông là người đã làm cho dân biết đến kẻ được Chúa chọn làm vua. Ông xức dầu cho Sa-un, và sau đó cho Đa-vít, làm nhà cai trị do Thiên Chúa chọn.

Khi Đa-vít đang làm vua, tiên tri Na-than cũng can dự vào diễn trình phong vương tương tự như thế. Nhưng phải tới giữa thế kỷ thứ 9 trước CN, việc nói tiên tri mới vượt lên hàng đầu nhờ công trình của Ê-li-a và Ê-li-sa.

Cuộc khủng hoảng tại vương quốc Ít-ra-en phía bắc đã tạo nên tấm phông cho công trình của các tiên tri này. Các thần ngoại giáo đã được I-de-ven, vợ Vua A-kháp, đem vào việc thờ phượng của dân Ít-ra-en. Bà ta còn đem từ quê hương là thành Tia của bà ta 850 tiên tri của Ba-an và Át-sê-ra, thần nam và thần nữ của Ca-na-an. Tiên tri Ê-li-a ý thức được rằng ông cần phải thách thức thứ tôn giáo sai lạc này và giữ vững đức tin của Ít-ra-en vào Thiên Chúa.

Bởi thế, Ê-li-a đã thách các tiên tri Ca-na-an chịu làm một cuộc ‘trổ tài’ trên Núi Các-men trên đó Thiên Chúa sẽ lấy lửa để chứng minh ‘Chúa là Thiên Chúa; chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa mà thôi!’. Ê-li-sa tiếp nối sứ mệnh của Ê-li-a. Ông làm nhiều phép lạ để chữa bệnh và sau này, đã xức dầu tấn phong Giê-hu làm vua Ít-ra-en. Ông tụ tập được một số môn đệ, đều là con trai các tiên tri. Họ duy trì ký ức các công trình ông thực hiện. (1Sm 7:3-17; 2Sm 7; 1V 1:11-40; 17-19; 2V 1-9).

Các tiên tri về sau: Không vị tiên tri ‘già’ nào để lại cho ta một cuốn sách ghi lại các lời tiên tri của các vị cả, dù ta biết ít điều các vị nói và làm. Như đến thời ‘cổ điển’ của phong trào nói tiên tri, tức là từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ năm trước CN, nhiều sứ điệp tiên tri đã được viết xuống và thu thập thành sách Cựu Ước như ta có hiện nay: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và các sách của 12 Tiên Tri (tức các tiên tri nhỏ từ Hô-sê tới Ma-la-khi), và sách Đa-ni-en.

Cuộc khủng hoảng phía sau thời kỳ nói tiên tri này chính là sự thay đổi vũ đài chính trị dẫn tới cuộc lưu đày lần đầu tiên của Ít-ra-en (vương quốc phía bắc) sau khi thủ đô Sa-ma-ri của nó bị chiếm vào năm 721 trước CN, và sau đó là cuộc lưu đày của Giu-đa (vương quốc phía nam) sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 586 trước CN. Sứ điệp của các tiên tri này tập trung vào cuộc lưu đày. Một số nhìn từ đàng trước nó. Một số suy nghĩ trở lui các ý nghĩa của nó. Còn các tiên tri sau đó thì khuyến khích toàn dân tái thiết từ đống tro tàn.

Trước Lưu đày: Các tiên tri cảnh cáo ngày phán xử không thể tránh được. A-mốt và Hô-sê nói như thế tại vương quốc phía bắc vào thế kỷ thứ tám; Giê-rê-mi-a nói thế tại vương quốc phía nam vào cuối thế kỷ thứ bẩy. Họ kêu gọi dân ăn năn thống hối. Vẫn chưa quá trễ để Thiên Chúa thay đổi ý định. Nhưng các tiên tri buộc phải nhận ra là dân không hề có ý định ăn năn. Họ đã được dành cho nhiều cơ hội, nhưng họ đều từ chối. Đến lúc đó, A-mốt đành phải nói thay cho các tiên tri rằng: đây là lời Chúa phán: “Hãy sẵn sàng đối mặt với phán xét của Ta!”.

Ít-ra-en đã làm chi khiến Thiên Chúa phải nổi giận như thế? Mỗi tiên tri trình bầy một khía cạnh khác trong tội lỗi của Ít-ra-en. A-mốt tấn công tình trạng bất công xã hội; Hô-sê tố giác lòng bất trung đối với Chúa của Ít-ra-en; Mi-kha lên án tội lỗi các nhà cai trị Ít-ra-en; Giê-rê-mi-a lên án các ngẫu thần và sự thối nát không hạn chế tại Giu-đa. Vì những tội lỗi ấy, Thiên Chúa phải trừng phạt dân Người, mặc dầu Người rất đau lòng phải làm như thế. (Am 9:1-4; Hs 11:5-7; Gr 25:8-11; Am 5:14-15; 14:6-12).

Lưu đày và sau đó: Một khi Giu-đa và cả Ít-ra-en đã ‘yên bề’ trong cảnh lưu đày, ít nhất có một số người bắt đầu hiểu ra rằng họ đáng bị trừng phạt như thế. Từ lúc đó, các tiên tri mới có thể khơi dậy được lòng hy vọng. Ê-dê-ki-en tiên đoán sẽ có ngày tuy đang bất động như một đống xương khô, dân tộc sẽ bắt đầu bừng sống lại khi Thánh Thần Thiên Chúa thở hơi sống mới vào toàn dân. Ông chờ mong đến ngày tái thiết đền thờ và tái định cư mảnh đất quê cha. Các lời tiên tri của I-sai-a 40-55 cũng đem lại cho dân một sứ điệp an lòng. Thiên Chúa sắp sửa đem dân lưu đày từ Ba-by-lon về lại Giê-ru-sa-lem. Rồi sau các đợt hồi hương lưu đày lần đầu và sau những hứng khởi của việc khởi đầu tái thiết đền thờ qua đi, một thế hệ tiên tri mới lại cần đến để đối phó với cơn khủng hoảng do thất vọng và chán chường gây ra. Nếu Khác-gai và Da-ca-ri-a không khuyến khích dân làm việc cho đền thờ, thì công trình ấy không bao giờ hoàn tất được. Việc hồi hương sẽ thất bại nếu việc thờ phượng Thiên Chúa không được lập lại cách xứng đáng. (Ed 37; 40-48; Is 40:1, 9-10).

Vai trò các tiên tri: Tốt nhất nên hiểu các tiên tri như các sứ giả. Các lời tuyên sấm của các vị thường bắt đầu với thuật ngữ ‘Thiên Chúa phán’ hay ‘Thiên Chúa đã phán’. Đó là cách các sứ giả thời xưa hay bắt đầu một sứ điệp các ông truyền miệng mang tới. Các tiên tri được Thiên Chúa kêu gọi để lắng nghe kế hoạch và sứ điệp của Người. Rồi các vị được Người sai đi mang sứ điệp ấy đến Ít-ra-en và mọi dân tộc. Có khi các vị được thấy thị kiến; có khi họ thuyết giảng; có khi họ dùng dụ ngôn hay thi ca và cả kịch bản nữa để nói với dân. Họ ít nói cho ta biết họ tiếp nhận sứ điệp của họ ra sao. Nhưng họ hoàn toàn xác tín rằng điều họ nói xuất phát từ chính Thiên Chúa.

Các tiên tri thường đi ngược lại ý kiến chính dòng. Khi mọi sự xem ra tốt đẹp, thì các vị tấn công các điều độc ác của xã hội và tiên đoán ngày tận số của nó. Khi dân bi quan, họ tiên đoán hy vọng. Họ đem tới những lời gây bối rối, đầy thách thức ấy từ Thiên Chúa vì lời kêu gọi của Thiên Chúa đã xâm nhập vào chính cuộc sống họ và làm chúng thay đổi một cách đáng kể.

Các tiên tri cũng là các thầy dạy kêu mời Ít-ra-en quay về vâng lời lề luật Thiên Chúa. Họ không rao giảng một thứ tôn giáo mới, nhưng áp dụng lời Thiên Chúa vào chính thời đại họ.

Cựu Ước được các tiên tri đóng góp rất nhiều. Không phải chỉ các sách tiên tri, mà cả cách sách lịch sử, nhất là các sách từ Giô-suê tới Sách 2 Các Vua, đều đã được các tiên tri hay những người từng học tập các giáo huấn tiên tri viết ra. Các vị viết lịch sử theo cái nhìn của Thiên Chúa. (Gr 23:18, 21-22; Am 7:1-2; Dcr 1:7-21; Gr 7; 18; 19; Is 1; Ed 5:17; 1V 18:19; Am 7:14-16; Is 6; Gr 1).

Các tiên tri giả: Trong lịch sử Ít-ra-en, luôn có các tiên tri giả mà vẫn vỗ ngực cho là sứ điệp của mình từ Thiên Chúa mà đến, trong khi thực sự không phải vậy. Một tiên tri có thể bắt đầu lời giảng của mình bằng câu ‘Thiên Chúa phán’, nhưng điều đó không hề bảo đảm nó thực sự là lời từ Thiên Chúa mà ra.Ta cần phải có cái nhìn thông sáng thiêng liêng để quyết đoán xem, trong một trường hợp cá biệt nào đó, điều gì là từ Thiên Chúa mà đến. Luật trong sách Đệ Nhị Luật xem ra hiểu rõ vấn đề đó nên đã đưa ra hai quy luật. Nếu một tiên tri nào đó tiên báo điều gì mà điều ấy không xẩy ra, ông ta là một tiên tri giả. Và nếu sứ điệp của ông dẫn người ta xa khỏi Thiên Chúa và lề luật của Người, thì đó là một tiên tri giả. (1V 22; Gr 28; Mk 3:5-7; Gr 23: 13-32; Đnl 13; 18:21-22).

Sứ điệp của các tiên tri: Giê-rê-mi-a quan niệm cuộc lưu đày như là kết liễu giao ước giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en: ‘Cả Ít-ra-en lẫn Giu-đa đã phá bỏ giao ước Ta đã ký với tổ tiên chúng’.

Tuy nhiên, các tiên tri vẫn tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi Ít-ra-en mặc dù họ không còn quyền đòi hỏi gì nơi Thiên Chúa nữa. Đó là lý do khiến cả các tiên tri từng vẽ nên một tương lai ảm đạm nhất cho dân vẫn nhìn quá bên kia thảm kịch mà thấy ra thời hy vọng. Trong A-mốt, có lời hứa nhà Đa-vít sẽ phục hồi được ngai vàng của mình; trong Hô-sê, có lời hứa Thiên Chúa sẽ chữa lành sự bất trung của Ít-ra-en; còn trong Giê-rê-mi-a, có lời hứa Thiên Chúa sẽ làm lại giao ước.

Bởi thế, sứ điệp của các tiên tri nhìn lại dĩ vãng để nhắc nhở Ít-ra-en phải vâng lời; nhìn vào hiện tại để đương đầu với những khủng hoảng của đức tin dân đang vướng phải; và hướng về tương lai vì các ngài tin rằng Thiên Chúa luôn cam kết với Ít-ra-en. Cam kết này có thể có nghĩa phải tàn phá Ít-ra-en trong một thời gian nhưng kết thúc sẽ là tái thiết nó. Thời điểm tàn phá và tái thiết Ít-ra-en ấy đôi khi được mệnh danh là ‘Ngày của Chúa’. Niềm hy vọng Đấng Được Xức Dầu sẽ mang đến việc tái thiết kia có cội rễ trong Cựu Ước, nhưng nó chỉ trở nên quan trọng vào những thế kỷ sau cùng trước khi Chúa Ki-tô xuất hiện. Đối với các tiên tri, thì đây chính là Thiên Chúa bước vào để tái lập Ít-ra-en. (Gr 11:10; Am 9:11-12; Hs 14:4; Gr 31:31-34; Am 9:9; Dcr 13:8-9; Is 2:12-17; Xô-phô-ni-a).

Lời tiên tri trong Tân Ước: Với ơn Chúa Thánh Thần đổ tràn trên mọi tín hữu, mọi người, đàn ông cũng như đàn bà đều có thể công bố sứ điệp của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn có ơn ‘tiên tri’ được nhắc đến trong Tân Ước. Đây là một trong các ơn đặc biệt Thiên Chúa ban cho một số các thành viên của Giáo Hội để họ xây dựng Giáo Hội ấy. Các lời tiên tri trong sách Khải Huyền, giống như các lời tiên tri trong sách Đa-ni-en của Cựu Ước, đều thuộc thể văn ta gọi là ‘khải huyền’, nghĩa là một thể văn đặc biệt giầu hình ảnh và biểu tượng chỉ có thể hiểu được bằng cách trước nhất áp dụng cho thời đại lúc sách ấy được viết ra. (Cv 2:17; 1Cr 11:5; 14:24, 29; 1Cr 12:10,29).