Tư liệu Thánh Kinh (26): Bản Văn Thánh Kinh

A. Tân Ước:

Về trường hợp Cựu Ước, ta chỉ có vừa đủ chứng cớ về bản văn. Nhưng với Tân Ước, có thể nói ta có quá nhiều bằng chứng! Các học giả phải giáp mặt với nhiều ngàn các bản chép tay Tân Ước từ thời cổ. Họ phải quyết định xem bản nào đáng tin hơn hết và bản nào giữ được dịch bản chính xác nhất so với nguyên bản.

Khởi nguyên, Tân Ước được chép bằng tiếng Hy Lạp. Các học giả hiện có nhiều ngàn bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp để tham chiếu. Thêm vào đó, họ còn nắm được nhiều bản dịch Tân Ước đầu hết qua tiếng La Tinh, tiếng Sy-ri-ác, tiếng Ai Cập và nhiều ngôn ngữ khác. Họ cũng còn có thể tham chiếu những câu trích mà các văn sĩ và thần học gia Ki-tô giáo tiên khởi đã dẫn từ Tân Ước (dù những trích dẫn này đôi khi không chính xác). Nhiều bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp có chứa bản văn Tân Ước đã được tiêu chuẩn hóa vào thế kỷ thứ năm CN. Bản văn Hy Lạp được in lần đầu năm 1516, trong hình thức đã được nhà học giả Hòa Lan là Erasmus chuẩn bị. Cho đến lúc đó, chưa có ai đặt nghi vấn về sự chính xác của bản văn này.

Trong hai thế kỷ tiếp theo, một số bản Thánh Kinh có thêm các ghi chú cho thấy các bản chép tay khác khác bản tiêu chuẩn của Tân Ước ra sao. Các thí dụ đặc biệt quan trọng bao gồm bản của Stephanus, đã được dùng để dịch Bản của Vua James tại Anh (1611), và ấn bản Elzevir (1633), đã trở thành tiêu chuẩn cho các bản dịch Tân Ước tại Âu Châu (nó được biết dưới danh hiệu Bản Được Chấp Nhận – Textus Receptus).

Nhưng trong hai thế kỷ 18 và 19, các học giả bắt đầu đào sâu hơn vào lịch sử bản văn Tân Ước. Họ khám phá thấy rằng nhiều bản chép tay Tân Ước cổ hơn rất khác so với bản tiêu chuẩn của thế kỷ thứ 5. Họ cho thấy điều quan trọng là phải hỏi xem các bản chép tay có từ lúc nào và chúng có giá trị đến đâu hơn là cứ loay hoay đi tìm xem có bao nhiêu bản còn sống sót. Các học giả khác lại thấy điều này là các bản chép tay có thể gom thành từng ‘gia đình’ có chung một loại văn bản tương tự. Ngày nay, người ta biết các ‘gia đình’ gồm các bản văn xưa hơn như các bản văn Alexandria và Tây Phương duy trì được nhiều chính xác so với các trước tác nguyên thủy hơn bản tiêu chuẩn của thế kỷ thứ 5.

Các bản chép tay đã được chép ra sao: Trước khi khám phá ra việc in ở Phương Tây vào thế kỷ 15, mọi trước tác đều được chép tay để lưu hành. Việc ấy thường được thực hiện bởi một nhóm ký lục, mỗi người chép một bản theo lời đọc của viên trưởng ký lục. Nếu viên ký lục nghe không rõ hay không chú tâm đủ, thì lầm lẫn sẽ xẩy ra. Cũng có thể một người duy nhất sao chép lại một bản chép tay nguyên khởi cũng có thể đọc sai bản gốc ấy, và do đó vô tình đưa vào bản chép tay của mình một lầm lỗi. Ít có tư nhân nào có khả năng sở hữu một bản chép tay. Vì phí tổn của chúng rất cao, nên chỉ có các giáo đường Ki-tô giáo mới sở hữu được các bản chép tay này cho giáo dân trong giáo đường cùng sử dụng. Thoạt đầu, các sách Tân Ước thường được chép tay trên những cuộn papyrus, da hay giấy da. Nhưng khỏang từ thế kỷ thứ hai, các Ki-tô hữu bắt đầu sử dụng hình thức sách như ta có hiện nay (gọi là Codex). Hình thức ấy dễ xử lý hơn hình thức sách cuộn nhiều phiền phức.

Một bản văn Tân Ước đáng tin cậy: Hai trong các nhóm bản chép tay Tân Ước quan trọng nhất là bản Bodmer Papyri (một trong số này có từ cuối thế kỷ thứ 2) và bản Chester Beatty Papyri (có lẽ đã có từ đầu thế kỷ thứ 3). Nhưng các bản này chỉ chứa một phần Tân Ước mà thôi. Bộ Codex Sinaiticus, được định niên biểu ở thế kỷ thứ 4, chứa đầy đủ trọn bộ Tân Ước; và bộ Codex Vaticanus chứa mọi điều cho đến Thư Do Thái 9:13. Cả hai bộ chép tay này có lẽ đã được các nhà sao chép chuyên nghiệp ở Alexandria, Ai Cập thực hiện.

Hai bộ chép tay này là hai nguồn chính cho bản văn Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp được hai học giả Westcott và Hort san định vào thế kỷ thứ 9. Phần lớn các học giả nhất trí rằng chúng chính xác hơn bản tiêu chuẩn của thế kỷ thứ 5, một bản đã được biết bao các dịch bản trước đó sử dụng. Hai bộ papyrus được khám phá ra sau thời của Westcott và Hort. Nhưng chúng đã được sử dụng cùng các bản văn khác để đạt được một dịch bản chính xác hơn cho Tân Ước. Kể từ đó, người ta còn khám phá ra nhiều bản papyrus khác nữa. Không một bản chép tay đơn độc nào được coi là thượng thặng cả. Chứng tá mỗi bản cần được cân nhắc thận trọng.

Trong suốt hơn 250 năm qua, nhiều học giả thận trọng đã cật lực làm việc để đảm bảo mang lại cho ta một Tân Ước càng gần với các soạn giả nguyên thủy bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Vẫn còn tồn đọng một ít phạm vi hoài nghi, nhưng chỉ là về những điểm không quan trọng của cách dùng từ. Và không điểm nào trong số ấy khiến người ta phải hoài nghi ý nghĩa căn bản của Tân Ước.

Các Sách Tân Ước đã được sưu tập ra sao: Mặc dù chỉ có rất ít chứng cớ trực tiếp từ những năm tháng đầu tiên, chúng ta vẫn có được ý niệm rõ rệt về cách Tân Ước đã có được hình thù như ngày nay ra sao. Những cuộc tụ họp tiên khởi của Ki-tô hữu có lẽ đã theo tập tục của các hội đường Do Thái trong đó có việc thường xuyên đọc các bài đọc Cựu Ước. Vì họ thờ lạy Chúa Giê-su Ki-tô, nên lẽ dĩ nhiên họ sẽ thêm vào các trình thuật về một phần cuộc đời và giáo huấn của Người.

Thoạt đầu, điều ấy có thể xẩy ra dưới hình thức trình thuật đầu tay của một ai đó từng biết Chúa Giê-su lúc sinh thời của Người. Nhưng khi các giáo hội gia tăng tín hữu và các nhân chứng tận mắt bắt đầu ra đi, người ta thấy rõ cần phải ghi chép lại các trình thuật trên. Đó chính là cách ra đời bốn sách phúc âm (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an). Và chắc chắn những sách này có một chỗ đứng quan trọng trong việc thờ phượng và sinh hoạt nơi các giáo hội tiên khởi.Rồi các tông đồ và các nhà lãnh đạo khác còn viết một số thư từ gửi các giáo hội và cá nhân khác nhau. Vì những thư này thường đưa ra các hướng dẫn thực tiễn về cuộc sống và các niềm tin Ki-tô giáo, nên người ta mau chóng nhận ra sự hữu dụng của chúng đối với toàn bộ giáo hội. Sách Tông Đồ Công Vụ được chấp nhận vì nó tiếp diễn trình thuật từ Phúc Âm Lu-ca. Nó duy trì được một trình thuật duy nhất đầy đủ về buổi khởi đầu của Ki-tô giáo.

Ta biết rằng vào khoảng năm 200 CN, giáo hội chính thức sử dụng bốn sách phúc âm, chứ không dùng sách phúc âm nào khác, mặc dù có rất nhiều câu truyện tưởng tượng về Chúa Giê-su và nhiều trước tác của các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo khác sau các Tông Đồ được lưu hành rộng rãi. Nhưng các giáo hội chính dòng rõ ràng chỉ nhận bốn sách phúc âm của Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an như là các sách có thế giá nói về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giê-su. Cũng vào thời gian này, các thư thánh Phao-lô đã được mọi người chấp nhận có tầm quan trọng như các phúc âm.

Chỉ sau đó, các sách còn lại của Tân Ước mới được mọi người chấp nhận. Như Khải Huyền chẳng hạn, chắc chắn đã được đọc từ thế kỷ thứ 2. Nhưng phải qua thế kỷ thứ 3, nó mới được lưu hành rộng rãi. Thư Do Thái được đọc khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, nhưng phải một thời gian khá lâu sau, nó mới được các giáo hội Phương Tây chấp nhận. Nó không được mọi nơi thuộc giáo hội Phương Tây chấp nhận cho đến tận thế kỷ thứ 4, một phần vì có người hoài nghi nó không do thánh Phao-lô viết.

Cũng phải mãi lâu sau các thư thứ 2 của thánh Phê-rô, thư thứ 2 và 3 của thánh Gio-an, thư thánh Gia-cô-bê và thư thánh Giu-đa mới được giáo hội nhìn nhận là Thánh Kinh căn bản. Điều ấy một phần có lẽ vì nội dung của các thư này. Các sách Tân Ước thoạt đầu chủ yếu chỉ được dùng để đọc công khai. Nếu không thích hợp cho việc đọc công khai ấy, xem ra sự hữu dụng của chúng bị giới hạn. Rõ ràng không một công đồng riêng rẽ nào đã tự ý quyết định những sách nào tạo thành bộ Tân Ước. Đúng hơn, sau một thời gian dài, giáo hội mới nhận ra trước tác nào có thế giá rõ ràng và tổng quát, hữu ích và cần thiết cho việc lớn mạnh của mình. Tại Công Đồng Laodicea (năm 363 CN) và Công Đồng Carthage (năm 397 CN), các giám mục đã nhất trí về một danh sách các sách giống y bộ Tân Ước của chúng ta hiện nay, ngoại trừ tại Laodicea, Khải Huyền bị bỏ qua một bên.

Trên hết, các giáo hội lo lắng đến việc các sách được liệt kê trong bộ Tân Ước phải đảm bảo thực sự nói lên chứng tá và kinh nghiệm của các tông đồ, vì họ là những người sống gần gũi nhất với Chúa Giê-su.

B. Cựu Ước:

Cựu Ước chiếm 46 (Tin Lành: 39) cuốn đầu của Thánh Kinh Ki-tô giáo. Những sách này đều là các trước tác thánh, hay thánh kinh, của dân Do Thái, và tôn giáo của họ là Do Thái Giáo. Chúng được viết đầu tiên bằng tiếng Hi-bá-lai và A-ram, các ngôn ngữ cổ thời của Do Thái. Một số sách này xưa đến nỗi người ta không biết gì về nguồn gốc của chúng. Các ký lục Do Thái thường thỉnh thoảng lại thực hiện những bản sao chép mới cho các sách thánh này. Nhưng các bản chép này không tồn tại lâu trong khí hậu ác nghiệt của các lãnh thổ Thánh Kinh, nên ta không có được nhiều bản chép cổ xưa lắm. Cho đến năm 1947, bản chép tay cổ nhất của Cựu Ước bằng tiếng Hi-bá-lai có niên hiệu ở thế kỷ thứ 9 và thứ 10 CN. Chúng là các bản chép năm sách đầu tiên của Thánh Kinh, thường gọi là Ngũ Kinh. Rồi qua năm 1947, người ta khám phá ra Các Sách Cuộn Biển Chết. Đó là những bản chép tay rất sớm thuộc một thư viện của một nhóm tôn giáo Do Thái rất phồn thịnh tại Qumram, gần Biển Chết, gần cùng thời với Chúa Giê-su. Các bản chép tay này cổ hơn các tài liệu thuộc thế kỷ 9-10 vừa nhắc đến cả ngàn năm. Trong số các Sách Cuộn Biển Chết này, ta thấy đủ các bản chép Cựu Ước, ngoại trừ Sách Ét-te.

Các bản chép tay Qumram cổ xưa này rất quan trọng vì xét trong yếu tính, chúng hoàn toàn giống như các bản thuộc thế kỷ 9-10 vừa kể. Như thế, trong cả hàng ngàn năm, bản văn Cựu Ước chỉ thay đổi rất ít. Những nhà sao chép thận trọng đã chỉ phạm những lỗi hay những thay đổi nhỏ. Dĩ nhiên, ở một vài chỗ, các chữ và kiểu nói khác nhau đã được sử dụng. Và đôi khi gần như không thể hiểu một cách chính xác từ Hi-bá-lai đó có nghĩa gì nữa. Nhưng ta có thể tin tưởng rằng xét trong bản thể, Cựu Ước như ta có hiện nay giống hệt Cựu Ước do các soạn giả cách ta bao nhiêu thế kỷ từng viết ra.

Bản văn Cựu Ước cũng đã đến với chúng ta qua các bản dịch rất sớm. Những bản dịch này cũng chứng thực tính chính xác trong bản văn tiếng Hi-bá-lai của Cựu Ước mà hiện nay chúng ta đang dùng.

Một trong các bản dịch quan trọng nhất chính là bản Cựu Ước dịch qua tiếng Hy Lạp, gọi là Bản Bẩy Mươi. Người Do Thái nói tiếng Hy Lạp và nhiều Ki-tô hữu trong các thế kỷ đầu đả sử dụng Bản Bẩy Mươi này. Một tài liệu cổ xưa khác, gọi là Thư Aristeas, cho thấy Bản Bẩy Mươi đã được thực hiện cho các người Do Thái sống tại Ai Cập dưới thời Pha-ra-ô Pơ-tô-lê-mai Philadelphus (285-246 trước CN).

Tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính của Đế Quốc La Mã và nhiều dịch bản khác về Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp đã được sử dụng trong các thế kỷ đầu tiên của Ki-tô giáo. Đôi khi bản dịch Hy Lạp giúp làm rõ nghĩa nhiều phần tối nghĩa trong bản Hi-bá-lai, nhưng thường là không chính xác. Các bản dịch khác đôi khi có thể giúp về phương diện này. Thí dụ, học hỏi các ghi chú trong bất cứ bản dịch hiện đại nào. Sau này, khi Ki-tô giáo phát triển tới các dân tộc nói các thứ tiếng khác, Cựu Ước đã được dịch sang tiếng La Tinh (Bản Phổ Thông), tiếng Sy-ri-ác (Bản Peshitta) và tiếng Ai Cập (Bản Coptic). Không thể biết chắc được việc Cựu Ước đã được gom thành bộ như ta biết hiện nay ra sao. Nhưng ta biết rõ Cựu Ước gồm những sách nào vào thời trước khi Chúa Giê-su sinh ra, và ta có thể biết các sách nào được Chúa Giê-su và các môn đệ coi là ‘Thánh Kinh’ của các Vị.

Người Do Thái có truyền thống mạnh cho rằng ký lục Ét-ra (truyện về ông được kể trong Sách Ét-ra) đã sắp xếp và sưu tập các sách của Cựu Ước. Nhưng việc sưu tập năm sách đầu tiên (‘các sách của Mô-sê’ hay Ngũ Thư) và một số bài giảng của các tiên tri thì đã xẩy ra trước đó nhiều, cả các thánh vịnh và cách ngôn cũng thế.

Người Do Thái sắp xếp các sách thánh của họ thành ba nhóm: Sách Luật, Sách Tiên Tri và Các Trước Tác. Các ‘Sách Luật’ bao gồm năm sách đầu tiên của Cựu Ước (từ Sáng Thế tới Đệ Nhị Luật). Dù Sách Sáng Thế không chứa ‘luật’ nào đúng nghĩa, nhưng đã được xếp vào đây chỉ vì người ta tin cả năm cuốn đều do Mô-sê viết ra. Các ‘Sách Tiên Tri’ không những bao gồm sứ điệp của những vị như A-mốt, Giê-rê-mi-a, I-sai-a và nhiều vị khác, mà còn bao gồm cả các sách lịch sử như Sách Giô-suê, Sách Thủ Lãnh, Sách Sa-mu-en 1 và 2, Sách các Vua 1 và 2. Các Sách này được xếp vào loại các Sách Tiên Tri, vì chúng không những quan tâm đến các sự kiện mà cả đến ý nghĩa của lịch sử theo cái nhìn của Thiên Chúa nữa. ‘Các Trước Tác’ bao gồm các sách khôn ngoan (những lời dạy khôn ngoan): Sách Cách Ngôn, Sách Giảng Viên, Sách Gióp, và một số sách lịch sử viết sau này như Sách Ét-ra, Sách Nơ-khe-mi-a và các Sách Sử Biên, và một sách tiên tri, đó là Sách Đa-ni-en.

Rõ ràng là đến thời Chúa Giê-su, Thánh Kinh Do Thái gồm 46 sách như ta biết hiện nay về Cựu Ước. Phần lớn các sách trong Cựu Ước của chúng ta đã được trích dẫn đâu đó trong Tân Ước. Điều ấy chắc chắn cho thấy Chúa Giê-su và các môn đệ hết sức quen thuộc với Cựu Ước như ta biết hiện nay.