Tư liệu Thánh Kinh (25): thuốc thang

Trong Thánh Kinh, dù các triệu chứng có được mô tả, song không thể biết rõ đó là những căn bệnh gì. Một vài hình thức phong cùi khá chung chung. Việc thiếu thực phẩm trong mùa hạn hán cộng với cái nóng và nạn thiếu nước uống thường tạo ra các bệnh kiết lỵ, thổ tả, thương hàn và phù thũng. Không khí đầy bụi bặm khiến bệnh mù trở nên rất thông thường. Ngoài ra, còn nạn điếc và què. Tử xuất trẻ em rõ ràng là rất cao. Các bệnh tâm thần không phải là hiếm. Nhưng Thánh Kinh thường không phân biệt rõ giữa loại bệnh này với việc bị qủy ám. Cũng có niềm tin bình dân cho rằng các cơn động kinh là do mặt trăng tạo nên (Trong Phúc âm Mát-thêu 4:24, ‘động kinh’ là dịch từ chữ có nghĩa đen là ‘bị mặt trăng phạt’). (2Sm 12:15; 2V 4:20; 1V 17:17; 2V 5:1-14; 1Sm 19:9; Đn 4:33).

Thái Độ đối với bệnh tật: Tại Ít-ra-en, thái độ đối với bệnh tật luôn luôn khác biệt với thái độ của các nước lân bang. Người Lưỡng Hà và người Ai Cập thời cổ xưa luôn luôn coi bệnh tật là trò tinh quái của các thần xấu.Cho nên, chữa chạy phải là việc của các tư tế giữ vai ‘trừ qủy’ và bao gồm các việc như niệm chú và ma thuật và các phương pháp tương tự khác. Ít-ra-en cũng coi sức khỏe là việc tôn giáo nhưng sở dĩ coi như thế vì họ tin chắc rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Mọi xấu tốt đều do Người mà đến. Sức khỏe là ơn phúc của Thiên Chúa. Bệnh tật là dấu chỉ mối liên hệ thiêng liêng giữa người bệnh và Thiên Chúa đã xụp đổ. Cho nên, ma thuật bị nghiêm cấm, dù người bình dân có thực hiện phần nào. Việc khám phá ra nhiều đồ vật nhỏ, có lẽ dùng làm bùa ngải, xem ra đã xác nhận điều trên.

Tuy nhiên, thái độ đối với bệnh tật như trên cũng có khuyết điểm của nó. Thiên Chúa là người duy nhất chữa bệnh. Người đã ban cho dân một số luật lệ. Nếu họ vâng theo, họ sẽ khỏe mạnh. Nếu không vâng theo, họ sẽ bệnh hoạn. Đôi khi Thiên Chúa dùng cả tiên tri làm người chữa bệnh. Nhưng điều ấy rất họa hiếm và trên thực tế không hề có chỗ nào dành cho bác sĩ cả, chẳng ai quan tâm tìm ra lý do của bệnh, và kỹ năng y khoa ít có ở nơi nào.

Vua Ba-by-lon là Hammurabi đã đưa ra một bộ luật vào năm 1700 trước CN. Bộ luật này xác định lệ phí của các bác sĩ, và đặt để các hình phạt đối với bác sĩ nào bất cẩn trong lúc mổ xẻ. Người Ai Cập cũng có mổ xẻ, nghiên cứu giải phẫu học bằng cách xẻ thịt các xác chết, và ghi chép các hiểu biết về mổ xẻ trên giấy sậy. Nhưng điều ấy không được ai nghĩ tới tại Ít-ra-en. Trong Thánh Kinh, lời nhắc đầu tiên đến các thầy thuốc là một lời chỉ trích: ‘A-xa bị què vì chứng bệnh hiểm nghèo ở chân; nhưng cả khi ấy, ông cũng không chạy tới xin Chúc cứu giúp, mà lại chạy tới bác sĩ’. Tuy thế, Sách Gióp thách thức quan niệm cho rằng bệnh tật luôn luôn là hậu quả trực tiếp của tội lỗi bản thân. Qua thế kỷ thứ hai trước CN, thế giá các bác sĩ có gia tăng. Sách Huấn Ca nói rằng dù Thiên Chúa là người chữa bệnh, nhưng Người ban tài chữa bệnh cho người phàm và cung cấp thuốc chữa nhiều chứng bệnh. Chúa Giê-su cưỡng lại quan điểm cho rằng tội lỗi đặc thù nào đó luôn là nguyên nhân tạo ra bệnh tật. Người coi bệnh tật như bằng chứng quyền lực sự ác trên thế gian. Khi chữa bệnh, Người quả đã tấn công vào vương quốc của Xa-tan, nhưng điều này không hề hàm nghĩa chỉ trích công việc các thầy thuốc. Tuy thế, thái độ tổng quát khó mà thay đổi được, như câu tục ngữ của Do Thái đã chứng minh: ‘Thầy thuốc ơi, hãy chữa ông trước đã’ hay ‘Đừng sống trong một thành phố mà thị trưởng là một y sĩ, vì ông ta sẽ chỉ để ý đến việc công mà quên bệnh nhân của mình’ hay ‘Kẻ khá nhất trong các thầy thuốc cũng đáng sa hoả ngục’. (Lv 26:14-16; Đnl 7:12-15; 2Sb 16:12; Ga 9:3; Lc 13:16; Mc 2:17; Lc 4:23).

Chữa bệnh: Quả là thích thú khi thấy luật lệ Do Thái được bù trừ nhờ nạn dốt nát tổng quát về vệ sinh ra sao. Vâng lời các luật lệ đó là một phần của bổn phận tôn giáo, nhưng việc vâng lời ấy hiển nhiên còn góp phần giữ cho người ta được khỏe mạnh nữa. Trước nhất, phải có một ngày được nghỉ ngơi hoàn toàn để bồi dưỡng thể xác và tinh thần. Rồi có một số thực phẩm không được ăn. Như thịt heo chẳng hạn là thứ trong miền khí hậu hạ nhiệt đới, mang theo khá nhiều nguy cơ nhiễm độc. Và phải giữ cho nguồn nước không bị nhiễm độc.

Mọi người thuộc nam giới phải cắt da quy đầu, một thủ tục được tin là để ngăn ngừa các bệnh hoa liễu.

Không đàn ông nào được cưới người cùng gia đình. Phải cẩn thận chú ý đến việc giữ sạch sẽ, trong các thói quen bản thân hàng ngày cũng như trong các liên hệ tính dục. Đó là những bằng chứng xưa nhất về một thứ y khoa phòng ngừa. Các tư tế có nhiệm vụ chấp pháp các luật lệ này và đặc biệt phải lưu tâm đến trường hợp ‘bệnh cùi’ (dù đây không hẳn là thứ bệnh cùi ta biết ngày nay). Các tiên tri đôi lúc cũng quan tâm về sức khỏe. Ê-li-sa trung tính hóa các hương liệu độc hại, rửa sạch nguồn nước cho Giê-ri-khô và giúp chữa trị cho Na-a-man và đứa con trai người đàn bà Su-nêm. Trong Sách 2 Các Vua 20:1-7, I-sai-a khuyên Khít-ki-gia đắp thuốc cao lấy từ cây vả vào chỗ phỏng, một thứ ‘toa thuốc’ thực sự duy nhất trong Cựu Ước.

Để giữ vệ sinh cá nhân, người ta dùng nhiều loại dầu và nước hoa: hải đào (myrtle), nghệ vàng (saffron), trầm hương (myrrh) và hương cam tùng (spikenard). Dầu ô-liu và ‘dầu bôi Ga-la-át’ (một thứ nhựa thơm) để uống hay thoa lên các vết thương và vết phỏng. Mô tả của I-sai-a về Giu-đa giải thích phần nào cách chữa các vết thương: ‘Mình mẩy người đầy vết bầm vết sưng và vết thương mở rộng. Các vết thương của ngươi không được rửa ráy hoặc băng bó. Cũng không có dầu xức lên chúng’. Một số dược thảo có thể đã được dùng làm thuốc giảm đau, như ‘rượu nho pha với chất thuốc gọi là trầm hương’ dâng lên cho Chúa Giê-su trên thánh giá. Nhiều dược thảo hữu hiệu đã được biết đến, tuy nhiên trong đó cũng có nhiều điều dị đoan. Thí dụ, nhiều người tin rằng rễ khoai ma (mandrake) giúp phụ nữ mang thai. Chân tay gẫy được bó kỹ và nạng có thể đã được sử dụng. Nhưng không có bằng chứng gì là đã có những cuộc giải phẫu đúng nghĩa được thực hiện thời Cựu Ước tại Ít-ra-en, ngoại trừ việc đã khám phá ra tại La-khít 3 bộ xương não có khoét lỗ thuộc thế kỷ thứ tám. Loại giải phẫu này khá phổ biến để giảm áp lực (hay trừ qủy).

Dĩ nhiên, từ thời rất cổ xưa, đã có các bà đỡ người Do Thái. Ngay trước thời Xuất Hành, có thể họ đã lập thành phường hội với đầy đủ quy tắc hành nghề và lãnh tụ được nhìn nhận (2 lãnh tụ được liệt kê tại Xh 1:15). Các bà mẹ đôi khi qua đời trong lúc sinh con, nhưng thường thì các bà đỡ khá lành nghề. Ta-ma sinh đôi thành công dù hai cái thai xem ra nằm ở vị thế khó khăn (St 38:27-30). Ê-dê-ki-en, khi nói về Giê-ru-sa-lem, đã cho biết ít điều về việc chăm sóc sau khi sinh: ‘khi ngươi sinh ra, không ai cắt rốn hoặc thoa muối hay quấn tã cho ngươi’. Nghề bà đỡ có lẽ là nghề công khai danh giá duy nhất dành cho phụ nữ thời bấy giờ. (Xh 20:8; Lv 11:13-23; 2V 4:41; 2:19-22; 5; 4:18-37; Gr 8:22; Lc10:34; Is 1:6; Mc15:23; St 30:14; Ed 30:21; 16:4).

Thời Tân Ước: Tại Hy Lạp, y khoa và giải phẫu đã trở thành nghề chuyên môn cao, dù vẫn còn pha trộn ít nhiều ma thuật. Chính một người Hy Lạp tên Hippocrates đã đặt ra các nguyên tắc định rằng các bác sĩ phải quan tâm đầu hết đến sự sống và phúc lợi của bệnh nhân; và rằng các bác sĩ không được lạm dụng các bệnh nhân phụ nữ, hoặc cung cấp dịch vụ phá thai; và điều nữa: họ không được tiết lộ các tin tức mật. Có lúc, các thầy thuốc đều là công chức, được trả lương và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho dân. Sau này, người La Mã chấp nhận một số các tập tục đó. Dụng cụ mổ xẻ và các nhãn toa thuốc đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật tại các thành phố La Mã, và tại A-lê-xan-ri-a bên Ai Cập còn có cả một trường thuốc nữa. Người bạn đồng hành của thánh Phao-lô là Lu-ca vốn là một thầy thuốc. Ngôn ngữ ngài dùng trong Phúc âm Lu-ca và trong Công vụ đôi khi bao gồm các từ y khoa của nền y học Hy Lạp.

Tại chính Pa-lét-tin, các rabbis đòi mỗi thành phố phải có một y sĩ, nếu được một y sĩ phẫu thuật thì càng tốt (người đàn bà mắc bệnh hoại huyết đến với Chúa Giê-su, sau khi đã tiêu hết tiền cho các y sĩ). Luôn luôn có một y sĩ trong số các viên chức của đền thờ. Công việc của ông là săn sóc các tư tế, là những người đi chân đất làm việc, nên dĩ nhiên dễ mắc nhiều chứng bệnh.

Nha khoa đã được thực hành ngay thời Ai Cập cổ xưa (một số xác ướp còn nguyên răng trồng bằng vàng! Và nhà sử học Hy Lạp là Herodotus cho ta hay năm 500 trước CN, người Phê-ni-xi đã làm được răng giả. Tại Ít-ra-en, không có bằng chứng nào về tập tục đó. (Cl 4:14; Lc 5:12; 13:11; 14:2; Cv 12:23; Mc 5:26).